Thi 2 lần không đỗ đại học, cô gái vẫn được 3 công ty đa quốc gia mời về làm việc nhờ khả năng này
Ôn luyện sau lần trượt đại học thứ nhất, Cao Tiểu Khiết vẫn nhận về kết quả không như ý muốn. Cô đành nộp hồ sơ vào một trường cao đẳng. Song, từ đây, khả năng của cô bắt đầu được phát huy khi biết phải đầu tư cho kỹ năng nào.
- Trượt đại học không phải là trở ngại để theo đuổi ngành học mình đam mê
- Gần 300 thí sinh điểm cao nhưng trượt đại học
- Phút nói thật: Phụ huynh cảm thấy thế nào nếu chẳng may con… trượt đại học?
Chỉ có học mới thay đổi được số phận
Cao Tiểu Khiết là một cô gái đến từ một ngôi làng hẻo lánh thuộc Trung Quốc. Điều kiện gia đình cô cũng khá khó khăn.
Nếu như những gia đình trong làng nghĩ rằng con gái chỉ cần lấy được chồng là đủ thì bố mẹ của Tiểu Khiết lại suy nghĩ hoàn toàn khác. Tuy học vấn không cao, nhà cũng không giàu, song bố mẹ luôn động viên con gái phải chăm chỉ học tập. Bởi họ tin rằng chỉ có học tập mới có thể thay đổi được số phận nghèo khó này.
Ý thức được điều này nên Cao Tiểu Khiết luôn tranh thủ từng phút để có thể học mỗi khi về nhà. Mặc dù điều kiện học tập của cô ở trường làng kém hơn nhiều so với các bạn ở thành phố, song cô luôn đạt kết quả xuất sắc nhờ sự chăm chỉ. Đặc biệt, cô có thế mạnh về môn tiếng Anh.
Tuy nhiên, sau khi vào cấp 3, nơi tập hợp những học sinh giỏi nhất của khu vực, lực học của Cao lại đuối dần so với các bạn. Mặc dù luôn nỗ lực cố gắng, nhưng điểm số của cô chỉ đạt mức trung bình trong lớp..
Cao Tiểu Khiết nhận ra rằng ở trường làng cô chỉ được dạy kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là chính, ít có cơ hội được tiếp cận kiến thức nâng cao. Biết được điểm yếu của mình, song cô không nản lòng. Cô nỗ lực nắm vững kiến thức sách giáo khoa và nghiên cứu sâu hơn trên cơ sở đó. Tuy nhiên, để cải thiện điểm của các môn còn lại không phải là điều đơn giản. Điều này có thể gây ra bất lợi cho cô trong kì thi đại học.
Bằng chứng là trong kì thi tuyển sinh đại học năm 2005, Cao Tiểu Khiết không đỗ đại học. Đối mặt với khó khăn, cô không bỏ cuộc. Cô quyết định học và thi lại với hy vọng thay đổi được kết quả. Bởi cô hiểu rằng chỉ khi cầm được tấm bằng đại học bạn mới có thể tìm được công việc tốt.
Không chỉ đối mặt với áp lực học hành, Cao Tiểu Khiết còn phải đối diện với những ánh mắt nghi ngờ của người thân. Tuy nhiên, cô không bị choáng ngợp bởi những khó khăn này. Cô tin rằng chỉ cần chăm chỉ có thể thay đổi được kết quả.
Trong thời gian ôn thi lại, cô gái này rất nỗ lực. Cô kiên trì và chạy đua với thời gian để chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh đại học một lần nữa.
Thi 2 lần vẫn không đỗ đại học
Sau một năm ôn luyện, Cao Tiểu Khiết lấy hết can đảm để thay đổi kết quả không đạt trước đó. Tuy nhiên, điểm thi của cô vẫn không đủ để đỗ đại học.
Khi đó, giáo viên của Tiểu Khiết đã khuyên cô nên nộp vào một trường cao đẳng. Chỉ cần chủ động học tập, học ở đâu cũng có thể tìm kiếm được công việc tốt. Sau đó, nếu muốn cô có thể dành thêm vài năm để học tiếp lên đại học.
Nghe theo lời khuyên giáo viên, tự trấn an tâm lý, cô quyết định đăng ký chuyên ngành phát triển phần mềm của trường Cao đẳng Phần mềm Giang Tây. Nhận thức được rằng ngôn ngữ lập trình và tiếng Anh là những kỹ năng quan trọng trong xã hội hiện đại, cô nỗ lực để nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân.
Bên cạnh việc duy trì phong độ với môn tiếng Anh, Cao Tiểu Khiết tập trung phát triển ngôn ngữ lập trình. Ngoài giờ học trên lớp, cô còn tham gia lớp học kỹ thuật phần mềm của Ấn Độ. Đồng thời cô cũng nâng cao trình độ kỹ năng của mình thông qua việc giao lưu, học hỏi với bạn bè quốc tế. Nhờ vậy, không chỉ nâng cao chuyên môn, cô còn có cơ hội mở rộng tầm nhìn của mình,
Trong quá trình đào tạo này, Cao Tiểu Khiết đã xuất sắc thể hiện tài năng của mình. Phát huy hết khả năng và kiến thức của mình, cô hoàn thành được hàng loạt các dự án.
3 công ty mời về làm việc nhờ khả năng ngoại ngữ và lập trình vượt bậc
Ở thời điểm đó, IBM là một gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, luôn thu hút nhiều nhân sự giỏi. Song chỉ là một sinh viên của trường cao đẳng, Cao Tiểu Khiết đã xuất sắc vượt qua hàng loạt các ứng viên để có thể trở thành thực tập sinh tại đây.
Trong 10 tháng làm việc, cô gặp không ít khó khăn. Tiểu Khiết được cử tham gia một dự án phần mềm cho Nhật Bản. Điều này đòi hỏi cô phải giao tiếp được với các kỹ sư Nhật Bản.
Không biết gì về tiếng Nhật, song để phục vụ công việc, trong 3 tháng tự học, cô đã thành thạo những từ vựng về công nghệ thông tin và một số giao tiếp hàng ngày với người Nhật.
Trong 10 tháng thực tập ở tập đoàn lớn, cô Tiểu Khiết còn thể hiện khả năng lãnh đạo và tổ chức xuất sắc của mình. Dẫu là sinh viên cao đẳng duy nhất nhưng tất cả mọi người trong dự án đều tôn trọng cô bởi trình độ học vấn vượt trội. Nhờ vậy, cô thu hút sự chú ý của các lãnh đạo ở IBM và được đánh giá cao.
Năm 2008, cô cũng xuất sắc vượt qua kì thi liên thông lên đại học. Sau khi tốt nghiệp, Tiểu Khiết được công ty phần mềm Fufu, tập đoàn IBM và một công ty công nghệ thông tin ở Ấn Độ mời về làm việc.
Sau quá trình cân nhắc, cô quyết định quay trở lại IBM. Trong suốt thời gian làm việc, cô đã thể hiện trình độ chuyên môn và tinh thần lãnh đạo của mình. Cô tích cực tham gia vào các dự án khác nhau và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của công ty.
Câu chuyện của Tiểu Khiết sau đó đã truyền cảm hứng cho nhiều người và trở thành hình mẫu của những cá nhân biết đứng lên sau thất bại. Với dũng khí và sự kiên trì, cô gái này đã vượt qua mọi khó khăn và đạt được mong ước của mình. Không phân biệt trình độ học vấn, chỉ cần có năng lực thực sự, mọi người đều được tạo điều kiện để phát triển, thể hiện tài năng, đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội.