“Nếu được chọn một thức uống để bắt đầu cho ngày mới, đó sẽ là gì?”
“Một tách trà nóng”, Khánh Linh đáp.
Không phải tình cờ mà Khánh Linh (cựu học sinh lớp 12 chuyên Trung, THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) chọn một tách trà làm khởi đầu cho một cuộc trò chuyện. Trà – một thức uống không dành cho số đông khi có vị đắng nhẹ lúc mới đầu và vị ngọt nằm ở phía sau, lại là sở thích của một nữ sinh 18 tuổi.
Trà – một thức uống thường dành cho những người trưởng thành, ưa chiêm nghiệm, nhưng lại gắn bó với Linh trong suốt hành trình làm hồ sơ du học của mình. Khoảng thời gian dài “ăn nằm” với vô số bài luận, hồ sơ du học Mỹ, Anh rồi Trung Quốc…, đôi khi khiến Khánh Linh cảm thấy mệt mỏi. Lúc này, chỉ cần nhâm nhi một tách trà là nữ sinh có thể tỉnh táo để suy nghĩ thấu đáo trở lại.
Trong đó, một quyết định mà nữ sinh cảm thấy thấu đáo, đồng thời cũng là quyết định có phần liều lĩnh nhất trong suốt hành trình du học của mình, chính là ứng tuyển vào Đại học Thanh Hoa – ngôi trường đại học top đầu thế giới và số 1 châu Á.
“Mình chọn Thanh Hoa vì đơn giản nó là Thanh Hoa”, Khánh Linh nói. Bất chấp những hoài nghi về khả năng của bản thân, Linh vẫn quyết “đánh cược” ứng tuyển vào ngôi trường này, trong một tháng chuẩn bị gấp rút. Bằng sự quyết tâm, may mắn cuối cùng đã mỉm cười với nữ sinh khi về nhà sau ngày đầu tiên thi tốt nghiệp THPT, Linh đã thấy giấy báo trúng tuyển trường Đại học Thanh Hoa nằm ngay ngắn trên bàn.
“Đến bây giờ mình vẫn không tin đây là sự thật đâu. Đôi khi việc uống trà giúp mình tỉnh táo hơn để suy nghĩ về những điều không tưởng, tính cách mình là thế đây, liều lĩnh làm sao!”, Linh nói.
Nguyễn Khánh Linh sở hữu vẻ ngoài xinh xắn và thành tích học tập cực ấn tượng
Tự nhận bản thân học.. không giỏi
Ít ai biết được rằng, hồi thi chuyển cấp vào lớp 10, Khánh Linh từng không có ý định đăng ký thi vào trường chuyên. Học tại một ngôi trường THCS không phải là trường điểm, rồi trong suốt quá trình học cấp 2 Linh tự nhân mình không phải là học sinh nổi bật, sức học cũng chỉ “làng nhàng” khi so với mặt bằng chung…
Tuy nhiên, một bước ngoặt xảy đến trong cuộc đời dường như làm thay đổi mọi suy nghĩ trước kia của Linh. Trong một lần trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm, cô có tâm sự rằng: “Cô biết là em rất thích tiếng Trung, vậy tại sao em lại không dám bước ra khỏi vùng an toàn để thử sức bản thân?”.
Lời động viên của cô chẳng khác gì một “cú hích” giúp Linh thiết lập lại mục tiêu và dám theo đuổi những thứ “không tưởng” với bản thân vào thời điểm đó. Để thi vào chuyên Trung, thì điều kiện tiên quyết đầu tiên đó là phải biết… tiếng Trung. Vào đầu năm lớp 9, nữ sinh mới bắt đầu làm quen với ngôn ngữ này, từ những thứ đơn giản nhất như: Nguyên âm, phụ âm rồi dần dần là các bộ thủ, ngữ pháp, từ vựng…
Dù xuất phát điểm chậm hơn so với nhiều người, nhưng nữ sinh không lấy đó là vật cản trong hành trình theo đuổi đam mê bởi trong cô bạn có sự quyết tâm và cả niềm tin vào chính mình: “Đến chặng gần cuối, khi mà thực sự mình quyết tâm, mình mới dồn hết sức để theo đuổi mục tiêu của bản thân”.
Hồi thi chuyển cấp vào lớp 10, Khánh Linh từng không có ý định đăng ký thi vào trường chuyên
Các trường THPT công lập có tiếng ở Hà Nội thì nhiều, nhưng trong số đó chỉ có trường THPT chuyên Ngoại Ngữ có thi đầu vào là tiếng Trung cho lớp chuyên Trung. Vậy nên, lúc đó Khánh Linh nghĩ nếu tham gia cả hai kỳ thi vào trường chuyên của Sở và Đại học Quốc gia Hà Nội thì hẳn là thử thách không nhỏ vì cô bạn phải học thêm tiếng Anh. Quá nhiều kiến thức phải tiếp thu nên Linh đã đưa ra quyết định có phần táo bạo: Chỉ đặt một nguyện vọng duy nhất vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ, “một ăn cả ngã về không”.
“Lúc đó mình xác định rõ nếu như không đỗ chuyên Ngoại ngữ thì mình sẽ học trường tư, hoặc các trường công có điểm chuẩn thấp. Mình hiểu rõ rằng bản thân không đủ sức để cân bằng cả 2 kỳ thi chuyên trong cùng một lúc như vậy. Mình ‘đánh cược’ tất cả vào chuyên Ngoại ngữ”, Linh kể lại.
Và Linh đã “thắng cược”.
“Mình chỉ làm những thứ thực sự thích”
Khi đem so sánh sở thích uống trà với cá tính của Linh, dường như hai điều đó có phần đối chọi lại với nhau, bởi những người thích uống trà thường đằm tính hơn, họ luôn tĩnh lặng để suy nghĩ mọi thứ. Còn Linh lại là một người vô cùng cá tính, quyết liệt và có phần liều lĩnh.
“Nhìn bên ngoài hay khi nói chuyện tiếp xúc với mình thì đa phần mọi người đều thấy mình khá hiền và dễ tính. Nhưng sâu bên trong mình lại rất khác, mình là một người rất quyết tâm và có những suy nghĩ của riêng mình”, Linh tâm sự.
Linh không phải lúc nào nghe theo định hướng của bố mẹ – dù rằng nó có thể đúng đắn. Nữ sinh chỉ làm những thứ thực sự thích và khi đã có mục tiêu, cô bạn sẽ đặt hết tâm sức và tâm lực của mình vào đó.
“Trước đây khi xác định theo sự nghiệp học tiếng Trung, dù bố mẹ mình có nói hết nước, hết cái thì mình cũng không học thêm tiếng Anh. Đơn giản là mình không tìm thấy niềm hứng thú khi so với tiếng Trung. Chỉ đến năm lớp 12, khi mà xác định rõ hơn mục tiêu du học không chỉ các trường đại học bên Mỹ, Anh mà Thanh Hoa cũng bắt buộc có tiếng Anh, khi ấy mình mới bắt đầu học thêm tiếng Anh từ con số 0.
Lúc mình chuẩn bị hồ sơ du học, cũng là lúc dịch Covid-19 ở Trung Quốc bùng phát. Lúc đấy bố mẹ đề nghị mình chuyển hướng sang Mỹ. Dù vậy, thực tâm mình thích đi Trung Quốc hơn. Do đó, đầu năm lớp 12 mình quyết định sẽ nộp song song, đánh liều chọn Đại học Thanh Hoa, ngành Kinh tế”, Linh kể lại.
Thích uống trà nhưng Linh không phải một người trầm lắng, ngược lại, cô bạn cá tính, quyết liệt và có phần liều lĩnh
Vừa học tiếng Trung, tiếng Anh rồi vừa làm hồ sơ du học Mỹ, Anh và cả Trung Quốc… nhiều lúc khiến nữ sinh bị “choáng ngợp”. Khi ấy, Linh phải tranh thủ khoảng nghỉ giữa các tiết học trên trường để gặp hoặc gọi điện, hỏi ý kiến giáo viên hướng dẫn mỗi khi có khúc mắc. Buổi tối, Linh vẫn đi học thêm các môn học trên trường. Về nhà lúc 23 giờ đêm, cô bạn lại ngồi viết luận, hiếm khi đi ngủ trước 2 giờ sáng.
Sau cùng, mọi nỗ lực của Linh dường như đều đã được đền đáp, không chỉ trúng tuyển trường Đại học Thanh Hoa mà nữ sinh còn được chấp nhận vào học ngành Marketing với hỗ trợ tài chính 32.000 – 56.000 USD (0,8-1,4 tỷ đồng) cho bốn năm ở nhiều đại học Mỹ, trong đó có Northeastern – trường ở vị trí thứ 44 trong bảng xếp hạng quốc gia của US News. Nhưng đến cuối cùng, Linh vẫn quyết định chọn Đại học Thanh Hoa.
Sợ sẽ bị thụt lùi so với các “học bá” Thanh Hoa
Bên cạnh đam mê tiếng Trung, thì Khánh Linh cũng là một cô gái yêu sách. Để được chọn ra một cuốn sách mà nữ sinh tâm đắc nhất, thì đó chính là Không Gia Đình của tác giả Hector Malot. Đây là cuốn sách dài đầu tiên mà Linh đọc và nghiền ngẫm.
Linh thấy mình giống cậu bé Remi trong chuyện, một người yêu sự tự do bay nhảy, sẵn sàng phiêu du đến những vùng đất mới để khám phá những điều mới. Tuy nhiên, vì gia đình làm kinh doanh bận rộn, nên nhiều khi Khánh Linh không được thỏa mãn đam mê xê dịch của mình. Có thể nói, đó cũng chính là động lực để Linh quyết định đi du học.
“Mình chọn đi du học chỉ đơn giản là vì thích đi đây đi đó, mình muốn được đi ra ngoài, nhìn ngắm thế giới rộng lớn hơn ngoài kia. 18 năm mình đã ở Việt Nam tuy chưa nhiều nhưng đủ để mình hiểu về đất nước, con người, cảnh vật quê hương mình. Trung Quốc sẽ là con đường để mình chọn học cử nhân, rồi sẽ cố gắng dịch chuyển sang phương Tây, có thể là học Thạc sĩ, hay Tiến sĩ… cốt là để xem văn hóa, đời sống của mình như thế nào. Đó là giá trị mình muốn hướng đến thực sự”.
Khánh Linh thấy mình giống cậu bé Remi trong cuốn sách Không Gia Đình
Đúng với dự định, sắp tới đây, Khánh Linh sẽ chính thức bắt đầu hành trình du học Trung Quốc của mình. Bên cạnh tâm trạng háo hức thì nữ sinh cũng rất lo sợ về lực học của bản thân sẽ “đuối” hơn so với các bạn học sinh Trung Quốc đỗ trường Đại học Thanh Hoa. Bởi suy cho cùng, Thanh Hoa là một ngôi trường hội tụ những học sinh tinh hoa, xuất chúng của “đất nước tỷ dân”:
“Điều mình lo lắng nhất là thực lực của mình có với được lên so với mặt bằng của trường Thanh Hoa không nữa. Mọi thông tin hiện tại mình có khá ít, một phần là vì hội du học sinh Việt Nam ở trường Đại học Thanh Hoa chưa có nhiều, nên không biết nhờ ai giải đáp thắc mắc cho bản thân”.
Ngoài ra, Linh cũng khá kén ăn. Trong khi đó, đặc trưng ẩm thực Trung Quốc là những món ăn tê, cay, dầu, mỡ… Không biết khẩu vị của bản thân có phù hợp hay không nhưng nữ sinh hài hước chia sẻ mình nhất định sẽ cố gắng thưởng thức hết những món đặc trưng của nơi đây.
Ảnh: NVCC