Tiến sĩ Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu chỉ ra 7 “điểm mù” của cha mẹ ảnh hưởng cả đời con
“Điều trẻ không bao giờ có được ở trường chính là thời gian và sự quan tâm, đồng hành của cha mẹ. Vậy nên, nếu về đến nhà mà còn vắng bóng cha mẹ thì chúng biết tìm bóng dáng cha mẹ nơi đâu?”.
- Cha mẹ dạy con chọn bạn đời: Đừng tìm người có nhà có xe, nên chọn 3 kiểu người này
- Nhiều cha mẹ đi họp phụ huynh bấm điện thoại nhưng lại cấm con sử dụng
- Tuổi mới lớn có một giai đoạn nguy hiểm, cha mẹ nên thực hiện 3 thay đổi
Theo Tiến sĩ Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu, tác giả các cuốn sách Thay Đổi Vì Con; Giáo Dục, Tương Lai & Đổi Mới,… thì việc làm cha mẹ cũng giống như lái một chiếc xe. Chúng ta có thể nhìn về phía trước để phần nào hình dung được con đường xe đang chạy có đúng hướng không. Chúng ta có thể nhìn ra sau, dựa vào trải nghiệm của người đi trước, từ đó rút tỉa những bài học và kinh nghiệm để chia sẻ và đồng hành cùng con trẻ.
Thế nhưng, ngay cả khi nhìn vào gương chiếu hậu, lúc nào người cầm lái cũng có thể gặp những điểm mù. Ít khi “tài xế cha mẹ” chịu thật sự xoay đầu nhìn qua vai thật kỹ để nhìn thấy trọn vẹn những điểm mù ấy.
Điểm mù 1: Cha mẹ “biết tuốt”
Cha mẹ nào cũng yêu con, muốn con thành công, nên họ không ngừng tìm hiểu, học hỏi để nâng cao phương pháp dạy con. Đó là một điều tốt đẹp. Nhưng tiếc thay, thời nay đang diễn ra một thực trạng đáng rung hồi chuông báo động: cha mẹ cứ đọc mỗi nơi một chút, hớt váng mỗi chỗ một tí, nhâm nhi mỗi khi một “triết lý” mà không đào sâu đọc kỹ để hiểu điều gì thật sự tốt cho con mình.
Trong rất nhiều cuộc họp phụ huynh ở các trường mà tôi có dịp ngồi nghe, không ít cha mẹ cứ phát ngôn và cư xử theo kiểu biết tuốt. Trước khi phát biểu ý kiến, nhiều cha mẹ hay rào đón: “Tôi cũng có mở trung tâm luyện thị, trung tâm tiếng Anh ở nhà”, “Tôi cũng đã từng đi học ở nước ngoài và thấy họ làm thế này thế kia…”, “Tôi có con lớn đã đi học ở trường kia trường nợ”, “Tôi đã trao đổi với anh chị phụ huynh A., B., C. nổi tiếng trên mạng về cách dạy con”,… Tất cả được lôi ra làm điểm tựa cho những yêu cầu của cha mẹ với thầy cô, nhà trường.
Có câu: “A little knowledge of everything is just small thinking and that is… dangerous” (Một chút kiến thức của mọi thứ thì chỉ là tư duy nhỏ vụn, và điều đó thật nguy hiểm). Khi cái gì chúng ta cũng chỉ biết một chút, rất dễ nảy sinh ảo tưởng là cái gì bản thân nghĩ và nói đều đúng. Mọi thứ hay ho và có hiệu quả ở một trường lớp, hay trên một vài đối tượng học sinh chưa chắc đã áp dụng hiệu quả, thành công với học sinh, trường lớp khác. Họ đòi hỏi quá nhiều mà ít chịu dừng lại, suy nghĩ kỹ về hai chữ: Bội Thực.
Đúng là tụi nhỏ giờ nhiều đứa bị bội thực thật. Trực tiếp đi dự giờ, rồi dạy học, trò chuyện và tiếp xúc với học trò từ mẫu giáo đến cấp ba, đại học, tôi mới giật mình: Rất nhiều đứa trẻ nhìn qua thì cái gì cũng biết, nhưng cái gì cũng chỉ biết qua loa. Khi trò chuyện với chúng chừng năm, mười phút về bất cứ đề tài gì là thấy rõ chúng… hụt hơi.
Còn nếu thử chạm đến những thứ sâu xa, trừu tượng hơn mà lẽ ra ở lứa tuổi của chúng cần biết, thì hầu hết đứt tư duy và gãy kiến thức.
Vì vậy, tôi luôn thầm mong là trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ chịu khó dừng lại để thở, ngẫm nghĩ và tìm hiểu: Trong vô vàn những thứ mà người lớn chúng ta tưởng chừng như “biết tuốt” đó, cái gì mới thật sự là quan trọng và cần thiết nhất cho từng thời điểm của con trẻ, và với mỗi đứa trẻ.
Điểm mù 2: Cha mẹ làm tuốt
Cha mẹ bận rộn, thời gian eo hẹp nên sinh ra nóng vội. Cái gì con làm không được, nghĩ không ra, hay làm lâu quá thì thôi, cha mẹ lấn sân, xử lý giùm cho nhanh, để cả nhà còn ăn cơm, cha mẹ còn quay lại với email công việc, hay thậm chí cả cha mẹ và con cái được đi chơi. Một hai lần rồi nhiều lần, dẫn đến một mặc địch vô thức trong đầu lũ trẻ: Ở đâu khó, ở đó có cha mẹ, dù chỉ là… khó nhẹ.
Thế nên có những bạn trẻ ở tuổi thanh niên mà kỹ 1 năng tự lập còn mong manh, quản lý cảm xúc thì lỏng lẻo, năng lực tự tư duy thiếu hụt, độ lì và sức bền thì ốm yếu. Chính cha mẹ chúng đã vô tình tước đoạt đi cái quyền được vượt khó của chúng. Nhưng cá chép không tự vượt vũ môn thì làm sao hóa được thành rồng?
Quá trình một đứa trẻ tự làm, rồi làm sai, rồi lại điều chỉnh, rồi lại sai, rồi lại chỉnh,… là khi tư duy lớn nhanh và nhiều gấp mấy lần so với việc làm ra được đáp án đúng ngay và luôn. Đó cũng là rèn cho trẻ sự kiên trì bền chí.
Nếu như một đứa trẻ chỉ chăm chăm làm cái gì cũng phải đúng và hoàn hảo ngay, nếu không thì cha mẹ sẽ nhảy vào làm giúp, chúng sẽ chẳng bao giờ khao khát để mạo hiểm thử nghiệm những cách làm đột phá, hay bùng nổ những ý tưởng mới mẻ. Sáng tạo sẽ tắt thở chết, ngay khi cha mẹ nóng vội làm thay cho con. Thay vì vậy, tại sao chúng ta lại không nhẫn nại dõi theo và mỉm cười khi con làm sai, động viên ngắn gọn mà sâu sắc: “Con thử lại đi nhé”.
Những nhà vô địch không trưởng thành qua những tấm huy chương khi bàn tay hay đôi chân họ chạm đích. Họ trưởng thành qua những lần té ngã, bầm tím, mệt mỏi và chán chường muốn bỏ cuộc, lẫn những sai lầm ngớ ngẩn, nhưng sau tất cả, “các nhà vô địch tương lai” cần học biết cách tự đứng lên.
Điểm mù 3: Cha mẹ kiểu ông già Noel
Một số cha mẹ sai lầm khi mỗi việc con làm đều được họ “trả thù lao” bằng quà thưởng, từ cái nhỏ như cục kẹo cho đến quần áo, giày dép, rồi càng ngày càng nâng lên thành điện thoại, máy tính, những chuyến đi chơi xa,… Họ không chú ý một quy luật: Lòng tham càng đào càng sâu, và sự tưởng thưởng vật chất cho trẻ nhỏ nhiều quá không khác nào khuếch đại tính ưa đòi hỏi của trẻ.
Quan trọng hơn, trẻ sẽ không nhận ra món quà đẹp nhất và ý nghĩa nhất của mọi nỗ lực trong học tập chính là sự tích lũy kiến thức, sự vững chãi của tư duy. Đó mới chính là những tài sản lâu bền và quý giá nhất.
Điểm mù 4: Cha mẹ ra rả sỉ vả
Những lời so sánh, chỉ trích, la mắng chỉ có giá trị ngắn hạn tức thời: Cha mẹ hạ hỏa trong lòng, và con cái vâng dạ, răm rắp làm theo. Nhưng điểm mù chính là những gì xảy ra trong tương lai. Những đứa trẻ cứ như là quả bóng căng đầy khí, im lìm nhưng rất mong manh, dễ nổ. Đôi khi chỉ cần thêm một lời nói hay hành động nhỏ như cây kim thôi cũng đủ làm bong bóng vỡ tung, chẳng khác gì nước lũ vỡ đê và nhiều hệ quả khó lường ập tới.
Mọi lời khen chê nên chuyển thành góp ý, phân tích cái chưa được cũng như cái được của con. Cái hay của giáo dục chính là nhận thức và khắc phục những điểm yếu, song song với việc ghi nhận những tích cực và phát huy thế mạnh của từng đứa trẻ. Giáo dục thật sự không nằm qua nhà hàng xóm bên trái, ngó con mắt sang nhà hàng xóm bên phải, ở đâu cũng thấy có thứ để so sánh và sỉ vả con. Nên chăng cha mẹ cũng bình tâm cân nhắc xem mình đã học được gì từ “cha mẹ nhà người ta”?
Đừng bảo con kiểm soát cảm xúc tốt khi chính cha mẹ không làm được điều đó. Hãy để tâm, lắng nghe và trò chuyện để xem trong nội tâm và cuộc sống của trẻ đang diễn ra những cuộc chiến nào. Mỗi người ta gặp trong cuộc đời đều đang có những cuộc chiến của riêng mình, có khi họ dễ dàng gọi tên và bật lên thành lời.
Còn với lũ trẻ, có những cuộc chiến nằm sâu bên trong mà chính chúng cũng không biết gọi tên thế nào. Chỉ với sự nhẫn nại, bình tâm như mặt hồ lặng gió thì cha mẹ mới từ từ giúp cho tụi trẻ yên lòng chia sẻ tâm tư. Lời giải cho mọi vấn đề đến từ cái bình yên “cởi nút thắt” đó chứ không phải từ những cơn cuồng nộ sỉ vả.
Nuôi dạy con lẽ ra nên là một con đường hạnh phúc, chứ không phải là một cuộc chạy đua nhiều căng thẳng, mắng nhiếc và rơi rụng bình yên.
Điểm mù 5: Cha mẹ cho con thoải mái “tới bến”
Đã không biết bao lần tôi ngồi trò chuyện với nhiều mẹ về chuyện “Sao con học hoài không thấy tiến bộ?”. Lúc nào câu trả lời dạm ngõ của tôi cũng là câu hỏi: Thời khóa biểu ở nhà của con ra sao?
Khi đó, cha mẹ mới giật mình nhận ra “điểm mù” này: Mỗi ngày của con là một kiểu cấu trúc lịch học, lịch chơi, sinh hoạt, ăn ngủ,… chệch choạc, thất thường. Con làm gì cũng không có giới hạn, không có chừng mực: Xem tivi, lướt YouTube, đọc truyện, chơi game, chat chit nhăng nhít,… Lúc đầu là vài phút, rồi kéo dài thành vài tiếng khi nào không hay. Vậy là cái não của trẻ chỉ thấy vui khi được ôm ấp những thứ tiêu khiển đó, còn hễ cầm cây bút đặt vào trang giấy là chúng đã than nặng, tịt ngòi.
Theo hai nhà nghiên cứu Warren Willingham và William Angoff, việc một đứa trẻ quyết tâm đi đến cùng trong một hoạt động chính là yếu tố quan trọng nhất dự đoán được thành công trong đại học của đứa trẻ ấy hơn bất cứ một yếu tố nào khác.
Việc kiên định với một mục tiêu sẽ giúp cho học sinh thấm cái khó khăn, vật vã của quá trình nhộng phá kén trước khi hóa thành cánh bướm tự do. Sự thoải mái quá mức trong sinh hoạt và giải trí sẽ cướp đi năng lực tự kiểm soát bản thân và quyết tâm đi đến cùng của đứa trẻ.
Đáng lo hơn, khi vượt ra khỏi vòng tay và tầm mắt của cha mẹ, chúng sẽ càng trở nên vô độ. Có lẽ đó là một phần nguyên do của hiện tượng nhiều người dù đã đi làm vẫn không biết chừng mực trước bia rượu, tham vọng, tiền bạc, hư danh.
Thành công và hạnh phúc ngày mai liệu có đến từ những sự thoải mái “tới bến” của hôm nay?
Điểm mù 6: Cha mẹ muốn tất
Biểu hiện của điểm mù này là ở trường có môn nào ngoại khóa, ở đâu có thi cử gì, chỗ nào có thầy cô giỏi, nơi nào có chương trình nghe hay, trên mạng có sản phẩm và phần mềm gì nổi tiếng là cha mẹ chẳng do dự mà đầu tư hết cho con theo học, không cần dành thời gian tìm hiểu kỹ về nó. Thế nên mới có nhiều đứa trẻ phải gồng gánh quá nhiều mong đợi, ước mơ của cha mẹ. Nhiều khi chúng không còn thời gian để… thở, chứ đừng nói chi là hấp thu kiến thức.
Và cũng vì thế, chúng bỏ lỡ những thứ thật sự cần cho tương lai. Ở ngoài kia người ta còn xem chúng có tư cách đạo đức hay không mới cấp cho một suất học bổng, chúng có tư duy sáng tạo và sâu sắc hay không mới để chúng bước lên khán đài cầm micro, chúng có đủ kỹ năng xã hội hay không mới đặt chúng vào vị trí lãnh đạo, và chúng có đủ kiến thức sâu sắc hay không để họ chịu tâm phục khẩu phục lắng nghe.
Thế nhưng, suốt thời phổ thông, do bận rộn tối mắt tối mũi chạy theo mấy cái “muốn tất” của cha mẹ, lũ trẻ không có thời gian để “cắm rễ” vào những điều quan trọng ấy. Nếu có thì chúng cũng chỉ lớt phớt như gió nhẹ thoảng qua. Chất lượng hơn số lượng, và đôi khi “less is more”, tức ít hơn lại là nhiều hơn.
Điểm mù 7: Cha mẹ “mù tịt”
Con học gì, ai dạy con thế nào, bài vở trên trường ra sao, con làm gì ở nhà,… cha mẹ gần như không biết một tí gì. Tất cả phó thác cho ông bà, người giúp việc, gia sư hoặc thậm chí là tài xế, nên cha mẹ quên béng rằng: Người có sức ảnh hưởng lớn nhất tới một đứa trẻ chính là cha mẹ.
Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái mỗi ngày một nới rộng. Những thái độ, hành vi tiêu cực của con cũng từ đó mà xuất hiện; nhưng mọi lỗi lầm, sai trái của con đều được cha mẹ “nhẹ nhàng” phủi tay, đẩy sang cho thầy cô và nhà trường.
Trẻ con như hạt mầm, cha mẹ như người làm vườn. Muốn hạt mầm đâm chồi, nở hoa, kết trái thì cha mẹ phải biết chọn mảnh đất tốt lành để gieo hạt, biết cách tưới tắm, bón phân, thường xuyên ngắm nghía, trông nom cây. Thời tiết thất thường, sâu bọ tạp nham, ngập úng,… chính là cuộc sống xung quanh đứa trẻ. Chúng ta không thể nào can thiệp mọi lúc mọi nơi, nhưng chúng ta cũng không thể nhắm mắt, phó mặc cho những người nông dân khác đi chăm bón giúp cái cây ta đã “thai nghén” gieo trồng.
Dẫu đứa trẻ có học trong một ngôi trường không tốt nhưng nếu ở nhà, cha mẹ chúng vẫn là những ngọn đèn vừa soi sáng, vừa sưởi ấm thì cái neo về tính cách, nhận thức, đạo đức trong chúng vẫn đủ chắc bền.