Trẻ nhỏ vốn vô tư, yêu đời, lúc nào cũng vui vẻ. Thế nên, chỉ cần nhận thấy con có những dấu hiệu khác ngày thường thì bố mẹ không nên bỏ qua, ngó lơ mà hãy quan sát, chia sẻ. Với nhiều phụ huynh, vì bận công việc, bạn bè, cuộc sống… mà quên đi việc chia sẻ, tâm sự với con cái. Càng lớn, trẻ sẽ đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Có những điều người lớn cho là nhỏ nhặt nhưng với con lại rất quan trọng.
Trên thực tế, ở trẻ có 3 biểu hiện mà mọi người cần quan tâm, nếu không chúng rất dễ mắc bệnh tâm lý, khi phát hiện lại rất khó chữa trị. Trẻ con thật sự còn rất bé, tâm lý của chúng rất dễ bị tổn thương, chỉ cần chuyện nhỏ cũng đủ khiến chúng sợ hãi. Nếu như có lúc nào đó, cha mẹ không quan tâm đến cảm xúc con trẻ, thì có thể chúng sẽ hình thành bệnh tâm lý. Dưới đây là 3 dấu hiệu cần được quan tâm nhất!
1. Đột nhiên không muốn ăn cơm, chán ăn
Những đứa trẻ trong tuổi đang lớn thường rất thích ăn, nên khi chúng không muốn ăn thì chắc chắn tâm lý đang có vấn đề. Liệu có phải vì chúng ốm, không khỏe trong người nên không muốn ăn hay không?
Ngoài việc đó, còn lại nếu bố mẹ thấy cơ thể trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng không ăn cơm thì chắc chắn tâm lý đang gặp trở ngại. Bản thân người lớn một khi gặp phải áp lực hay buồn bực cũng chẳng muốn nuốt thứ gì vào người, huống chi là trẻ nhỏ.
Vì vậy, nếu gặp trường hợp này, cha mẹ cần kiểm tra sức khỏe trước, sau đó thử thay đổi môi trường ăn uống xem như thế nào? Nếu không được, cần đưa con đến bệnh viện để kiểm tra.
2. Dễ khóc, dễ cáu bẳn, không vừa ý với mọi việc
Một đứa trẻ đang vui vẻ, cười nói mỗi ngày đột nhiên dễ khóc, hay tỏ thái độ với mọi người xung quanh thì rất có thể con đang gặp vấn đề nào đó. Con cũng cư xử hung hãn với bạn bè, những trẻ nhỏ tuổi hơn hoặc kể cả với bố mẹ, ông bà, những người thân xung quanh và không nhận thức được hành vi này là không tốt. Nhiều trẻ rối loạn cảm xúc và hành vi còn có tình trạng cư xử hung hãn quá mức với cả đồ vật hay con vật.
Cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu trên, từ chỗ trẻ hay cáu giận, đi lại nhiều, không thể tập trung, hay nói hoặc rất ít nói,… Nếu không được bố mẹ quan tâm, trẻ có thể có những dấu hiệu mệt mỏi quá độ, tự ti, trầm cảm.
Giải pháp tốt nhất là khi thấy con thường xuyên có hành động này hãy tìm cách nói chuyện và giao tiếp với chúng. Cần lắng nghe và hiểu chúng đang muốn gì và dẫn chúng ra ngoài dạo chơi, để làm giảm đi sự sợ hãi mà chúng cảm nhận được.
3. Lảng tránh, ngại không chia sẻ với bố mẹ
Nhiều bố mẹ tỏ ra khó hiểu khi thấy con đột nhiên lảng tránh, không muốn chia sẻ, nói chuyện với bố mẹ. Rất có thể con đang gặp chuyện gì đó ở trường, với thầy cô hoặc các bạn mà không muốn nói. Lúc này, điều cha mẹ cần làm là lắng nghe, trao đổi nhẹ nhàng, luôn nói với con rằng “bố mẹ sẽ ở đây để nghe mọi chuyện từ con”.
Tuy nhiên, cũng nhiều ông bố, bà mẹ không nhận ra vấn đề đang nằm ở cốt lõi gia đình. Ba mẹ đột nhiên cãi nhau triền miên, để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến con cũng rất dễ làm trẻ tổn thương. Ngoài ra, những ba mẹ luôn cho mình là nhất, không chú ý đến cảm xúc của trẻ, phớt lờ tiếng nói của bé, liên tục nói về những vấn đề khiến con cái cảm thấy tồi tệ hơn cũng làm trẻ trở nên khó chịu.
Đặc biệt, khi ba mẹ thất hứa, chia sẻ điều mà con cho là bí mật, không muốn nói với ai cũng sẽ khiến trẻ buồn lòng, ngại chia sẻ, tâm sự với ba mẹ nữa.
Đôi khi, chỉ vài biểu hiện nhỏ ở trẻ cũng có thể tiết lộ con đang gặp vấn đề về tâm lý. Cha mẹ đừng làm ngơ mà hãy quan sát, tìm hiểu, lắng nghe tâm sự từ con mình.