Đây là ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất trường ĐH Ngoại thương, tới 99,29%: Mức lương có thể cao bao nhiêu?
Nhiều bạn học sinh, sinh viên không khỏi tò mò, ngành này học những gì, cơ hội việc làm ra sao và mức lương có thể đạt tới mức nào.
- Khối A chọn ngành nào để dễ xin việc?
- 8 ngành nghề có nguy cơ biến mất trong tương lai – Bất ngờ khi lính cứu hỏa, tài xế lọt vào danh sách
- Người Việt học ngành Y tại Mỹ: Không chỉ toàn hào quang
Trường Đại học Ngoại thương có cơ sở chính ở 91 Phố Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội. Ngoài ra, trường còn có cơ sở II ở TP.HCM và cơ sở ở tỉnh Quảng Ninh. Những năm qua, trường tập trung đào tạo các lĩnh vực về kinh tế bao gồm kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế, thương mại quốc tế, hợp tác kinh tế quốc tế, quản trị cùng các mảng khác như tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, luật kinh tế và ngoại ngữ đa dạng; đồng thời dàn trải đào tạo cử nhân, thạc sĩ, nghiên cứu sinh khoa học, tiến sĩ.
Trường nằm trong những trường thu hút nhiều thí sinh xuất sắc nhất Việt Nam và cũng là một trong những đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về ngân sách giáo dục đầu tiên.
Trường Đại học Ngoại thương là một trong những trường đầu ngành trong khối các trường đào tạo về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh ở Việt Nam, bên cạnh các tên tuổi nổi bật khác như trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính,…
Trường Đại học Ngoại thương
Theo “Bảng báo cáo tình hình việc làm của sinh viên” năm tốt nghiệp 2021, tỷ lệ sinh viên Ngoại thương ra trường có việc làm nằm ở ngưỡng rất cao: 95,65% – 99,29%. Theo đó, tỷ lệ cao nhất thuộc về ngành Kinh doanh Quốc tế (99,29%) , tiếp đến là Ngôn ngữ Trung (98,15%). Còn các ngành như: Kế toán Kiểm toán, Kinh tế, Kinh tế Quốc tế, Luật… tỷ lệ việc làm dao động trong khoảng 97% – 98%. Các ngành học có tỷ lệ sinh viên ra trường thấp nhất tại FTU là Ngôn ngữ Pháp (95,65%). Ngoài ra, khu vực làm việc của sinh viên FTU sau khi ra trường chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân và những doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Nói về ngành Kinh doanh Quốc tế, nhiều bạn học sinh, sinh viên không khỏi tò mò, ngành này học những gì, cơ hội việc làm ra sao và mức lương có thể đạt tới mức nào.
Ngành Kinh doanh Quốc tế học gì?
Được biết, Kinh doanh Quốc tế bao gồm toàn bộ các hoạt động trao đổi, giao dịch thương mại như chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, tài nguyên, con người, ý tưởng và công nghệ giữa từ hai hay nhiều quốc gia trên thế giới.
Các lĩnh vực chuyên sâu của ngành kinh doanh quốc tế có thể kể đến như Logistics, xuất nhập khẩu, tư vấn đầu tư quốc tế, hoạch định tài chính quốc tế…
Trọng tâm chuyên ngành học kinh doanh quốc tế là đào tạo các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các vị trí công việc trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế. Vì vậy, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức nền tảng và chuyên sâu qua chương trình học tổng quan về kinh tế quốc tế; toàn cảnh về kinh doanh và quản trị kinh doanh toàn cầu; xu hướng phát triển kinh tế thế giới; đầu tư quốc tế; tài chính quốc tế, vận tải và bảo hiểm quốc tế; hội nhập kinh tế; quản trị xuất nhập khẩu,…
Bên cạnh việc học tập kiến thức chuyên ngành, sinh viên ngành kinh doanh quốc tế còn được trau dồi khả năng tiếng Anh, các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ thuật thương lượng, đạo đức nghề nghiệp… để tự nhiên phát triển con đường sự nghiệp kinh doanh quốc tế trong tương lai.
Học Kinh doanh Quốc tế xong làm gì, mức lương bao nhiêu?
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh Quốc tế sẽ có nhiều cơ hội việc làm đa dạng, có thể kể tới như: Chuyên viên xuất nhập khẩu; nhân viên kinh doanh tại các công ty đa quốc gia, công ty giao nhận ngoại thương, công ty kinh doanh xuất nhập khẩu, các ngân hàng trong và ngoài nước, các công ty kinh doanh ngoại tệ.
Ngoài ra có thể đảm nhiệm các vị trí như: Chuyên viên tổng hợp, báo cáo, phân tích dữ liệu, số liệu xuất nhập khẩu; chuyên viên thực hiện các gói dự án điều tra, giám sát, tổng hợp dữ liệu làm cơ sở lập quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, các loại hình kinh doanh quốc tế; chuyên viên phụ trách dự án, phụ trách nhãn hàng của dự án quốc tế, các dự án trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp, các văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của các công ty Việt Nam ở nước ngoài hoặc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các văn phòng Bộ/ Sở Công thương, Bộ/ Sở Kế hoạch và Đầu tư,…
Ngoài ra, sinh viên cũng có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng hoặc tự thành lập doanh nghiệp.
Theo khảo sát, Kinh doanh Quốc tế là nhóm ngành có mức lương khởi điểm cao. Đối với sinh viên mới ra trường, khi đã trở thành nhân viên chính thức, mức lương sẽ dao động từ 8.000.000-10.000.000 VNĐ/ tháng hoặc hơn tùy theo năng lực của mỗi người. Với những người đã có kinh nghiệm, lương dao động từ 15.000.000-20.000.000 VNĐ/ tháng. Với vị trí quản lý, trưởng phòng trên 5 năm kinh nghiệm, mức lương có thể đạt 25.000.000-35.000.000 VNĐ/ tháng. Ở cấp bậc giám đốc kinh doanh quốc tế thì thu nhập sẽ không giới hạn.