SKĐS – Phần lớn phụ nữ bị nấm âm đạo vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Dưới đây là 7 nguyên nhân bất ngờ gây nhiễm nấm âm đạo chị em cần biết để tránh.
Theo BSCK II Nguyễn Thị Minh Thanh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nấm âm đạo là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ. Theo thống kê có khoảng 75% chị em trên thế giới có thể mắc nấm âm đạo ít nhất 1 lần trong đời.
Nấm âm đạo gây nhiều phiền toái cho phụ nữ. Dưới đây là 7 nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo xuất phát từ những thói quen xấu hàng ngày, chị em cần biết để tránh:
1. Ăn quá nhiều đường
Có thể bạn không tin nhưng các nghiên cứu đã cho thấy lượng đường trong máu tăng đột biến tạo ra môi trường sinh sôi màu mỡ cho nấm men. Thủ phạm gây ra tình trạng tăng lượng đường trong máu là kem và bánh ngọt yêu thích của nhiều phụ nữ. Vì vậy, việc ăn các loại thực phẩm ít đường có thể sẽ giúp bạn dự phòng tình trạng nhiễm nấm âm đạo.
2. Băng vệ sinh hàng ngày
Việc sử dụng băng vệ sinh hàng ngày với hy vọng có được đồ lót “hoàn hảo” thực ra lại hoàn toàn phản tác dụng. Băng vệ sinh hàng ngày được làm từ vật liệu tổng hợp hạn chế luồng không khí, tạo ra môi trường thuận lợi cho nấm men. Chúng cũng có xu hướng gây kích ứng, làm giảm khả năng miễn dịch của da đối với nhiễm trùng.
3. Không thay băng vệ sinh thường xuyên
Nấm men phát triển mạnh trong môi trường có nhiều độ ẩm. Băng vệ sinh và tampon giữ ẩm, vì vậy tốt nhất là thay chúng thường xuyên, đặc biệt là vào những ngày thời tiết ấm hơn. Cần đảm bảo thời gian thay băng vệ sinh tối đa là từ 4-6 giờ/ần. Trong những ngày đầu lượng kinh nguyệt ra nhiều thì cần thay băng vệ sinh sau mỗi 3-4 giờ. Trước và sau khi thay băng vệ sinh cần rửa tay sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập.
4. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh có thể giúp ích cho nhiều vấn đề sức khỏe nhưng chúng cũng có những tác dụng phụ mà bạn nên biết. Thuốc kháng sinh thực sự có thể tiêu diệt một số vi khuẩn có lợi trong âm đạo, cho phép nấm men phát triển mạnh. Nếu phải dùng thuốc kháng sinh, hãy dùng thêm một loại thực phẩm bổ sung men vi sinh. Lactobacillus acidophilus là một lựa chọn tốt vì lactobacillus thực sự là loại vi khuẩn chính sống trong âm đạo khỏe mạnh.
Ăn các loại thực phẩm như sữa chua có chứa các dòng lợi khuẩn như Lactobacillus và/hoặc acidophilus (hai loại vi khuẩn được tìm thấy trong âm đạo) sẽ giúp kích thích sự phát triển của các lợi khuẩn tại âm đạo, giúp âm đạo chống lại được tình trạng nhiễm nấm.
5. Đồ lót bó sát cũng gây nấm âm đạo
Đồ lót tổng hợp bó sát không cho âm đạo “thở” có thể tạo ra thêm nhiệt và độ ẩm, tạo điều kiện cho nấm men phát triển quá mức. Ít nhất 1 hoặc 2 lần một tuần, ngủ mà không mặc đồ lót sẽ rất hữu ích, vì điều này giúp vùng kín có cơ hội được thông thoáng tự nhiên.
BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Mặc quần lót chật, ẩm ướt, không thoát mồ hôi, không thoáng khí, không thay quần lót thường xuyên là một trong nhiều nguyên nhân chính gây nhiễm nấm âm đạo.
6. Sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi thơm
Nhiều chị em cảm thấy sẽ thật tuyệt nếu “cô bé” có mùi thơm. Nhưng bạn không nên làm vậy. Các loại xà phòng, khăn lau, bình xịt có mùi thơm, thậm chí cả bồn tắm tạo bọt có mùi ngọt ngào có thể làm giảm nồng độ acid trong âm đạo, dẫn đến nhiễm trùng. Thay vào đó, nên chọn dung dịch vệ sinh dành riêng cho “vùng kín” có độ pH nhẹ nhàng, không mùi. Và nên nhớ là tuyệt đối không được thụt rửa phía sâu âm đạo.
7. Thuốc diệt tinh trùng
Nhiều loại bao cao su, bao gồm cả màng chắn âm đạo đều chứa chất diệt tinh trùng. Hầu hết các chất diệt tinh trùng đều chứa thành phần hoạt tính nonoxynol-9, có thể gây kích ứng cho một số phụ nữ. Sự kích ứng này có thể làm giảm khả năng miễn dịch của âm đạo, tạo điều kiện cho nấm men sinh sôi. Nếu bạn liên tục bị nhiễm nấm âm đạo và sử dụng các sản phẩm có chất diệt tinh trùng hoặc có phủ chất diệt tinh trùng nên xem xét lại các lựa chọn tránh thai của mình.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh, khi có dấu hiệu của nấm âm đạo, chị em nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tránh tự mua nước thụt rửa âm đạo và tự chữa trị dẫn tới bệnh nặng hơn hoặc tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tình dục có ích cho sức khỏe như thế nào?
Thiên Châu