Ca sĩ Thủy Tiên đề nghị kê biên tài sản bà Nguyễn Phương …

8 mins read
Ca sĩ Thủy Tiên đề nghị kê biên tài sản bà Nguyễn Phương …

Nguồn tin từ Viện KSND TPHCM ngày 27/4 cho biết, đơn vị này đã nhận được đơn của bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) gửi đến Viện KSND TPHCM đề nghị kê biên, phong tỏa 2 bất động sản tại quận 1, quận 3 (TPHCM) và cổ phần của bà Nguyễn Phương Hằng (bị can, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương) đang sở hữu tại Công ty CP Đại Nam để đảm bảo cho việc thi hành án.

Ca sĩ Thủy Tiên đề nghị kê biên tài sản bà Nguyễn Phương Hằng có đúng luật? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại Cơ quan điều tra

Trao đổi với Tiền Phong, một thẩm phán hiện là lãnh đạo một tòa án ở TPHCM nói rằng, kê biên tài sản được quy định tại Điều128 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng, ca sĩ Thủy Tiên được quyền yêu cầu kê biên, phong tỏa tài sản, còn người có thẩm quyền ký quyết định kê biên tài sản đối với bị can thì tùy theo hồ sơ vụ án đang ở giai đoạn nào, cơ quan nào đang thụ lý thì sẽ ban hành quyết định.

Về giá trị kê biên, phong tỏa tài sản, theo thẩm phán này thì tài sản kê biên tương ứng mức bồi thường mà bị can sẽ phải chịu trách nhiệm, không được kê biên ít, hay nhiều hơn.

Theo thẩm phán này, trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng do Tòa án chưa xét xử nên chưa rõ tòa án có đồng ý đòi bồi thường của ca sĩ Thủy Tiên hay không, hay tách ra thành một vụ kiện dân sự khác. “Nếu có kê biên mà tài sản chung hợp nhất (vợ chồng) thì không kê biên, có chăng chỉ kê biên tài sản riêng của bà Nguyễn Phương Hằng” – Thẩm phán nêu trên cho hay.

Luật sư Lê Thị Bích Chi (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, ca sĩ Thủy Tiên và Công Vinh là bị hại nên được quyền đề nghị biện pháp đảm bảo bồi thường thiệt hại. Việc kê biên, phong tỏa tài sản là đảm bảo thi hành nghĩa vụ bồi thường. Còn việc yêu cầu của Thủy Tiên, Công Vinh có được chấp nhận hay không thì cơ quan tố tụng sẽ cân nhắc để đưa ra quyết định.

Trao đổi thêm với PV Tiền Phong về quy định của pháp luật liên quan sự việc nêu trên, ông Nguyễn Xuân Hùng, nguyên thượng tá, điều tra viên cao cấp, nguyên Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật – Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho rằng, người bị hại có quyền yêu cầu phong tỏa, kê biên tài sản của bị can, bị cáo để đảm bảo thi hành án, nhưng có áp dụng hay không thì cơ quan tố tụng sẽ xem xét và chỉ áp dụng khi đồng thời thỏa mãn điều kiện việc áp dụng biện pháp tố tụng đó là hợp pháp và cần thiết.

Ca sĩ Thủy Tiên đề nghị kê biên tài sản bà Nguyễn Phương Hằng có đúng luật? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, điều tra viên cao cấp, nguyên Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật – Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội.

“Quan trọng là yêu cầu bồi thường của bị hại có căn cứ, hợp pháp không và có cần thiết phải kê biên tài sản của bà ấy không. Cụ thể, cơ quan tố tụng sẽ yêu cầu vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên xuất trình các chứng cứ để đánh giá, xem xét; vì nếu đòi bồi thường quá cao, không có căn cứ thì không hợp pháp. Vụ án trong giai đoạn điều tra thì thẩm quyền thuộc cơ quan điều tra, trong giai đoạn truy tố thì do viện kiểm sát quyết định; còn trong giai đoạn xét xử thì do tòa án xem xét, quyết định” – ông Nguyễn Xuân Hùng phân tích và cho biết thêm, trường hợp trong tài khoản của bà Hằng đang bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan tố tụng có số dư lớn hơn số tiền phải bồi thường thì trường hợp này cũng không cần thiết phải kê biên thêm tài sản của bà ấy.

Trong khi đó, một Kiểm sát viên đang công tác tại một Viện Kiểm sát tại TPHCM cho rằng, trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của Công Vinh, Thủy Tiên và xác định là bị hại, yêu cầu bồi thường vật chất và tinh thần. Cơ quan điều tra ghi nhận yêu cầu này và Viện Kiểm sát cũng ghi nhận yêu cầu của Thủy Tiên.

Việc Thủy Tiên gửi đơn đến Viện Kiểm sát yêu cầu kê biên, phong tỏa tài sản của bà Nguyễn Phương Hằng, theo Kiểm sát viên nêu trên thì Viện Kiểm sát không đủ căn cứ để kê biên, hay yêu cầu kê biên.

Theo vị Kiểm sát viên này việc kê biên, phong tỏa theo yêu cầu của Thủy Tiên phải đợi phiên tòa diễn ra. Căn cứ vào quy định pháp luật, Hội đồng xét xử của phiên tòa sẽ quyết định. “Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì chuyển qua thi hành án. Lúc này, cơ quan thi hành án mới căn cứ vào quyết định của bản án về phần dân sự, xác định cần phải xem tài sản của bà Nguyễn Phương Hằng (không phải tài sản của chồng con bà Hằng) có đảm bảo thi hành án hay không?. Từ đây, Cơ quan thi hành án mới có thể kê biên, phong tỏa tài sản, xác định giá trị tài sản. Nếu tài sản kê biên thừa thì phải trả lại cho người bị kê biên”- Kiểm sát viên này giải thích và nói thêm: Việc bị hại nộp đơn cho Viện Kiểm sát (hay các cơ quan tố tụng khác) để yêu cầu kê biên, phong tỏa tài sản, sẽ được xem xét nội dung đơn, Viện Kiểm sát sẽ trả lời cho bị hại biết việc nhận đơn. Còn nội dung yêu cầu của đơn sẽ được giải quyết tại phiên tòa, đơn sẽ kèm vào hồ sơ vụ án.

Theo Kiểm sát viên này, cũng có trường hợp Viện Kiểm sát thấy cần thiết thì Viện Kiểm sát đề nghị Cơ quan điều tra kê biên, hay Tòa án cũng vậy, nhưng các trường hợp trên là thường các vụ án dân sự. Còn vụ bà Phương Hằng là phần dân sự trong hình sự, trên thực tế hầu như ít xảy ra.

Theo Cơ quan điều tra, bà Trần Thị Thủy Tiên và chồng là ông Lê Công Vinh yêu cầu bị can Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm bồi thường tổn thất về vật chất là 30,948 tỷ đồng; Bồi thường tổn thất về tinh thần là 14,9 tỷ đồng do các phát ngôn xúc phạm bà Tiên và ông Vinh.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog