Trẻ mắc ho gà nặng phải thở máy, cách phát hiện sớm ho gà

8 mins read
Trẻ mắc ho gà nặng phải thở máy, cách phát hiện sớm ho gà

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, trên địa bàn ghi nhận 2 trẻ mắc ho gà nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella Pertussis gây nên, hay xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Ho gà lây lan cao hơn cả cảm cúm, một người có thể lây cho 12 – 17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng.

Bệnh ho gà tiến triển qua các giai đoạn

Bệnh ho gà lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân có thể lây cho 12 – 17 người, nhất là với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như gia đình, trường học…

Biến chứng của bệnh có thể nguy hiểm, trong đó có viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất, thần kinh và một số cơ quan khác của trẻ như: Viêm phế quản, ngừng thở, sa trực tràng, thoát vị trực tràng, vỡ phế năng, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi và viêm não.

Ở giai đoạn đầu, thời kỳ ủ bệnh: Bệnh kéo dài từ 6 – 20 ngày (trung bình khoảng 9 – 10 ngày), ở thời kỳ này chưa có triệu chứng gì.

Ở giai đoạn viêm long đường hô hấp: Kéo dài khoảng 1 – 2 tuần, xuất hiện triệu chứng giống như viêm đường hô hấp: Sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho húng hắng, hắt hơi, cuối giai đoạn này ho nặng thành cơn.

Ở giai đoạn khởi phát: Kéo dài từ 1 – 6 tuần, có trường hợp đặc biệt kéo dài trên 10 tuần với các biểu hiện cơn ho điển hình như: Ho rũ rượi thành từng cơn, mỗi cơn ho từ 15 – 20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần.

Những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần, có thể ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi. Thở rít vào xuất hiện cuối mỗi cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, tiếng rít nghe như tiếng gà.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể không nghe thấy tiếng rít trong cơn ho. Kết thúc cơn ho bằng việc khạc đờm trắng, màu trong, dính. Trong đờm có vi khuẩn ho gà, đây cũng là một nguồn lây bệnh. Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn này, tần suất các cơn ho khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần, bệnh có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị.

Ở giai đoạn phục hồi: Cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt, tuy nhiên sau đó nhiều tháng, ho có thể tái phát lại và gây viêm phổi.

Ở giai đoạn lây nhiễm: Bệnh lây nhiễm mạnh nhất trong thời gian 2 tuần đầu kể từ khi khởi phát bệnh và có thể kéo dài hơn 3 tuần nếu không được điều trị. Sau 5 ngày điều trị kháng sinh phù hợp, bệnh nhân có thể không gây lây nhiễm.

Biểu hiện bệnh ở người lớn và trẻ vị thành niên thường nhẹ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc là không có triệu chứng, thường khỏi sau 7 ngày.

Cách phát hiện căn bệnh lây nhanh hơn cả cúm khiến 2 trẻ phải thở máy- Ảnh 2.

Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella Pertussis gây nên.

Cách xử trí khi trẻ bị bệnh ho gà

Nhiều cha mẹ lo lắng khi trẻ mắc ho gà và thắc mắc liệu có thể chăm sóc trẻ tại nhà được không? Trên thực tế việc chăm sóc tại nhà hay được điều trị nội trú sẽ phụ thuộc vào từng trẻ và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Nếu trẻ mắc ho gà thể nhẹ: Số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường, trong cơn ho mặt trẻ không bị tím, những trường hợp này cha mẹ có thể chăm sóc tại nhà.

Khi đó cha mẹ cần chú ý đến những điều sau:

  • Cần đảm bảo môi trường sống, tránh những chất kích thích như khói thuốc lá, bụi, hóa chất…
  • Cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh, tránh bị kích thích.
  • Với trẻ đang bú mẹ tiếp tục cho bú mẹ bình thường.
  • Với trẻ ăn dặm và trẻ lớn: Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, ăn ít một, chia làm nhiều bữa.
  • Vệ sinh thân thể, mũi miệng cho trẻ.
  • Sau mỗi cơn ho vệ sinh sạch đờm ở miệng của trẻ, dùng khăn mềm lau sạch miệng bằng nước muối ấm.
  • Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 9‰.
  • Với trẻ lớn thì vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối.
  • Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khác để tránh lây lan bệnh.
  • Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ nếu có.

Khi nào cần đưa trẻ bị ho gà nhập viện ngay?

Khi trẻ ho có kèm 1 trong các dấu hiệu sau thì cần đưa trẻ nhập viện ngay:

  • Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài.
  • Ăn kém, nôn trớ nhiều.
  • Ngủ ít.
  • Thở nhanh, khó thở.

Lời khuyên thầy thuốc phòng bệnh ho gà

Phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90%. Tại nhà ở, nhà trẻ, lớp học… phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch ho gà cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh có cơn ho gà điển hình, nhất là đến khoảng thời gian chu kỳ của bệnh dịch ở địa phương.

Thực hiện chăm sóc trẻ mắc ho gà đúng cách. Cách ly trẻ với những người bị ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình.

Những trường hợp mắc bệnh ho gà nhẹ có thể cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ y tế xã, phường. Những trường hợp mắc bệnh ho gà nặng, bị bội nhiễm và có biến chứng cần được cách ly và điều trị tại trạm y tế xã hoặc bệnh viện.

Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, che miệng lại khi ho hoặc hắt hơi, giữ gìn vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ mỗi ngày. Luôn đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng mặt trời. Vệ sinh những đồ vật tiếp xúc hàng ngày bằng dung dịch vô khuẩn.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà thì phải cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

BS. Trần Anh Tuấn

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog