Giáo dục giới tính cho con không phải là việc làm quá phổ biến trong các gia đình Á Đông. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy e ngại khi mở lời với con, cộng thêm tâm lý luôn muốn gần gũi, bao bọc con, nên hiểu biết về giới tính luôn nằm trong “điểm mù” kiến thức của những đứa trẻ.
Mạng xã hội Trung Quốc dạo gần đây xôn xao về đoạn video một cậu bé 9 tuổi cùng mẹ tham gia một huấn luyện. Trong không khí vui vẻ, cậu bé đã vòng tay ra sau, bế bổng mẹ lên như một hành động ăn mừng. Người mẹ cũng co hai chân lên để hưởng ứng với con.
Khoảnh khắc cậu bé 9 tuổi bế bổng mẹ khiến dân mạng Trung Quốc tranh cãi. Ảnh: Sohu
Nhiều cư dân mạng cho rằng cậu bé đã đủ lớn để nhận thức, nên được dạy tránh đụng chạm thân thể với người khác giới dù người đó có là mẹ mình. Có ý kiến khác lại cho rằng cậu bé 9 tuổi này mới học tiểu học, còn chưa bước vào tuổi dậy thì. Việc em bày tỏ niềm hạnh phúc với mẹ như vậy là hết sức bình thường và chẳng có gì đáng trách.
Đây không phải lần đầu tiên dân mạng xứ Trung “dậy sóng” về ranh giới giữa tình yêu thương, chăm sóc và sự giáo dục giới tính giữa mẹ với con trai. Chẳng hạn như trường hợp mẹ nhờ con trai 15 tuổi massage lưng, hay con trai học tiểu học vẫn tắm cùng mẹ cũng mở ra nhiều thảo luận.
Một sự vụ chấn động hơn là bà mẹ MC nổi tiếng Địch Oanh với tình mẫu tử “méo mó” dành cho cậu con trai Tôn An Tá. Bà mẹ này nuông chiều tới mức cho con bú sữa đến năm 12 tuổi, đến khi con 15 tuổi vẫn nằm ngủ chung giường với mẹ. Đỉnh điểm, Địch Oanh còn dẫn con tới tham gia một cuộc thi hôn môi trên sóng truyền hình, hôn con suốt mấy tiếng đồng hồ liền để giành được giải quán quân.
MC Địch Oanh dành cho cậu con trai một tình mẫu tử khá “méo mó”. Ảnh: Sohu
Hành động vượt giới hạn của bậc phụ huynh đã phần nào đẩy cậu bé Tôn An Tá đến những rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Năm 2018, cậu thanh niên Tôn An Tá bị bắt vì tội tàng trữ vũ khí trái phép và kết án 10 năm tù tại Mỹ khi chỉ vừa tròn 18 tuổi.
Trai lớn tránh mẹ, gái lớn tránh cha
Câu thành ngữ này có ý chỉ trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ nên giữ một khoảng cách nhất định với con, đặc biệt là khi đứa trẻ bắt đầu trưởng thành và cần có những hiểu biết về giới tính. Nhiều bậc cha mẹ tin rằng con mình vẫn còn nhỏ nên có thể thoải mái trước mặt con, nhưng sự thật là có một vài mốc tuổi mà cha mẹ cần phải thay đổi hành vi của mình.
– Con 8 tuổi, cha mẹ không nên tắm chung với con
Theo Tiến sĩ Nhi khoa Benjamin Rosenblum, sau độ tuổi 8 hoặc 9, muộn nhất là 10 tuổi, hầu hết trẻ em đã phát triển đủ ý thức về ranh giới cá nhân và cơ thể mình. Trẻ không nên tắm chung với cha mẹ hoặc anh chị em khác giới nữa.
Dù không muốn tắm chung nhưng trẻ có thể ngại nói ra hoặc không biết cách bày tỏ cảm xúc như thế nào, trong trường hợp này, cha mẹ nên khuyến khích con tự đặt ra các ranh giới cá nhân.
Cha mẹ không nên tắm chung với trẻ từ 8, 9 tuổi. Ảnh: Sohu
– Con 5 tuổi, cha mẹ không nên thay quần áo trước mặt con
Thay quần áo trước mặt con có thể tiện lợi, thậm chí nhiều chuyên gia tin rằng điều này khiến đứa trẻ hiểu hơn về cơ thể con người. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng việc này cũng cần có giới hạn. Sau 5 tuổi, các bậc cha mẹ nên tránh thay quần áo trước mặt con và dạy con không nhìn vào cơ thể của người khác giới.
– Con 3 tuổi, cha mẹ nên cho con ngủ riêng
Nhiều nghiên cứu cho thấy thời điểm tốt nhất để cho trẻ tập ngủ riêng là từ 3 đến 6 tuổi. Bạn có thể dạy con ngủ giường riêng từ khi 3 tuổi và chuyển con sang phòng riêng vào khoảng 5, 6 tuổi.
Bố mẹ nên tránh thay quần áo, cởi trần trước mặt con. Ảnh: Sohu
Việc cha mẹ không giáo dục cho con về giới tính sẽ gây ra cho trẻ sự nhầm lẫn, thiếu hiểu biết về các ranh giới. “Ví dụ bạn là một người cha và có con gái nhỏ. Nếu bạn không vạch ra các ranh giới rõ ràng cho con, cô bé sẽ không thể hiểu việc nhìn thấy một người đàn ông trưởng thành khỏa thân là không ổn” – Nhà tâm lý học Susan Bartell giải thích.
Đáng chú ý hơn, những đứa trẻ không được giáo dục giới tính có thể bị tách biệt với các bạn cùng trang lứa. Khi lớn lên, trẻ sẽ có xu hướng thu mình hơn và có hành vi, tính cách cực đoan.
Cha mẹ không nên quá kiểm soát, hạn chế những hoạt động riêng tư của con. Việc làm này sẽ vô tình tước đi quyền được trưởng thành độc lập của trẻ, từ đó gây ra những sai lệch trong việc hình thành nhân cách.