Ở khía cạnh tình mẫu tử, Mask Girl cũng đã khai thác một mặt hiển nhiên nhưng ít ai để ý. Đó là sự đau đớn tột cùng của mẹ và “điên cuồng” khi làm mọi thứ vì con. Một bộ phim tâm lý từ Hàn Quốc bóc trần những góc tối trong các mối quan hệ xã hội, trong đó có câu chuyện nuôi dạy con cái khiến cả phụ huynh lẫn con cái buộc phải nhìn lại bản thân.
Cha mẹ có thể đánh đổi tiền bạc, công sức và cả tính mạng chỉ mong con mình được sống hạnh phúc. Nhưng sự hi sinh của người mẹ trong Mask Girl lại khiến người xem phải suy nghĩ rất nhiều. Xét trên góc độ xã hội thì ai cũng đồng tình cần phải lên án hành động của bà mẹ. Nhưng khi nhìn lại, cả cuộc đời bà lại chỉ sống vì đứa con trai duy nhất.
Đó chính là Kim Kyung Ja – một người mẹ thất bại khi nuôi con nên người, và Oh Nam – chàng trai lớn lên dưới sự mong cầu quá lớn từ mẹ nhưng lại bị miệt thị ngoại hình, lạc lối trong xã hội và phải trả giá bằng tính mạng.
Bà mẹ Kim Kyung Ja trong Mask Girl.
Oh Nam – con trai của Kim Kyung Ja trong Mask Girl.
Kết hôn dưới sự mai mối, Kim Kyung Ja bị lừa và phải chịu cảnh nuôi con một mình. Dù vậy, tình yêu bà dành cho cậu con trai này vẫn trọn vẹn. Không ngại bất cứ công việc vất vả nào, chỉ cần có thể kiếm tiền để nuôi con thì người mẹ này vẫn làm không quản ngày đêm. Từ rửa bát, lau dọn vệ sinh, giao hàng, phục vụ,… chấp nhận lam lũ để con có cuộc sống tốt.
Từ thuở mới sinh đến khi khôn lớn, ra đời và có cuộc sống riêng, Kim Kyung Ja vẫn chăm sóc Oh Nam như một đứa bé, luôn lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ. Khi biết con trai bị mất tích, bà không tiếc rút hết số tiền tiết kiệm cả đời, mày mò học internet – thứ chưa bao giờ đụng tới, chỉ để tìm được con. Khi biết con đã bị sát hại, người mẹ phát điên và như biến thành một người khác – điên cuồng, không còn nhân tính.
Một người mẹ có thể làm tất cả vì con đầy ám ảnh
Nhưng Oh Nam, vì lớn lên trong trạng thái tâm lý không bình thường, lại xem sự chăm sóc của mẹ như không.
Thậm chí khi vừa dọn ra ở riêng đã lười liên lạc, không cho mẹ ghé thăm nhà, nhìn thấy cuộc gọi nhỡ cũng không buồn phản ứng lại. Đây là điển hình của một người con không thể đồng cảm với mẹ mình.
Không ít người sau khi xem xong Mask Girl liền có những quan điểm của riêng mình về chuyện con cái. Nhưng hầu hết ai cũng cảm thấy tiếc nuối và có nhiều cảm xúc trái ngược nhau.
Một phần vì quá xót xa cho bà mẹ, ám ảnh với những việc bà làm vì con. Phần còn lại là nỗi băn khoăn, “sinh con ra thôi là chưa đủ, phải nuôi con khôn lớn thế nào, chăm sóc bao nhiêu là đủ để con cảm thấy hạnh phúc là điều rất khó làm”!