Sinh viên “bóc trần” sự thật về việc học ở Harvard: Nhiều lúc mệt nhoài vẫn phải cố gắng vì xung quanh quá nhiều người giỏi
“Là một sinh viên Harvard, nếu bạn thực sự có thể làm điều gì đó thay đổi hiện trạng, tại sao không?”
- Trường ĐH tốt nhất nước Mỹ năm 2024: Là “kỳ phùng địch thủ” của Harvard, Albert Einstein từng sống và làm việc tại đây
- Đỗ Harvard năm 19 tuổi, nữ sinh Việt review ngôi trường danh giá: 4h sáng thư viện đã sáng đèn, sinh viên hưởng đặc quyền chỉ dành cho “học bá”
- Một trong những bài luận hay nhất mùa tuyển sinh năm 2023 của trường Đại học Harvard
Học tập chăm chỉ để vào được Đại học Harvard có nghĩa gì?
Đối với Hoa Gia Hà – là một học viên cao học người Trung Quốc đang theo học bậc Thạc sĩ ngành kiến trúc tại Đại học Harvard, cô không chỉ cảm nhận được sự thu hút của các lớp học tại Harvard, mà còn cảm thấy áp lực và bối rối trong quá trình học tại một trong những ngôi trường tốt nhất thế giới này. Sau khi học tập và sáng lập riêng cho mình một trường hè về kiến trúc tại Harvard với nhiều Giáo sư đến từ Ivy League, cô đã có một ý nghĩ mới về việc học tại đây.
William Dresiewich – giáo sư tại Đại học Yale, đã nhấn mạnh chắc như đinh đóng cột trong The Good Sheep (Những chú cừu tốt – PV) – một cuốn sách bán chạy nhất của ông rằng: “Hầu hết trẻ em được tạo ra từ hệ thống giáo dục ưu tú hiện tại đều thông minh và vụng về. Chúng rất giỏi trong việc giải quyết vấn đề trong tầm tay nhưng không biết tại sao”.
Ở một mức độ nhất định, Hoa Gia Hà là hình tượng hoàn hảo của những học sinh xuất sắc trong một nền giáo dục ưu tú:
Trong kỳ thi học sinh giỏi môn Vật lý bậc THCS ở Bắc Kinh – quê hương cô, Gia Hà đã giành giải nhất. Đến khi theo học kiến trúc tại Đại học Washington ở St. Louis, cô đã nhận được điểm A+ các môn liên quan đến nghệ thuật.
Cô có niềm đam mê với thiết kế kiến trúc và luôn đưa ra những sáng kiến mới mẻ. Cô đã chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập tại top 3 công ty thiết kế kiến trúc hàng đầu xứ sở cờ hoa, đồng thời giành giải nhất cuộc thi NOMAS cùng những người bạn của mình.
Cô cũng có thể chơi năm nhạc cụ, bao gồm đàn tỳ bà cấp 10 và piano cấp 8. Gia Hà cũng đã vượt qua thành công khóa học Advanced Water Advanced Diver (Khóa học lặn nước nâng cao – PV).
Sau khi đăng ký thành công hệ Thạc sĩ Thiết kế kiến trúc (GSD M.Arch I) tại Đại học Harvard, cô vẫn tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ. Khi còn là sinh viên năm nhất ngành nghiên cứu, cô đã thành lập Trường hè Harvard với nhiều sự tham gia của nhiều Giáo sư đến từ các trường Ivy League.
Chân dung Hoa Gia Hà
Dù là một “người phụ nữ thép”, nhưng dưới vô vàn áp lực khi học tập tại một ngôi trường toàn người tài, nhiều lúc Hoa Gia Hà vẫn cảm thấy áp lực, bật khóc hay có những cảm xúc hỗn loạn. Hai năm học tập tại Harvard là hai năm cô gái trẻ phải nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm cơ hội cho mình.
Có lẽ, hào quang của một ngôi trường danh tiếng chỉ là một thoáng trong toàn bộ hành trình trưởng thành của Hà. Để trở thành những sinh viên thực sự đặc biệt và ưu tú, trước tiên bạn phải bắt đầu bằng cách từ chối trở thành một “con cừu tốt”.
Câu chuyện của Gia Hà chính là một hình ảnh thu nhỏ của Gen Z – những bạn trẻ không ngừng nỗ lực để khám phá bản thân, dũng cảm vượt qua những thử thách nhưng cuối cùng lại trở thành một “thế hệ không xác định”.
Trải nghiệm đầu tiên tại Harvard
Cho dù bạn lo lắng hoảng sợ đến đâu, nhưng khi đến lớp học, bạn luôn phải ngồi ở bàn đầu.
Là viên ngọc giữa các trường thuộc Ivy League, Đại học Harvard là ngôi trường mơ ước của nhiều người và Gia Hà cũng không phải ngoại lệ. Cô tự nhận bản thân có thể cảm nhận được, sự quyến rũ độc đáo mà Harvard toát ra.
Trước khi đến Harvard, cô chưa bao giờ tưởng tượng rằng một ngày nào đó bản thân sẽ ngồi trong cùng một lớp học với một nhóm người trung niên ở độ tuổi bốn mươi và năm mươi, và thậm chí cả những học viên đến lớp trong tình trang đang bồng bế con nhỏ.
Trong buổi học đầu tiên, Giáo sư đứng lớp có phát biểu một vài câu nhưng toàn bộ quá trình sau đó, ông gần như im lặng hoàn toàn mà không dạy gì. Ông chỉ chăm chú kiểm tra một đống ghi chú, tài liệu dày cộp mà ông mang theo.
Sự im lặng trong lớp học lúc đó từ từ biến thành áp lực. Một số bạn học không kìm cảm xúc được thậm chí còn có ý kiến với giảng viên. Nhưng dù học sinh có “khiêu khích” như thế nào, giáo viên trên bục giảng vẫn không nói một lời.
Gia Hà cũng dần dần trở nên lo lắng vì sự độc lạ trong buổi học đầu tiên đó. Cô nói: “Tôi nghĩ rằng Giáo sư có thể muốn các học viên cảm nhận được bầu không khí của lớp đang có sự thay đổi trong một khoảng trống quyền lực và sự chuyển giao quyền lãnh đạo cho các thành viên khác nhau trong đó. Lớp học này được gọi là phát huy năng lực lãnh đạo”.
Sau khi tham gia lớp học này, Gia Hà bối rối vô kể. Cô biết rất rõ rằng chương trình mà cô đang theo học là mũi nhọn của Trường Harvard Kennedy (HKS). Nó đòi hỏi các học viên cao học phải có kinh nghiệm làm việc và đạt được thành tích xuất sắc trong một số lĩnh vực nhất định mới có thể theo học.
Sau khi sống sót qua được lớp học “im lặng là vàng” đó, Gia Hà nhận thấy rằng “cuộc phiêu lưu” ban đầu của mình ngày càng trở nên đáng giá hơn.
Ngồi xung quanh Gia Hà, 80% đến từ Trường Kennedy và 20% từ Trường Kinh doanh Harvard (HBS), nhiều người trong số họ là các chính trị gia có danh tiếng, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình.
Cách sắp xếp giảng dạy của khóa học này cũng rất thú vị. Ngoài lớp học bao gồm 100 người, còn có một lớp thảo luận kéo dài hơn một giờ mỗi tuần. Trong đó, người giảng dạy sẽ chia sinh viên thành bốn hoặc năm nhóm nghiên cứu, sau đó phân tán giữa các thành viên trong nhóm và họ sẽ lần lượt nhận vai trò thuyết trình về vấn đề mà mình đang tìm hiểu.
“Tại cuộc họp nhóm, mọi người sẽ nói về trường hợp thất bại khi đảm nhận vai trò lãnh đạo dựa trên trải nghiệm của chính họ để từ đó đem ra thảo luận, mổ xẻ. Ở đây, giáo viên không còn là một nhân vật có thẩm quyền, và lớp học này không phải là dạy bạn cách thành công, mà là dạy chúng ta nhìn mọi thứ từ nhiều góc độ hơn. Tôi cảm thấy rằng mọi người đều thảo luận nhiều và thậm chí tranh luận với nhau”, Gia Hà nói.
Lớp thảo luận nhóm “Phát huy năng lực lãnh đạo” của Gia Hà
Theo quan điểm của Gia Hà, lớp học này giống như một mô hình thu nhỏ trong giảng dạy của Harvard. Nó không chỉ có hình thức giảng dạy mới mẻ, mà phương thức và nội dung của toàn bộ lớp học giống như một trung tâm tài nguyên phong phú, không chỉ có thể tập hợp mọi người mà còn lan tỏa ảnh hưởng, suy nghĩ và quan điểm của các học viên với nhau.
Nhưng Gia Hà không hài lòng với điều này. Là cô gái Trung Quốc duy nhất trong lớp, cô đưa ra yêu cầu cao hơn cho bản thân – nắm lấy micro và mạnh dạn nói trước đám đông ngay cả khi cô nhận sự phản biện từ người khác. Cho dù bạn có lo lắng đến đâu, bạn luôn phải là người ngồi ở hàng đầu tiên của lớp học.
“Không phải là tôi thích làm những điều này, mà là tôi đã quen với việc đặt mình vào một môi trường không thoải mái, liên tục thúc đẩy bản thân, vượt qua vùng an toàn, khám phá bất cứ điều gì tôi muốn làm”, Hà nói.
Một Gia Hà như vậy đấy. Cô ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các giáo viên và bạn học của mình. Nhưng trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Gia Hà mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn và dám nghĩ lớn.
Ngay từ khi cô đang học tại lớp Quốc tế tại trường trung học ở Bắc Kinh, cô đã dám gõ cửa văn phòng của hiệu trưởng và mạnh dạn trình bày suy nghĩ của mình – vẽ một bức tranh dài 10 mét trên tường cầu thang của trường, để kêu gọi mọi người đi cầu thang bộ nhiều hơn và dành thang máy cho những ai thực sự có nhu cầu.
Để đạt được điều này, cô đã tạo lập một kế hoạch vẽ chi tiết như danh sách các học sinh tham gia vẽ và các bước vẽ, màu sắc và kiểu dáng cụ thể… Tất cả đều được ghi chú cẩn thận đến không thể chi tiết hơn. Sau khi có được sự đồng ý của hiệu trưởng, Gia Hà đã dành một tháng trong kỳ nghỉ đông để hoàn thành dự án của mình với các bạn cùng lớp.
Gia Hà đã dám bước ra khỏi vùng an toàn từ những năm phổ thông
Điều khiến thầy cô ngạc nhiên là từ khi đề xuất ý tưởng vẽ tranh tường đến khi thực hiện, toàn bộ quá trình thực hành vẽ tranh chỉ được dựa trên một vài kỹ năng vẽ tranh còn chưa hoàn thiện của Gia Hà.
Tuy nhiên, đối với một cô gái dám thử thách và mạnh dạn như vậy, dường như không có một khó khăn nào trong tương lai có thể khiến cô ấy ngừng tiến về phía trước.
Trên thực tế, sự khác biệt này cũng đã mang lại lợi ích cho Gia Hà rất nhiều. Nhìn thấy nhiều bạn bè quanh mình tìm đến “không gian nghệ thuật” mà mình đã tạo ra để đọc sách và trò chuyện, cô cảm thấy rất vui. Kể từ đó, tình yêu với kiến trúc đã khơi dậy trong cô. Sau đó, Gia Hà đã ứng tuyển thành công vào chuyên ngành thiết kế kiến trúc của Đại học Washington ở St. Louis.
“Nó cho tôi thấy rằng tôi thực sự có thể tạo ra sự khác biệt thông qua hành động. Tôi tin rằng mỗi chúng ta đều có thể trở thành người tạo ra ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực”.
Hãy coi các giáo sư như là đối tác
Động lực cũng mang lại cho Gia Hà một trải nghiệm độc đáo khi học tập tại Mỹ. Không giống như các sinh viên ngoại quốc khác, nữ sinh chưa bao giờ gặp rắc rối trong việc hòa nhập với mọi người.
Sự tự tin đầy mạnh mẽ.
Mặc dù bề ngoài trông mềm mại và yếu đuối, nhưng sâu bên trong, Gia Hà lại tràn đầy sự hào phóng và niềm chân thành. Vào năm 18 tuổi, cô đã học được bài học đầu tiên của cuộc sống bậc đại học của mình.
Theo đó, trong lớp học minh họa, Gia Hà phát hiện ra rằng mặc dù tranh của mình đẹp hơn so với bạn bè người Mỹ khác và trên thực tế, cô cũng thường phát biểu, trao đổi tích cực trong lớp, nhưng điểm kiểm tra giữa kỳ của Gia Hà chỉ ở mức B+, và những người khác trong lớp ngoại trừ cô và bạn cùng phòng – hai người châu Á, đều đạt điểm A.
Gia Hà tức giận, bắt đầu gặng hỏi giáo sư lớp minh họa của mình. Sau khi kiểm tra kỹ càng, kết quả của Gia Hà đã thay đổi lên A+.
Từ B+ lên A+, đằng sau sự cải thiện điểm số đáng kể đấy là phản ứng mạnh mẽ của Gia Hà đối với “sự bất công”. Điều này cũng khiến cô hiểu rằng làm việc chăm chỉ một mình không thể giải quyết tất cả các vấn đề trước mắt, và chỉ có sự tự tin và sức mạnh từ trong ra ngoài mới có thể giúp cô có được sự tôn trọng mà bản thân xứng đáng đạt được.
Gia Hà trong bài đánh giá kiến trúc
Đối xử với các giáo sư như đối tác trong một dự án chung.
Gia Hà nhớ lại câu chuyện ở thời trung học, một lần bạn thân của mình không nộp bài tập về nhà, và giáo viên đã vô cùng tức giận và nói bạn thân của cô rằng tốt nhất là không nên mơ mộng thi vào trường cấp 3 hàng đầu.
Bất ngờ thay, chính chủ bị giáo viên chỉ trích lại không hề tức giận, mà Gia Hà lại là người phản ứng mạnh nhất. Cô đứng dậy và mạnh mẽ nói: “Là giáo viên, cô không nên nói những lời như vậy với học trò”.
Dù ở trong nước hay ngoài nước, những chuyện mâu thuẫn nhỏ giữa thầy và trò chắc chắn đã phá vỡ hình ảnh thầy cô là “người có thẩm quyền tối cao” trong lòng Gia Hà. Theo quan điểm của cô, giáo viên và học sinh giống như đối tác hơn.
Trước câu hỏi “Tại sao một giáo viên lại thích dạy học?”, cô nói: “Một mặt, có thể họ thực sự yêu thích ngành giáo dục. Mặt khác, họ có thể lấy cảm hứng từ sinh viên và thúc đẩy lẫn nhau. Do đó, một mối quan hệ thầy trò tốt nên là một sự giao tiếp bình đẳng giữa hai bên, thay vì nói rằng bạn phải đến và dạy tôi cách làm việc cũng như ngược lại”.
Cũng chính ý tưởng giao tiếp tự nhiên này cho phép Gia Hà nhanh chóng hòa nhập và làm quen với các giáo sư dạy mình khi học ở nước ngoài. Thậm chí, đôi khi khi áp lực trong cuộc sống hay học tập, cô thậm chí sẽ gọi cho các giáo sư của mình và òa lên khóc. Trong thâm tâm, cô đến Mỹ một mình, không có gia đình bè bạn, lúc này cô cũng không khóc với Giáo sư, thì còn ai nữa?
Gia Hà trò chuyện với các giáo sư
Là một kiến trúc sư tương lai, Gia Hà không tán thành việc sinh viên xuất bản các tác phẩm trước và sau đó thảo luận với các Giáo sư, điều này sẽ giới hạn việc sáng tạo của sinh viên rất nhiều. Có lẽ Gia Hà đã quá quen với việc liên tục sửa đổi tác phẩm của mình trong khi trò chuyện với giảng viên. “Tôi luôn rút một mảnh giấy và vẽ trực tiếp những ý tưởng thu được trong khi nói chuyện với các Giáo sư, giống như tôi làm bài tập về nhà trong khi thể hiện sự sáng tạo của riêng mình”, cô nói.
Tất nhiên, để trao đổi tốt như vậy phải ít nhiều dựa trên sự tự tin của Gia Hà và cả sự chuyên nghiệp của cô nữa. Để vẽ bản vẽ thiết kế kiến trúc ưng ý, cô dường như ngủ rất ít, ăn uống thất thường, ngón tay thì đầy sẹo do làm việc quá nhiều…
Có lần đang làm mẫu cho thiết kế của mình, vì quá mệt nên cô đã vô tình cắt đứt nửa đầu ngón tay, máu chảy hàng dài. Nhưng sau khi băng bó máu được cầm lại, Gia Hà ngay lập tức quay trở lại công việc.
Theo quan điểm của Gia Hà, cuộc sống là một cuộc chiến liên tục, một giây bạn cảm thấy “Tôi đã thành công”, nhưng giây tiếp theo một tai nạn có thể đến gõ cửa. Đừng để bản thân cuốn theo những thành tựu phù du, và đừng để bị nghiền nát bởi những thất bại. Một tư duy ổn định có thể duy trì niềm đam mê theo đuổi ước mơ của bạn trong một thời gian dài hơn.
“Giáo dục ưu tú khiến tôi mất đi cảm giác về cuộc sống”
Mặc dù vậy, những sinh viên ưu tú như Gia Hà vẫn cảm thấy… không hạnh phúc sau một năm học tập ở Harvard. Cô chia sẻ, việc thay đổi môi trường học tập và tìm kiếm nguồn tri thức có thể giúp chúng ta mở rộng cơ hội tiếp cận với thế giới hơn, nhưng đôi khi chúng ta cũng có thể rơi vào “một vòng tròn kỳ lạ mang tên thành công”.
“Mọi người luôn có so sánh sự giỏi giang, xuất chúng với sinh viên Harvard nhưng…”, Gia Hà ngập ngừng.
Nhiều sinh viên tại Harvard có cảm giác rõ ràng về hai lằn ranh chiến thắng và thất bại: “Trong mắt mọi người, việc nói chuyện với Hiáo sư về bản thân và cả những mong muốn của mình là một nguồn tài nguyên hiếm có khó tìm. Bạn không thể chỉ ngồi đó. Tất nhiên, cá nhân tôi cảm thấy Harvard cũng sẽ ưu tiên những sinh viên hướng ngoại và có ‘cá tính’ nhất định khi trúng tuyển”.
Chính điều này cũng làm tăng sự cạnh tranh giữa các sinh viên, và hầu như tất cả họ đều chạy thật nhanh trong hành trình chinh phục tri thức của mình… đầy tuyệt vọng. “Các sinh viên xung quanh tôi quá giỏi, và tài nguyên của Harvard thực sự quá nhiều, quá tốt, điều này cũng mang lại cảm giác rằng nếu bạn không tìm kiếm nó và không nắm bắt được nó, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều thú vị của nhân loại”.
Lớp học thiết kế kiến trúc Harvard
Nhiều bạn bè cảm thấy rằng Gia Hà ngày càng trở nên giống như “một khuôn mẫu tiêu chuẩn cho sinh viên Harvard”.
Nhưng càng giống một “sinh viên Harvard”, Gia Hà càng trở nên kém tự tin. Nhiều lúc xuống cầu thang tại Harvard, cô phải hít thở sâu ba lần. Việc ăn uống ngủ nghỉ của cô bị rối loạn, và đều như tăm tắp, cô luôn thức dậy vào lúc bốn, năm giờ sáng. Chỉ vì… cô không dám dừng lại dù nhiều lúc mệt nhoài.
Điều tồi tệ hơn, sau khi làm việc chăm chỉ, cô nàng cảm nhận rõ sự hỗn loạn trong mình. Gia Hà phát hiện ra rằng Harvard là một điều không tưởng, một nơi lý tưởng nhưng cũng là nơi khiến sinh viên dễ dàng tuyệt vọng, “lăn lộn” để rồi lại lạc lối. Các lớp học và phương tiện truyền thông xã hội của Harvard thường “khuyến khích” sinh viên vẽ những bức vẽ thật đẹp, thật hoàn mỹ, nhưng hiếm khi nào họ dạy sinh viên cách trở thành một kiến trúc sư và nhà thiết kế giỏi có thể bước vào một xã hội đầy biến động ngoài kia.
“Để trở thành một kiến trúc sư giỏi đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Ví dụ, bạn cần biết cách nói chuyện với khách hàng, trình bày ý tưởng của bạn cho khách hàng và thậm chí quản lý dòng tiền. Nhưng trong lớp học Harvard, mình cảm thấy bản thân chỉ vừa mới thay đổi về nội dung và cách thức học tập so với trước, chứ nó vẫn khác xa so với thực tế”, Hà nói.
Ngay cả khi là một sinh viên thiết kế kiến trúc Harvard, rất có thể sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ làm công việc lặp đi lặp lại giống như Hà đã làm trong kỳ thực tập đại học trước đây – liên tục thiết kế nhà vệ sinh cho các khách hàng giàu có.
Cô nàng tâm sự: “Tôi thực sự cảm thấy thất vọng. Sau rất nhiều lần đọc về Harvard, tôi thực sự muốn sử dụng kiến trúc để làm điều gì đó giúp đỡ người khác, thay vì làm cho người giàu giàu hơn hoặc cuộc sống của người giàu tốt hơn như bây giờ”.
Yêu những gì tôi yêu thích và làm những gì tôi làm
Đôi khi, Gia Hà cũng tiết lộ sự do dự và bối rối của mình khi trò chuyện với các Giáo sư. May mắn thay, ai cũng thấu hiểu tâm tư của cô.
Nhằm thực hiện một số thay đổi, Rick Peiser – giáo sư kiến trúc tại Harvard, đã mời Gia Hà làm giám đốc khóa học bất động sản sau khi lắng nghe ý tưởng thành lập Trường hè Harvard của cô.
Từ việc thiết kế các khóa học tự chọn, các khóa học bắt buộc, đến khi kết thúc khóa học hè 2 tuần sau đó, Gia Hà đã nỗ lực rất nhiều. Trong thời gian đó, ngày nào cô cũng phải trả lời hơn 100 tin nhắn, nghe điện thoại liên tục cứ 5 phút một lần và điện thoại di động của cô luôn quanh quẩn ở mức 10% pin. Một số Giáo sư cũng công nhận sự đổi mới giảng dạy của Gia Hà, và một số giáo sư khác thì đề nghị cô ghi lại bài giảng rồi chia sẻ nó với nhiều Giáo sư ở khu vực xung quanh.
Cô tâm niệm, trong những thăng trầm, một sự thay đổi tư duy cũng có thể mang lại những hiểu biết mới cho chính bạn. Cho dù cô ấy có trở thành một kiến trúc sư trong tương lai hay không, cô ấy sẽ sử dụng các nghiên cứu kiến trúc như một cách để rèn luyện tư duy và khả năng của mình. Thay vì bị cuốn vào cái gọi là thành công và danh tiếng, hãy chạy về phía trước và nỗ lực hơn từng ngày.
Gia Hà nhận ra rằng đằng sau hào quang của sinh viên Harvard cũng là một trách nhiệm. Cô hy vọng rằng mình có thể mang lại hạnh phúc cho nhiều người hơn thông qua kiến trúc:
“Là một sinh viên Harvard, nếu bạn đã có một số ảnh hưởng và thực sự có thể làm điều gì đó thay đổi hiện trạng, tại sao không?”.
Nguồn: Sohu