Tình trạng trẻ nghiện điện thoại diễn ra rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại cùng sự phát triển vượt trội của công nghệ. Nếu không sớm tìm cách cai nghiện điện thoại cho trẻ thì con yêu sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí có nguy cơ cao mắc các bệnh tâm lý tâm thần, cản trở hành trình phát triển.
Nguyên nhân khiến nhiều trẻ em nghiện điện thoại
Hiện nay, bạn sẽ rất dễ bắt gặp tình trạng trẻ em cứ mãi dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính, ipad mà không quan tâm đến bất kì điều gì xảy ra xung quanh. Trong thực tế, có rất nhiều các trường hợp trẻ em được tiếp xúc và biết sử dụng smartphone ngay từ sớm, trước khi lúc trẻ biết nói, biết đi. Đây cũng là một trong các vấn đề nan giải khiến cho rất nhiều các bậc phụ huynh cảm thấy đau đầu và trăn trở.
Vậy nguyên nhân của việc trẻ nghiện điện thoại đến từ đâu?
1. Do cha mẹ quá bận rộn
Trong thực tế, chiếc điện thoại được xem như cánh tay đắc lực trong việc chăm nom trẻ nhỏ. Khi cha mẹ bận rộn, nó chính là thứ tạo niềm vui cho con trẻ, giúp con có thể ngồi yên và không quấy phá. Các bậc phụ huynh đôi lúc sẽ không có nhiều thời gian để cứ mãi bên cạnh chơi đùa, bồng bế con nhỏ. Chính vì thế, trong những lúc “bất khả kháng” họ đành chấp nhận việc để con được xem điện thoại để bản thân có thể rảnh tay hoàn thành công việc đang dở dang.
Trong chiếc smartphone sẽ có vô vàn những điều thú vị, những bài hát, trò chơi, những video làm trẻ cảm thấy kích thích và thu hút sự chú ý của trẻ nhỏ. Chính vì thế, khi được sử dụng điện thoại, trẻ dường như quên đi mọi thứ xung quanh và đắm chìm vào thế giới ảo trong chiếc điện thoại, ipad. Trẻ sẽ trở nên ngoan ngoãn, vâng lời và không phá phách, làm phiền đến những người bên cạnh.
Tuy nhiên, khi cha mẹ liên tục bận rộn thì thời gian sử dụng điện thoại của con trẻ lại càng tăng cao. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy đây là một giải pháp hiệu quả có thể giúp con ngoan ngoãn hơn để cha mẹ có thể làm tốt công việc của mình, từ đó họ phó mặc cho con thoải mái chơi đùa cùng chiếc điện thoại. Mỗi khi không có thời gian chơi đùa, trò chuyện cùng con thì họ sẽ “quăng” cho trẻ một chiếc điện thoại mà mặc cho trẻ “phiêu lưu” với nó.
2. Do thói quen sử dụng điện thoại của cha mẹ, người thân
Trẻ nghiện điện thoại đôi khi cũng xuất phát từ những thói quen sử dụng điện thoại quá mức của cha mẹ và người thân. Với thời đại 4.0, dường như chúng ta đều liên lạc, làm việc thông qua chiếc điện thoại thông minh. Người lớn luôn có chiếc điện thoại bên mình và thậm chí là sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi. Điều này có thể khiến con nhỏ bắt chước theo và cũng mong muốn được tiếp xúc với các thiết bị thông minh như thế.
Khi cha mẹ là một người “nghiện” điện thoại thì con cái cũng sẽ khó có thể tránh khỏi điều đó. Trẻ nhỏ luôn tò mò và muốn học hỏi, bắt chước theo những gì mình nhìn thấy được. Vì thế, trẻ cũng sẽ mong muốn được sử dụng điện thoại, ipad như người lớn. Và khi cha mẹ không thể làm tấm gương tốt cho con thì việc cấm đoán con sử dụng điện thoại cũng là một điều khó khăn. Do đó, bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp được cảnh cả gia đình cùng đi ăn uống nhưng mỗi người đều cầm một chiếc điện thoại để xem phim, lướt web, chơi game.
3. Trẻ nghiện điện thoại do thiếu sự yêu thương
Khi không nhận được sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của gia đình, người thân, trẻ nhỏ cũng có xu hướng sử dụng điện thoại quá mức để bù đắp cho những sự thiếu vắng của bản thân. Nhiều đứa trẻ tìm kiếm sự đồng cảm, vui vẻ và hạnh phúc thông qua những điều thú vị, hấp dẫn trên mạng xã hội. Trẻ có thể chơi game hàng giờ đồng hoặc xem những chương trình yêu thích để khỏa lấp đi những nỗi trống vắng trong lòng.
4. Sự nuông chiều quá mức của cha mẹ
Trái ngược hoàn toàn với sự vô tâm, thờ ơ và không dành nhiều sự yêu thương cho con thì việc nuông chiều con quá mức cũng có thể là lý do khiến trẻ nghiện điện thoại. Nhiều bậc phụ huynh do cưng chiều con cái, không muốn con bị thiệt thòi nên dễ dàng chiều theo ý con, mỗi khi con quấy khóc, ăn vạ sẽ nhanh chóng chấp nhận cho con sử dụng điện thoại. Một số bậc cha mẹ luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con cái, dù đó là những sự đòi hỏi vô lý, không phù hợp với hoàn cảnh.
Điều này khiến cho các con dễ ỉ lại và hình thành nên nhiều thói quen xấu. Ví dụ như khi trẻ muốn xem điện thoại, chúng sẽ mặc định rằng điều đó sẽ được thực hiện và nếu khi cha mẹ từ chối, trẻ sẽ có xu hướng phản ứng cực mạnh, khóc lóc, ăn vạ, la hét hoặc thậm chí là sử dụng từ ngữ khó nghe, hành vi tiêu cực đối với cha mẹ, bản thân. Sự nuông chiều của cha mẹ chính là nguyên nhân lớn nhất khiến trẻ hình thành những thói quen tiêu cực làm hại đến chính bản thân của trẻ.
5. Sự hấp dẫn từ chiếc điện thoại
Điện thoại, ipad dường như có một sức hút vô hình đối nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ đang trong giai đoạn hình thành và phát triển về tâm sinh lý, luôn cảm thấy tò mò về mọi thứ xung quanh. Trong những thiết bị thông minh này chứa đựng vô vàn những điều thú vị, nó giống như một thế giới thu nhỏ có thể đáp ứng tốt các nhu cầu vui chơi, thư giãn, giải trí của con người. Chính vì thế, trẻ nhỏ rất dễ bị cuốn hút bởi những video, trò chơi có trong điện thoại.
Trẻ có thể sử dụng nó hàng giờ đồng hồ, bất kể lúc nào, ngay cả khi ăn cũng phải xem điện thoại mới chịu ăn thật ngoan. Khi bị hấp dẫn bởi chiếc điện thoại, trẻ sẽ không còn quan tâm đến bất kì điều gì xoay quanh cuộc sống, không còn thích thú với những trò chơi, hoạt động thực tế.
Bên cạnh đó, đối với những trẻ ở độ tuổi đã đi học, đã có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng, trang mạng xã hội thì lại càng có xu hướng nghiện điện thoại hơn nữa. Cũng bởi, đây được xem là một thế giới ảo mà mỗi người có thể thỏa sức thể hiện những mong muốn của bản thân. Trẻ có thể tham gia với nhiều vai trò khác nhau, dễ dàng trò chuyện, bày tỏ tâm tư của mình mà không sợ bị ai phát hiện.
Dấu hiệu nhận biết trẻ đang nghiện điện thoại
Rất dễ để nhận biết một đứa trẻ đang nghiện điện thoại vì dường như trẻ sẽ luôn dính với chiếc smartphone, dành hầu hết thời gian trong ngày để sử dụng nó. Cụ thể một số dấu hiệu giúp nhận biết như sau:
- Thời gian sử dụng điện thoại của trẻ quá nhiều và trẻ sẽ không thể kiểm soát được điều đó.
- Khi bị giới hạn hoặc cấm sử dụng điện thoại, trẻ sẽ thể hiện thái độ phản kháng, chống đối, khóc lóc, la hét, giận dữ,…
- Trẻ cảm thấy khó chịu, bứt rứt khi không được sử dụng điện thoại. Triệu chứng này có thể giống như các chứng nghiện rượu bia, nghiện ma túy, nghiện cờ bạc. Một số có thể cảm thấy chóng mặt, đau đầu nếu không được đáp ứng nhu cầu sử dụng smartphone.
- Trẻ không còn hứng thú với bất kì hoạt động nào diễn ra xung quanh ngoài chiếc ipad, điện thoại hay tivi.
- Những nội dung có trong chiếc điện thoại xâm chiếm lấy tâm trí, suy nghĩ và hành động của trẻ. Ngay cả khi không sử dụng, trẻ cũng có những lời nói, cử chi liên quan đến những bộ phim, hình ảnh hay trò chơi đã được xem.
- Chiếc điện thoại sẽ xuất hiện vào hầu hết các hoạt động hàng ngày của trẻ, ví dụ như xem điện thoại khi ăn, dùng điện thoại khi đang trò chuyện cùng người khác,…
- Trẻ có thể nói dối để xem điện thoại khi không có người kiểm soát hoặc nói rằng bản thân đang sử dụng điện thoại để học.
- Đối với các trẻ đã đi học thì việc nghiện điện thoại có thể làm cho kết quả học tập của trẻ bị sa sút.
- Trẻ trở nên ít nói, không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh.
- Việc sử dụng điện thoại liên tục có thể khiến trẻ bị đau mắt, đau đầu, chóng mặt,…
Tác hại khôn lường khi trẻ nghiện điện thoại
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc tiếp xúc với thế giới mạng là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta hoàn toàn không thể ép buộc con đi ngược lại sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cần phải biết cách điều chỉnh và cân bằng thời gian sử dụng thiết bị điện tử để hạn chế tối đa các tác hại nghiêm trọng có thể xảy ra đối với trẻ.
Không thể phủ nhận việc các thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại mang đến nhiều sự tiện ích cho cuộc sống. Đối với trẻ em, đây cũng chính là công cụ hiệu quả để có thể dễ dàng tiếp thu với nhiều kiến thức, học hỏi thêm nhiều điều thú vị xoay quanh cuộc sống.
Tuy nhiên, đây chính là “con dao hai lưỡi” sắc nhọn có thể cản trở sự phát triển của trẻ nhỏ. Việc sử dụng quá nhiều hay nghiện điện thoại cũng gây ra rất nhiều các tác hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhỏ.
Dưới đây là một số hậu quả khó lường của chiếc điện thoại đối với trẻ nhỏ mà cha mẹ cần phải quan tâm.
1. Nghiện điện thoại làm gia tăng nguy cơ bị bệnh về mắt
Những đứa trẻ nghiện điện thoại sẽ chăm chăm xem các video, bộ phim, chơi game hàng giờ trên thiết bị thông minh này. Trẻ phải liên tục tập trung vào màn hình dễ gây nên tình trạng mỏi mắt, ngứa mắt. Đồng thời, trong màn hình của chiếc điện thoại, ipad sẽ có chứa ánh sáng xanh, bức xạ gây hại trực tiếp đối với mắt của người dùng.
Từ đó gây ra rất nhiều sự tổn thương nghiêm trọng đối với mắt, thậm chí có thể để lại những ảnh hưởng vĩnh viễn, khó điều trị được. Cụ thể một số vấn đề về mắt có thể gặp phải ở trẻ nghiện smartphone như mỏi mắt, ngứa mắt, đỏ mắt, mắt nháy liên tục, mắt khó tập trung, suy giảm thị lực, cận thị, khô mắt,…
2. Trẻ dùng điện thoại thường xuyên dễ bị béo phì
Chiếc điện thoại có thể thu hút toàn bộ sự chú ý và tập trung của trẻ nhỏ. Điều này khiến cho trẻ không còn quan tâm và hứng thú đối với hầu hết các hoạt động diễn ra xung quanh. Trẻ có xu hướng chỉ ngồi hoặc nằm ì một chỗ để xem điện thoại, chơi game nên ít khi hoạt động thể dục thể thao, vận động lành mạnh. Hiểu theo một cách đơn giản chính là việc sử dụng điện thoại liên tục khiến trẻ hình thành thói quen lười biếng, không muốn vận động.
Tình trạng này nếu không được kiểm soát và cải thiện tốt có thể khiến cho trẻ bị gia tăng nguy cơ béo phì. Hoặc việc ít vận động, luôn cúi mặt nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại quá lâu cũng sẽ khiến cho trẻ đối mặt với nguy cơ bị trẹo cổ, lệch cổ, thoái hóa đốt sống cổ,…
3. Ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ
Những trẻ nghiện xem tivi, điện thoại, ipad thường có khả năng phát triển ngôn ngữ chậm hơn so với bình thường. Trẻ nhỏ sẽ dễ bị phụ thuộc vào chiếc điện thoại mà quên đi việc giao tiếp bên ngoài. Điều này có thể làm hạn chế sự thích ứng của trẻ đối với môi trường xung quanh, không thể giao tiếp hoặc trò chuyện linh hoạt ở bên ngoài.
Như đã chia sẻ, những trẻ nghiện điện thoại thường có cha mẹ quá bận rộn, không thể dành thời gian bên cạnh để chăm sóc, chia sẻ với con. Chính vì thế, hoạt động của trẻ dường như chỉ xoay quanh những thiết bị điện tử, trẻ không được học hỏi và tiếp thu trực tiếp bên ngoài thực tế nên rất khó để có thể phát triển ngôn ngữ, khả năng diễn đạt cũng bị hạn chế rất nhiều.
4. Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Sử dụng điện thoại quá nhiều và quá thường xuyên có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Những đứa trẻ bị nghiện điện thoại có thể từ chối việc ngủ để được tiếp tục chơi game, nghe nhạc, xem phim. Chính vì thế mà thời gian ngủ và nghỉ ngơi của trẻ sẽ bị rút ngắn đáng kể. Bên cạnh đó, do luôn có nhu cầu muốn sử dụng smartphone, ipad nên trẻ sẽ cảm thấy trằn trọc, không ngủ được, đặc biệt là khi vẫn chưa xem hết bộ phim hay đang còn dở trận game.
Điều này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn làm suy giảm khả năng sinh hoạt, khiến thành tích học tập bị tụt dốc. Được biết, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Mỗi ngày chúng ta cần phải ngủ đủ 7 đến 8 tiếng để cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi nguồn năng lượng tốt. Nếu như giấc ngủ không được đảm bảo thì sẽ làm cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần bị suy kiệt, gây ảnh hưởng đến các hoạt động đời sống của trẻ.
5. Nghiện điện thoại gây tác động đến tâm lý của trẻ
Không đơn thuần là những ảnh hưởng về mặt thể chất mà nghiện điện thoại còn có thể gây ra những tác động về mặt tinh thần, khiến trẻ nhỏ gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Khi trẻ chỉ mải chú tâm đến chiếc điện thoại, trẻ sẽ không còn muốn giao tiếp và trò chuyện với những người xung quanh, lâu dần khiến tâm lý trở nên bất ổn, dễ lo lắng, căng thẳng.
Bên cạnh đó, nếu trẻ được tiếp xúc với nội dung tiêu cực trên các trang mạng thì sẽ khiến trẻ có xu hướng thực hiện các hành vi sai lệch, suy nghĩ cũng bị lệch lạc hơn. Việc sử dụng điện thoại ngay từ sớm cũng có thể khiến cho trẻ gặp phải nhiều đối tượng xấu trên mạng, dễ bị đả kích bởi những lời bình luận ẩn danh, những ý kiến trái chiều, những suy nghĩ không tốt khiến tâm lý trẻ nhỏ dễ hoang mang, sợ hãi, lâu dần có thể dẫn đến trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Theo chia sẻ của Hiệp hội Tâm lý học Anh cho biết, các vấn đề sức khỏe tâm lý, lo lắng, căng thẳng, trầm cảm đều có thể là hệ quả đến từ việc sử dụng điện thoại quá nhiều. Ngoài ra, khi không được đáp ứng tốt nhu cầu “nghiện” điện thoại, nhiều đứa trẻ còn trở nên cáu gắt, giận dữ, nóng nảy, kích động một cách quá mức.
6. Não bộ và thần kinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Một trong các hậu quả nghiêm trọng nhưng ít người biết đến đó chính là việc nghiện điện thoại của trẻ có thể làm suy nghĩ chức năng và hoạt động của não bộ, hệ thần kinh. Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, mặc dù não bộ của trẻ nhỏ chưa phát triển bằng với người lớn những về khả năng bị ảnh hưởng từ bức xạ của điện loại lại rất cao.
Điều này cho thấy rằng, nếu trẻ liên tục xài điện thoại trong thời gian dài sẽ làm cho vùng não bị tác động nghiêm trọng, khiến cho lớp vỏ não dần bị mỏng đi. Trong thực tế cũng đã có một vài nghiên cứu nói về việc sử dụng điện thoại quá nhiều có thể hình thành khối u trong não. Tuy vẫn chưa có bằng chứng hay thông tin xác thực cụ thể nhưng những ảnh hưởng của điện thoại đối với não bộ là không thể xem thường.
Cách cai nghiện điện thoại cho trẻ hiệu quả
Trẻ nghiện điện thoại có thể gây ra hàng loạt các ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần, thể chất và làm đảo lộn đời sống, suy giảm sự phát triển tự nhiên của trẻ nhỏ. Dưới đây là một số cách cai nghiện điện thoại cho trẻ đơn giản, dễ áp dụng, cha mẹ có thể tham khảo:
1. Tự làm gương cho con
Để giúp con có thể mau chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào chiếc điện thoại thì việc đầu tiên mà cha mẹ cần làm đó chính là làm gương cho con. Trẻ nhỏ sẽ luôn học hỏi và bắt chước những hành vi, cử chỉ, thói quen của cha mẹ và những người thân trong gia đình. Chính vì thế, nếu muốn con hạn chế dùng điện thoại, quản lý tốt thời gian lướt web của con thì buộc cha mẹ phải kiểm soát tốt việc dùng điện thoại của chính bản thân mình.
Nếu các bậc phụ huynh liên tục bấm điện thoại, không thể rời mắt khỏi chiếc ipad hay máy tính thì trẻ sẽ có lý do để học theo những điều tương tự và những lời la mắng, cấm đoán của cha mẹ trở nên vô tác dụng. Do đó, cha mẹ nên thay đổi và điều chỉnh ngay thói quen sử dụng điện thoại của mình. Ví dụ như khi về đến nhà cha mẹ nên dành thời gian để chơi cùng con thay vì liên tục bấm điện thoại, khi cả nhà cùng nhau ăn cơm, tất cả đều không được xem điện thoại, tivi hoặc khi trò chuyện, vui đùa cùng nhau sẽ không có sự xuất hiện của các thiết bị công nghệ.
2. Trò chuyện và chia sẻ với con về những tác hại của điện thoại
Trong chiếc điện thoại có vô vàn những điều hấp dẫn thu hút trẻ, trẻ đôi khi chỉ là những sự thích thú nhất thời và hoàn toàn không thể hiểu rõ về những tác hại tiêu cực của việc xem điện thoại quá nhiều. Lúc này, cha mẹ hãy nhẹ nhàng và khéo léo trong việc chia sẻ với con về những ảnh hưởng nghiêm trọng có thể xảy ra, ví dụ như nếu con xem điện thoại quá nhiều, mắt sẽ mỏi, sẽ bị cận thị, trí não không phát triển,…
Tùy vào độ tuổi của mỗi trẻ mà các bậc phụ huynh nên có những cách trò chuyện, khuyên nhủ khác nhau. Tuyệt đối không được sử dụng những lời nói đe dọa, quát nạt hoặc thậm chí là những hành vi cưỡng ép như giành lấy điện thoại từ trẻ. Điều này không thể giúp trẻ bỏ đi thói quen dùng điện thoại mà còn khiến cho nhiều trẻ nhỏ trở nên hung hăng, kích động và chống đối kịch liệt.
3. Quy định và quản lý thời gian sử dụng điện thoại của con
Để có thể hạn chế và kiểm soát tốt thời gian sử dụng điện thoại của trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh có thể thương lượng với con về khung giờ hoặc những hoàn cảnh mà con được phép sử dụng điện thoại. Hãy cùng con đưa ra những nội quy dựa trên nguyên tắc “win-win” để có thể áp dụng một cách hiệu quả nhất.
Chẳng hạn như cha mẹ có thể cố định thời gian xem điện thoại của con trong ngày (mỗi ngày dùng điện thoại 60 phút sau giờ ăn cơm chiều). Trong khoảng thời gian đó, phụ huynh cũng nên quan sát để có thể biết được nội dung con đang xem là gì, quản lý và điều chỉnh kịp thời nếu con tiếp xúc với những thông tin không phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ cũng cần có sự tự do, quyền quyết định và lựa chọn của mình, cha mẹ không nên quá áp đặt hay bắt buộc con xem những điều mà con không thích.
Hết thời gian quy định, cha mẹ cần phải cương quyết tịch thu lại điện thoại để tạo cho con một thói quen tốt. Điều này có thể vừa giúp thỏa mãn được nhu cầu sử dụng của con, nhưng vừa có thể quản lý tốt thời gian mà còn dùng điện thoại, tránh việc con làm dụng quá mức. Đồng thời, phương pháp này còn giúp con có thể tự sắp xếp thời gian của bản thân một cách hiệu quả, rèn luyện tính nề nếp của trẻ nhỏ.
4. Khuyến khích và tạo điều kiện để trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi bên ngoài
Trẻ liên tục chơi điện thoại đôi khi là vì không có ai trò chuyện, chia sẻ hoặc không có cơ hội để vui chơi, thư giãn bên ngoài. Do đó, các bậc phụ huynh cũng có thể tạo thêm nhiều điều kiện để con được tham gia vào các hoạt động ngoài trời, khuyến khích trẻ chơi những môn thể thao để rèn luyện sức khỏe. Khi trẻ phải tốn thời gian để làm những việc khác, trẻ sẽ không còn nhớ đến chiếc điện thoại, từ đó hạn chế được việc sử dụng điện thoại không kiểm soát.
Đừng nên để chiếc smartphone trở thành người bạn duy nhất của trẻ. Cha mẹ nếu không có quá nhiều thời gian ở bên cạnh con thì có thể đăng kí cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa. Điều này sẽ giúp trẻ khám phá được nhiều điều thú vị hơn trong cuộc sống, kết nối với nhiều bạn bè mới, gia tăng các kỹ năng cần thiết và quên dần với những không gian ảo trong điện thoại.
Hoặc nếu trẻ đang bị thu hút quá nhiều vào chiếc điện thoại, ipad thì các bậc phụ huynh cũng có thể đánh lạc hướng con bằng nhiều hoạt động khác nhau. Có thể gợi ý cho con cùng chơi những trò chơi xếp hình, chơi đua xe, chơi búp bê, cùng con vẽ tranh, ca hát,…hoặc bất cứ thứ gì khác có thể thu hút được trẻ.
5. Đưa ra phần thưởng nếu con giảm được thời gian dùng điện thoại
Trẻ em luôn thích được khen ngợi và nhận được các phần thưởng từ những người xung quanh. Cho dù chỉ là một cây kẹo mút hay một hộp bánh quy cũng đủ làm cho trẻ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn. Do đó, hãy thử trao cho trẻ những phần thưởng mà trẻ yêu thích để kích thích sự cố gắng của trẻ, giúp trẻ cai nghiện điện thoại một cách tự nguyện và thoải mái nhất.
Ví dụ như bạn có thể bảo với con rằng, nếu hôm nay con chỉ dùng điện thoại trong vòng 60 phút, mẹ sẽ thường cho con một cây kem với hương vị mà con thích. Khi phần thưởng đủ sức hấp dẫn, trẻ có thể bỏ qua sự đam mê với điện thoại để có được món quà đó. Đồng thời, sau khi con hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cha mẹ cũng nên dành cho con những lời khen, lời động viên giúp con có thêm động lực.
Tuy nhiên, đây chỉ là cách có thể sử dụng tạm thời hoặc chỉ nên áp dụng trong một vài tình huống nhất định. Nếu liên tục đưa ra cho con về những phần thưởng để đổi lấy thời gian con dùng điện thoại thì con có thể mặc định đó chính là điều hiển nhiên và chỉ khi có quà con mới chấp nhận xa rời chiếc điện thoại.
Trẻ nghiện điện thoại có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, làm cản trở sự phát triển toàn diện của mỗi trẻ nhỏ nên cần được khắc phục và điều chỉnh nhanh chóng. Mong rằng qua những chia sẻ trong bài viết này, các bậc phụ huynh sẽ biết cách quản lý và cân bằng tốt thời gian dùng điện thoại của trẻ nhỏ, giúp trẻ sử dụng điện thoại thông minh theo cách thông minh nhất.
Có thể bạn quan tâm:
- Thế nào là phát triển toàn diện của trẻ em? Cần chuẩn bị những gì?
- 6 phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non hiệu quả
- 6 phương pháp phát triển não phải cho trẻ em để thông minh từ sớm