Quan điểm gây tranh cãi của CEO Huawei: “Nếu không học Tiếng Anh, trẻ em nông thôn sẽ mãi là nông dân”
Một số người cho rằng nhận xét của ông Nhậm quá tuyệt đối và có thể tác động tiêu cực đến trẻ em nông thôn.
- Bà mẹ ở Hà Nội đăng ảnh bữa ăn đẹp mắt ở trường của con nhưng lại gây tranh cãi
- Chia sẻ bí quyết đỗ đại học, nữ sinh đang được khen bỗng vướng tranh cãi khi danh tính bố mẹ bị lộ
- Đỗ đại học cũng nhìn vào gia cảnh? Danh sách trúng tuyển trường top đầu gây tranh cãi vì thực trạng đáng buồn
Ông Nhậm Chính Phi sinh năm 1944 tại Trấn Ninh, An Thuận, Trung Quốc. Ông là nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn công nghệ Huawei, có trụ sở chính đặt tại Thâm Quyến. Năm 2021, theo bảng xếp hạng Real Time của Forbes, ông Nhậm Chính Phi sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD.
Mới đây, vào tối ngày 21/9, nhà sáng lập Huawei đã có cuộc trò chuyện với Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Nam Khai và Cựu Tổng biên tập Nhật báo Khoa học và Công nghệ. Trong buổi trò chuyện, ông Nhậm Chính Phi đề cập đến nhiều chủ đề, từ công nghệ đến giáo dục.
Nói về giáo dục, nhà sáng lập Huawei cho rằng, điều cần làm tốt là tạo ra sự khác biệt. Giáo dục cần điều chỉnh sao cho phù hợp với năng khiếu của học sinh để các em có thể phát huy tiềm năng của mình. Ông Nhậm Chính Phi nhận thấy hiện tại các trường tiểu học và trung học ở Trung Quốc đang đồng loạt chuyển dịch, đồng nhất giáo dục và chôn vùi thiên tài.
Ông Nhậm Chính Phi
Nhà sáng lập Huawei cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tiếng Anh: “Bây giờ một số người nói là đừng học tiếng Anh. Không học tiếng Anh, trẻ em nông thôn sẽ mãi là nông dân! Nếu không học tiếng Anh thì về sau làm sao tìm được cơ hội việc làm ở thế giới này?
Nhiều người cũng nói là đừng học Toán. Nếu không giỏi Toán, tiếng Anh thì không thể gia nhập những ngành công nghiệp cao cấp. Con cái nhà nông mãi mãi là nông dân. Sự phân hóa giai cấp sẽ xuất hiện.
Tôi hiểu rằng việc học tiếng Anh ở vùng nông thôn rất khó khăn. Nhưng nếu chịu đựng được một thời gian thì bạn sẽ vượt qua”, ông Nhậm đưa ra quan điểm.
Bản thân ông Nhậm Chính Phi cũng là một doanh nhân thành đạt có xuất thân từ nông thôn. Hơn ai hết, ông nhận thức rõ những khó khăn, thách thức mà trẻ em nông thôn phải đối mặt. Nhà sáng lập Huawei chia sẻ, thành tích ngày hôm nay phần lớn là do ông đã chăm chỉ học tiếng Anh khi còn trẻ. Chính điều này đã mở cánh cửa để ông vươn ra thế giới. Ông hy vọng trẻ em nông thôn có thể noi gương mình, dũng cảm theo đuổi ước mơ và thay đổi vận mệnh bằng việc học tiếng Anh.
Quan điểm của Nhậm Chính Phi sau đó gây nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng nhận xét của ông quá tuyệt đối và có thể tác động tiêu cực đến trẻ em nông thôn. Họ cho rằng, sự phát triển của trẻ em nông thôn không chỉ phụ thuộc vào việc các em có học tiếng Anh hay không mà còn cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính phủ và mọi thành phần trong xã hội.
Ngoài ra, học tiếng Anh không phải là lối thoát duy nhất cho trẻ em nông thôn. Các em có thể nhận ra giá trị cuộc sống của bản thân bằng cách học các kỹ năng và chuyên ngành khác.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng: Có lẽ nhà sáng lập Huawei đang muốn đề cập đến ý rộng hơn, đó là thông qua việc học tiếng Anh để hội nhập, giao lưu với thế giới, học hỏi những điều mới, điều hay mà thế giới đã, đang và sắp làm được. Đồng thời, việc học tiếng Anh cũng góp phần xóa bỏ khoảng cách về cơ hội học tập, việc làm trong tương lai giữa trẻ em thành thị và nông thôn.
Đáp lại ý kiến tranh cãi, ông Nhậm Chính Phi chia sẻ, ông không phủ nhận tầm quan trọng của các kỹ năng khác mà chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Anh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Nhậm Chính Phi không muốn tất cả trẻ em nông thôn đều học tiếng Anh mà hy vọng rằng các em có thể chọn con đường phát triển phù hợp dựa trên sở thích và chuyên môn của mình.
Đồng thời, ông cũng kêu gọi chính phủ và các thành phần xã hội tăng cường hỗ trợ cho trẻ em nông thôn, tạo nhiều cơ hội phát triển hơn cho các em.