Không còn là cái tên xa lạ với fan yêu nhạc, Wren Evans qua mỗi sản phẩm đều thể hiện được cá tính nghệ thuật độc nhất vô nhị như một “thương hiệu” riêng. Từ Thích Em Hơi Nhiều đến Call Me là hành trình trưởng thành đầy thú vị của chàng trai trẻ đến từ Hà Nội. Những nỗi niềm tình yêu lần đầu mang vào sáng tác, mục tiêu “nhập khẩu và xuất khẩu” âm nhạc được Wren Evans bộc bạch bằng sự chân thành.
Chúc mừng Wren Evans với MV mới ra lò Call Me đang nhận được rất nhiều phản ứng tích cực. Ý tưởng MV có phải được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống, câu chuyện của Wren hay không?
Thú thực, MV Call Me không phải ý tưởng của Wren Evans, sản phẩm này đã qua rất nhiều màng lọc concept. Đầu tiên là từ đội của tôi, có quản lý Lim Feng, rồi qua 2 đạo diễn Phương Vũ và Lâm Đạo Đạo lại có thêm tinh thần khác. Tôi để mọi người tự “bay” với nhau. Mục đích quan trọng nhất của tôi là được thử những cái mới, mang nó lên màn ảnh. Tôi muốn được thử diễn xuất.
Tôi đã muốn làm với anh Lâm từ lâu rồi nhưng chưa có duyên, đến Call Me, tự nhiên anh Phương Vũ bảo là “anh sẽ đồng đạo diễn với Lâm Đạo Đạo”. Tôi đã rất bất ngờ, tự hỏi sao lại duyên đến như thế.
Có thể thấy MV được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và trông có vẻ đắt tiền, Wren Evans có thể tiết lộ con số đầu tư mà bạn dành cho Call Me?
Call Me chính là dự án lớn nhất của Wren Evans, lần đầu tiên tôi đi quay tận 4 ngày. Quay MV các anh em với nhau nhiều lắm thì 1 ngày là cùng, nửa ngày cũng có, còn 4 ngày thì chưa bao giờ. Đây là trải nghiệm rất thú vị với tôi, rất hay ho, như được quay phim ngắn ấy.
Về mặt chi phí, tôi nghĩ là nó không quá cao. Mọi người sẽ có một mức giá trong đầu đúng không? Ví dụ như 1 tỷ đi, con số tôi có thể nói là dưới 1 tỷ.
Nói thêm một chút về chuyện tiền bạc đi: Cát xê – con số có thay đổi sau mỗi lần Wren Evans ra sản phẩm mới?
Phải có. Bởi mỗi lần ra sản phẩm mới, nghệ sĩ nào cũng cần bỏ tiền ra đầu tư. Ngày xưa tôi là kiểu cứ thích ra sản phẩm thì ra, nhưng bây giờ, để làm một sản phẩm như Call Me thì phải có tiền. Khi đã đầu tư nhiều tâm huyết, tôi cũng mong được ủng hộ, nhưng không theo kiểu yêu cầu mọi người hãy trả tiền cho tôi, mọi thứ không vận hành như thế. Tôi biết cái tôi bỏ tiền đầu tư đáng để khán giả xem, đó là điều tôi tâm đắc. Tôi và đội ngũ của mình ngồi với nhau hàng ngày, tính toán từng thứ một với mục đích cuối là làm thế nào để xứng với thời gian chờ đợi của khán giả, tôi chỉ nghĩ như thế thôi.
Tại sao lại là Hoàng Hà – cô nàng vốn gắn liền với hình tượng nàng thơ nay lại hoá thân vào vai diễn gai góc, nổi loạn? Có thể thấy không chỉ Hoàng Hà, bản thân Wren Evans cũng rất tận hưởng không gian trong MV này. Call Me có phải là cách bạn nói lên câu chuyện của mình?
MV này không phải là câu chuyện tình yêu của Wren Evans. Nói thật nó là diễn, nếu như mọi người cảm thấy được thuyết phục thì đúng là sự thành công. Tôi chưa trải qua chuyện tình như trong MV Call Me bao giờ, nên tôi rất vui vì có thể làm cho khán giả cảm thấy tôi yêu cô gái ấy thật.
Chọn Hoàng Hà là quyết định của ekip, mọi người đi tìm và cảm thấy Hoàng Hà phù hợp.
MV này đặc biệt gây chú ý khi có tận 16 cảnh hôn. Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu, tại sao trong MV này bạn lại chú trọng vào những nụ hôn và sự gần gũi về mặt thể xác? Liệu sau này, bạn sẽ có thể mang cả cảnh nóng vào MV?
Cộng đồng mạng có vẻ thấy những cảnh hôn của Wren hơi nhạy cảm, tuỳ thuộc vào góc nhìn. Nhưng có một bộ phận khán giả cũng rất thích. Tôi nghĩ việc bắt gặp một ai đó hôn ở trên đường khá là hiếm, nên khi có nhiều cảnh hôn sẽ tạo nên cảm xúc gì đó nếu đưa người xem vào vai người chứng kiến.
Nhưng hôn ai đó là chuyện bình thường mà. Vốn dĩ trong một mối quan hệ là như vậy, chỉ là chưa thấy nhiều như thế trên MV bao giờ. Hôn không phản cảm đến thế. (cười)
Tôi là fan cuồng của những thứ chân thật. Sản phẩm lần này khi anh Phương Vũ đưa vào những cảnh hôn, hay thậm chí là hở hang một chút, tôi công nhận rất thật. Anh ấy làm mọi thứ táo bạo một cách “giữ kẽ”. Tôi nghĩ tôi sẽ dừng ở mức đấy, suy cho cùng thì nó là một video âm nhạc, nếu khiến người xem cảm thấy phản cảm quá thì đó không phải mục đích của tôi. Tôi không muốn đến mức độ 24+ hay gì đâu!
Wren Evans đã định hình âm nhạc gắn liền phong cách độc nhất vô nhị, có chút tinh nghịch, nhưng thường được đánh giá là kén người nghe. Call Me có phải là một bước giúp Wren chạm tới tính đại chúng hơn không?
Call Me là bài tôi cố gắng viết cho dễ nghe hơn một tí, so với bản thân trước kia. Còn việc nó có thể đến gần hơn với khán giả không thì phải để khán giả trả lời. Tôi có ý định để khán giả gần hơn với mình, vì tôi nhận định được mọi người khá “xa lánh” âm nhạc của tôi. Mong Call Me sẽ nhận được sự ủng hộ.
Tôi thần tượng rất nhiều người, để nói về sự ảnh hưởng thì đúng như “nồi lẩu thập cẩm”. Còn tại sao nhạc Wren Evans lại như thế, thì vì tôi là một fan của âm nhạc. Tôi nghe rất nhiều nhạc và tìm hiểu sâu hơn những thứ đằng sau giai điệu đó. Tôi muốn biết về lý do, nguồn gốc, tìm hiểu tại sao họ làm nhạc như thế, mục đích là gì, họ là ai và họ đến từ đâu. Về dòng nhạc, tôi tìm hiểu lý do tại sao được sinh ra, cốt lõi của nó là gì. Nghe có vẻ hơi chuyên môn nhưng đơn giản nó chỉ là tìm hiểu sâu hơn bình thường, và tôi tận hưởng quá trình đó.
Bạn có sợ bị khán giả lãng quên không nếu như cứ đi một mình một con đường?
Đây là câu hỏi chắc chắn bất kì nghệ sĩ nào cũng không thể có câu trả lời. Bởi vì ai cũng đang đi tìm cái đấy, riêng tôi thì tôi đi tìm cái khác. Tôi có cân nhắc yếu tố thị trường trong các bài nhạc của mình, nhưng nó không giống số đông. Không biết phải diễn tả thế nào, Wren Evans muốn tiên phong nhiều hơn. Tôi muốn nhập khẩu và xuất khẩu âm nhạc, hai nhiệm vụ rất quan trọng tôi sẽ phải làm.
Nếu là một nghệ sĩ, chắc chắn phải sợ hãi khi khán giả quên mình. Mình đã bỏ công sức, thời gian và đối với nhiều người là cả thanh xuân để cố gắng tìm tòi, làm nhạc, phụng sự khán giả. Đến một ngày “khách hàng” không còn cần mình thì phải buồn chứ. Đây chỉ là một sự ví von thôi, tôi không nói khán giả là “khách hàng”, bởi nghệ thuật còn là sự kết nối về mặt tâm hồn. Họ đã nghe nhạc, thấu hiểu tâm tư, đến một ngày quên đi mình, đúng là rất buồn! Giống như mất đi một người bạn.
Theo dõi Wren Evans trong những sản phẩm gần đây, có thể nhận ra bạn rất hứng thú với bolero, và đã ứng dụng nó ngay trong âm nhạc của bạn, Wren có thể chia sẻ thêm về điều này?
Tôi thích bolero, hay mà. Tôi nghĩ bolero là cội nguồn, một dòng chảy trong máu người Việt. Bất kì ai trong mỗi chúng ta đều không dứt ra được, dù muốn hay không muốn. Việc tôi tiếp xúc và sử dụng chất liệu bolero là lẽ tự nhiên, không chỉ là chất liệu nữa, đó là một phần của văn hoá rồi.
Tính từ “một màu” hẳn không có trong từ điển của Wren Evans, vậy bạn làm thế nào để mỗi sản phẩm là một màu sắc mới? Trong quá trình sáng tạo đó, có khi nào Wren bế tắc, mệt mỏi?
Tôi rất hài lòng. Trong âm nhạc tôi đã đạt đến ngưỡng mà tôi cảm thấy “có những điều mình cần phải làm thôi”, “mình không làm chắc sẽ không có ai làm được”. Tôi dám khẳng định như vậy, khi đã dành hàng mấy năm trời trong studio thì chắc chắn sẽ tìm được thứ gì đó người khác không tìm ra. Hai bài Việt Kiều và Call Me chính xác đến từ cảm giác đấy, và tôi mãn nguyện khi hoàn thành vì nó đã đúng như những gì tôi muốn.
Từ bé đến lớn tôi luôn ghét từ “một màu”. Đến gần đây, tôi không dùng từ “một màu” nữa mà dùng từ tiếng Anh “consistent” (tạm dịch: nhất quán). Hai tính từ này có điểm chạm chính là làm thế nào để các sản phẩm có hình thái, truyền tải được một cái “chất” từ Wren. Tôi không biết nó có phải một màu hay không, nhưng tôi muốn mọi người nhận ra Wren Evans, đó là điều tôi luôn theo đuổi. Trong âm nhạc, mọi người chắc chắn không nhận xét tôi “một màu”, tôi luôn biết điều đó.
Bế tắc thì không nhưng mệt mỏi thì có, rất nhiều. Nhiều lúc mình có ý tưởng, nhưng đi vào phòng thu mệt quá lại đi ra, không còn sức để đẩy ý tưởng ra khỏi đầu. Ngày xưa tôi rất tự do, không có việc gì để làm thì chỉ làm nhạc thôi. Nhưng bây giờ có vô vàn công việc khác nữa, một phần nào đó ảnh hưởng đến năng lượng sáng tạo.
Từng là một Gen Z nói tiếng Anh, sáng tác tiếng Anh, hát tiếng Anh, nhưng trong những sáng tác gần đây có thể thấy cách viết lời của bạn đã thay đổi rất nhiều. Wren Evans đã làm thế nào để hoàn thiện kỹ năng viết lời tiếng Việt?
Chỉ cần viết nhiều thôi, viết siêu nhiều, viết liên tục rồi sửa. Cách duy nhất để câu chuyện đi ra từ chính mình là viết, thử nghiệm và cho người thân của Wren nghe để biết mình đang ở đâu. Tính đến nay tôi viết nhạc bằng tiếng Việt chắc mới chỉ 2 năm, trước đó viết tiếng Anh nên bây giờ phải cố gắng rất nhiều.
Trong thế hệ của mình, những cái tên như MONO, HIEUTHUHAI, tlinh, Grey D,… Wren Evans cảm thấy đâu là cái tên nổi bật nhất?
Khá khó nói nha! Tôi chỉ có thể nói về mức độ thân thiết thôi vì tôi quen gần hết mọi người. Riêng MONO chưa có cơ hội nói chuyện, còn tlinh, Grey D, HIEUTHUHAI thì Wren đều đã tiếp xúc. Tôi cảm thấy đồng điệu với những bạn cùng lứa vì chúng tôi được sống cùng thời, chia sẻ cùng nhau “source” âm nhạc. Tôi nghe nhạc của mọi người tôi cảm được luôn cảm hứng đến từ đâu, và ngược lại.
Mỗi một thế hệ đều có chiều hướng âm nhạc khác nhau, không có tốt hay xấu. Nếu nói khác ở điểm gì thì có thể nói ở thời điểm hiện tại, âm nhạc của chúng tôi được hấp thu nhiều chất liệu hơn. Ở thế hệ trước, khi chất liệu không nhiều như bây giờ, nghệ sĩ chỉ lấy được những gì có thể. Âm nhạc là nhiều thứ cộng hưởng. Ảnh hưởng đơn giản chỉ là ảnh hưởng thôi, không phải sao chép, như việc bolero có nguồn gốc từ nhạc Latin chẳng hạn.
Qua những sản phẩm âm nhạc đã phát hành, nhiều người nghĩ Wren Evans hẳn là một chàng trai có rất nhiều kinh nghiệm trong chuyện tình yêu? Bạn có ngại công khai tình yêu của mình?
Tôi nghĩ chắc là thế, nhưng có một từ khác tôi muốn sử dụng hơn, đó là sâu sắc. Tôi cảm thấy tình yêu tôi viết vào nhạc khá sâu sắc, vì đi ra từ đáy lòng tôi muốn được chia sẻ. Mọi người đâu biết sự ngu ngơ của Wren thế nào, trừ khi ở cạnh Wren, yêu Wren.
Thứ làm tôi nhớ nhất, đau và tổn thương nhiều nhất là tình yêu nên chủ yếu tôi sáng tác về nó, đa số nhạc trên thế giới cũng như vậy.
Tôi không ngại công khai tình yêu. Cái gì đến sẽ đến.
Nếu thực sự rơi vào trường hợp bị gia đình ngăn cấm tình yêu như trong Call Me, bạn sẽ xử trí thế nào, chọn tình yêu hay gia đình?
Chắc phải tuỳ hoàn cảnh, tôi luôn cố gắng cân bằng lý trí và cảm xúc. Ngày xưa khi còn bé, tôi có vài mối tình “bọ xít”, tôi nhận ra có những bạn bố mẹ hào hứng, nhưng có khi bố mẹ cứ để tôi trải nghiệm thôi. Bố mẹ tôi không can thiệp quá nhiều, tôi cảm thấy may mắn vì điều đó. Dù lúc bố mẹ không thích cũng chỉ thể hiện rất tế nhị, để Wren tự mình quyết định. Nếu là tôi, tôi ưu tiên cảm xúc của mình hơn, vì tôi là người chọn tình yêu mà. Còn bài học đến sau, tôi tự chịu trách nhiệm, nhiều lúc phải trải qua mới hiểu chuyện.
Wren Evans nghĩ thế nào là “tình yêu độc hại”?
Đơn giản thôi, độc hại là khi 1 + 1 không có 2. Tại vì sao tôi chọn 1 + 1, vì đáp án phải là 2, và khi chia ra thì kết quả đều. Mình luôn cho thứ gì đó để nhận lại thứ tương xứng. Tình yêu độc hại là khi một trong hai trao đi nhiều hơn. Tôi nghĩ là nên công bằng, đương nhiên mọi thứ đều có sai số, nhưng hãy cố gắng để 1+1=2.
Nhưng như thế có phải quá rạch ròi, tính toán?
Bản thân khái niệm “toxic” đã là một sự rạch ròi. Nếu không có định nghĩa này, thì chúng ta cứ yêu thôi, sao phải nghĩ ngợi ai là người độc hại. Ngay từ lúc ban đầu khi nghĩ “tại sao phải yêu người này”, mình đã tính toán rồi, nhưng rồi mọi thứ sẽ ổn thôi, lo gì (cười).
Wren Evans có hay tìm kiếm tên mình trên MXH? Là một người nổi tiếng, hẳn bạn cũng thường xuyên đối diện với những áp lực thành tích, lời bình phẩm từ công chúng? Nhiều nhận định cho rằng “Gen Z là một thế hệ yếu đuối và bản năng”, là một Gen Z tiêu biểu, bạn nghĩ gì?
Dù ít nhưng đôi khi cũng có lúc tôi cảm thấy bị tấn công. Nếu tiêu cực đến, Wren sẽ trốn về nhà, như một cơ chế phòng thủ.
Tôi không hay tìm kiếm tên mình. Đa số các bình luận tiêu cực thường ở trên Facebook, vì không dùng thường xuyên nên thỉnh thoảng tôi mới thấy. Lúc ấy tôi sẽ mặc kệ vì cũng không thể giải thích quá nhiều.
Bản năng thì có, tôi cũng làm nhiều thứ theo bản năng, nhưng yếu đuối thì không. Gen Z là thế hệ “cứng như đá” luôn! Mọi người áp đặt từ yếu đuối lên Gen Z là vì cảm thấy những thứ Gen Z đối mặt không khó, nhưng thực ra rất khó mà. Bất kì ai trong thế hệ này cũng đều đối diện với một vấn đề, có thể là học tập, công việc,… Chúng ta khó thấu hiểu nhau nên đôi khi bố mẹ sẽ nói “mọi chuyện không khó đến thế đâu”, nhưng bố mẹ cũng không hiểu ông bà đã chật vật đến thế nào và ngược lại.