Chị Hoàng Mỹ Hạnh (Hà Nội), có con gái đầu lòng tên Trần Đan Tiên (3 tuổi, học sinh trường Mầm non Sakura Montessori). Lần đầu làm cha mẹ, vợ chồng chị Hạnh ngập tràn hạnh phúc nhưng cũng không khỏi rối bời, lo lắng. “Làm sao để nuôi dạy con trở thành một người hạnh phúc?” – đó là câu hỏi hai vợ chồng đã tự nhủ không biết bao nhiêu lần.
Có lẽ sẽ chẳng có câu trả lời nào tuyệt đối cho câu hỏi này. Bởi hạnh phúc tùy góc nhìn. Vợ chồng chị Hạnh quyết định, hạnh phúc của con sẽ do chính con tự định nghĩa và lựa chọn. “Nhiệm vụ” của bố mẹ là tạo mọi điều kiện để con được phát triển “tự nhiên trong khuôn khổ”. Cả hai sẽ để con được khám phá, được lựa chọn và có trách nhiệm với những quyết định của mình, trong không gian an toàn nhất.
Chị Hạnh và con gái Đan Tiên
Từ kinh nghiệm đồng hành cùng con, chị Hạnh rút ra được 2 điều mà cha mẹ nên hỗ trợ để giúp con trưởng thành hạnh phúc:
– Để con được khám phá
Bé Đan Tiên bộc lộ sự tò mò từ rất sớm. Con hứng thú và đưa tay khám phá tất cả những gì xung quanh. Chị Hạnh quan sát kỹ càng, nhưng không ngăn cản, để con thỏa sức tìm tòi bằng ánh mắt của sự say mê, cười đắc ý khi có phát hiện mới. Sau đó, chị Hạnh bắt đầu cho con tiếp xúc với những cuốn sách Ehon.
Theo độ tuổi, Đan Tiên dần có những thắc mắc to hơn, hay hỏi “tại sao”: “Tại sao mẹ không cho con làm cái này cái kia”, “tại sao trời nắng”, “tại sao trời mưa”… Đôi lúc chị Hạnh phải hỏi Google để đưa ra giải đáp và cho con tiếp xúc thêm với những cuốn sách lật mở mang tên “Tại sao”, “Như thế nào”…
Sau đó, Đan Tiên nhận thức về thế giới xung quanh cũng nhiều hơn. Con biết phân biệt cách cư xử với người quen, người lạ; cách giúp đỡ bố mẹ những việc nhỏ ở nhà… Con hay “lý sự” từ bé nhưng chị Hạnh cho rằng, nếu chỉ đơn thuần ngăn cấm con không được làm cái này cái kia, nhất định con sẽ không phục. Có thể con sẽ nghe lời vào thời điểm đó, nhưng với đầy sự ấm ức.
Vì thế, cha mẹ nên cho con tự khám phá trong khuôn khổ, miễn sao đó là không gian an toàn cho con phát triển. Cha mẹ có thể hướng dẫn cho con cách dùng dao nhựa để giả cắt gọt, sử dụng bếp điện đồ chơi để nấu ăn. Ngoài ra, cho con được đọc thêm những cuốn sách về ứng xử, về hành vi…
– Định hướng và tôn trọng lựa chọn của con
Thay vì áp đặt con theo ý của mình, vợ chồng chị Hạnh xem con như một người trưởng thành, có chính kiến và lập trường. Bé Tiên được cai sữa sớm, thói quen mút tay cũng hình thành. Dù từng đau đầu vì việc này, dù thử nhiều cách nhưng vẫn không cải thiện, vợ chồng chị Hạnh không bắt ép con phải thay đổi ngay. Con lớn hơn một chút, nhận thức tốt hơn, chị giải thích cho con về bệnh sâu răng, dùng hình ảnh minh họa một em bé răng xấu vì mút tay quá nhiều. Đan Tiên sau đó hiểu vấn đề và tự bỏ hẳn mút tay.
Vợ chồng chị Hạnh cũng cho con được thoả thích tìm hiểu mọi thứ, mọi lĩnh vực, từ đó con tự lựa chọn cho mình những điều mà con thật sự muốn tìm hiểu nhiều hơn. Hơn 2 tuổi, Đan Tiên đã biết xin phép bố mẹ cho con đi học múa ballet. Con cũng bày tỏ niềm yêu thích với việc học tiếng Anh và đọc sách.
Nói về chuyện học tập của con, chị Hạnh cho rằng đạt được điểm số cao, những giải thưởng, thành tích… chắc hẳn sẽ là điều đáng tự hào. Nhưng với vợ chồng chị, việc con tìm được đam mê và sống hết mình với đam mê là điều quan trọng hơn cả.
“Ở ngưỡng tuổi trưởng thành, khi đứng trước vô vàn ngã rẽ, sẽ thật khó để con lựa chọn nếu con không hiểu được bản thân con mong ước điều gì. Đó cũng là điều vợ chồng tôi chiêm nghiệm được từ chính cuộc đời mình”, chị Hạnh tâm sự.
Nhìn con khôn lớn từng ngày, chị Hạnh cho rằng, yêu thương là sự tin tưởng, trao quyền cho con khám phá, lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Trẻ cần được là chính mình, một con người tràn đầy đam mê, nhiệt huyết và không ngừng nỗ lực để đạt được những mục tiêu con mong muốn. Và việc của cha mẹ là tạo điều kiện để con sống thật hạnh phúc và thỏa sức đam mê!