Tốt nghiệp “Harvard châu Á”, thanh niên phải đi phát tờ rơi rồi ăn bám bố mẹ vì một lý do quen thuộc
Với tấm bằng đại học top đầu trong tay, “con nhà người ta” một thời này lại không thể kiếm nổi việc làm và thất nghiệp suốt 20 năm.
- “Thiên tài trong các thiên tài” 8 tuổi thi SAT đạt điểm gần tuyệt đối, 24 tuổi trở thành giáo sư đại học hàng đầu giờ ra sao?
- “Hạt giống thiên tài” 26 tuổi lương triệu đô: Đừng đánh giá thấp những đứa trẻ ham chơi
- Thiên tài 8 tuổi nói 8 thứ tiếng, 11 tuổi vào Harvard nhưng cuối cùng lại bị đưa vào bệnh viện tâm thần: Bi kịch xuất phát từ chính người cha!
Thích Kha sinh năm 1976, đến từ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ngay từ nhỏ, anh đã bộc lộ trí tuệ hơn người và là niềm hy vọng của gia đình. Năm 1994, Thích Kha được nhận vào Đại học Thanh Hoa – ngôi trường Top 1 Trung Quốc, thậm chí còn được mệnh danh là Harvard của châu Á với số điểm xuất sắc 636. Sau khi tốt nghiệp, anh vào Viện Vật lý năng lượng cao của Viện Khoa học Trung Quốc. Ngỡ tưởng sẽ trở thành một người thành công trong cuộc sống, bi kịch sau đó của Thích Kha đã khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Chỉ làm việc được một thời gian, Thích Kha đã bị viện nghiên cứu sa thải, trở thành “kẻ thất nghiệp” trong một thời gian và thậm chí còn mắc chứng trầm cảm.
Áp lực quá lớn của đứa con “thiên tài”
Thích Kha sinh ra trong một gia đình bình thường ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, cha mẹ đều là lao động bình thường, không có học vấn cao. Khi còn học tiểu học, anh đã thể hiện khả năng học tập đáng kinh ngạc, luôn nằm trong số những học sinh giỏi nhất lớp. Mong muốn nhìn thấy con trai “hóa rồng”, cha mẹ đã đầu tư mạnh vào Thích Kha, cho con học những lớp học tốt nhất, còn lập thời gian biểu sinh hoạt nghiêm ngặt cho con. Do đó, Thích Kha gần như dành toàn bộ thời thơ ấu của mình để học và đọc sách, rất hiếm khi ra ngoài.
Thành tích của Thích Kha rất tốt, anh đã nhận được rất nhiều lời khen từ giáo viên và bạn học. Thấy được điều này, cha mẹ Thích Kha càng trở nên nghiêm khắc hơn, họ yêu cầu con trai không được giao du kết bạn vì sợ bạn xấu có thể làm ảnh hưởng đến điểm số của Thích Kha.
Thích Kha từng sở hữu thành tích học tập rất tốt
Thích Kha lớn lên đúng như “kế hoạch” của cha mẹ. Trong thế giới của “thần đồng” này, trừ việc học ra, mọi thứ không liên quan gì đến mình. Anh chưa từng chơi game, ra ngoài hay xem hoạt hình. Thích Kha cũng không có lấy một người bạn và dần dần hình thành tính cách thu mình. Dù giáo viên từng tỏ ý quan ngại với tính cách quá ít giao tiếp của anh, cha mẹ Thích Kha hoàn toàn không quan tâm. Trong mắt họ điểm số của con trai mới là điều quan trọng duy nhất, chỉ cần con họ học giỏi, những thứ khác không cần lo lắng.
Thích Kha cũng không phụ lòng mong đợi của cha mẹ, sau khi có kết quả thi đại học, anh đứng thứ 60 toàn tỉnh Hồ Nam với tổng điểm là 636. Anh dễ dàng bước chân vào Đại học Thanh Hoa – ngôi trường chỉ dành cho những người xuất chúng nhất.
Tuy nhiên, cảm giác hạnh phúc này không kéo dài lâu. Vào Thanh Hoa, Thích Kha mới nhận ra trên đời có quá nhiều người xuất sắc. Những người có thể vào Đại học Thanh Hoa đều là quán quân cấp tỉnh. So với bọn họ, anh cũng không hẳn là giỏi giang đến thế. Sự tự ti dần hình thành và khiến anh càng sống cô lập với mọi người.
Bi kịch của một thần đồng
Sau khi vào viện nghiên cứu làm việc, Thích Kha mới hoàn toàn “vỡ mộng”. Vấn đề không giỏi giao tiếp với mọi người từ nhỏ của anh trở thành vấn đề lớn. Anh không thể tham gia vào các dự án hợp tác nhóm, anh cũng không biết cách nói lên quan điểm của mình. Chẳng mấy chốc, anh bị sa thải. Không có kỹ năng xã hội, giao tiếp căn bản, anh cũng không nhận được lời mời làm việc nào khác.
Năm 2005, Thích Kha đến công trường làm việc với hy vọng kiếm sống bằng nghề khuân vác. Thế nhưng vì từ nhỏ đã được cha mẹ bảo bọc rất kỹ, chuyển từ khiêng sách vở đến khiêng xi măng với Thích Kha rõ ràng là quá khó. Dù làm bốc vác, anh vẫn bị sa thải. Tiếp đó, anh lần lượt đi làm công nhân đóng gói cho nhà máy, rồi đi phát tờ rơi. Công việc nào cũng không kéo dài quá lâu, Thích Kha phải về quê, ăn bám bố mẹ.
Thiếu các kỹ năng xã hội khiến Thích Kha không thể tìm được công việc phù hợp
Được biết, Thích Kha của hiện tại sau hàng chục năm vẫn đang mắc chứng trầm cảm nặng. Cha mẹ đã đưa anh đi khắp nơi chữa trị nhưng vẫn không thể thuyên giảm. Từ một đứa trẻ “con nhà người ta”, một người được kỳ vọng sẽ có tương lai “hóa rồng hóa phượng”, Thích Kha rơi xuống đáy xã hội.
Bi kịch của Thích Kha bắt nguồn từ cách giáo dục cực đoan của cha mẹ. Nó đã gây ra bi kịch hiện tại và cả đời cũng không thể bù đắp được. Từ xưa đến nay, cha mẹ luôn đặt những kỳ vọng vào con cái. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của thời đại, nhiều người đã đi lạc hướng. Với tư tưởng “không để trẻ thua ở vạch xuất phát”, cha mẹ ép con học ngày đêm ở những trường luyện thi khắc nghiệt. Họ quên mất hẳn việc giáo dục con kỹ năng sống và giao tiếp với người khác. Phương pháp giáo dục “áp đặt kỳ vọng” này trên thực tế không có lợi cho việc hình thành nhân cách cho trẻ mà còn phản tác dụng. Một khi gặp thất bại, trẻ dễ nghĩ đến việc bỏ cuộc, cảm thấy mất hy vọng vào cuộc sống, cuối cùng chẳng đạt được gì.
Nguồn: Sohu