Thoát vị bẹn ở bé trai nhiều hơn bé gái
Trong thời kỳ phôi thai, vào khoảng tháng thứ bảy, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc. Bình thường, khi trẻ sinh ra thì ống này đóng lại nhưng do một nguyên nhân nào đó mà ống không đóng lại sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng như ruột, buồng trứng (ở bé gái) có thể chui vào và gây một số biến chứng.
Thông thường việc các bộ phận ở ổ bụng bị mắc kẹt tại ống bẹn có thể làm chèn ép bó mạch tinh hoàn, gây giảm lượng máu nuôi đến tinh hoàn cũng có thể làm chèn ép ruột, và các cơ quan khác bị mắc kẹt tại đó. Trong một số trường hợp, nếu không được mổ kịp thời sẽ dẫn đến nghẹt ruột, hoại tử ruột rất nguy hiểm.
Bệnh thoát vị bẹn chiếm 0,8 – 4,4% bệnh lý ở trẻ em. Ở trẻ sinh non tần suất còn cao hơn, đến 30% tùy theo tuổi thai.
Thoát vị bẹn gặp ở cả hai giới nhưng bé trai có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái.
Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên bẹn của trẻ.
Dấu hiệu thoát vị bẹn
Bệnh có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên bẹn của trẻ, thường gặp ở bên phải nhiều hơn so với bên trái, hoặc có khi bé bị cả hai bên.
Khi mắc thoát vị bẹn, trẻ sẽ có biểu hiện:
Khối phồng vùng bẹn bìu (1 bên hoặc 2 bên) ở trẻ trai và vùng gần âm môi ở trẻ gái.
Khối phồng xuất hiện hoặc to lên khi trẻ khóc, rặn, hoặc chạy nhảy. Khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn bé lại như bình thường.
Thoát vị bẹn nghẹt khi vùng bẹn của trẻ có một khối phồng căng cứng, sờ đau và có thể bé không cho sờ. Đa số các bé nhập viện với tình trạng bứt rứt, quấy khóc than đau (với trẻ lớn) và bỏ bú, nôn ói (trẻ nhỏ) và trước đó thường có khối phồng lên xẹp xuống ở vùng bẹn.
Thoát vị bẹn có tự khỏi không?
Thoát vị bẹn ở trẻ là bệnh lý bẩm sinh, không tự hết. Nếu không điều trị sẽ xảy ra biến chứng nghẹt dẫn đến các hậu quả sau:
- Ruột, buồng trứng (ở trẻ gái) trong ổ bụng có thể chui vào ống phúc tinh mạc gây nghẹt dẫn đến hoại tử ruột, buồng trứng nếu không được mổ kịp thời.
- Tổn thương tinh hoàn như xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn ở bé trai bởi mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép do nội tạng bị nghẹt.
Lựa chọn phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn ở trẻ em
Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất thoát vị bẹn ở trẻ và cần phẫu thuật sớm tránh các biến chứng.
Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật: Mổ mở và mổ nội soi để điều trị thoát vị bẹn trẻ em.
Mổ nội soi thoát vị bẹn trẻ em là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, không đau, thời gian phẫu thuật ngắn từ 5-10 phút. Thời gian nằm viện chỉ từ 24 – 48h sau mổ là trẻ có thể xuất viện.