Dư luận chưa hết xôn xao việc trường học kiểm tra balo, soát người học sinh mỗi ngày
Nhà trường đã gửi thư xin lỗi đến phụ huynh và thông báo tạm dừng các biện pháp kiểm soát tư trang, người của học sinh. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện này vẫn được dư luận quan tâm, tranh luận đúng – sai, tiếp tục hay dừng lại…
- 37 phụ huynh đồng loạt nộp đơn yêu cầu Hiệu trưởng đuổi 1 học sinh
- Xưng hô “mày – tao” với học sinh, thầy giáo ở Hà Nội nộp đơn xin nghỉ việc
- Lý do thực sự việc Trường Lạc Long Quân “đuổi” học sinh và mời phụ huynh đến làm việc là gì?
Liên quan đến phản ánh “Một trường ở Đắk Lắk kiểm tra ba lô, soát người học sinh mỗi ngày”, đã tạo nên ý kiến trái chiều, mới đây Ban Giám hiệu Trường THCS và THPT Đông Du (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã gửi thư ngỏ đến phụ huynh.
Nhà trường gửi thư ngỏ đến phụ huynh liên quan đến việc kiểm soát tư trang, người học sinh
Theo nhà trường, nhờ việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp kiểm soát tốt vấn đề an ninh mà nhà trường đã xây dựng được một môi trường học tập, sinh hoạt thân thiện, an toàn, lành mạnh, tạo sự yên tâm cho phụ huynh học sinh, đặc biệt là môi trường nội trú, bán trú. Các biện pháp kiểm soát đã góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường, không có tình trạng bạo lực học đường, giúp các em yên tâm học tập rèn luyện, phụ huynh an lòng khi con ở trường.
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát trên chưa được một số ít phụ huynh, học sinh đồng tình. Do đó, nhà trường tạm thời dừng việc làm trên và sẽ nghiên cứu triển khai các biện pháp kiểm soát phù hợp hơn để đảm bảo tốt việc thực hiện nội quy nhà trường của học sinh trong thời gian tới.
Nhà trường đã tạm dừng việc kiểm soát tư trang, người học sinh
Trước đó, ngay khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí về việc Trường THCS – THPT Đông Du kiểm tra tư trang, soát người học sinh mỗi ngày, ông Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã yêu cầu nhà trường dừng ngay việc này lại.
Ông Hiệp cho hay, theo Thông tư 32 ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều lệ các trường THCS, THPT và trường Phổ thông có nhiều cấp học, học sinh phải được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, được tôn trọng, có điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực một cách tốt nhất, từ đó hình thành và hoàn thiện nhân cách cá nhân.
Việc soát cặp, kiểm tra từng học sinh theo ông Hiệp sẽ tạo tâm lý không tốt cho các em. Còn việc ngăn chặn bạo lực học đường cần tiếp cận theo hướng giáo dục, đồng thời có sự phối hợp từ gia đình.
Xung quanh việc Trường THCS và THPT Đông Du soát tư trang, người của học sinh mỗi ngày, dư luận vẫn còn rất quan tâm, tranh luận theo 2 luồng ý kiến nên hay không nên, tiếp tục hay dừng lại.
Có ý kiến ủng hộ việc kiểm soát, để ngăn ngừa bạo lực học đường, thay vì để nó xảy ra rồi mới giải quyết là muộn. Hay có người nói việc kiểm soát là cần thiết đối với lứa tuổi đang lớn của học sinh…
Tuy nhiên cũng không ít người cho rằng việc làm trên đã xâm phạm đời tư cá nhân của học sinh. Việc giáo dục trẻ tránh xa bạo lực học đường có rất nhiều cách chứ không dừng lại ở việc soát tư trang, soát người, nếu cần, nhà trường đầu tư máy soi, quét như ở sân bay…
Ông Lê Ngọc Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đông Du cho hay việc kiểm soát trên đã được triển khai từ khi thành lập trường (năm 2013) cho đến khi báo chí phản ánh vừa qua.
Việc kiểm soát được thể hiện trong nội quy của trường, tại cuộc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã phổ biến và không thấy phụ huynh ý kiến.
Toàn trường có hơn 2.000 học sinh bán trú, nhà trường phải huy động 55 nhân viên phục vụ việc kiểm tra tư trang, soát người học sinh vào mỗi sáng. Đối với gần 600 học sinh nội trú, trường sẽ tổ chức kiểm tra vào chiều chủ nhật, trước khi các em vào trường. Mỗi tháng, nhà trường chi trả hơn 60 triệu đồng cho việc kiểm tra này.