“Tôi ghét chữ S”: Bài luận 16,5 triệu người xem, nữ sinh vào thẳng ĐH Harvard
Bài luận “chạm đến trái tim nhiều người” đã góp phần giúp nữ sinh 18 tuổi được nhận vào Đại học Harvard danh tiếng của Mỹ.
- Khi học bá “flex” không ai chơi lại: Từ Quán quân Olympia, sinh viên Harvard đến Tiến sĩ Oxford cũng nhập cuộc
- Hội con nhà người ta flex “Harvard cũng bình thường mà nhỉ”, sự thật thế nào?
- “Đứa trẻ thông minh nhất thế giới” biết viết năm 3 tuổi, ra sách năm 8 tuổi và thuyết trình tại Harvard năm 15 tuổi giờ ra sao?
Tôi ghét chữ “S”.
Trong số 164.777 từ có chữ “S”, tôi chỉ vật lộn với một từ. Lên án chỉ một chữ “S” trong khi nó chỉ chiếm 0,0006 phần trăm trong tổng 164.777 nghe có vẻ vô lý về mặt số liệu thống kê, nhưng nó thực sự đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
Tôi đã từng có đầy đủ cha mẹ (parents), nhưng bây giờ tôi chỉ còn một người, và chữ “S” trong từ “cha mẹ” vẫn cứ ở đó, chẳng biến mất.
Chữ “S” đeo bám tôi.
Tôi khó mà trải qua một ngày yên ổn mà không nghĩ đến chuyện trong khi chúng bạn vui vẻ ra ngoài ăn tối với cả cha lẫn mẹ, còn tôi thì chỉ dùng bữa với cha (parent). Thậm chí, khi tôi đang viết những dòng này, chữ “cha” (parent) còn bị báo lỗi chính tả. Ngay cả công cụ kiểm tra chính tả Grammarly cũng cho rằng tôi nên có đầy đủ cả cha lẫn mẹ (parents), nhưng căn bệnh ung thư quái ác không tuân theo quy tắc chỉnh sửa nào hết.
Tất nhiên, tôi sẽ không mãi than phiền về trường hợp 0,0006 phần trăm của mình là đặc biệt, nhưng vẫn có một ngoại lệ. Tất nhiên, ngoại lệ đó tôi không có được từ thế giới.
Thế giới sẽ chẳng vì tôi mà từ bỏ “S”, bởi vậy, tôi sẽ học cách từ bỏ nó.
Cứ khi nào bận rộn tôi lại chẳng bận tâm đến nó nữa. Bạn sẽ chẳng thể nào ăn tối với “cha” khi bạn quá bận rộn cho một bữa tối gia đình. Bất kể lúc nào rảnh rỗi, tôi lại nhanh chóng lấp đầy bằng việc này việc nọ. Tôi trở thành “đứa trẻ hay hỏi” lúc nào không hay. Trong đầu thường vang lên câu “Thời gian trong ngày mình làm gì?”. Sáng sáng gặp gỡ chúng bạn, học hành, rồi tan học lại đi chơi bóng chuyền, tham gia lớp khiêu vũ, tập kịch ở Boston, tối tối về làm bài tập, mệt rồi thì đi ngủ. Cứ như vậy, ngày nào cũng như ngày nào. Dù thời gian biểu của tôi có đổi thay ít nhiều nhưng sự bận rộn thì không.
Tôi không cách nào lấp đầy sự mất mát mà chữ “S” đã để lại cho tôi, nhưng ít nhất tôi có thể chắc chắn rằng tôi không phải nghĩ nhiều đến nó nữa. Có quá nhiều thứ trong đời ta chẳng thể kiểm soát hết, duy chỉ có một thứ nằm trong tay tôi – lịch trình mỗi ngày.
Tôi chưa bao giờ để mình rơi vào stress khi mọi việc ngoài tầm với. Tôi đã vượt qua nó một cách ngon lành. Mỗi khi chữ “S” tìm cách quay lại đeo bám tôi, tôi sẽ tìm cho mình sự bận rộn khác nữa, cứ thế, cứ thế. Chẳng mấy chốc tôi nhận ra những sắc màu khác mà sự bận rộn đó mang lại, là sân khấu, là học thuật, là chính trị. Tôi bắt đầu cuốn vào chúng nhiều hơn nữa và muốn bản thân thu hẹp những gam màu khác để tăng sắc thái cho các màu cơ bản.
Tôi yêu thích cuộc sống bận rộn này, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tôi không muốn thêm một sự bận rộn nào nữa. Tôi đã tìm thấy lý tưởng của mình và muốn nắm giữ lấy nó. Tôi ngừng việc chạy trốn khỏi từ “S” và bắt đầu theo đuổi 2 chữ “S” trong từ “Đam mê” (Passion).
Đam mê dẫn lối cho tôi.
Trước đây, tôi tự cùm kẹp mình trong chữ “S” khi không thể thoát khỏi ý niệm về một gia đình kiểu mẫu có đủ cả cha lẫn mẹ. Tôi nhận thấy mình càng chạy trốn bao nhiêu thì nó càng đeo bám tôi bấy nhiêu bởi đơn giản là tôi còn tiếc nuối quá khứ, còn day dứt quá nhiều. Nhưng rồi cuối cùng, tôi học được cách đứng lên và bước về phía trước. Tôi không phủ nhận quá khứ nữa. Chấp nhận nó, đương đầu và tiến về phía trước. Tôi thấy lòng mình thật phơi phới, tự do. Chữ “S” ấy khiến tôi suy suyển nhưng không giúp tôi tiến về phía trước.
Giá như có thể kết thúc ở đây, hân hoan và đắm chìm trong nguồn cảm hứng mới của mình, nhưng cuộc sống còn nhiều điều phức tạp hơn. Động lực là con dao hai lưỡi. Nó giúp tôi luôn hướng về phía trước, nhưng lại ngăn tôi nhìn về phía sau.
Tôi muốn hét lên rằng tôi đã có đủ sự can đảm để quay lại đối mặt từ “S” mất mát nhưng tôi lại không thể. Động lực là thứ giữ cho chữ “S” ở lại. Tuy tôi không được chữa lành hoàn toàn, nhưng tôi hoàn hảo trong việc tìm ra cách tốt nhất để chữa lành vết thương cho chính mình. Tôi không tìm kiếm nỗi buồn, vì vậy “S” phải đứng bên lề, và đợi cho đến khi tôi hoàn toàn sẵn sàng. Giờ đây, động lực tiến về phía trước đang chiếm trọn tâm trí tôi rồi.
Cùng với điểm số tốt, hoạt động ngoại khóa năng nổ và bài luận chạm đến trái tim nhiều người, Abigail Mack nhận được bức thư từ Đại học Harvard thông báo mình đã được Hội đồng tuyển sinh chấp thuận hồ sơ và được nhận vào Lớp 2025. Ảnh: Abigail Mack
Đây là nội dung bài luận đã thành công chinh phục Đại học Harvard danh tiếng của Mỹ năm 2021. Tác giả của bài luận là Abigail Mack, một nữ sinh trung học 18 tuổi đến từ Trường Cardinal Spellman ở Brockton, bang Massachusetts, Mỹ.
Bài luận đề cập một phần đến từ “parents” (cha mẹ) ở dạng số nhiều và sự khác biệt chính tả tinh tế mà Grammarly đã tạo ra khi cố gắng thêm “S” vào dạng số ít của “parent”.
Abigail Mack chia sẻ bài luận trong loạt video trên TikTok và một trong số đó đã thu hút 16,5 triệu lượt xem. Bài luận chân thành, chạm đến trái tim của nhiều người đã giúp Abigail Mack có một suất vào Lớp 2025 tại Đại học Harvard với tỉ lệ 1.968 trên 57.435 ứng viên.
Abigail Mack đã được nhận vào Đại học Harvard danh tiếng và bài luận nhập học đưa cô đến đó đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Ảnh: Instagram/Abigail Mack
Năm 12 tuổi, Abigail Mack mất một chữ “S”.
Mẹ của cô, Julie-Ann, đã chiến đấu với căn bệnh ung thư khi còn là một thiếu niên, nhưng căn bệnh này tái phát nhiều lần khi trưởng thành và bà đã qua đời vào năm 2014.
“Cha là tất cả của tôi. Ông ấy là người bạn thân nhất của tôi và tôi thật may mắn khi có ông ấy trong đời. Tôi đã rất do dự khi kể về nỗi đau mất mẹ trong bài luận nộp đơn vào đại học của mình. Nhiều người không hiểu sẽ nghĩ rằng làm thế để lấy lòng giám khảo. Nhưng tôi không muốn lảng tránh nó bởi vì đó là điều thực sự quan trọng trong đời tôi, đã khiến tôi đổi thay rất nhiều” – Abigail Mack chia sẻ với Boston.com.
Bước chân vào Đại học Harvard là niềm mơ ước của rất nhiều người. Ảnh: Đại học Harvard
Harvard là thành viên của Ivy League – một tập hợp gồm 8 trường đại học tư thục ở vùng Đông Bắc nổi tiếng với bề dày lịch sử, tuyển sinh chọn lọc và kết quả học tập ấn tượng của sinh viên – và là trường đại học lâu đời nhất ở Mỹ. Theo nhiều cách, Harvard nổi bật nhờ có các học giả xuất sắc, các giáo sư nổi tiếng, vị trí tuyệt vời, nguồn lực vô song và những sinh viên xuất sắc. Do đó, Harvard là một trong những trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới và thu hút các ứng viên hàng đầu từ khắp nơi trên toàn cầu.
Ivy League gồm Đại học Princeton, Đại học Brown, Đại học Columbia, Đại học Cornell, Đại học Dartmouth, Đại học Harvard, Đại học Pennsylvania, và Đại học Yale.