Hiện chưa có cách chữa trị NPD, song những số liệu khoa học gần đây đã cho thấy sự tiến bộ trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh, giúp giảm thiểu các triệu chứng bệnh và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời cho trẻ em mắc NPD rất quan trọng.
Nguyên nhân gây bệnh NPD
Nguyên nhân gây bệnh NPD được xác định là do thiếu hoặc không đủ enzym để phân hủy lipid trong tế bào, dẫn đến tích tụ lipid trong các mô và cơ quan trong cơ thể, gây ra các triệu chứng và biến chứng của bệnh. NPD được phân 3 loại (tuýp) A,B và C, loại C được coi là Alzheimer ở trẻ em.
Bác sĩ nhi khoa người Đức Albert Niemann lần đầu tiên mô tả bệnh Niemann-Pick tuýp A năm 1914. Sau đó bác sĩ Ludwig Pick có bài báo công bố về bệnh NMP năm 1930 và tên bệnh được đặt từ tên ghép của hai bác sĩ Niemann –Pick Disease.
Năm 1961, Niemann –Pick Disease (NPD) được phân thành ba tuýp A, B và C, sau đó thêm tuýp D còn được gọi là “ tuýp Nova Scotian“. Tuy nhiên các nghiên cứu di truyền cho thấy loại D được gây ra bởi cùng một gen với loại C1 và tên gọi loại D không còn được sử dụng nữa. Cho đến nay phân loại tuýp A,B và C cho bệnh NPD vẫn được sử dụng để áp dụng điều trị và tiên lượng bệnh.
Theo báo cáo của Viện sức khỏe quốc gia Mỹ (National Institutes of Health–NIH) năm 2012, tỷ lệ mắc NPD hay gặp ở người Do Thái được ước tính là khoảng 1/40.000 đối với tuýp A. Tỷ lệ mắc cả hai tuýp A và B trong tất cả các quần thể khác được ước tính là 1/250.000. Tỷ lệ mắc NPD tuýp C được ước tính là 1/150.000.
Tại Việt Nam chưa có con số thống kê nhưng có những trường hợp đã được thông báo. Cụ thể, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM đã báo cáo về 2 ca bệnh NPD vào năm 2017, 1 ca chấn đoán lúc 13 tháng tuổi tuýp A, 1 ca khác lúc trẻ đã 4 tuổi, tuýp B.
Ảnh hưởng của NPD đối với bệnh nhân
Tuýp A và B
Tuýp A và B là do một enzym bị thiếu hoặc bị trục trặc gọi là sphingomyelinase. Điều này ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa chất béo của cơ thể (cholesterol và lipid), dẫn đến tích tụ chất béo trong tế bào, gây ra rối loạn chức năng tế bào và theo thời gian, tế bào chết. Tuýp A xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh có biểu hiện bệnh não tiến triển nặng. Do không có cách chữa trị, vì vậy hầu hết trẻ em không sống quá vài năm, hầu hết tử vong từ 3 đến 5 tuổi. Tuýp B thường xuất hiện muộn hơn trong thời thơ ấu và không liên quan đến bệnh não nguyên phát. Hầu hết những người bị tuýp B có thể sống sót đến tuổi trưởng thành.
Tuýp C
Đối với NPD tuýp C (NPD-C) hiếm gặp. Các đột biến di truyền của tuýp này khiến cholesterol và các chất béo khác tích tụ trong các cơ quan như gan, lách hoặc phổi. Não bộ cuối cùng cũng bị ảnh hưởng. Khi đó trẻ có các biểu hiện về trí nhớ, vận động, phối hợp cơ bắp,… khiến hoạt động của người bệnh luôn “khó nhọc, vụng về”. Về lâu dài, NPD-C gây ra suy giảm kỹ năng vận động độc lập như: đi đứng, chạy nhảy, thoái hóa, suy giảm nhận thức… khiến người bệnh không thể điều khiển được bản thân theo ý muốn, không thể làm việc mà mình muốn.
Điều đáng lo ngại nhất là NPD-C các dấu hiệu bệnh cũng đến rất sớm, và thường rơi vào giai đoạn trẻ đến trường. Các triệu chứng bệnh có thể không khác nhau ở từng đứa trẻ, nhưng nhìn chung thường rơi vào các trường hợp: trẻ sẽ bị suy giảm nhận thức; trẻ có thể bị suy giảm kỹ năng vận động; hoặc tệ hơn là cả hai. Người mắc bệnh càng trưởng thành càng gặp phải các khó khăn và sống không thọ.
Hiện nay, NPD-C có thể được chuẩn đoán chính xác thông qua các kiểm tra, xét nghiệm máu và AND, nhờ vậy mà cơ hội can thiệp giúp đỡ trẻ mắc bệnh cao hơn.
Biểu hiện của bệnh NPD
Đây là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi phát triển của trẻ. Do tích tụ quá nhiều cholesterol trong gan, lách cũng như não, trẻ mắc NPD thường có những biểu hiện như:
- Vụng về và đi lại khó khăn.
- Co cơ quá mức (loạn trương lực) hoặc chuyển động mắt.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Khó nuốt và ăn uống.
- Viêm phổi tái phát.
Tùy từng tuýp NPD, biểu hiện của trẻ sẽ cụ thể, rõ rệt qua các giai đoạn phát triển bao gồm:
- Suy dinh dưỡng và phát triển chậm: Trẻ mắc NPD có thể không tăng cân hoặc tăng cân chậm, và có thể không phát triển theo tiêu chuẩn so với trẻ em cùng trang lứa.
- Phù toàn thân, gan to, lách to: Trẻ xuất hiện phù và gan to do tích tụ mỡ trong cơ thể cũng như nội tạng làm cho bụng to, mất cân đối.
- Ảnh hưởng đường hô hấp: Đường hô hấp của trẻ bị ảnh hưởng dẫn đến các biểu hiện và bệnh lý như khó thở, viêm phổi, viêm họng, viêm tai.
- Ảnh hưởng thị lực: NPD gây ảnh hưởng thị lực của trẻ, biểu hiện ở trẻ là đục thủy tinh thể, thị lực giảm và các vấn đề liên quan đến mạch máu mắt. Do vậy trẻ có thể hay bị ngã, kém phát triển trí tuệ do nhìn kém.
- Đường tiêu hóa: Ảnh hưởng đến gan và tụy làm trẻ kém ăn, đau bụng, tiêu chảy.
- Hệ thống thần kinh: Những triệu chứng của NPD xuất hiện như rối loạn vận động, tình trạng co giật, suy nhược thần kinh, và khả năng học tập và phát triển kém. Phổ biến nhất là mất trí nhớ, khó khăn khi nói chuyện, vận động/điều khiển cơ bắp không ổn định,…
Chẩn đoán trẻ em mắc NPD
Chẩn đoán NPD sớm bằng việc khám sức khỏe toàn diện, hoặc khi thấy dấu hiệu cảnh báo sớm như gan hoặc lá lách to. Do NPD là bệnh hiếm và các triệu chứng bệnh có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên cần theo dõi, phát hiện các dấu hiệu bất thường và căn cứ vào tiền sử gia đình để hướng chẩn đoán.
Việc tiếp cận chẩn đoán NPD giúp bác sĩ nhi khoa phân biệt các bệnh lý mãn tính thường gặp ở trẻ nhỏ, nhanh chóng phát hiện các bệnh hiếm, và tư vấn di truyền đúng cho thành viên gia đình.
Điều trị bệnh NPD
Không có phương pháp chữa trị nào hiệu quả cho trẻ mắc NPD, đặc biệt tuýp A hoặc B.
Đối với những trẻ mắc tuýp C từ nhẹ đến trung bình, thuốc Miglustat có thể là một lựa chọn. Một nghiên cứu quốc tế trên 92 người mắc NPD-C cho thấy các triệu chứng thần kinh được cải thiện sau khi dùng thường xuyên trong trung bình hai năm.
Cấy ghép tủy xương đã được được thực hiện trên một số bệnh nhân loại B và kết quả khá khả quan. Thay thế enzyme và các liệu pháp gen cũng được nghiên cứu trong điều trị với bệnh nhân loại này. Với bệnh nhân loại C khuyến cáo chế độ ăn ít béo và sử dụng các thuốc làm giảm cholesterol.
Vật lý trị liệu là một phần quan trọng của điều trị để giúp duy trì khả năng vận động càng lâu càng tốt. Những người mắc NPD cần được khám theo dõi thường xuyên, vì bệnh có thể tiến triển và các triệu chứng xấu đi.
Vai trò bố mẹ và người chăm sóc trẻ rất quan trọng. Nếu những gia đình có tiền sử người mắc NPD cần được tư vấn kỹ trước khi kết hôn, theo dõi quá trình mang thai. Bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần hiểu biết về bệnh, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở trẻ nhỏ để đưa khám và được tư vấn xử lý về bệnh lý NPD mắc của trẻ, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ.
Mời độc giả xem thêm video dưới đây:
Bé gái Bình Phước mắc bệnh hiếm gây lắng đọng canxi ở da
PGS. TS. Nguyễn Đức Chính