A Tourist’s Guide to Love (Bí Kíp Tình Yêu Của Một Du Khách) bộ phim Mỹ quay tại Việt Nam – đứng thứ 3 trong top 10 trên bảng xếp hạng phim tiếng Anh toàn cầu của Netflix. Câu chuyện theo chân Amanda Riley, một cô gái người Mỹ làm trong ngành du lịch do Rachael Leigh Cook thủ vai.
Công việc và đổ vỡ tình cảm đưa người đẹp tới Việt Nam, trong chuyến công tác ngầm nhằm thâu tóm đơn vị lữ hành địa phương Saigon Silver Star. Đây là lúc cô quen Sinh Thạch (Scott Ly) – chàng hướng dẫn viên người Việt điển trai đang cố gắng vực lại công ty của chú mình.
Hai con người với hai tính cách trái ngược gặp gỡ. Amanda thích lập kế hoạch cho mọi chuyện và luôn để ý đến từng tiểu tiết. Trong khi đó, Sinh là người phiêu lưu, luôn tìm kiếm những trải nghiệm mới và sẵn sàng cho mọi thử thách. Cùng nhau, họ thăm các địa danh nổi tiếng ở ba miền của Việt Nam và dần nảy sinh tình cảm.
Một kịch bản không thể quen thuộc hơn của dòng phim rom-com Hollywood
Không khó hiểu việc nhiều khán giả sẽ chê nhạt sau khi xem xong A Tourist’s Guide to Love. Kịch bản phim hội tụ đủ những điểm cliché của một bộ phim hài – lãng mạn của Mỹ, được áp dụng đi áp dụng lại suốt gần 30 năm qua. Một cặp nam nữ tính cách trái ngược gặp nhau, bất đồng và dần bị nét khác biệt của đối phương quyến rũ. Vì vậy, khán giả có thể dễ dàng nắm bắt được câu chuyện của A Tourist’s Guide to Love sẽ đi về đâu ngay sau hồi mở đầu của phim.
Mô-típ câu chuyện phụ nữ Mỹ đến một quốc gia xa lạ để tìm kiếm làn gió mới trong đường tình duyên cũng được các nhà làm phim Hollywood áp dụng nhiều những năm gần đây. Thành công nhất có thể kể đến series ăn khách Emily In Paris do Lily Collins đóng chính, kể về cô gái trẻ trong ngành thời trang đến Pháp công tác và phải lòng các lãng tử đẹp trai tại đây. Một trường hợp tiêu biểu khác là loạt phim From Scratch, với câu chuyện cô gái Texas (Zoe Saldana) đến Ý và tìm được tình yêu của đời mình.
Tuy nhiên, kịch bản A Tourist’s Guide to Love có thể xét vào dạng “tròn vai” khi được xây dựng hợp lý và logic. Các tình tiết trong phim kết nối một cách liền mạch, phù hợp với quá trình biến đổi tâm lý của dàn nhân vật chính.
Trúc Trần cướp spotlight với nhân vật cô em gái tinh nghịch, năng động.
Tôn vinh du lịch trải nghiệm nhưng chọn toàn điểm dừng chân không thể quen thuộc hơn
A Tourist’s Guide to Love giống một nhật ký hành trình của vlogger du lịch khi đến Việt Nam trải nghiệm. Qua 106 phút phim, chuyện tình cặp nhân vật chính được phát triển theo chuyến đi khám phá Nam – Trung – Bắc của nhóm du khách. Cùng nhau, Amanda và Sinh đến thăm những thành phố, địa danh nổi tiếng của đất nước chúng ta, từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội…
Bối cảnh Việt Nam cũng là làn gió tươi mới nhất của bộ phim nếu so với các bản rom-com cùng chủ đề. Khán giả có thể lơ đễnh trong các phân cảnh tình tứ có phần thiếu “phản ứng hóa học” giữa nam nữ chính nhưng chắc chắn khó rời mắt khỏi các khung hình thiên nhiên, con người của đất nước ta.
Tuy nhiên, bộ phim vẫn tạo cảm giác được làm từ góc nhìn của người nước ngoài về Việt Nam nên khó chinh phục được các khán giả khó tính. Nhân vật Sinh thường xuyên giảng giải với Amanda rằng du lịch nên là trải nghiệm những điều mới mẻ thay vì chạy trốn cuộc sống nhàm chán thực tại. Nhưng hành trình anh vẽ ra cũng không mang đến những cuộc phiêu lưu như quảng cáo.
Cặp nam nữ chính đi thả đèn hoa đăng tại Hội An.
Nhân vật Amanda choáng ngợp trước sự linh thiêng và hùng vỹ của thánh địa Mỹ Sơn.
Các bối cảnh được chọn đa phần vẫn là những địa danh nổi tiếng, đã nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Khán giả Việt chắc chắn sẽ phải bật cười khi nơi đầu tiên Sinh đưa đoàn khách đi trải nghiệm sau màn phát biểu hùng hồn là chợ Bến Thành – một địa điểm quá quen thuộc với các đoàn khách ngoại quốc khi đến TP Hồ Chí Minh.
Hình ảnh Việt Nam được thể hiện trên phim phần nào vẫn tạo cảm giác thể hiện góc nhìn cũ kỹ với những chiếc xích lô, ruộng lúa… Biên kịch người Mỹ gốc Việt Eirene Donohue cho biết lấy cảm hứng từ chính những chuyến trở lại khám phá cội nguồn của cô. Vì vậy, hành trình của nhân vật chính cũng khó thoát khỏi các thông tin trong cuốn cẩm nang cho du khách. Nếu muốn đề cao yếu tố trải nghiệm, ekip có lẽ nên tìm hiểu thêm về văn hóa bản địa để biết rằng Việt Nam còn nhiều điều thú vị để khám phá hơn.
Chấm điểm: 3/5
Tóm lại, A Tourist’s Guide to Love có thể xem như một video nhật ký hành trình thú vị về Việt Nam, được quay bằng các loại máy móc chuyên dụng và đầu tư trong khoản đi lại, trải nghiệm. Tuy nhiên, câu chuyện tình yêu lãng mạn trong phim chưa tạo được điểm nhấn và đem lại sự mới mẻ cho người xem.
Đây cũng là dự án đầu tiên của Netflix được quay phần lớn tại Việt nam, có thể xem như màn “chào sân” của ông lớn này. Vì vậy, hãng phần nào muốn một dự án an toàn hơn là mạo hiểm và đột phá với những kịch bản gai góc, phức tạp hơn.
Nguồn ảnh: Netflix