Bố mẹ, thầy cô, bạn bè, thần tượng… đều có thể là người ảnh hưởng trực tiếp tới sự định hình, phát triển nhân cách của trẻ. Nếu có được sự quan tâm đúng mức và được định hướng đúng từ những người này, trẻ sẽ có điều kiện phát triển lành mạnh.
Sau đây là 3 người ảnh hưởng lớn đến trẻ, phụ huynh cần lưu ý để có ứng xử hợp lý:
1. Trước 6 tuổi, trẻ không thể sống thiếu mẹ
Điều trẻ sơ sinh cần nhất trong thời thơ ấu chính là mẹ. Mặc dù người cha cũng đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn này, và ở độ tuổi từ 3 đến 5, các bé gái bị ảnh hưởng bởi phức cảm Electra (một thuật ngữ phân tâm học được sử dụng để mô tả cảm giác cạnh tranh của một cô gái với mẹ để giành được tình cảm của cha mình) và sẽ rất quan tâm đến cha, nhưng nhìn chung, địa vị của người mẹ là không thể thay thế được.
Ở giai đoạn này, điều bé cần nhất là tình yêu thương và sự an toàn. Khi trẻ khóc, mẹ phải có mặt kịp thời. Ngoài ra, trẻ cần được tiếp xúc cơ thể nhiều hơn như ôm, chạm để khi lớn lên trẻ không sợ hãi hay choáng ngợp trước những tiếp xúc cơ thể.
Ở giai đoạn này, cha mẹ không nên quá nhấn mạnh “con là con trai, không được khóc” với bé trai, hay yêu cầu con gái phải gọn gàng, sạch sẽ mà nên cố gắng để cảm xúc được bộc lộ một cách tự nhiên, thoải mái, tránh trẻ trầm cảm do quá bị ép buộc. Điều quan trọng cần lưu ý là trẻ em phải ăn mặc phù hợp với vai trò giới tính của mình.
2. Từ 6 đến 13 tuổi, khao khát những hình mẫu đồng giới
Lúc này, trẻ bắt đầu dần thoát khỏi ảnh hưởng của phức cảm Oedipus (một thuật ngữ mô tả cảm giác khao khát của một đứa trẻ dành cho người cha mẹ khác giới của chúng và cảm giác ghen tỵ, giận dữ với người cha mẹ cùng giới) và phức cảm Electra.
Trẻ có nhận thức được về giới tính, chú ý hơn đến những yếu tố mà người cùng giới nên sở hữu. Ở giai đoạn này, cha mẹ nên cố gắng đóng vai trò là tấm gương cho trẻ.
Ví dụ, đối với người cha có con trai, không nên bận rộn với công việc và vắng mặt trong các hoạt động gia đình, điều này rất dễ khiến con trai đánh mất vai trò tham chiếu giới tính của mình. Các ông bố nên chơi thể thao nhiều hơn với con trai và phát triển một số sở thích chung cho con.
Nếu không có người cha ở bên, đứa trẻ thường sẽ tìm một người đàn ông khác thế chỗ và phát triển sự phụ thuộc mạnh mẽ vào người này. Tương tự, các bà mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con gái và tham gia các hoạt động mà chúng yêu thích.
3. Từ 14 tuổi đến khi trưởng thành: Vai trò của thần tượng
Ở giai đoạn này, trẻ bước vào tuổi dậy thì và có tâm lý nổi loạn mạnh mẽ, sự nhận thức cuối cùng về vai trò giới được hoàn thành thông qua việc tôn thờ hoặc ngưỡng mộ thần tượng. Hầu hết thanh thiếu niên ở độ tuổi này đều chán cha mẹ và hướng sự chú ý nhiều hơn đến một thần tượng nào đó.
Họ có thể là nhân vật của công chúng hoặc là giáo viên, bạn bè. Thần tượng này có một số “hành vi anh hùng” hoặc đặc điểm của người khác giới khiến trẻ đặc biệt thích thú và định hình bản thân theo hình ảnh và hành vi đó.
Những đứa trẻ thần tượng một ca sĩ, cầu thủ… không có gì là xấu. Ngược lại, nhìn ở khía cạnh tích cực, thần tượng một ai có nghĩa là họ đã xác định được cho mình một mục tiêu, lý tưởng để phấn đấu, phát triển bản thân. Ít nhiều thì tài năng của những ngôi sao, thần tượng đó cũng có ảnh hưởng tích cực đến lối sống của fan hâm mộ.
Trong giai đoạn này, cha mẹ nên cố gắng hết sức để chọn cho con một người hướng dẫn tốt và để con tiếp xúc nhiều hơn với những con người, việc làm mang năng lượng tích cực. Trong nhiều trường hợp, phụ huynh cũng có thể ngồi xuống, lắng nghe suy nghĩ của con và hiểu tại sao con thích một ngôi sao nào đó. Hướng dẫn các con đánh giá những mặt tốt đẹp của thần tượng, điều chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm để con trở thành người tốt hơn.
Hãy tôn trọng những bí mật nhỏ của con, đừng lén lút xem ngăn kéo và nhật ký của con, đồng thời chú ý đến phương pháp giao tiếp để hiểu một số hành vi xa cách của đứa trẻ.
Hãy học cách buông bỏ một cách phù hợp và để con tự lên kế hoạch cho công việc của mình, mở đường cho chúng sống tự lập khi trưởng thành.