Nữ sinh Việt nhận học bổng từ 11 trường ở Mỹ, “shock nhẹ” khi tiêu gần 150 triệu đồng ngay trong tháng đầu xa nhà
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ du học, Khánh Linh đã nhận được nhiều thư mời nhập học từ các trường ở Mỹ.
- Nữ sinh Việt tốt nghiệp cả đại học và Thạc sĩ loại xuất sắc, kể chuyện áp lực du học: Bạn rủ đi chơi nhưng từ chối vì… hết tiền
- Anh chàng du học sinh Việt tại Hàn Quốc kể “kiếp nạn” ai cũng có thể mắc phải: Ra ngoài ăn một lát cũng mất 18 triệu VNĐ
- Gặp nữ giảng viên Bách khoa gây sốt với style lên lớp: Từng làm ngân hàng nhưng quyết tâm du học, 35 tuổi thành Tiến sĩ
Nhắc đến Mỹ, người ta thường nhớ ngay đến một quốc gia có nền giáo dục phát triển bậc nhất với những trường đại học nằm trong top đầu bảng xếp hạng thế giới. Tuy nhiên, du học tại quốc gia này cũng nổi tiếng với học phí và chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến nhiều bạn trẻ phải đau đầu với bài toán kinh tế khi đặt chân đến đây.
Điển hình như câu chuyện của Hồ Khánh Linh (SN 2004) – một sinh viên năm hai tại Mỹ. Cô nàng đang học song ngành Entrepreneurship (Khởi nghiệp) thuộc trường Muma College of Business và ngành Econometrics and Quantitative Economics (Kinh tế lượng) thuộc trường College of Arts and Science.
Ngay trong tuần đầu tiên du học, Khánh Linh đã phải tiêu đến 6.000 USD (khoảng 145 triệu đồng). Trải qua vô số cú sốc về văn hoá và tài chính, Khánh Linh đã vượt qua và dần hòa nhập với cuộc sống du học Mỹ.
Cùng xem hành trình học tập tại nước ngoài của nữ sinh này có gì thú vị nhé!
Hồ Khánh Linh đang là sinh viên năm thứ 2 tại Mỹ
Hồ Khánh Linh (SN 2004)
– GPA 9.0/10.0 năm lớp 12.
– 3 kỳ liên tiếp đạt điểm tuyệt đối GPA 4.0/4.0.
– Nhận được học bổng từ 11 trường đại học ở Mỹ với mức tài trợ cao nhất 40.000 USD/năm.
– Lọt top 5 cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC – Creative Idea Challenge.
Bí quyết apply học bổng du học Mỹ
Thời cấp 3, Khánh Linh từng học tại THPT chuyên Ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Linh quyết định du học Mỹ. Bởi cô nhận thấy các trường ở quốc gia này xét hồ sơ ứng viên một cách rất toàn diện khi đánh giá học thuật, hoạt động ngoại khóa lẫn tài năng của học sinh.
Ban đầu, Linh chọn ngành Khởi nghiệp vì nhận ra tiềm năng của bản thân khi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp từ cấp 3. Tuy nhiên sau khi học môn Kinh tế vi mô trong kỳ đầu tiên, nữ sinh phát hiện niềm yêu thích mới nên đã quyết định đăng ký học thêm ngành Kinh tế lượng.
Khánh Linh chia sẻ về quá trình nộp hồ sơ du học: “Gia đình mình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khá nhiều. Mình rất áp lực trong khoảng thời gian đó vì khoản tiền Expected Family Contribution (khoản tiền đóng góp của gia đình) giảm, đồng nghĩa với tỷ lệ đỗ giảm đi rất nhiều. Mình cũng phải cố gắng gấp 10 lần để đạt được học bổng cao”.
Không phụ bao công sức vất vả, Linh vui mừng khi nhận được thư mời nhập học từ 11 trường đại học khác nhau. Trong đó, có những nơi đưa ra mức học bổng lên đến 40.000 USD/năm (khoảng hơn 970 triệu đồng).
Linh nhận được học bổng từ 11 trường đại học khác nhau
Theo Linh, điều hội đồng tuyển sinh ấn tượng nhất ở cô nàng là khả năng cân bằng giữa 3 yếu tố: Học tập, hoạt động ngoại khoá và tài năng. Bên cạnh việc học, 10x còn tham gia nhiều cuộc thi và dự án trong quãng thời gian phổ thông. Ngoài ra, Linh cũng học vẽ tranh sơn dầu để tạo được dấu ấn riêng.
Được biết ngành của Linh không liên quan đến nghệ thuật hay hội hoạ nên không yêu cầu Portfolio trong hồ sơ. Tuy nhiên, cô nàng vẫn đầu tư làm Portfolio và Linh bật mí đây chính là điểm cộng lớn. Bởi điều này chứng tỏ cô nàng không chỉ biết học mà cũng có sở thích riêng và cuộc sống cá nhân bên ngoài. Và các trường Đại học ở Mỹ lại rất thích các bạn sinh viên có tài năng!
Làm sao để 3 kỳ liên tiếp đều đạt GPA tuyệt đối?
Chia sẻ về ngành Khởi nghiệp, Linh cho biết ngành này khá giống với Business Management (Quản trị kinh doanh) khi sinh viên học chủ yếu về quản lý doanh nghiệp, nhưng chú trọng vào việc xây dựng công ty riêng hơn.
Trong đó, ở 2 năm đầu đại học, Linh sẽ học các môn chung về kiến thức nền tảng, chưa học tới các môn chuyên ngành sâu. Trong 2 năm cuối, cô nàng sẽ tham gia thực tập ở các công ty.
Nữ sinh cho hay: “Mình cảm thấy bản thân và môn học hoà tan làm một, thực sự thích học và đọc về nó trong thời gian rảnh chứ không chỉ học để lấy điểm. Hiện tại dù chưa có kế hoạch cụ thể song mình rất đam mê với kinh doanh vì có bố cũng là kỹ sư cơ khí và doanh nhân”.
Dù không yêu cầu Portfolio, Linh vẫn làm thêm để tạo điểm cộng trước hội đồng tuyển sinh
Trong suốt quá trình du học, Linh rất tự hào khi là một trong những sinh viên có tên trong danh sách danh dự của trường (Dean’s List) và đạt điểm GPA tuyệt đối (4.0) trong 3 kỳ liên tiếp.
Linh tâm sự về quan điểm du học: “Hãy nghĩ là bạn đã bỏ ra hàng tỷ đồng đi du học để lấy kiến thức chứ không phải chỉ để lấy điểm số. Số tiền bố mẹ đầu tư vào giáo dục của con là không nhỏ, nên hãy đảm bảo đó là khoản đầu tư có lãi, hoặc ít nhất không được lỗ”.
Để đạt thành tích cao, Linh chia sẻ tips trong suốt quá trình học:
+ Đánh dấu lịch thi/deadline: Ở Mỹ, môn nào cũng có file chương trình giúp cung cấp đầy đủ thông tin về môn, cách tính điểm, lịch thi và deadline. Việc đánh dấu kỹ những thông tin này sẽ giúp sinh viên chủ động hơn với bài tập của mình.
+ Tư duy học thật: Linh chia sẻ các môn ở Mỹ không yêu cầu sinh viên học thuộc mà cần thực sự hiểu vấn đề. Điển hình như thi môn Toán và Lý cũng có sẵn công thức, có môn còn cho mở sách vở. Tuy nhiên, những kiến thức ra trong đề thi yêu cầu sinh viên phải hiểu những gì đang học và biết cách áp dụng.
+ Tích cực tới office hours của thầy cô và trợ giảng: Cô nàng rất chăm đến các lớp office hours (Giáo sư ở văn phòng một số thời gian cố định trong tuần và học sinh có thể tới hỏi bài trong thời gian này). Nhờ thế, Linh sẽ hiểu bài sâu hơn và cũng được giải đáp kịp thời các thắc mắc.
“Khi chăm đến office hours, thầy cô cũng nhớ mặt mình hơn. Họ sẽ thấy được công sức và tâm huyết của bạn đối với môn học. Bên cạnh đó, các giáo viên Mỹ thường rất coi trọng sự cố gắng của bạn hơn là điểm số. Nhờ chăm chỉ đến office hours, mình được thầy cô cộng điểm vào cuối kỳ, rồi cho thư giới thiệu đi làm việc, được mời làm trợ giảng”, Linh cho biết.
Linh đã có 3 kỳ liên tiếp đạt điểm GPA tuyệt đối
Ngoài ra, Linh chia sẻ còn chơi chung với những bạn siêu giỏi đến từ các trường danh tiếng khắp thế giới như đại học Thanh Hoa, đại học Sydney… Mặc dù đôi khi cũng bị peer pressure với các bạn đồng trang lứa, song nhờ chơi chung với những bạn có thành tích tốt, Linh đã học được nhiều điều hay ho về cách suy nghĩ và tinh thần học.
Cuộc sống của du học sinh Mỹ
Du học Mỹ nổi tiếng với chi phí sinh hoạt đắt đỏ và Khánh Linh cũng có trải nghiệm “nhớ đời” khi tiêu đến 6.000 USD ngay trong tháng đầu tiên du học.
Cô nàng nhớ lại: “Hồi đó mình sốc lắm! Cả cuộc đời chưa bao giờ tiêu nhiều tiền như vậy trong một tháng. Mình cầm 5.000 USD tiền mặt qua Mỹ và bố mẹ chuyển thêm 2.000 USD qua tài khoản ngân hàng. Vậy mà chưa đầy một tháng chỉ còn hơn 1.000 USD.
Cả nhà đều sốc, còn truy từng lịch sử giao dịch xem có nhầm lẫn gì không. Nhưng không có nhầm lẫn nào hết, đúng là mình đã tiêu đến 6.000 USD thật. Tuy nhiên, trong số tiền lớn đó mình cũng dùng cho những chi tiêu rất cần thiết cho bản thân như đồ dùng lâu dài, giường, điện thoại, bảo hiểm, tiền cọc nhà…”.
Cô nàng tiêu đến 6.000 USD ngay trong tháng đầu tiên đến Mỹ
Linh chia sẻ trong thời gian đầu du học, cô nàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kết bạn và quản lý thời gian giữa đi học – đi làm – đi tập. Ngoài ra, việc phải làm quen với một nền văn hoá mới cũng khiến Linh đối diện với nhiều cú sốc văn hoá.
Nữ sinh tâm sự: “Mình có rất nhiều trải nghiệm thú vị về sốc văn hoá. Ví dụ như việc đi ăn ngoài, ở Việt Nam thường chúng mình sẽ gọi đồ ăn chung hết, sau đó chia đều. Còn ở Mỹ thì mỗi người sẽ gọi một món, sau đó có hoá đơn riêng cho từng người. Có lần mình đi ăn với bạn Mỹ, 5 người gọi 5 cái pizza khác nhau”.
Trong quá trình du học, Linh luôn cố gắng cân bằng cuộc sống và phát triển sở thích cá nhân. Lịch trình của nữ sinh thường khá căng khi học song ngành, làm thêm 20 tiếng/tuần và cố gắng dành thời gian để đạt GPA tuyệt đối. Tuy nhiên, Linh vẫn nỗ lực đều đặn tập thể dục với 5-6 buổi/tuần và mỗi buổi kéo dài 2-3 tiếng để giữ gìn sức khoẻ, có thêm năng lượng học hành.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Linh cho biết sẽ tiếp tục cố gắng học tập trong quãng thời gian du học Mỹ. Đồng thời, cô nàng cũng đang suy nghĩ về việc apply thêm chương trình Thạc sĩ tại quốc gia này.
Ảnh: NVCC