Trí thông minh của trẻ ngoài việc được xác định bởi gen từ cha mẹ còn có sự tác động của những yếu tố bên ngoài.
Người xưa có câu: “Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột sinh ra chuột”. Tuy nhiên đây chỉ là một phần nhỏ, bởi trong cuộc sống hiện đại ngày nay, các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều yếu tố tác động tới sự thông minh của trẻ.
Tiến sĩ Wei, giám khảo chương trình khoa học “Bộ não mạnh mẽ nhất” cho biết: “Hầu hết các thí sinh tài năng của chương trình đều không phải tự nhiên mà giỏi, các em đạt được trình độ như hiện nay bởi đã trải qua quá trình rèn luyện, cố gắng rất dài”.
Nói cách khác, những người được gọi là “thiên tài” không phải tự nhiên khi sinh ra đã sở hữu chỉ số IQ vượt trội. Mà họ phải trải qua quá trình nỗ lực để phát triển bản thân.
Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trẻ em của Đại học Harvard đã chỉ ra 3 thời kỳ “vàng” mà cha mẹ cần làm để giúp trẻ phát triển trí não một cách tốt nhất.
Các thời kỳ này không dài, chỉ diễn ra trong 12 năm đầu đời ở trẻ nhưng giúp trẻ cải thiện tư duy, hoàn thiện não bộ trong thời gian ngắn nhất. Bởi thông qua nhiều thí nghiệm quy mô lớn, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng:
– Trước 3 tuổi: Trẻ mới phát triển được 60% não bộ.
– Trước 6 tuổi: Con số ấy tăng lên là 80%.
Tuy nhiên, nó có xu hướng chững lại khi trẻ ở độ tuổi từ 10 – 13, bởi lúc này sự phát triển não bộ về cơ bản đã hoàn thiện.
– Sau năm 15 tuổi về cơ bản não bộ của trẻ gần như không có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, các nhà tâm lý học cũng làm một thí nghiệm khác với những đứa trẻ sơ sinh. Họ đặt những đứa bé vào 2 môi trường khác nhau:
Nhóm trẻ sơ sinh thứ nhất được đặt trong môi trường bình thường, xung quanh yên tĩnh với những bức tường. Còn nhóm trẻ sơ sinh thứ hai được đặt trong môi trường đa sắc thái, có tiếng nhạc, những câu chuyện về mỹ thuật, tiếng các bác sĩ, y tá hàng ngày bận rộn với công việc.
Sau một thời gian, các chuyên gia phát hiện mức độ phát triển trí tuệ của những trẻ nhóm một chậm hơn 3 tháng so với trẻ ở nhóm hai. Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra kết luận về khả năng nhận thức và trí nhớ của những đứa trẻ nhóm số 2 tốt hơn nhóm số 1 rất nhiều.
Vậy nên, có thể thấy những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng lớn tới sự phát triển IQ của trẻ. Gen của cha mẹ dù có mạnh đến đâu nhưng cách nuôi dạy không khoa học cũng kìm hãm sự phát triển của trẻ.
Để giúp cải thiện IQ của trẻ, cha mẹ hãy tập trung vào 3 giai đoạn vàng sau đây.
Giai đoạn thứ 1: Trẻ từ 0 – 3 tuổi
Đây là giai đoạn “vàng” đầu tiên và cực kỳ quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ. Khi trẻ mới sinh ra, trẻ cần tiếp nhận những điều mới từ thế giới bên ngoài.
Theo thống kê, ở độ tuổi 0 – 2, não bộ của trẻ có thể thiết lập tới 700 kết nối nơ ron thần kinh/ mỗi giây. Sự kết nối nơ ron càng phong phú, trẻ càng nhạy bén và thông minh. Trọng lượng não của trẻ sơ sinh chỉ là 390g, đến 3 tuổi đã đạt 1000g, bằng 85% trọng lượng não người trưởng thành.
Đây là thời điểm cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con, cho con cùng nghe nhạc, nghe podcast,… để giúp trẻ biết nói sớm, có kỹ năng tổ chức ngôn ngữ và diễn đạt vững chắc, biết giao tiếp, phản hồi với những người xung quanh nhiều hơn. Như vậy, não bộ được kích thích và rèn luyện kịp thời sẽ trở nên linh hoạt hơn.
Giai đoạn thứ 2: Trẻ từ 3 – 6 tuổi
Đây là giai đoạn “vàng” thứ 2 để phát triển IQ cho trẻ. Sau 3 tuổi, trẻ bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn và chịu tác động bởi nhiều thứ. Lúc này, trẻ đã dần hình thành tính cách, cha mẹ rất dễ bồi dưỡng trí thông minh cho con.
Hơn nữa, trong độ tuổi này trẻ bắt đầu có những đòi hỏi, lắng nghe, tò mò mọi thứ,… Vậy nên hãy kiên nhẫn với con, để con tự trải nghiệm và nhận thức sẽ giúp con phát triển não bộ, tăng cường tư duy.
Bên cạnh đó, đây cũng là lúc trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo, có sự tiếp xúc với thế giới nên ngoài. Khi đến trường học, trẻ sẽ được mở mang tư duy, tiếp xúc nhiều người từ đó phát triển nhận thức não bộ hoàn chỉnh hơn.
Cũng trong giai đoạn này, kinh nghiệm của trẻ càng phong phú, trẻ được học hỏi nhiều kiến thức, kĩ năng giúp các dây thần kinh não bộ phát triển, cấu trúc hoàn thiện, IQ cũng được cải thiện nhanh chóng.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho con chơi các trò chơi thông minh, đòi hỏi sự tư duy như: Khám phá mê cung, xếp hình, lắp ráp,… để trau dồi khả năng quan sát, phân tích và phân biệt của trẻ, cũng như phát triển tiềm năng não bộ.
Cha mẹ hỗ trợ con tốt trong giai đoạn này giúp con sau khi vào cấp 1 có năng lực rèn luyện tư duy ở mức độ nhất định, đầu óc nhạy bén, có khả năng tự học, tập trung và giải quyết được các vấn đề trong học tập.
Giai đoạn thứ 3: Trẻ từ 7 – 12 tuổi
Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu vào học cấp 1, mọi kiến thức thực tiễn mà trẻ nhận biết sẽ được não bộ tự động hóa thành hệ thống.
Đây cũng là giai đoạn trẻ lộ rõ sự rối loạn, khiến nhiều cha mẹ thấy khó chịu và bất lực khi con tiếp thu bài chậm, chán nản, không thích học. Thật ra, điều này dễ hiểu bởi trẻ chưa thể tự nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc học.
Nhà tâm lý học phát triển Piaget cũng gọi độ tuổi này là “giai đoạn hoạt động của trẻ”.
Trẻ ở giai đoạn này tuy có khả năng tư duy trừu tượng tốt nhưng rất cần sự kiên nhẫn, giảng giải chi tiết và đúng trọng tâm từ cha mẹ và thầy cô. Có như vậy, trẻ mới tiếp thu nhanh và nhớ lâu.
Vì vậy, cha mẹ cần sát sao hơn với con trong việc học và rèn luyện tư duy. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần cho con không gian để có thể vừa học vừa chơi hợp lý, giúp con không cảm thấy chán nản, dễ tiếp thu mọi thứ hơn.
Nguồn: Toutiao