Mới đây, một cặp vợ chồng ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã xảy ra mâu thuẫn lớn. Nguyên nhân là do con gái của họ – Xixi, đang học lớp 4 không chịu làm bài tập nghiêm túc mà mải xem TV. Người mẹ trong cơn tức giận đã đánh con, vô tình ông bố nhìn thấy. Hai người cãi nhau, bà vợ tủi thân bỏ nhà ra đi, chồng đuổi theo vì lo sợ có chuyện gì xảy ra.
Trong tuyệt vọng, Xixi chọn cách gọi cảnh sát. Qua điện thoại, cô bé đau lòng nói: “Mẹ bảo con đọc tiếng Anh. Con chưa học bao giờ, cô giáo cũng không dạy. Con không biết nghĩa là gì nên không muốn đọc”. Sau đó, nhờ sự hòa giải của cảnh sát, cặp đôi này đã nhận ra lỗi lầm của mình và hứa sẽ bình tĩnh giải quyết.
Nhiều người cho rằng, giáo dục con cái trong trường hợp này không có tác dụng gì, ngược lại còn làm tổn thương đứa trẻ.
Nhiều cha mẹ luôn xảy ra mâu thuẫn vì quan niệm giáo dục khác nhau, thậm chí còn cãi vã, đụng tay đụng chân trước mặt con cái. Điều này đã vô hình tạo áp lực rất lớn cho trẻ.
“Giáo dục chia rẽ” làm tổn thương trẻ
Viên Vịnh Nghi và Trương Trí Lâm luôn là một cặp đôi được yêu thích trong làng giải trí Hong Kong (Trung Quốc). Họ đã kết hôn được 27 năm, tình yêu vẫn mặn nồng như xưa. Tuy nhiên, cả hai từng gặp rắc rối vì con cái.
Một lần, khi đi du lịch, Trương Trí Lâm đã đưa con trai livestream và giao tiếp bằng tiếng Anh suốt khiến Viên Vịnh Nghi rất tức giận.
Cô nói: “Morton học ở trường quốc tế và nói tiếng Anh. Nhưng tôi luôn khuyến khích con trai mình nói tiếng mẹ đẻ trong cuộc sống đời thường. Thật không dễ dàng để phát triển thói quen đó, nhưng chồng tôi đã làm điều ngược lại. Anh nói với thằng bé hãy nói tiếng Anh. Vậy làm sao tôi không nổi nóng chứ?”.
Cả hai không ai chịu ai, vì chuyện tưởng như vặt vãnh này mà căng thẳng cực độ. Morton nhìn thấy hình ảnh cha mẹ cãi nhau, sự vui vẻ trên khuôn mặt thành thất vọng, thậm chí còn có chút sợ hãi. Cũng chính bởi vì chuyện này, Morton trở nên khép mình, bởi vì không biết nên nói cái gì, sợ cha mẹ không vui.
Giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết: “Bản thân bố và mẹ cần thống nhất quan điểm khi đưa ra một quy tắc nào đó với con”. Con trẻ rất tinh ý trước tình cảnh “ông nói gà, bà nói vịt”. Khi bố mẹ có quan điểm khác nhau trong cách dạy con, trẻ sẽ nghiêng về phía người nào chiều nó, và thế là trong nhà diễn ra cảnh lộn xộn, có khi bố mẹ cãi nhau cũng vì không bảo được con nghe lời mình.
Cha mẹ xuất sắc biết cách “liên minh” khi giáo dục con cái
Cách đây không lâu, từng có một câu chuyện thú vị được chia sẻ. Một cậu bé sợ bị mẹ phạt vì bẻ hoa lá trong phòng khách nên đã chủ động quay mặt vào tường suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Cậu bé cúi đầu, tỏ vẻ biết lỗi mà sửa sai, thỉnh thoảng lén liếc nhìn mẹ. Người cha ở bên thấy con trai tự nguyện nhận lỗi cũng không quên đùa vui: “Đến bố cũng còn sợ mẹ mà”.
Câu nói tưởng như vô tình của bố đã tiết lộ sự thật về cách giáo dục của một gia đình: trong đó, mẹ là người có quyền quyết định. Vợ chồng phải có sự ăn ý, khi một người dạy dỗ con cái thì những người khác không nên tùy tiện xen vào. Công danh cao sang nào cũng không bằng vợ chồng, gia đình hòa thuận.
Muốn thế, cha mẹ cần lưu ý 3 điều sau:
1. Tôn trọng quyền giáo dục con cái của mỗi người
Có một quy luật trong tâm lý học: Khi một người chỉ đeo 1 đồng hồ, anh ta có thể biết mấy giờ. Khi đeo hai chiếc đồng hồ trở lên thì rất khó xác định và người đó cũng mất tự tin trong việc nắm bắt chính xác thời gian.
Quy luật này cho chúng ta biết rằng nếu một đứa trẻ được đưa ra hai hoặc nhiều lựa chọn, thường thì chúng sẽ không thể chọn. Ý kiến của cha mẹ không thống nhất, trong lòng con cái không có chỗ dựa tin tưởng, cứ tiếp tục như vậy, trẻ sẽ hình thành tính cách làm theo người khác, không có lợi cho sự trưởng thành.
Khi giáo dục trẻ, cha mẹ nên đứng cùng chiến tuyến, để trẻ tin tưởng và thực thi nội quy hiệu quả hơn. Khi một người đang giáo dục con cái thì người kia không được xen vào, kể cả có ý kiến cũng không được nói ra trước mặt con.
2. Đừng cãi nhau trước mặt con
Chất lượng của mối quan hệ giữa vợ và chồng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ không cãi nhau trước mặt con có thể cho chúng cảm giác an toàn và sức mạnh vô hình để sống tự tin hơn. Nếu có khúc mắc, sau khi rời khỏi tầm mắt của trẻ, có thể trao đổi để tìm cách giải quyết.
3. Vợ chồng tôn trọng nhau
Trong một gia đình, nếu ai cũng là người giành quyền quyết định thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Chỉ khi vợ chồng yêu thương nhau, tôn trọng nhau, cùng nhau nhìn nhận giải quyết vấn đề thì con cái mới dần hình thành quan điểm chín chắn về đúng sai.
Chuyên gia giáo dục Homlinski cho biết: “Mỗi khoảnh khắc, khi bạn nhìn thấy con mình, bạn cũng nhìn thấy chính mình. Khi bạn giáo dục con cái, bạn đang giáo dục chính mình và kiểm tra nhân cách của chính mình”.
Mỗi cặp cha mẹ đều là vạch xuất phát của con cái, chỉ khi cha mẹ tích cực hoàn thiện bản thân, con cái mới có thể không ngừng tiến lên phía trước.