Sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra, lây truyền bởi muỗi đốt. Bệnh dễ dàng lây lan thành dịch và mức độ nguy hiểm cao nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Mỗi năm, nước ta có 2-3 đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội.
Nguyên nhân sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue (Đăn-gơ) gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Người nhiễm virus dengue do muỗi cái thuộc chi Aedes đốt. Muỗi Aedes aegypti là véc tơ truyền bệnh chủ yếu ở hầu hết các khu vực bệnh lưu hành. Muỗi Aedes aegypti là loại muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh.
Khi muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus dengue, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Trong khoảng thời gian sống còn lại sau đó, muỗi có nguy cơ truyền bệnh cho người. Khi virus vào cơ thể người, chúng tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian này nếu muỗi Aedes hút máu thì virus được truyền cho muỗi.
Các dấu hiệu của sốt xuất huyết có thể lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý theo dõi sát sao nhất là trong 3-4 ngày đầu từ khi sốt. Các dấu hiệu đó là:
Sốt (nóng) cao 39-40oC , đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn, nôn
Xuất huyết (chảy máu) thường ở nhiều dạng:
- Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.
- Ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).
- Xuất huyết tiêu hóa, người có tiền sử đau dạ dày
- Rong kinh ở phụ nữ, phụ nữ mang thai bị SXH vào thời điểm chuyển dạ lại càng nguy hiểm hơn vì có thể mất máu nhiều…
- Đau bụng.
Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm:
- Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã
- Chân tay lạnh
- Tiểu ít
- Có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.
Quá trình diễn biến của bệnh từ 2 đến 7 ngày, nguy hiểm thường xảy ra ở ngày sốt thứ tư, thứ năm: người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, đái ít, bứt rứt, mạch nhanh nhẹ, huyết áp hạ; nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp (biểu hiện của trụy mạch). Người bệnh cần được điều trị tích cực và hỗ trợ truyền máu, không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nặng như sốc, trụy mạch, xuất huyết các cơ quan nội tạng, xuất huyết não… gây nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý: Không phải tất cả trẻ bị sốt xuất huyết đều bị sốc. Tuy nhiên nên thận trọng theo dõi tất cả trẻ đang bị nghi ngờ sốt xuất huyết để kip thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm kể trên.
Cách điều trị khi có dấu hiệu bị sốt xuất huyết
Đưa người bệnh đi khám bệnh ngay. Nếu trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà như sau:
- Cho người bệnh nghỉ ngơi, tránh các công việc phải gắng sức
- Cho ăn nhẹ: cháo, súp, uống sữa…
- Cho uống nhiều nước hơn bình thường, có thể dùng nước chín để nguội, nước Oresol (nước biển khô, cách pha: 1 gói pha vào 1 lít nước, uống 100-150ml nước/kg cân nặng/ngày), nước cam vắt, nước chanh đường…
- Hạ sốt với thuốc Paracetamol, lau nước ấm khi sốt cao.
- Không cho trẻ uống Aspirin (vì gây thêm xuất huyết), không cạo gió, không quấn kín hoặc mặc áo nhiều khi đang sốt, không kiêng ăn, không nhịn uống.
- Theo dõi bệnh và mang ngay đến bệnh viện khi thấy có các dấu hiệu nặng hơn như:
- Người bệnh mệt nhiều hơn, vẻ âu lo bứt rứt, li bì hoặc vật vã
- Tay chân lạnh, đau bụng nhiều hơn
- Ói nhiều, da đổi màu bầm, môi tím lại.