Vụ học xong lớp 9 nhưng học bạ lớp 6: Phụ huynh “tố” báo cáo sai sự thật
Phụ huynh “tố” Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Buôn Ma Thuột báo cáo sai sự thật việc con của họ học hết cấp 2 nhưng không có học bạ. Điều này làm tổn thương một học sinh bị tự kỷ, đang nỗ lực hòa nhập cộng đồng.
- Diễn biến mới vụ việc học hết cấp 2 nhưng không có học bạ nhiều năm
- Vụ học xong lớp 9 nhưng học bạ lớp 6: Thành phố chỉ đạo nóng
- Xem xét trách nhiệm hiệu trưởng trong vụ học hết lớp 9 nhưng không có học bạ
Phòng đẩy lên Sở, Sở đẩy lên Bộ
Liên quan đến Vụ học xong lớp 9 nhưng học bạ lớp 6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk gửi văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, cho ý kiến giải quyết.
Trước đó, sở này nhận được báo cáo của Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột về việc em Đinh Xuân H., Trường THCS Lạc Long Quân không có hồ sơ học tập trong quá trình học. Phòng GD&ĐT cho rằng không có đủ cơ sở để xem xét công nhận tốt nghiệp THCS đối với H., nên đề nghị sở xem xét, có ý kiến chỉ đạo giải quyết. Dựa trên báo cáo của phòng và đối chiếu quy định, Sở GD&ĐT cũng nhận thấy không có căn cứ công nhận tốt nghiệp cho em H. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, đồng thời thực hiện đúng quy định, Sở GD&ĐT báo cáo và đề nghị Bộ GD&ĐT cho ý kiến giải quyết.
Trường THCS Lạc Long Quân
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột: Đầu năm học 2020-2021, em H. được bố trí học lại lớp 6D, Trường THCS Lạc Long Quân, do ở lại lớp. Tuy nhiên, trong quá trình đi học, em H. không vào học tại lớp 6D mà theo các bạn vào học lớp 7D (lớp 6D cũ lên lớp 7D), nên giáo viên chủ nhiệm báo cáo với nhà trường và phụ huynh em H.
Trước tình hình đó, ông Đinh Xuân V. (bố em H.) làm đơn xin cho con được theo học lên lớp 7D với lý do mong muốn cho con hòa nhập cộng đồng. Trong đơn phụ huynh trình bày em H. bị mắc bệnh tự kỷ, tuy nhiên không có hồ sơ bệnh tật kèm theo đơn.
Theo đề nghị của gia đình, ông Phan Thanh Thủy, Hiệu trưởng đồng ý cho em H. được theo học lên lớp 7D và không yêu cầu thực hiện kiểm tra, đánh giá xếp loại. Em H. học theo dạng dự thính, được tham gia các hoạt động giáo dục khác trong lớp học và trong nhà trường (việc thống nhất của gia đình và nhà trường không có biên bản hay văn bản chứng minh).
Những năm học tiếp theo, em H. tiếp tục theo học lên lớp 8 và lớp 9 mà không có hồ sơ đánh giá xếp loại giáo dục các năm lớp 7, 8 và 9. Việc em H. không có kết quả học tập các năm trên phụ huynh đã được biết qua các buổi họp cha mẹ học sinh cuối năm. Giáo viên chủ nhiệm thông báo em H. không có kết quả học tập, kết quả đánh giá, tuy nhiên phụ huynh không có ý kiến.
Đến cuối năm học 2022-2023, do không có kết quả học tập nên em H. không được xét công nhận tốt nghiệp THCS. Từ đó, phụ huynh khiếu nại, đề nghị công nhận tốt nghiệp THCS em H.
Phụ huynh phản pháo
Chiều 6/11, chị Nguyễn Thị H. (mẹ em H.) cho biết, đã lên Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột phản ánh việc đơn vị báo cáo sai bản chất sự thật. “Thứ nhất, trong đơn gia đình tôi xin cho con học hòa nhập chứ không phải theo dạng dự thính. Thứ 2, trong báo cáo nêu phụ huynh đã biết em H. không có kết quả học tập thông qua họp cha mẹ học sinh cuối năm, cũng sai bản chất”, chị H. khẳng định và kể lại toàn bộ diễn biến vụ việc.
Theo chị H., con bị tự kỷ từ năm 8 tuổi. Năm học 2019-2020, con chị H. trúng tuyển và được xếp vào học lớp 6D, Trường THCS Lạc Long Quân. Khi nộp hồ sơ, gia đình có trình bày cháu H. bị tự kỷ và nhờ các thầy cô giáo giúp đỡ. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ cũng không yêu cầu gia đình cung cấp giấy tờ liên quan đến bệnh tật.
Cuối năm học lớp 6, gia đình nhận được thông báo em H. phải thi lại 2 môn, nên xin Hiệu trưởng tạo điều kiện cho học hòa nhập. Sau đó, ông Thủy đồng ý và yêu cầu làm đơn nêu rõ tình hình của cháu H.
Từ đó, cháu H. được học lên lớp 7. “Khi không thấy tên con trong danh sách lớp, vợ chồng tôi thắc mắc với cô giáo chủ nhiệm thì được trấn an: Cứ yên tâm, hiệu trưởng đã nói về trường hợp cháu H. rồi”, chị H. kể lại.
Chị H. thông tin thêm, chồng chị là anh Đinh Xuân V. làm Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh 4 năm của trường. Do đó, gia đình theo dõi sát sao tình hình học tập của con. Đến cuối năm học lớp 7, gia đình chị H. tiếp tục thắc mắc tại sao con không có tên và không có bảng điểm thì lại được giải thích “ẩn tên của cháu để các phụ huynh khác không ý kiến”.
Từ đó về sau, vợ chồng chị H. không thắc mắc về tên con cũng như bảng điểm. Hằng năm, gia đình đều đóng góp đầy đủ các khoản tiền học cho con như bao nhiêu học sinh khác.
Ngày 22/5/2023, khi dự lễ tri ân, anh V. hỏi giáo viên chủ nhiệm về kết quả thi của H. thì được trả lời: Cháu H. không có tên trong danh sách nhà trường và cũng không có tên trong danh sách xét tốt nghiệp. Lúc này, gia đình mới tá hỏa liên hệ với thầy Hiệu trưởng.
Đơn xin cho con học hòa nhập của gia đình cháu H.
“Ông Thủy hứa giải quyết nhưng từ tháng 5 đến tháng 9/2023 vẫn không xong. Ban đầu, ông Thủy nói sẽ cho cháu học lại lớp 7. Vợ chồng tôi không đồng ý thì ông đề nghị học lại từ lớp 8, rồi lớp 9. Ông Thủy hứa sẽ trả chi phí cho con tôi học lại nhưng chúng tôi cương quyết từ chối. Bởi vấn đề không phải là tiền mà là công sức, nỗ lực của con tôi – một đứa trẻ tự kỷ đã cố gắng hòa nhập cộng đồng”, chị H. bức xúc.