Nhiều học sinh than thở: “Con làm bài Văn dài tới tận 5 trang nhưng …

12 mins read
Nhiều học sinh than thở: “Con làm bài Văn dài tới tận 5 trang nhưng …

Nhiều học sinh than thở: “Con làm bài Văn dài tới tận 5 trang nhưng chỉ được vài điểm”, nhà văn chỉ ra 1 thiếu sót vô cùng quan trọng

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 14:28 28/11/2023

Tình trạng chung của không ít học sinh là cố gắng đánh vật để đạt điểm trên 5 với môn Ngữ Văn, học theo kiểu đối phó, học cho… có.

  • 1 bài thi đại học môn Văn đạt điểm 10 từ 18 năm trước gây sốt trở lại: Cùng vào tác phẩm Vợ Nhặt
  • Chân dung thủ khoa thi vào lớp 10 TP.HCM: Môn Văn viết 9 mặt giấy, từng giấu bố mẹ lén học đến sáng
  • Tranh cãi tuyển sinh ngành Y bằng môn Văn: Bộ GD&ĐT lên tiếng

Ở cấp trung học, Toán và Ngữ Văn là hai môn quan trọng nhất với thời lượng tiết học cũng nhiều nhất. Trong đó, với môn Ngữ Văn, cái khó với rất nhiều người là không biết viết thế nào hoặc viết rất nhiều nhưng không đúng trọng tâm, không nêu bật được ý chính cần thiết. Tình trạng chung của không ít học sinh là cố gắng đánh vật để đạt điểm trên 5 với bộ môn này, học theo kiểu đối phó, học cho… có.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả cuốn Cùng Con Bước Qua Các Kỳ Thi” cho rằng, nhiều đơn vị tuyển dụng phàn nàn, sinh viên ra trường không thể viết một đơn xin việc cho ra hồn. Chưa kể nếu có đi làm sẽ không biết soạn thảo công văn hay viết một vài trang để thuyết trình dự án. Lỗi cơ bản chính là cách sử dụng vốn từ của các em quá kém, điều này là hạn chế rất lớn khi tham gia thị trường lao động ngày càng đòi hỏi chất lượng cao.

Nhiều học sinh than thở: Con làm bài Văn dài tới tận 5 trang nhưng chỉ được vài điểm, nhà văn chỉ ra 1 thiếu sót vô cùng quan trọng - Ảnh 1.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc

Để học tốt môn Ngữ văn, theo nhà văn Bùi Ngọc Phúc, khác với các môn KHTN như Toán, Lý, Hóa khi mất gốc rất khó để học lại, với môn Ngữ văn các con chăm chỉ và có nghị lực sẽ theo được, dù bắt đầu học khi bước vào lớp 7 hoặc lớp 8. Tuy nhiên các con nên bắt đầu học ngay từ lớp 6 là tốt nhất.

“Thời điểm lớp 6 các môn KHTN chưa phải là gánh nặng, việc tìm thầy, cô để học môn Ngữ Văn sẽ khả thi. Nếu định hướng cho con thi vào các trường công lập sẽ đơn giản, nhưng phụ huynh muốn định hướng con thi chuyên Văn, đương nhiên phải học nâng cao môn Ngữ văn để suất vào chuyên rộng mở”, nhà văn Ngọc Phúc nói.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc chia sẻ một số kinh nghiệm sau có thể giúp các bố mẹ hình dung và định hướng được cho con em mình có chiến lược học môn Ngữ Văn hiệu quả nhất:

Thứ nhất: Ngay từ bậc Tiểu học, bố mẹ hãy cho con mình đọc nhiều truyện ngắn, sách văn học rồi con tự rút ra các ý chính cần lưu tâm để con bạn hiểu và sử dụng từ ngữ tiếng Việt được thành thạo từ đó rèn luyện khả năng sáng tạo, tư duy sâu sắc.

Học môn Ngữ Văn không dễ, chính vì vậy nếu con cảm thấy bài giảng quá dài và có nhiều ý lan man, khó học, phụ huynh hãy hướng dẫn con gạch dưới những ý chính được thầy cô lưu ý nhiều lần trong bài. Sự ghi nhớ ý chính vô cùng quan trọng, nó giúp con tránh được lạc đề hoặc sa vào chi tiết vụn vặt mà không nêu được ý chính khiến bài viết dài nhưng điểm không cao. Có nhiều bạn than thở với bố, mẹ “con làm bài dài tới tận 5 trang nhưng chỉ được có điểm”, đơn giản là do con đã bỏ qua phần cốt lõi của vấn đề.

Thứ hai: Việc học môn Ngữ văn là một quá trình khám phá từ từ, vì vậy sự kiên nhẫn của bố mẹ rất quan trọng, đừng vì điểm số chưa cao rồi ép con học, hay la mắng và so sánh với bạn khác. Phụ huynh hãy để con học với tâm trạng thật sự thoải mái, lúc đó con thấy việc học môn Ngữ Văn không hề khó khăn, thậm chí con sẽ cảm nhận được những giá trị cao đẹp do văn chương đem lại. Nếu đã có hứng thú, việc con tìm tòi và tự học mang lại kết quả không tồi, đam mê chính là động lực giúp con học tốt môn Ngữ Văn.

Muốn học tốt, con sẽ phải ôn luyện, không phải bố mẹ nào cũng có đủ thời gian hay khả năng để kèm dạy con mình. Chính vì vậy việc chọn nơi học thêm là điều không tránh khỏi, nhưng học thế nào đạt được hiệu quả là vấn đề.

“Tôi nhận thấy các cô dạy luyện môn Ngữ văn có tiếng sẽ có sĩ số lớp rất đông, nếu con không tự giác học, kết quả thu được không đáng là bao. Thậm chí nhiều nơi có tình trạng cô đọc, trò chép, chính kiểu học đó khiến con bạn nếu may mắn sẽ đủ điểm vào trường công lập, suất vào chuyên Văn chắc không có. Vì vậy, muốn con đạt được kết quả cao, sự đồng hành của bố mẹ rất quan trọng”, anh Bùi Ngọc Phúc chia sẻ.

Thứ ba , với phụ huynh muốn định hướng cho con thi chuyên Văn, chắc chắn học kiến thức trong sách giáo khoa chưa đủ, cần hướng dẫn con có sự sáng tạo hơn, điều đó khiến bài viết của con thêm nổi bật và khả năng ngôn từ vững chắc.

Môn Ngữ Văn không dễ “ăn” điểm như nhiều người nghĩ, dường như điểm 10 môn toán luôn nhiều hơn. Thực tế ở các cuộc thi, dù thi cấp trường hay thi học sinh giỏi cấp quận, huyện hay cấp thành phố, cấp tỉnh, điểm 9,5 hay điểm 10 được xem là hiếm có. Học sinh kiếm 0,5 đến 1 điểm môn chuyên, dù chuyên gì đều rất khó khăn, bởi vậy nếu không học hành cẩn thận, đặt mục đích rõ ràng, cửa vào chuyên mãi là khe cửa hẹp.

Nhiều học sinh than thở: Con làm bài Văn dài tới tận 5 trang nhưng chỉ được vài điểm, nhà văn chỉ ra 1 thiếu sót vô cùng quan trọng - Ảnh 2.
Nhiều học sinh than thở: Con làm bài Văn dài tới tận 5 trang nhưng chỉ được vài điểm, nhà văn chỉ ra 1 thiếu sót vô cùng quan trọng - Ảnh 3.

Một số cuốn sách được nhà văn gợi ý

Môn Ngữ Văn là một trong những môn học gây áp lực nhất cho các học sinh thi chuyên trong quá trình ôn luyện và thi cử. Theo phổ điểm cho thấy, môn chuyên quyết định từ 25 -40% kết quả thi vào trường chuyên của thí sinh. Đề thi môn Ngữ văn được đánh giá tương đối “khó nhằn”, đặc biệt trong các kì thi vào trường chuyên, nếu thí sinh có ý định chọn thi chuyên Văn, hãy chắc chắn đó là môn mình giỏi nhất, tự tin nhất, đôi khi phải có năng khiếu thật sự.

Không nên chọn môn chuyên Văn vì những lý do như bố mẹ thích, hoặc thi cho biết. Sai lầm của nhiều thí sinh hay mắc phải, nhiều bạn lo ôn luyện kiến thức nâng cao ngoài SGK nên bỏ qua, thậm chí xem nhẹ những kiến thức cơ bản. Điều đó dẫn đến tình trạng, thí sinh làm tốt những câu hỏi nâng cao, nhưng khi gặp dạng cơ bản lại mất điểm đáng tiếc.

“Hầu hết thí sinh chọn thi chuyên Văn đều là những bạn có tố chất tốt, có bạn có năng khiếu văn học, sáng tác, tuy nhiên tâm lý chủ quan nên dễ mất điểm trong quá trình làm bài. Với kì thi chuyên có tính chất cạnh tranh khốc liệt, chỉ chênh nhau 0,5 điểm đủ để đỗ hay trượt chuyên. Các đề thi chuyên Văn đều khó, luôn có những câu hỏi nâng cao, bởi vậy nếu không có kiến thức sâu rộng sẽ khó hoàn thành bài thi. Phụ huynh nên khuyến khích con mình luyện tập các đề chuyên Văn từ các năm trước nhằm làm quen với cấu trúc đề thi, việc luyện các dạng đề giúp con bạn không bị động khi bước vào kì thi chính thức”, anh Phúc nói.

  • nhà văn
  • bí quyết học tập
  • bí quyết học văn
  • môn văn

Latest from Blog