Testosterone đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của hệ thống sinh sản của nam giới như: tinh hoàn, bìu, dương vật, túi tinh, tuyến tiền liệt,…
Đây cũng là nội tiết tố ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển các đặc điểm giới tính đặc trưng của đàn ông như: giọng trầm, phát triển lông tóc, sự phát triển của tinh trùng, gây hưng phấn tình dục,…
Testosterone là nhân tố quyết định đến việc hình thành những đặc điểm nam tính của đàn ông. Ngoài ra, testosterone giúp tăng tổng hợp protein, góp phần thúc đẩy sự tạo cơ, tăng phát triển cơ bắp, kích thích sản xuất hồng cầu… Đồng thời, testosterone cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chi phối hành vi ở cả nam lẫn nữ.
Nồng độ testosteron thấp (thiếu hụt) không chỉ đi kèm với giảm ham muốn giới tính và kém cương dương ở mức độ nào đó mà còn gây ra tình trạng kém hăng hái, giảm động lực sống, mỏi mệt, giảm khả năng trí tuệ. Một số thói quen dưới đây có thể góp phần làm giảm mức hormone testosterone mà quý ông nên biết để tránh xa:
1. Thừa cân gây giảm testosterone
PGS.TS Nguyễn Quang – Chủ tịch Hội Y Học giới Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Béo phì có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ bị suy sinh dục nam giới và là nguy cơ tiềm tàng của vô sinh nam giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa chỉ số khối cơ thể và nồng độ testosterone máu, nghĩa là nếu chỉ số khối BMI càng tăng thì nồng độ testosterone máu càng giảm và ngược lại.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Nội tiết học Hoa Kỳ công bố tháng 7/2014, cân nặng vừa phải có thể giữ mức testosterone ở mức thấp. Nghiên cứu Lão hóa Nam giới châu Âu công bố tháng 2/2013, theo dõi hơn 2.000 nam giới từ 40 tuổi trở lên trong khoảng 4 năm cho thấy, đặt mục tiêu giảm ít nhất 15% trọng lượng cơ thể – một lượng có thể kích hoạt sự gia tăng đáng kể lượng testosterone.
Một nghiên cứu được tiến hành trên 1.144 nam giới trong độ tuổi từ 17 – 60 đến thăm khám và tư vấn tại Khoa Nam học và Y học giới tính (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Thời gian nghiên cứu từ tháng 1/2017 -1/2021 cho thấy tình trạng thừa cân, béo phì có liên quan với tình trạng giảm thể tích tinh dịch cũng như giảm tổng số tinh trùng ở nam giới Việt Nam.
Các chuyên gia nam học cho biết, thừa cân, béo phì làm giảm nồng độ testosterone trong máu ở nam giới qua đó làm tăng tỷ lệ rối loạn cương dương, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, gây vô sinh ở nam.
2. Lười vận động làm giảm hormone
Nam giới không hoạt động thể chất cũng có thể làm giảm mức testosterone. Khi các nhà nghiên cứu cho 30 nam thanh niên ít vận động tham gia chương trình tập thể dục kéo dài 12 tuần, họ thấy rằng mức testosterone của những người tham gia tăng lên, theo một nghiên cứu trên Tạp chí Sinh lý học và Dược phẩm Ấn Độ từ tháng 4 đến tháng 6/2014.
3. Sử dụng thuốc giảm đau có chất gây nghiện
Tiến sĩ Saadeh – bác sĩ tiết niệu của Đại học Y tế Virginia (Hoa Kỳ) cho biết: Việc sử dụng liên tục thuốc giảm đau có chất gây nghiện có thể gây ra sự sụt giảm đáng kể nồng độ testosterone ở nam giới.
Một bài báo đánh giá trên tạp chí khoa học JAMA từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2015 đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc sử dụng lâu dài thuốc giảm đau có chất gây nghiện và rối loạn chức năng tình dục do suy giảm nội tiết tố ở nam giới. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết liệu có mối liên hệ nào giữa chất gây nghiện và lượng testosterone thấp hay không. Tiến sĩ Saadeh khuyên nên nói chuyện với bác sĩ của bạn về cách ngừng sử dụng các loại thuốc này, nếu bạn có những dấu hiệu suy giảm testosterone khi sử dụng thuốc giảm đau.
4. Sử dụng steroid đồng hóa giảm nồng độ testosterone
Thuốc tăng cơ bắp hay steroid đồng hóa là các hormone được sản xuất nhân tạo giống hoặc tương tự với androgen, hormone sinh dục nam trong cơ thể. Các vận động viên thể hình có thể lạm dụng steroid đồng hóa trong nỗ lực xây dựng cơ bắp và cải thiện hiệu suất thể thao. Khi dùng steroid đồng hóa liều cao hơn nhiều so với mức được chỉ định cho một tình trạng bệnh lý có thể gây ra hậu quả lâu dài.
Tiến sĩ Saadeh cho biết: Việc sử dụng steroid đồng hóa để tập thể hình sẽ khiến tinh hoàn ngừng sản xuất testosterone. Điều này có thể là vĩnh viễn, ngay cả sau khi ngừng sử dụng các loại thuốc này. Steroid đồng hóa được sử dụng để tăng khối lượng và sức mạnh cơ bắp có thể phá vỡ chức năng tự nhiên của tinh hoàn, có khả năng gây teo tinh hoàn và giảm nồng độ testosterone.
Khi các nhà nghiên cứu so sánh những vận động viên cử tạ sử dụng steroid đồng hóa -androgen với những vận động viên cử tạ không sử dụng chúng, họ nhận thấy nguy cơ testosterone thấp tăng cao ngay cả sau khi những vận động viên cử tạ ngừng sử dụng steroid.
5. Sử dụng thuốc trị rụng tóc
Tiến sĩ Saadeh cũng cho biết, một số loại thuốc trị rụng tóc cũng ảnh hưởng tới sự sản xuất hormone testosterone của cơ thể. Nhiều người gặp phải các triệu chứng dai dẳng như rối loạn chức năng tình dục và trầm cảm sau khi sử dụng thuốc trị rụng tóc có thể là do tác dụng của thuốc đối với testosterone và các hormone khác trong cơ thể.
Thiếu ngủ, thuốc trị rụng tóc, thuốc giảm đau có chất gây nghiện và thừa cân có thể ảnh hưởng đến nồng độ testosterone.
6. Ngủ không đủ giấc
Nhà nội tiết học Frances Hayes, trợ lý giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard ở Boston (Hoa Kỳ) cho biết: Giấc ngủ làm tăng nồng độ testosterone. Giấc ngủ bị gián đoạn có xu hướng làm giảm testosterone và có mối liên hệ giữa thiếu ngủ và testosterone thấp. Do đó hãy dành thời gian ngủ để sản xuất testosterone nhiều hơn.
Giấc ngủ cũng là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến lượng testosterone do cơ thể của bạn. Chu kỳ giấc ngủ bình thường rất quan trọng, hãy cố gắng duy trì chu kỳ ngủ – thức đều đặn và có nhiều giấc ngủ chất lượng. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị mắc chứng ngưng thở khi ngủ (tình trạng ngừng thở trong thời gian ngắn trong đêm), hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.
Xem thêm video đang được quan tâm
Phụ nữ tiền mãn kinh cần biết: 4 yếu tố chính gây giảm ham muốn tình dục.