Những tài năng trẻ được gì khi trở thành tập sự viên làm sản phẩm tại Zalo?
Ở Zalo Product Management Trainee – Chương trình đào tạo tập sự viên ngành quản lý sản phẩm thường niên của Zalo, khả năng thực chiến cho thế hệ làm sản phẩm tiếp theo luôn là quan tâm hàng đầu.
Xuyên suốt 5 năm tổ chức Zalo Product Management Trainee (Zalo PMT), yếu tố được xem là “xương sống”, cốt lõi trong chiến lược đào tạo của Zalo là tính thực tế, học thật làm thật.
Qua mỗi năm, hội đồng chương trình đều thu thập ý kiến đánh giá, nhận xét từ những người tham gia để cải thiện, tối ưu hóa nội dung.
Phát triển đồng thời kĩ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm
Trong 4 tháng, với 20% dành cho lý thuyết và 80% thời lượng còn lại để thực hành, các bạn trẻ được đảm bảo giành đa số thời gian cho việc đi tìm giải pháp giúp cải thiện sản phẩm của Zalo và triển khai thử trên thực tế. Các dự án được giao phó một cách ngẫu nhiên, thay vì tự lựa chọn.
“Ở Zalo, chúng tôi quan niệm một Product Manager giỏi là người sẵn sàng đón nhận và đi tìm hiểu, giải quyết bất kỳ vấn đề ở sản phẩm nào. Chắc chắn những bài toán mà Zalo PMT đưa ra sẽ khó nhằn, nhưng thú vị và có tác động trực tiếp đến trải nghiệm của hàng triệu người dùng dịch vụ, ứng dụng trong hệ sinh thái Zalo”, anh Trần Lê Duy Tiên – Senior Product Manager, – Trưởng Ban tổ chức Zalo PMT – lý giải.
Ban cố vấn thường xuyên đồng hành cùng các tập sự viên trong suốt chương trình.
Với người mới, hành trình khám phá và đi tìm lời giải cho thử thách cũng không hề mông lung khi mỗi bạn sẽ có một mentor “có tâm” đồng hành – những người hiểu về sản phẩm, có kinh nghiệm dẫn dắt, khơi mở hướng đi, giúp “đàn em” tránh các sai lầm có thể gặp.
Một yếu tố quan trọng khác trong nâng cao khả năng thực chiến của PMT 2023-2024 là đào tạo những kỹ năng mềm cần có ở một Product Manager.
Muốn trở thành người làm sản phẩm giỏi, bên cạnh chuyên môn, khả năng giao tiếp và tư duy độc lập, phản biện, tinh thần chủ động là điều bắt buộc. Lý do cốt lõi là các sản phẩm của Zalo đều có sự phụ trách của nhiều team, liên kết chặt chẽ với nhau.
“Chuyện thường gặp là mọi người đều có thể đồng ý về vướng mắc của sản phẩm, song mỗi người lại có suy nghĩ khác nhau về vấn đề nào đáng giải quyết và giải pháp nào là tốt hơn.
Khi đó, bạn sẽ phải là người xác định việc cần làm và thuyết phục cấp trên, các phòng ban. Một mình sẽ không thể làm được tất cả, nên muốn giải pháp của mình đi vào thực tế, bạn cần vận dụng tất cả các kỹ năng mềm cần có”, anh Tiên giải thích.
Trong bối cảnh nhu cầu nhân lực của ngành quản lý sản phẩm ngày càng cao, chương trình đào tạo tập sự viên của Zalo sẽ là bệ phóng vững chắc cho những bạn trẻ chập chững vào nghề product, hoặc đam mê nhưng còn mơ hồ về chọn lựa của mình.
Từ một trong những cái nôi nuôi dưỡng ngành Product đầu tiên tại Việt Nam, những nhân tố đi ra từ chương trình đã có thể vững tin vào chuyên môn, thể hiện tốt kỹ năng của bản thân.
Chương trình đã trở thành bệ phóng vững vàng cho người trẻ yêu thích ngành Product.
“Dù môi trường có thể khác nhau, bản chất công việc của người làm sản phẩm vẫn là đi tìm lời giải cho những nhu cầu, kỳ vọng của người dùng. Các tập sự viên được thừa hưởng kinh nghiệm ngay từ buổi đầu sự nghiệp sẽ rút ngắn được thời gian học hỏi rất nhiều so với tự mày mò”, anh Duy Tiên bày tỏ.
Từ số 0 đến nhân viên chính thức của Zalo
Trong khi nhiều nhân sự đến với công việc này chủ yếu rẽ hướng từ những ngành khác như Marketing, Business Analyst, Developer (lập trình viên), Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Tập sự viên Zalo PMT 2022, đang làm việc tại Zalo – ban đầu hoàn toàn là “người ngoại đạo”.
Zalo PMT mang đến cho người trẻ cơ hội thực chiến cùng những sản phẩm công nghệ tầm cỡ.
Rẽ hướng từ công việc hướng dẫn viên du lịch hoàn toàn khác biệt, Thanh Nhàn mong mỏi tìm một nơi có quy trình đào tạo bài bản, giúp cô gái trẻ có nền tảng vững chắc để theo đuổi ngành Product Management.
Kỳ vọng ấy được đáp ứng khi Zalo Product Management Trainee cho Thanh Nhàn cơ hội học thật làm việc thật với các sản phẩm tầm cỡ. Thanh Nhàn đã trải qua đầy đủ quy trình phát triển một sản phẩm, từ phân tích vấn đề, tìm ra nguyên nhân cốt lõi, sáng tạo, thực thi giải pháp và đánh giá độ hiệu quả để tinh chỉnh phù hợp.
Với cô gái trẻ, những lúc khó nhằn nhất là khi làm sao thuyết phục được các bên về ý tưởng đưa ra.
“Khi phản biện, mình nhận ra được rất nhiều điểm mù và hạn chế trong kiến thức lẫn góc nhìn cá nhân. Đã có những lúc mình nhất quyết không thay đổi ý tưởng, nhưng nhờ sự giúp đỡ của mentor, mình hiểu rõ trở ngại của các bên. Từ đó, mình tìm ra đáp án tốt hơn, bồi đắp thêm kiến thức còn thiếu và quan trọng hơn là mở rộng tư duy”, Nhàn nhấn mạnh.
Còn với Nguyễn Tiến Đạt – Thực tập sinh của chương trình PMT năm 2022 – hiện làm việc ở bộ phận Zalo Mobile, Storage Management, quá trình tập sự giúp bản thân hiểu được người làm quản lý sản phẩm tuy không phải “cha đẻ” của dịch vụ hay ứng dụng nhưng cần là người hiểu rõ nhất tính năng, đặc điểm của sản phẩm, đồng thời nhạy bén với tâm lý khách hàng.
Ngoài cơ hội thực chiến, Zalo PMT mang đến cơ hội để người trẻ tự trau dồi bản thân.
Lời khuyên của Đạt dành cho những người tham gia là nên tìm hiểu kỹ từ trước về tính chất công việc, trách nhiệm của một Product Manager, từ đó xác định xem đâu là điểm mạnh của mình, còn đâu là phần thiếu hụt cần trau dồi.
Với Tiến Đạt, hành trình tham gia Zalo PMT dù là vòng tuyển chọn hay bước chân vào “thực chiến” đều đối mặt với những thử thách thực sự khó nhằn, nhưng quả ngọt sẽ tới nếu thực sự cố gắng.
“Trong quá trình học và làm product, chúng ta chắc chắn sẽ sai sót rất nhiều, loay hoay tìm cách, thử nghiệm thất bại rồi đau đầu tìm cách khác. Nhưng điều quan trọng nhất đọng lại vẫn là học được gì từ những lỗi sai đó. Chính những thử nghiệm bị ‘fail’ đó giúp đẩy cao kỹ năng làm sản phẩm lên nhanh nhất”, chàng trai chia sẻ.