Thực tập sớm từ năm nhất, năm 2, sinh viên nhanh có việc làm khi tốt nghiệp
Việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo tại các trường đại học giúp sinh viên có những kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm sát với yêu cầu của thị trường lao động. Những sinh viên thực tập tại doanh nghiệp sớm từ năm nhất, năm 2 cũng dễ dàng có việc làm sau khi tốt nghiệp.
- Một ngành nghề được dự đoán “hot” nhất tính đến năm 2030: Không lo thiếu việc làm, thu nhập có thể lên đến 32 triệu/tháng
- Cơ hội việc làm rộng mở với các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế tại VNUK
- Học tiếng Hàn hay tiếng Trung có tỷ lệ việc làm cao hơn, ra trường không lo thất nghiệp?
Hôm nay (14/7) tại ĐH Nguyễn Trãi diễn ra “Hội nghị khoa học với doanh nghiệp về đào tạo định hướng nghề nghiệp năm 2023”. Hội nghị là diễn đàn để các doanh nghiệp trình bày nhu cầu tuyển dụng và sử dụng nhân sự cũng như giúp trường đại học hiểu rõ hơn về yêu cầu của thị trường lao động, từ đó điều chỉnh chương trình kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên khi tìm kiếm việc làm.
Toàn cảnh hội thảo
Trao đổi về vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, thầy Phạm Văn Minh, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (ĐH Nguyễn Trãi) cho rằng, việc liên kết này mang lại lợi ích rất lớn: “Nếu như trước đây doanh nghiệp hầu như chỉ ngồi chờ sản phẩm của các trường đào tạo, lựa chọn và sử dụng nguồn nhân lực đó, thì đến nay nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào cùng đào tạo với các nhà trường. Quá trình này giúp việc đào tạo sát với thực tế yêu cầu kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm mà doanh nghiệp cần ở người lao động”.
Dù mang lại nhiều lợi ích, song việc kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong quá trình đào tạo vẫn gặp những khó khăn nhất định từ cả 3 bên: nhà trường – doanh nghiệp – sinh viên. Thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng tham gia công tác đào tạo cùng các trường, việc cùng đào tạo cần sự thay đổi rất lớn trong tư duy của mỗi doanh nghiệp. Về phía nhà trường, bản thân các trường cũng đang có sự cố hữu rất lớn về chương trình đào tạo, việc thay đổi chương trình, cách thức đào tạo sẽ phải trải qua một quá trình dài, thậm chí đến khi rút ra được phương án thì chương trình đó đã lỗi thời từ lâu. Với sinh viên, đa số các em đã quen học với cách học khá thụ động thầy giảng, trò nghe, khi bước vào môi trường đại học, đổi lại sinh viên là người chủ động, thầy cô chủ đóng vai trò hướng dẫn, không ít sinh viên rơi vào tình trạng “không biết làm thế nào”.
Ông Nguyễn Trung Phương, Giám đốc tuyển dụng công ty Bellsystem24 Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang hợp tác với hơn 50 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên toàn quốc trong việc hỗ trợ đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập.
Hiện tại doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận sinh viên từ năm nhất, năm 2 thực tập với thời gian làm việc linh hoạt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hướng đến mục tiêu bảo trợ cho sinh viên một số chuyên ngành, giúp các em vừa học vừa làm, được bảo trợ về học phí, có cơ hội phát triển kỹ năng mềm ngay trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường.
Theo ông Phương, hầu như 100% sinh viên tham gia làm việc tại doanh nghiệp từ năm thứ nhất, thứ 2 đại học sau khi ra trường đều nhanh chóng có việc làm.
“Lực lượng lao động trẻ thuộc thế hệ Gen Z sẽ là lực lượng lao động chính trong khoảng 1 vài năm tới tại Việt Nam. Các bạn có nhiều lợi thế hơn so với thế hệ trước, vì được tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin, có tư duy đổi mới hơn. Tuy nhiên, các em cũng có những hạn chế nhất định, khi sống trong nền kinh tế tốt hơn, động lực làm việc và khả năng chịu đựng được áp lực cũng có sự thay đổi so với thế hệ trước.
Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ có lợi ích tốt cho cả 3 bên. Doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà trường sẽ có sự cải thiện trong chương trình đào tạo để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, sinh viên sẽ không mất nhiều thời gian đào tạo lại sau khi ra trường và có cơ hội cạnh tranh tốt hơn trên thị trường lao động”, ông Phương nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Phương, hiện nay nhiều trường đại học đang tích thúc đẩy cực hợp tác với doanh nghiệp, song cũng còn nhiều đơn vị đào tạo chưa thực sự đẩy mạnh quá trình này. Về phía các doanh nghiệp cũng có một số trở ngại liên quan đến việc tiếp nhận sinh viên vào làm việc. Với một số ngành đặc thù, doanh nghiệp khó tiếp nhận một số lượng lớn sinh viên, trong khi đó, sinh viên thực tập từng đợt tại mỗi khoa có thể từ 50-100 em, thậm chí là nhiều hơn. Điều này cũng đòi hỏi các trường phải mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp khác nhau.