Rối loạn dạng cơ thể ở trẻ em

8 mins read

Một số trẻ có thể bị khó chịu dai dẳng về cơ thể như đau đầu, đau bụng,… gây ảnh hưởng đến hoạt động học tập và sinh hoạt hàng ngày. Những đứa trẻ này tìm kiếm sự thăm khám lặp đi lặp lại và thăm dò xâm lấn không cần thiết. Những triệu chứng này không tương xứng với tổn thương hoặc không có tổn thương cụ thể, mà yếu tố cảm xúc có thể góp phần vào sự phát triển cũng như duy trì các triệu chứng này. Điều trị rối loạn dạng cơ thể bao gồm các liệu pháp tâm lý và đôi khi cần sử dụng thuốc chuyên khoa.

6443c1ecdfd40

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

1. Rối loạn dạng cơ thể là gì?

  • Rối loạn dạng cơ thể là tình trạng xảy ra khi các vấn đề tâm sinh lý của trẻ biểu hiện ra bằng các triệu chứng khó chịu về mặt cơ thể. Các triệu chứng có thể có tổn thương cơ quan nhưng mức độ không tương xứng với lâm sàng trẻ thể hiện, hoặc có những trường hợp không có tổn thương cụ thể.
  • Rối loạn dạng cơ thể có căn nguyên sinh học rõ ràng, do trẻ cảm nhận tín hiệu trên não bị “sai vị trí” và không phải trẻ cố tình hay “giả vờ”.

2. Nguyên nhân nào gây nên rối loạn dạng cơ thể?

Yếu tố sinh học và yếu tố tâm lý xã hội góp phần tạo nên triệu chứng cơ thể, các yếu tố này bao gồm:

  • Trẻ có những căng thẳng, khó khăn trong học tập, mối quan hệ bạn bè, gia đình,…
  • Ngưỡng chịu đau của trẻ thấp
  • Trẻ/bố mẹ lo lắng quá mức về sức khỏe
  • Sống trong gia đình có nhiều tiền sử bệnh tật
  • Nền tảng giáo dục, tình trạng kinh tế xã hội ở mức trung bình-thấp
  • Trẻ đã/đang điều trị một bệnh nào đó

6443c1ed6adbc

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

3. Các triệu chứng thường gặp ở trẻ

  • Đau một hoặc nhiều vị trí cơ thể
  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc chóng mặt
  • Triệu chứng tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn hoặc nôn
  • Khó thở, hụt hơi hoặc thở rướn
  • Ngất
  • Khó khăn vận động: yếu, liệt hoặc có những cơn co giật không do động kinh

Trẻ có thể xuất hiện một triệu chứng duy nhất hoặc kết hợp các triệu chứng trên. Mức độ triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng này thường được bố mẹ đưa trẻ đi khám nhiều lần nhưng không lí giải được triệu chứng, điều trị không đỡ hoặc thuyên giảm ít, dễ tái phát trong những đợt trẻ gặp căng thẳng. Ở trẻ em, triệu chứng cơ thể có thể là biểu hiện của rối loạn lo âu hay rối loạn trầm cảm.

6443c1ee2c066

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

4. Mức độ phổ biến của rối loạn dạng cơ thể

Rối loạn dạng cơ thể khá phổ biến, được quan sát thấy ở hầu hết mọi lĩnh vực chăm sóc chuyên khoa nhi, chẳng hạn như đau ngực ở khoa tim mạch, đau bụng ở khoa tiêu hóa, yếu liệt ở khoa thần kinh,…mà không tìm được tổn thương hoặc tổn thương không tương xứng với mức độ lâm sàng.

Rối loạn dạng cơ thể ảnh hưởng đến khoảng 5-7% dân số, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Đây là một trong những tình trạng phổ biến được báo cáo trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trẻ gái phổ biến hơn trẻ trai, cao hơn ở những bệnh nhân có bệnh điều trị kéo dài.

5. Chẩn đoán và điều trị rối loạn dạng cơ thể như thế nào?

  • Để chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể ở trẻ cần một đội ngũ bác sĩ, bao gồm bác sỹ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ chuyên khoa (tiêu hóa, thần kinh, tim mạch, …). Trên thực tế lâm sàng, nhiều gia đình đã đưa trẻ đi khám tại nhiều cơ sở y tế khác nhau với những xét nghiệm kiểm tra lặp lại nhiều lần tại một chuyên khoa nhưng vẫn không tìm thấy nguyên nhân nhưng lại ngần ngại không đưa trẻ đi khám chuyên khoa tâm thần nên rối loạn của trẻ không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
  • Mục tiêu điều trị của rối loạn dạng cơ thể là quản lý các triệu chứng dựa trên liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behaviral therapy -CBT), nghĩa là trò chuyện, chia sẻ cùng trẻ để trẻ hiểu được các triệu chứng, có cách thay đổi suy nghĩ và hành vi để thay đổi cảm nhận về triệu chứng. CBT giúp trẻ đối mặt với các tình huống tốt hơn, giải tỏa căng thẳng lo lắng.  Một số trẻ có chỉ định dùng thuốc hướng thần tùy theo các tình trạng bệnh lý sức khỏe tâm thần phối hợp.

6. Tiên lượng và phòng ngừa

  • Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp, các triệu chứng cơ thể dai dẳng sẽ gây ra ảnh hưởng đáng kể trong thời thơ ấu ở trẻ trong quá trình học tập, tương tác bạn bè,….. Một số thăm dò xâm lấn không cần thiết gây thêm đau đớn cho trẻ. Những trẻ này cũng có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm khi trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ rối loạn dạng cơ thể nếu được can thiệp đúng cách thường hồi phục tốt, trở lại với nhịp học tập và sinh hoạt bình thường.
  • Để phòng ngừa rối loạn dạng cơ thể cho trẻ cần rèn luyện cho trẻ biết cách đối mặt với căng thẳng, thư giãn nghỉ ngơi hợp lý, nếu trẻ có bệnh cơ thể nên cung cấp cho trẻ những kiến thức đúng, vừa đủ về bệnh, tránh những lo lắng không cần thiết.

Bất cứ khi nào trẻ có các dấu hiện rối loạn dạng cơ thể hoặc nghi ngờ rối loạn dạng cơ thể, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể đưa trẻ đến khám tại Phòng khám Khoa sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương:

  • Phòng khám 53 – Khoá Khám bệnh Đa khoa
  • Hotline tư vấn và CSKH: 086 512 2783

Ths.BSNT. Vũ Thị Mỹ Hạnh – Khoa Sức khoẻ Vị thành niên

Biên tập: Vy hiếu – Thông tin điện tử

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog