Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21

30 mins read
Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21

12 giải Grammy, tỷ phú tự thân ở tuổi 34 và người kể chuyện âm nhạc huyền thoại. Chào mừng bạn tới với thế giới của Taylor Swift.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 1.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 2.

“Đây là một ca khúc mình mới viết hôm qua. Bài hát này nói về một cô gái khác biệt, và mình rất thích bài hát này vì đơn giản nó rất vui…”

Đó là một trong những thước phim đầu tiên ghi lại hình ảnh Taylor Swift với ca khúc đầu tiên do cô sáng tác khi mới 13 tuổi.

Taylor Swift ở hiện tại đã là một câu chuyện khác: Một tỷ phú âm nhạc trẻ, một trong những biểu tượng của nền âm nhạc nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Sau tất cả những khác biệt lớn ấy, người hâm mộ vẫn tìm thấy điểm chung với Taylor Swift khi nữ ca sĩ đăng tải bức hình biểu diễn trên một sân khấu nhỏ đơn giản bên bờ sông trong những năm đầu sự nghiệp. Một khởi đầu giản đơn, bình thường như bất cứ ai trong những ngày đầu sự nghiệp.

“Nếu Taylor Swift có thể đi lên từ một sân khấu nhỏ với vài chục khán giả đến sân vận động kín 70,000 chỗ ngồi, tại sao chúng ta không dám mơ một chút thành công cho cuộc đời mình, dù là nhỏ nhoi?” ai đó nghĩ vậy.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 3.

Taylor Swift từng biểu diễn trong bãi đậu xe tại thành phố Detroit, Mỹ. Màn biểu diễn cá nhân đó đã giúp sớm đưa “Tim McGraw” – lead single đầu tiên trong album “Taylor Swift” được phát hành năm 2006, đến với khán giả. Trong bài phát biểu của mình tại trường đại học New York, Mỹ với vai trò là Tiến sĩ danh dự, Taylor Swift từng chia sẻ rằng:

“Khi nhìn lại những khoảnh khắc bị từ chối, không được chọn, chẳng chiến thắng, không làm gì ra hồn… tôi nhận ra đó là những khoảnh khắc quan trọng, không muốn nói là quan trọng hơn những lúc tôi đạt được một điều gì đó.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 4.

Không được mời đi dự tiệc ở nhà một người bạn khiến tôi thấy cô đơn, nhưng vì những đêm cô đơn như vậy, tôi sẽ ngồi trong phòng và viết những ca khúc mà sẽ cho tôi một cơ hội tới nơi nào đó. Bị những quản lý của một hãng đĩa ở Nashville từ chối và nói rằng chỉ có mấy bà nội trợ 35 tuổi mới nghe nhạc đồng quê và không có chỗ cho một đứa bé 13 tuổi đâu khiến tôi khóc ròng trên xe về nhà. Để rồi sau đó, tôi đăng tải nhạc của mình lên Myspace, được kết nối với những thiếu niên trạc tuổi mình cũng thích nghe nhạc đồng quê mà chẳng có ai ở tuổi này hát cho họ nghe. Phải đọc những bài bình luận, quan điểm của cánh phóng viên, thường là chỉ trích, khiến tôi tự hỏi rằng tôi có đang sống trong một thế giới mô phỏng kỳ quặc nào đó không; nhưng rồi nó cũng giúp tôi nhìn vào bên trong mình để xem tôi thực sự là ai. Và khi cả thế giới coi chuyện tình yêu của tôi như một môn thể thao đầy hiếu kỳ mà tôi thua từng ván một khiến tôi thấy việc hẹn hò những năm tuổi teen và 20s không hề dễ dàng, nhưng điều đó cũng dạy tôi biết cách bảo vệ sự riêng tư của mình nhiều hơn. Bị tẩy chay trên Internet và gần như mất tất cả sự nghiệp mang lại cho tôi kiến thức tuyệt vời về tất cả các loại rượu.”

Khán giả yêu thích Taylor Swift vì biết rằng con đường Taylor Swift đi lên không phải một con đường được dọn hoa hồng sẵn. Chính những điều đó khiến Taylor Swift giống như một “con người” bình thường – không phải một sản phẩm của thế giới giải trí vốn đầy xa cách và tách biệt. Dù âm nhạc của Taylor Swift có thay đổi từ Country sang Pop, Alternative hay bất cứ thể loại nào khác, Taylor Swift vẫn là một cô công chúa nhạc đồng quê của nước Mỹ với chiếc guitar trong tay và mái tóc vàng uốn sóng, được hàng triệu người yêu mến.

Sự ra đời của album đầu tay “Taylor Swift” ghi dấu ấn của cô gái trẻ trong làng nhạc thế giới. Tim McGraw là single mở đầu, ra mắt vào tháng 06/2006 và nhanh chóng leo lên vị trí 40 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và vị trí 06 trong Hot Country Songs.

Phần còn lại, là lịch sử sang trang mới của nền âm nhạc nước Mỹ.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 5.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 6.

“Which era you are?”, một cô bé đứng ngay sau tôi trong khi đang xếp hàng chờ vào sân vận động Gilette. Cô bé chắc cỡ… nửa tuổi tôi. Đó là một câu hỏi của những người hâm mộ Taylor Swift để xem bạn toả ra năng lượng (hoặc đơn giản là yêu thích) album nào nhất của Taylor Swift. Người hâm mộ coi mỗi album là một “kỷ nguyên” của Taylor Swift.

“Ah…uhm… Evermore” – tôi lựa chọn Evermore, album khá mới của Taylor Swift. Trầm, buồn, như một thoáng mùa thu nước Mỹ cùng những câu chuyện tình giàu cảm xúc.

Cô bé cười rồi quay lại phía đám bạn, khẽ hát một đoạn trong champaign problems, “You booked the night train for a reason. So you could sit there in this hurt…”

“Em đặt vé chuyến tàu khuya, để có thể ngồi một mình thổn thức trong niềm đau…”

Nếu bạn hiểu câu hỏi đó, chúc mừng bạn đã bước đầu tiên vào “Swiftiedom”.

Kể từ khi “Taylor Swift” ra đời vào năm 2006, cứ đều đặn khoảng 2 năm, Taylor Swift sẽ cho ra mắt một album mới. Gần hai thập kỷ hoạt động nghệ thuật, Taylor Swift đã cho ra mắt 10 album phòng thu, 4 album tái thu âm, 1 EP nhạc Giáng sinh. 10 album của Taylor Swift đã xô đổ hàng trăm kỷ lục trong ngành âm nhạc nước Mỹ.

Mỗi kỷ nguyên của Taylor Swift đều để lại dấu ấn riêng trong lòng khán giả. Danh xưng “ngành công nghiệp âm nhạc” dành cho Taylor Swift là một sự phóng đại “hợp lý” khi tất cả các album của Taylor Swift ra đời đều mang đến những thành công vang dội, xô đổ những kỷ lục cá nhân của chính Taylor Swift hay vượt lên những nghệ sĩ khác. Trong ngành công nghiệp giải trí Mỹ, khi các nữ nghệ sĩ thường phải vất vả để vượt lên trong các bảng xếp hạng dành riêng cho nữ giới, Taylor Swift là một trong số ít nữ nghệ sĩ tạo được sự đối trọng với các nghệ sĩ nam. Năm 2022, Taylor Swift đã trở thành nghệ sĩ thắng nhiều giải thưởng AMA (American Music Awards) trong lịch sử, vượt qua ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 7.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 8.

The Eras Tour là một trong những concert thành công nhất trong lịch sử Mỹ.

Tôi sẽ phải chờ đợi rất lâu mới có thể đến Gillette hay bất cứ một sân vận động nào bất cứ đâu trên thế giới, để sống lại những khoảnh khắc kỳ diệu của The Eras Tour. Ba cuống vé phim “Taylor swift: the eras tour” trong tay cũng không thể khiến tôi tìm lại được cảm giác nhìn thấy Taylor Swift từ xa, trên khán đài 108 ngay đối diện sân khấu. Nhưng chỉ cần nhắm mắt lại, cho mình vài giây trước đồng hồ đếm ngược trên sân khấu, tôi thấy mình trở lại với The Eras Tour.

“Chào mừng bạn đến với The Eras Tour”

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 9.

Đó là một khoảnh khắc cả khán đài như vỡ oà, bùng nổ khi Taylor Swift bước ra sân khấu, trên nền nhạc “Miss Americana & the Heartbreak Prince”. The Eras Tour đã tạo ra một hiện tượng văn hoá trên toàn nước Mỹ với 53 đêm diễn kết thúc vào ngày 08/09/2023, thiết lập những kỷ lục về số lượng người đặt vé, số lượng khán giả lấp đầy các sân vận động. The Eras Tour không phải concert đầu tiên sau đại dịch Covid-19 tại Mỹ như được ví như tiếng pháo khai cuộc cho sự sẵn sàng trở lại của khán giả Mỹ với các sự kiện thể thao giải trí quy mô lớn. Sự chờ đợi rất lâu của khán giả sau nhiều album ra mắt, từ Lover, folklore, evermore cho đến Midnights cũng được thoả mãn với The Eras Tour. Nhưng khác với các concert khác được đặt tên theo từng album, The Eras Tour là một sự bùng nổ khi kết hợp cả 10 album với hơn 40 ca khúc được hát trong hơn 3 tiếng đồng hồ, điều mà không phải nghệ sĩ nào cũng có thể làm được. Mãn nhãn, xúc động, bùng cháy… là những mỹ từ hàng triệu khán giả đã dành cho các đêm diễn của Taylor Swift, dù trực tiếp có mặt tại sân vận động hay chỉ xem qua các video quay lại.

Nhiều người ví The Eras Tour chính là chất xúc tác cho “cơn sốt” Taylor Swift được thổi bùng lên ở thời điểm hiện tại. Sau nước Mỹ, Taylor Swift tiếp tục mang The Eras Tour “càn quét” thế giới với hàng chục đêm diễn khác diễn ra trong 2024, hứa hẹn kéo dài “cơn địa chấn” này, cả nghĩa bóng và nghĩa đen khi người hâm mộ Taylor Swift tại thành phố Seatle đã “vô tình” tạo ra một trận động đất nhỏ trong đêm concert.

Các chuyên gia ước tính, The Eras Tour sẽ mang lại doanh thu vượt 1 tỷ USD vào tháng 03 năm sau khi Taylor Swift đang thực hiện các đêm biểu diễn trên toàn thế giới. Nếu những dự đoán trên thành hiện thực, Taylor Swift sẽ thiết lập kỷ lục mới trong lịch sử ngành âm nhạc, vượt qua tour diễn chia tay khán giả của Elton john diễn ra trong nhiều năm với doanh thu 939 triệu USD. The Eras Tour sẽ tiếp tục diễn ra cho đến tháng 12/2024 và khép lại tại British Columbia.

Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của The Eras Tour vượt ra ngoài doanh thu dòng mang lại từ tiền bán vé. Ước tính The Eras Tour mang lại khoảng 5 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ từ sức chi của người hâm mộ. “Nếu Taylor Swift là một nền kinh tế, cô ấy lớn hơn 50 quốc gia trên thế giới”, Dan Fleetwood, Chủ tịch QuestionPro Research and Insights chia sẻ.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 10.

Có lẽ với người hâm mộ, những con số trên không tác động quá nhiều tới tình yêu dành cho Taylor Swift nhưng đó là một lời gợi nhắc rằng, sức ảnh hưởng của Taylor Swift vượt ra ngoài những tác phẩm âm nhạc, mang đến thay đổi lớn cho văn hoá đại chúng và xã hội Mỹ, đồng thời tác động tích cực đến nền kinh tế nước Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung. Trước Taylor Swift, nhiều nghệ sĩ khác đã ghi dấu ấn bản thân trong nghệ thuật và xã hội Mỹ – đa phần là những ca sĩ nhóm nhạc nam. Taylor Swift không phải nghệ sĩ đầu tiên nhưng trong một nền âm nhạc nhiều cạnh tranh như thời điểm hiện tại, làm được những điều như Taylor Swift không phải dễ dàng.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 11.

“There’s always some standard of beauty that you’re not meeting…”

Sẽ luôn có chuẩn mực về vẻ đẹp mà bạn không bao giờ có thể đáp ứng được trong một thế giới ngặt nghèo và hà khắc. Taylor Swift đã từng chia sẻ trong bộ phim tài liệu Miss Americana và thông điệp đó một lần nữa được thể hiện qua ca khúc “Anti-hero” trong album “Midnights”. Taylor Swift là một trong những nghệ sĩ luôn biết cách yêu bản thân, chấp nhận sự khác biệt và gieo vào trong lòng khán giả những thông điệp tích cực, trở thành hình mẫu cho người trẻ. Khán giả yêu mến Taylor Swift không chỉ bởi cô là một ca sĩ với những kỷ lục đươc thiết lập trên thị trường âm nhạc. Trong mắt người hâm mộ, Taylor Swift như một “người bạn” nổi tiếng với sự chân thành, gần gũi và cởi mở.

Người ta có cảm giác rằng, cuộc đời của Taylor Swift như một bức tranh, để khi bước vào thế giới hư thực, mờ ảo ấy, Taylor Swift bỏ mặc lại hết những điều tiếng, scandal, những lời rèm pha lại phía sau, đắm mình trong thế giới âm nhạc của riêng mình. Chưa bao giờ, Taylor Swift chọn cách chất vấn dư luận hay công khai tuyên chiến trước những cáo buộc ác ý, từ những lùm xùm với Kanye West và gia đình Kim Kadarshians. Âm nhạc đã đưa Taylor Swift lên đỉnh cao của danh vọng và âm nhạc cũng là “vũ khí” để Taylor Swift bước ra khỏi những tai tiếng của cuộc đời mình. Trước thời điểm album “Reputation” ra mắt, khi cả thế giới chống lại Taylor Swift, cô vẫn chọn cách im lặng, tập trung ra mắt “Reputation” và Reputation stadium tour như một tuyên ngôn với những kẻ ghét cô: Rồi thời gian sẽ cho mọi người thấy rõ ai mới là “người tốt” thực sự giữa những câu chuyện tranh tối tranh sáng của làng giải trí.

Taylor Swift là một “nice girl” và như Taylor Swift từng nói, “một cô gái tử tế không áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Một cô gái tử tế mỉm cười, vẫy tay và nói lời cảm ơn.” Nhưng một cô gái tử tế cũng biết dùng âm nhạc để cất lên tiếng nói, kể câu chuyện của bản thân. Mỗi người trẻ nhìn vào cuộc đời và sự nghiệp Taylor Swift để nhận ra rằng, chúng ta không nhất thiết phải nổi tiếng, giàu có hay thành công như Taylor Swift nhưng chúng ta nên có cho cuộc đời một đam mê, một mục đích để biết bản thân đang nỗ lực vì điều gì. Taylor Swift là minh chứng cho những cuốn sách self-help, rằng bằng nỗ lực và sự cố gắng, cộng thêm đôi chút may mắn, bạn sẽ tìm được tới thành công, vào một lúc nào đó trong cuộc đời. Hoặc nếu có không thành công, bạn vẫn tìm được một chỗ nương náu cho những tháng ngày chông chênh, như Taylor Swift tìm thấy mình trong âm nhạc.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 12.

Taylor Swift dạy cho người trẻ về sự chăm chỉ và nỗ lực, vì đa phần chúng ta chẳng thể tìm đến con đường tắt dẫn lối thành công.

Taylor Swift cho chúng ta biết rằng, thế giới này hoàn toàn có thể bình đẳng hơn khi những khoảng cách dần được thu hẹp. Một nữ nghệ sĩ hoàn toàn có thể đạt được những cột mốc như nam nghệ sĩ, các nhóm thiểu số cũng cần được tôn vinh và xứng đáng với sự hiện diện trong xã hội, và chính trị không phải một điều quá xa vời. Âm nhạc với Taylor Swift còn là sự phản kháng khi “Lover” mang đến những thông điệp về đấu tranh chính trị tại Mỹ và “1989” đánh dấu một cuộc chiến giành quyền lợi cho bản thân cũng như các nghệ sĩ với nền tảng Spotify.

Và Taylor Swift luôn thủ thỉ với người trẻ rằng, hãy luôn yêu cuộc sống, yêu bản thân, yêu cả sự nổi tiếng và bỏ ngoài tai những điều xấu xa trong thế giới. Thất bại hay thành công, chớm yêu hay vừa tan vỡ, cuộc sống này cũng không dừng lại và hãy luôn cho mình một cơ hội, mở lòng đón nhận những bài học mới.

“Trong cuộc đời, sẽ có lúc bạn nói sai, tin nhầm người, phản ứng thái quá hay quá nhún nhường, làm tổn thương sai người, trống rỗng hay suy nghĩ quá nhiều, tự làm tổn thương bản thân, tạo ra một thực tế mà chỉ có trải nghiệm của bạn có nghĩa lý, phá hủy những khoảnh khắc đẹp tuyệt vời, phủ nhận lỗi lầm, không dám dấn bước để thay đổi, cảm thấy tội lỗi, để sự ân hận gặm nhấm bản thân, chạm đáy, rồi cố gắng làm lành vết thương của bản thân, nỗ lực hơn lần tới, cứ thế lặp lại. Tôi không nói dối đâu, những lỗi lầm đó sẽ khiến bạn mất đi nhiều thứ.

Nhưng mất đi nhiều thứ không có nghĩa là mất đi mọi thứ. Ông trời lấy đi của bạn vài thứ để rồi trao lại cho bạn những điều giá trị khác.”

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 13.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 14.

Từ khắp nơi trên thế giới, người hâm mộ dõi theo mọi hoạt động của Taylor Swift, chờ đợi từng sản phẩm mới của cô ra mắt. Những người hâm mộ tại Argentina cắm trại trước sân vận động nhiều ngày trước đêm diễn của Taylor Swift để có thể vào sân vận động sớm. Tại Philippines, những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ dragqueen trong trang phục của Taylor Swift cùng các bài hát nổi tiếng của cô cũng thu hút được hàng nghìn người xem, đứng chật kín các trung tâm thương mại. Tại Việt Nam, những buổi chiếu phim trở thành những buổi off fan Taylor Swift, sự kiện kết nối và làm quen bạn bè trong “Swiftiedom”. Chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chiếu phim tại Việt Nam – tôi mạnh dạn đoán là vậy, mà khán giả cùng nhau chạy xuống dưới sân khấu để nhảy múa, ca hát, đến mức rạp chiếu phim phải giăng dây để nhắc nhở “nhẹ nhàng”, sợ hỏng màn chiếu. Cả khán phòng hát đồng thanh như một dàn đồng ca hay hàng trăm trái tim được gửi tới Taylor Swift khi Enchanted vang lên.

“This night is sparkling, don’t you let it go

I’m wonderstruck, blushing all the way home

I’ll spend forever wondering if you knew

That this night is flawless, don’t you let it go…”

Thành công của Taylor Swift là một bài học cho bất cứ nghệ sĩ trẻ nào đang dấn thân vào giới giải trí. Taylor Swift không chỉ sáng tác nhạc và người hâm mộ chỉ là những người nghe, Taylor Swift là người kể chuyện dẫn dắt người hâm mộ vào “Swiftiedom” mà ở đó, khoảng cách giữa thần tượng và người hâm mộ như được kéo gần lại. Người nghe không bước vào thế giới âm nhạc của Taylor Swift với những ca khúc đơn lẻ, đôi ba bản hit như những nghệ sĩ khác. Thế giới âm nhạc của Taylor Swift như một cuốn sách mở, dẫn dắt khán giả qua những câu chuyện để bất cứ ai cũng có thể thấy ở đó sự thân thuộc, như thể đó chính là câu chuyện cuộc đời mình. Chọn chủ đề tình yêu cho phần lớn album xuyên suốt sự nghiệp, Taylor Swift không nhồi nhét thêm những câu chuyện tình cảm chung chung, na ná nhau vào địa hạt tình yêu tưởng như không còn điều gì có thể viết thêm được nữa. Nhưng tình yêu không bao giờ là mảnh đất cằn cho các nghệ sĩ khai thác. Taylor Swift chú ý tới từng chi tiết, mang những góc nhìn đa màu vào chủ đề tưởng như đã cũ mèm, thể hiện tình yêu trong nhiều sắc thái, hình tướng, cảm xúc, không gian và thời gian. Nếu bạn vừa mới chia tay, chắc chắn bạn sẽ thấy mình trong “Red (Taylor’s Version)”. Khi tình yêu vừa chớm nở với những cảm xúc dịu dàng, ngây thơ, có lẽ “Speak Now (Taylor’s Version)” là lựa chọn phù hợp nhất. Cần một chút man mác buồn, chút thi vị cho chuyện tình của bản thân, “evermore” sẽ không làm bạn thất vọng. Âm nhạc của Taylor Swift như một chiếc gương để dù mối tình mới chớm nở ở tuổi 15 hay đi cùng sự trưởng thành ở tuổi 40, bạn vẫn soi mình được vào những tác phẩm âm nhạc của cô gái trẻ.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 15.

Nói như vậy không đồng nghĩa với việc các tác phẩm của Taylor Swift chỉ là những ca khúc sến súa với giai điệu đơn giản. Trong một bài phỏng vấn trên tờ Harvard Gazette, các chuyên gia âm nhạc từ trường âm nhạc Berklee và đại học Harvard đã dành những lời khen cho Taylor Swift.

“Taylor Swift là một nhà soạn nhạc tài năng, ở cả cấp độ vĩ mô lẫn vi mô. Ở cấp độ vĩ mô, Taylor Swift có thể kể một câu chuyện hay truyền tải một thông điệp qua bài hát. Ở cấp độ vi mô, Taylor Swift rất điêu luyện trong khả năng kết hợp nguyên âm và phụ âm. Các ca khúc của Taylor Swift sử dụng lượng từ vựng lớn hơn rất nhiều những nhạc sĩ khác, ngoại trừ những người như Bob Dylan. Khả năng về thẩm âm và ngôn từ của Taylor Swift giúp biến những vòng hoà âm cơ bản của nhạc Pop trở thành những giai điệu bắt tay. Rất nhiều nghệ sĩ có khả năng thanh nhạc tốt hơn Taylor Swift nhưng để có được tài năng sáng tác như Taylor Swift không phải một điều đơn giản.”

Một nghệ sĩ có thể trở nên nổi tiếng bằng chiêu trò, bằng nhan sắc với số lượng ca khúc thành công ít ỏi. Nhưng từ việc nổi tiếng cho đến trở thành tượng đài âm nhạc toàn cầu là một khoảng cách dài mà chỉ có thể lấp đầy bằng tài năng và sự nỗ lực. Taylor Swift sở hữu cả hai điều trên. Nếu nghi ngờ sự nỗ lực của Taylor Swift, hãy nhớ rằng cô đã từng bị từ chối nhiều lần khi mới chỉ là một cô gái 13 tuổi. Khó có thể tìm được một nữ ca sĩ nào chăm chỉ như Taylor Swift, giữa đại dịch Covid-19 vẫn ra mắt đều 2 album, chuẩn bị re-record lại những album cũ cũng như ấp ủ kế hoạch cho The Eras Tour – một trong những concert đỉnh cao với quy mô hàng đầu lịch sử âm nhạc nước Mỹ. Tài năng của Taylor Swift cũng là điều không ai có thể phủ nhận khi ở tuổi 21 Taylor Swift đã mang về cho mình tượng vàng Grammy đầu tiên, để từ đó đến nay, bộ sưu tập Grammy của Taylor Swift đã lên tới 12 chiếc cúp.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 16.

Nếu ai đó nói chiếc cúp trong lòng người hâm mộ là chiếc cúp quan trọng nhất, Taylor Swift có tất cả.

Trong một thế giới giải trí nhập nhằng giữa tai tiếng và nổi tiếng, nơi không ít ngôi sao được công chúng biết đến chỉ vì họ… nổi tiếng, nơi công chúng đôi khi quan tâm tới đời tư của nghệ sĩ nhiều hơn năng lực của họ, Taylor Swift xuất hiện như “gạn đục” cho làng giải trí nước Mỹ. Công chúng đã chán ngấy với những thứ trá hình nghệ thuật, những con người đi lên bằng scandal nhiều hơn bằng thực lực. Sẽ là một sự thiên vị nếu nói Taylor Swift là nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật tích cực nhất ở thời điểm hiện tại nhưng liệu chúng ta có kể được một cái tên nào khác?

Hơn một thập kỷ kể từ khi Taylor Swift dấn thân vào con đường âm nhạc, thế giới không đơn giản chỉ thêm bớt một người nghệ sĩ – cô đã thay đổi cả nền âm nhạc đương đại, đặt ra những chuẩn mực mới trong ngành công nghiệp âm nhạc, truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ trẻ sau này, xô đổ những kỷ lục trên toàn cầu. Ra đi “tay trắng” khi tất cả những đứa con tinh thần đều bị “cướp” bởi Scooter Braun Taylor Swift quyết định “tất tay”, thu âm lại toàn bộ những album cũ của mình. Sự thành công của những album thu lại cùng quyết tâm của Taylor Swift đã khiến nhiều công ty âm nhạc phải thay đổi các điều khoản liên quan đến việc thu âm lại âm. Sự ra mắt của bộ phim “Taylor swift: the eras tour” đã khiến ngành công nghiệp điện ảnh phải lo lắng khi thay đổi những cấu trúc vận hành và mối quan hệ truyền thống giữa đơn vị phát hành các studio sản xuất.

Taylor Swift: Tượng đài âm nhạc toàn cầu của thế kỷ 21 - Ảnh 17.

Chúng ta không gọi Taylor Swift là một hiện tượng. Không có hiện tượng nào kéo dài 15-16 năm trong lòng người hâm mộ. Tôi tự hỏi liệu mình có nói quá không nếu coi Taylor Swift là một biểu tượng âm nhạc nước Mỹ – một cách chơi chữ đối sánh với từ “hiện tượng”? Cuộc đua danh hiệu cho Taylor Swift chắc chỉ diễn ra trên khán đài của những người hâm mộ. Hiện tượng hay biểu tượng, tôi nghĩ Taylor Swift không quan tâm đến điều đó cho lắm. Được hát, được biểu diễn, được sáng tác nhạc có lẽ mới là những điều vẫn lấp lánh niềm vui với Taylor Swift trong một thế giới mà các tỷ phú âm nhạc đều đã khởi sự kinh doanh, dần rời xa ánh đèn sân khấu.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog