“Hotgirl IELTS” Nguyễn Lâm Thảo Tâm từng gây sốt khi lần đầu lấn sân diễn xuất với vai cô giáo Hồng trong bộ phim ăn khách Mắt Biếc. Sau hơn 3 năm trong nghề, cô nàng Gen Z giỏi giang sinh năm 2000 lần đầu đóng chính phim điện ảnh với nhân vật Ánh Dương trong Fanti của đạo diễn Việt Kiều – Andy Nguyễn.
Trái ngược với hình ảnh trong trẻo và dịu dàng trong Mắt Biếc, Thảo Tâm lần này hóa thân một nữ diễn viên trẻ đầy tham vọng và mưu mô. Ánh Dương sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được điều mình mong muốn, trở nên nổi tiếng và có chỗ đứng trong nghề. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cơ hội lắng nghe nữ diễn viên trải lòng về câu chuyện sự nghiệp, cuộc sống.
Tôi nhiều lần tự hỏi bản thân có đủ khả năng để nhận vai chính không
Cảm xúc của bạn như thế nào khi lần đầu đóng chính một dự án điện ảnh? Trải nghiệm lần này có khác nhiều so với phim đầu tay Mắt Biếc của bạn không?
Đầu tiên là run. Đứng ở vị trí quan trọng như vậy trong một bộ phim khiến tôi cảm thấy được đại diện cho điều gì đó lớn hơn bản thân. Làm phim là làm cùng với nhau mà. Nhưng người xuất hiện trên màn ảnh chính là tôi. Thảo Tâm nhiều lần cũng tự hỏi bản thân có đủ khả năng để đảm nhận vai nữ chính không. Ngược lại, tôi cảm thấy rất biết ơn. Tôi là một diễn viên trẻ, chưa có qua nhiều kinh nghiệm để có thể chắc chắn đỡ được những dự án như thế này. Tuy nhiên, việc các đoàn phim đang trao quyền cho những người trẻ đứng là điều rất quan trọng.
Lần đóng phim này vừa có điểm giống, vừa có điểm khác so với thời Mắt Biếc. Khi đứng ở ngày công chiếu của cả hai dự án, tôi rất vui không chỉ vì sản phẩm của mình đã thành hình mà đó là dịp làng phim được tụ họp, vỗ vai chúc mừng nhau. Đó là một cảm xúc rất đẹp. Điểm khác là, thời Mắt Biếc, tôi chỉ tập trung vào việc bản thân có làm tốt hay không. Bây giờ, nỗi lo nới rộng ra. Tôi nóng lòng được xem cả bộ phim thay vì xem riêng những cảnh của bản thân, quan tâm tới tổng thể tác phẩm, xem câu chuyện đó được kể như thế nào.
Bạn bén duyên với dự án Fanti của đạo diễn Andy Nguyễn như thế nào?
Thảo Tâm tham gia casting vào cuối năm 2020 và nhận được vai phụ Kim Khánh. Tôi rất thích những nhân vật thẳng thắn, chính trực và có cá tính mạnh như vậy. Sau khi làm việc trong dự án một thời gian, nhà sản xuất và đạo diễn nhận ra Thảo Tâm hợp với vai chính Ánh Dương hơn. Tôi gần độ tuổi hơn, có nhiều trải nghiệm giống nhân vật với rủi ro của mạng xã hội.
Vậy cảm xúc của Thảo Tâm như thế nào khi được “thăng chức” như vậy?
Lúc đó, Thảo Tâm nghĩ đó là cái duyên mà mình nên nhận. Thật ra, cảm xúc lớn nhất trong tôi lúc đó là buồn vì bản thân rất thích Kim Khánh. Tôi hơi tiếc một chút vì đã đặt rất nhiều tâm huyết và đã xây dựng nhân vật này gần như hoàn chỉnh rồi.
Khi tham gia một dự án, Thảo Tâm không quan tâm việc chính – phụ, chỉ là mình có thể khiến con người đó trở nên sống động hay không. Sau này, khi xem bộ phim, Tôi cảm thấy sự lựa chọn của đạo diễn là đúng. Và phiên bản Kim Khánh của Hồ Thu Anh mới là phiên bản hoàn hảo nhất.
Thảo Tâm chia sẻ đã từng trải qua những áp lực tương tự như Ánh Dương?
Áp lực của Ánh Dương lớn hơn những điều Thảo Tâm trải qua rất là nhiều. Tuy nhiên, điều tôi cảm thấy đồng điệu với nhân vật là những kỳ vọng mà mình tự đặt ra cho bản thân. Những kỳ vọng đó được phóng đại bởi mạng xã hội. Năm 18 tuổi, Thảo Tâm bắt đầu theo đuổi sự nghiệp người mẫu ảnh. Từ đó, những người theo dõi bắt đầu tăng lên. Lúc đó, tôi cũng kỳ vọng sẽ làm được điều gì đó với trang mạng xã hội của mình.Tuy nhiên, điều đó không có đúng. Vì nhiều người theo dõi nhưng chưa chắc họ đã quan tâm.
Thảo Tâm nghĩ đó là tâm lý nên có, rằng bản thân không quan trọng đến thế, cũng như bao nhiêu người khác. Điều đó sẽ khiến bản thân thấy thoải mái hơn. Ánh Dương cảm thấy dường như có quá nhiều kỳ vọng đặt vào cô ấy, từ mẹ, mạng xã hội hay những người xung quanh. Thật ra, chỉ có mình đang làm khổ bản thân thôi.
Tôi từng bị stalker quấy rối khi còn là học sinh
Trên trang cá nhân, Thảo Tâm gọi nhân vật Ánh Dương trong Fanti giống một “bóng ma tâm lý” của chính mình. Bạn có thể giải thích kỹ hơn về câu ví von này?
Quá trình đóng Ánh Dương rất ám ảnh với Thảo Tâm. Tôi rất thương nhân vật này. Trong khoảng một tháng rưỡi ghi hình, gần như Ánh Dương không bao giờ cười. Gần như không có giây phút nào cô ấy cảm thấy yên ổn cả. Đối với tôi, Ánh Dương rất đáng thương vì quá ám ảnh, tự giày vò bản thân. Cho nên, Thảo Tâm nghĩ rằng điều đó như một “bóng ma tâm lý” khi đóng nhân vật này.
Đồng thời, đó cũng là trạng thái tâm lý tôi từng trải qua trước đây. Hồi còn học cấp 2 và cấp 3, tôi không mắc bệnh trầm cảm nhưng đã trải qua những giây phút bị trầm cảm. Ánh Dương giống một phiên bản của chính mình trong những lúc tăm tối nhất. Dù đã quay phim xong khoảng một năm, mỗi lần nhìn thấy các khung cửa sổ ở những khu chung cư cũ, tôi luôn cảm tưởng rằng Ánh Dương sẽ xuất hiện và mở cửa sổ ra. Đó là lý do Thảo Tâm gọi đó là “bóng ma tâm lý” của mình.
Trong phim, nhân vật Ánh Dương hay Kim Khánh gặp rắc rối với stalker (kẻ theo dõi). Ngoài đời, Thảo Tâm đã gặp tình huống tương tự chưa?
Những câu chuyện bị theo dõi hay tấn công trên mạng xã hội không của riêng với người nổi tiếng. Bản thân tôi cùng nhiều bạn bè cũng đã từng gặp phải. Lần đầu tiên tôi bị stalk là khi mới 17 tuổi, học lớp 11 và đang làm mẫu ảnh. Lúc đó, tài khoản chỉ có khoảng 8.000 đến 12.000 người theo dõi, đa phần là cộng đồng học sinh. Có một người đàn ông liên tục quấy rối bằng tin nhắn, bình luận. Tôi chặn tài khoản này là người đó lập cái khác. Thực sự, lúc đó rất đáng sợ. Có một lần, đang ngồi trong lớp học toán và nhìn ra cửa sổ, tôi có cảm giác như người đàn ông đó đang có thể đứng sau bất kỳ gốc cây nào ngoài đó. Bản thân thực sự không còn cảm thấy an toàn nữa.
Sau khi tự giày vò bản thân rất lâu, tôi quyết định đem câu chuyện đó kể với cha mẹ. Tôi nhận ra nhiều người khác cũng có chia sẻ tương tự và đó là rủi ro có thể xảy ra với bất kỳ ai khi sử dụng mạng xã hội. Thành thật mà nói, bạn sẽ có nguy cơ bị quấy rối cao hơn nếu là phụ nữ trẻ. Thảo Tâm nghĩ là khi lớn lên sẽ biết cách đối phó với những điều đó một cách thông minh hơn. Nếu thấy điều gì đó nguy hiểm, ta có thể hạn chế tương tác hoặc chặn họ. Nếu sự việc tăng tiến, có thể nhờ pháp luật can thiệp. Điều quan trọng phải nhớ là chúng ta không cô đơn. Vì cảm giác cô đơn trong lúc nguy hiểm mới thật đáng sợ.
Nếu ai đó không thích Tâm, tôi rất hoan nghênh việc họ chặn mình trên mạng xã hội. Điều đó sẽ tốt hơn cho tất cả chúng ta. Tôi cảm thấy nút block nên được bình thường hóa. Đừng cảm thấy tổn thương khi bị người khác chặn. Việc người ghét người là bình thường mà. Tại sao chúng ta cứ phải nhìn thấy nhau mà lại cảm thấy khó chịu. Mạng xã hội là không gian vừa riêng và vừa chung. Chúng ta được quyền tạo dựng và bảo vệ cái không gian riêng và chung đó.
Thảo Tâm thấy tính cách của bản thân giống với nhân vật Ánh Dương trong Fanti hay cô giáo Hồng trong Mắt Biếc hơn?
Tôi thấy bản thân giống cả hai. Các nhân vật này có những nét tính cách gần với mình nhưng cuộc đời và ngữ cảnh sống của họ khác xa quá. Cô giáo Hồng và Ánh Dương đều là những người bướng bỉnh, cứng đầu, đã tin cái gì là tin tới cùng. Tôi thấy giống với cô giáo Hồng ở việc khao khát được yêu đương. Nếu bản thân đã yêu một ai hay một cái gì đó thì Thảo Tâm sẽ rất mãnh liệt.
Còn với Ánh Dương, tôi giống ở điểm cũng là người rất hay lo âu. Tuy bản thân hướng ngoại, Thảo Tâm là người suy nghĩ rất nhiều, thường tự bị “lạc” trong cái đầu của chính mình. Vì vậy, dù không đồng tình với những điều Ánh Dương làm, tôi rất thông cảm với gốc rễ những nỗi lo của cô ấy.
Trong phim Ánh Dương là một diễn viên rất tham vọng, sẵn sàng mạo hiểm và đánh đổi để đạt được thành công. Ngoài đời, Thảo Tâm có thấy bản thân có ngọn lửa bên trong giống vậy không?
Thảo Tâm tự thấy bản thân là người rất quyết liệt. Khi muốn làm một điều gì và tin rằng nó sẽ đem lại giá trị cho mọi người hay bản thân, tôi sẽ hết mình vì điều đó. Nhưng tôi không phải một người bất chấp hay sẵn sàng thỏa hiệp với những gì vi phạm vào giá trị cốt lõi của bản thân. Tôi không bao giờ làm những gì tổn hại đến gia đình hay những người xung quanh.
Fanti miêu tả ngành phim ảnh nhiều mảng tối, cám dỗ. Sau hơn ba năm thử thách với vai trò diễn viên, Thảo Tâm suy nghĩ thế nào về góc nhìn này?
Thực ra, Thảo Tâm rất ngượng khi nhận là diễn viên có hơn 3 năm kinh nghiệm vì hơn nửa số thời gian đó trùng với dịch Covid-19. Tâm cũng cảm thấy còn rất trẻ, rất mới mẻ với nghề và còn nhiều điều để học hỏi. Sẽ thật thiển cận nếu chỉ nhìn những cái khó, những điều tiêu cực không phù hợp. Đôi khi, chỉ là ta chưa thực sự nhìn được bức tranh toàn cảnh thôi.
Bộ phim Fanti nói về những mặt tối có tồn tại thật trong làng giải trí. Tuy nhiên, công việc này cũng có nhiều điểm sáng. Khi làm nghệ thuật giải trí, tôi rất yêu những giá trị phim ảnh có thể mang lại. Đó là những cảm xúc rất thật và những bài học cuộc sống có được khi đi xem một tác phẩm hay. Chừng nào, Thảo Tâm còn tin vào những giá trị nghệ thuật đó thì tôi còn theo đuổi sự nghiệp điện ảnh.
Ngoài đời, Thảo Tâm đã gặp những cám dỗ, mặt tối đó chưa và suy nghĩ như thế nào?
Gia đình Thảo Tâm có kinh tế trung bình. Tôi có một điều tự hào là tự trả được học phí khi đi học đại học. Vấn đề là mục tiêu của mình không phải đồng tiền. Từ trước đến giờ, Thảo Tâm cảm thấy bản thân rất tỉnh táo trong chuyện đó, không bị cám dỗ trước những cái mình có thể có hoặc phải đánh đổi để có. Thực ra cũng có những người tiếp cận, tôi thì không phản hồi bao giờ vì cảm thấy hơi mắc cười.
Trong Fanti, Thảo Tâm phải hóa thân thành một diễn viên đóng phim rất tệ. Trải nghiệm đó như thế nào?
Thảo Tâm nói thiệt là đạo diễn và dựng phim rất tài tình. Có một vài cảnh quay là tôi cố gắng diễn tệ và có cả những cảnh diễn hỏng, đọc sai lời thoại. Mọi người đã biên tập, cắt qua cắt lại để tạo cảm giác chân thật. Việc cố diễn tệ và diễn tốt, với Thảo Tâm, chỉ khác nhau một điều là có đặt cảm xúc vào đó hay không. Thời kỳ trước, tôi ít kinh nghiệm và có những vai diễn khiến bản thân hơi xấu hổ, cảm thấy làm chưa tốt vì chỉ quan tâm tới hình thể, lời thoại của nhân vật mà không nghĩ đem đến cảm xúc gì.
Thảo Tâm trong vai Ánh Dương phim Fanti.
Bạn đã hài lòng với màn thể hiện của mình trong phim chưa?
Tôi nghĩ sẽ cần xem thêm nhiều lần mới có thể đánh giá khách quan hơn về màn trình diễn của bản thân. Nhưng mà tôi có thể tự tin là đã có nhiêu xài bấy nhiêu, cố gắng hết sức rồi. Đánh giá khách quan nhất có lẽ nằm từ phía những khán giả đã xem phim. Cá nhân Thảo Tâm hoàn toàn nhìn nhận được những chỗ cụ thể nào làm chưa tốt, cần phải cải thiện kỹ năng diễn xuất, cách xử lý nhân vật. Cũng có những điểm sáng mà tôi rất tự hào, như cảnh đối chất, tương tác với mẹ Hằng (NSND Lê Khanh đóng).
Bạn cân bằng thời gian như thế nào khi vừa đi học vừa đóng phim?
Đáp án là không cân bằng. Hồi đó, tôi nhớ đã phải gác lại một học kỳ để quay Fanti. Sau đó, lịch quay bị thay đổi khiến tôi như tẩu hỏa nhập ma luôn. Tôi thấy không thể làm hai việc cùng lúc mà đặt hết 100% tâm tưởng vào. Và việc đóng phim xứng đáng để Thảo Tâm dốc hết sự tập trung vào đó. Nhiều người bạn cũng có lựa chọn tương tự, gác lại việc học để đi làm thực tập sinh. Và diễn viên bản chất cũng là một công việc, không phải điều gì hơn người hay quá cao siêu. Vì vậy, cứ coi nó như một công việc thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Kế hoạch trong tương lai của Thảo Tâm là gì? Sau khi tốt nghiệp, Thảo Tâm sẽ chăm chỉ đóng phim hơn chứ?
Tất nhiên rồi! Trong quá trình 5 năm học đại học, có nhiều dự án khiến tôi rất tiếc khi phải từ chối. Lúc đó, Thảo Tâm là diễn viên bán thời gian thôi. Nhiều dự án điện ảnh, truyền hình đòi hỏi từ 2 đến 6 tháng quay nên không thể sắp xếp tham gia. Tuy nhiên, bây giờ thì không còn cớ gì để từ chối cả.
Fanti là một cột mốc quan trọng với tôi, là vai chính đầu tiên trong sự nghiệp. Dù đã làm hết sức, Thảo Tâm cũng nhận thấy được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Trong một năm tới, mục tiêu của tôi là tham gia vào nhiều dự án điện ảnh hơn. Đặc biệt là học hỏi nhiều hơn để cải thiện những điều mình còn thiếu sót.
Sau đó, tôi muốn tiếp tục đầu tư cho những dự định cá nhân, phát triển giáo dục của bản thân. Có thể là một vài dự án liên quan đến văn hóa, nghệ thuật và giáo dục. Thảo Tâm vẫn ấp ủ kế hoạch sẽ đi học tiếp trong tương lai. Tuy nhiên, tôi nghĩ làm gì cũng cần có chủ đích. Tôi không muốn bản thân sẽ chọn theo một khóa cao học chỉ vì không có việc gì khác để làm.