Vụ lùm xùm Giải thưởng Genius Olympiad: Khi “triển lãm thu phí” thành “cuộc thi danh giá”
Các cuộc thi trên danh nghĩa là dành cho học sinh nhưng bàn tay người lớn nhúng vào quá sâu đã gây ra những chuyện lùm xùm, như vụ giải thưởng GENIUS Olympiad mới đây.
- BTC Genius Olympiad xoá tên thí sinh bị tố gian lận khỏi danh sách đoạt giải
- Nữ sinh TP.HCM tố bị “đánh cắp” bài thi ở Genius Olympiad: Sở GD&ĐT yêu cầu làm rõ trách nhiệm
- Vụ lùm xùm thi Genius Olympiad: Có gian lận, thực hiện các bước thu hồi giải thưởng
Thật là tai hại khi trẻ em ngộ nhận về khả năng thật sự của mình và sống trong hào quang ảo tưởng mà người lớn tạo ra.
Một học sinh lớp 10 sẽ rất xấu hổ, thậm chí khủng hoảng tâm lý sau khi bị ban tổ chức cuộc thi GENIUS Olympiad thu hồi giải đã trao. Nhìn nhận một cách khách quan thì em này là nạn nhân của những người lớn đã bày vẽ cho em dự thi không trung thực để rồi lãnh hậu quả nặng nề như vậy về mặt danh dự.
Nhiều dư luận ồn ào quanh cuộc thi GENIUS Olympiad
Nhưng không chỉ có GENIUS Olympiad, nhiều cuộc thi khác cũng không tránh khỏi bàn tay người lớn can thiệp, từ quy mô nhỏ là cuộc thi ở trường đến quy mô lớn là các cuộc thi quốc gia, điều này có thể thấy rõ qua hàng loạt thông tin trên báo chí.
Người viết bài này đã chứng kiến tận mắt, có cuộc thi chỉ mang tính nội bộ trường của học sinh lớp 10 là làm ra chiếc xe chạy được xa nhất bằng quán tính khi đổ dốc. Thay vì để học sinh tự làm với dụng cụ do phụ huynh cung cấp, giáo viên đã mang vào một xe chế tạo sẵn đưa học sinh dự thi để có giải.
Từ việc “bơm thổi” GENIUS Olympiad thành cuộc thi danh giá
Trên website của mình tại địa chỉ https://geniusolympiad.org, Ban tổ chức (BTC) GENIUS Olympiad dùng từ “fair” để chỉ rõ, đây là một cuộc triển lãm/trưng bày dự án. Với tính chất như vậy, việc gửi dự án trưng bày là điều bình thường và đây không hề là “cuộc thi quốc tế danh giá” như lời giới thiệu truyền miệng được một số người bơm thổi ở Việt Nam.
Mục đích cuộc thi GENIUS Olympiad đặt ra là thúc đẩy nhận thức về các vấn đề môi trường thông qua các dự án khoa học (science), viết sáng tạo (creative writing), kinh doanh (business), điều khiển học (robotics), nghệ thuật (art), âm nhạc (music), làm phim ngắn (short film).
BTC cũng công khai chi phí tham gia như phí đăng ký 50 USD/dự án, phí tham dự lễ trao giải là 425 USD/người. GENIUS Olympiad cũng kết hợp chào bán luôn các tour du lịch ngắn cho người tham dự lễ trao giải với chi phí tầm 1.000 USD/người/tour.
Năm 2011, khi GENIUS Olympiad được tổ chức lần đầu tiên, trong 647 dự án tham gia dự thi có 195 dự án được chọn, tỷ lệ 30%. Trong năm năm đầu tiên, tỷ lệ dự án đoạt giải không quá 40%. Từ năm 2019 trở đi tỷ lệ này bắt đầu tăng vượt mức 50% như năm 2019 có 1.698 dự án dự thi và 789 đoạt giải (tỷ lệ 53%). Giải năm 2022 có 1.609 dự án tham gia và 819 dự án đạt giải (gần 51%).
Năm 2023, tỷ lệ này tăng vọt khi trong 821 dự án tham gia có 599 được trao giải, tỷ lệ 73%. Đây cũng là năm GENIUS Olympiad có đơn vị tổ chức (host) mới là Viện đại học công nghệ Rochester (RIT) ở New York.
Có thể thấy, khi trường RIT trở thành đơn vị tổ chức thì GENIUS Olympiad trong một chừng mực nhất định đã được xem như một kênh thông tin giúp quảng bá cho trường. Cuộc triển lãm dự án và lễ trao giải được tổ chức trong khu vực campus của RIT kèm theo các hoạt động tuyển sinh.
Cũng với mục đích tuyển sinh, RIT đã công bố giải thưởng cho các dự án được trao giải là học bổng tại trường của họ. Dự án đạt huy chương vàng sẽ nhận học bổng 20.000 USD, huy chương bạc 18.000 USD, huy chương đồng 15.000 USD và dự án có giải mức thấp nhất vẫn được học bổng đến 10.000 USD.
Tuy con số học bổng này có vẻ hấp dẫn nhưng cần lưu ý thêm, tổng mức chi phí nếu khi học tại RIT theo công bố trên website trường này khoảng từ 62.000 đến 76.000 USD/năm học.
Đến đây, mọi việc chung quanh GENIUS Olympiad đã sáng tỏ. Việc phủ hào quang lên cuộc thi này là có bàn tay của một số người lớn và trẻ em bị cuốn theo. Về phía BTC GENIUS Olympiad, họ không dùng những từ thậm xưng nào và cũng nói rõ đây là cuộc triển lãm mà người tham dự tự chịu chi phí.
Đến các vụ lùm xùm thi khoa học kỹ thuật cho học sinh
Không chỉ các cuộc thi quốc tế mà các cuộc thi trong nước dành cho học sinh trong thời gian qua cũng không ít lần dính các vụ lùm xùm. Chẳng hạn cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh (VISEF) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức từ năm 2011 cũng bị dư luận đặt câu hỏi về giải thưởng.
Năm 2021, dự án được trao giải nhất “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” có nội dung na ná như dự án giải nhì năm 2019 “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân”. Điểm đáng chú ý là cả hai dự án này đều từ học sinh cùng một trường và do cùng một giáo viên hướng dẫn.
Cùng năm 2021, dự án đạt giải “Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hóa eNOS trên tế bào ECV304 từ một số loài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vữa động mạch” của nhóm học sinh ở Hải Phòng khiến ngay cả các bác sĩ cũng phải giật mình vì độ chuyên sâu của đề tài này.
Đối với giải năm 2019, sau khi cuộc thi kết thúc với 5/15 giải nhất, nhiều phụ huynh đã yêu cầu thẩm định lại vì kết quả trùng lặp với các sản phẩm, nghiên cứu đạt giải các năm trước.
Năm 2018, hơn 50 trong tổng số 242 đề tài dự thi cuộc thi này ở khu vực phía Bắc bị phụ huynh tố vi phạm quy chế nhưng vẫn được dự thi và có những đề tài đạt giải cao.
Việc bàn tay người lớn thọc quá sâu vào các cuộc thi như vậy chỉ để có giải thưởng bằng mọi giá sẽ rất có hại cho học sinh. Ngoài việc bị ảo tưởng về năng lực bản thân, điều tai hại hơn là các em bị lôi kéo vào việc “bùa phép” để có giải thưởng. Hậu quả sẽ khiến học sinh xem sự không trung thực trong nghiên cứu khoa học là chuyện bình thường. Đây sẽ là điều hết sức tai hại cho nhân cách của các em sau khi trưởng thành.
Tưởng luận văn… cao học
Gần đây nhất, trong danh sách 12 dự án đạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2022, có những đề tài mà mới đọc tưởng là đề tài luận văn cao học, chẳng hạn như “Điều trị béo phì bằng cao chiết xanthone từ vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.) trên chuột nhắt trắng (Mus musculus)” hay “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lí ô nhiễm môi trường nước của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” hoặc “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)” (*).
Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Với điều kiện phòng thí nghiệm của trường trung học phổ thông, trình độ giáo viên và nội dung chương trình đào tạo hiện nay, liệu các em học sinh lớp 10-12 có thể nghiên cứu và viết ra các đề tài này?