U22 Việt Nam không thể bảo vệ HCV SEA Games sau trận thua 2-3 trong thế hơn người trước U22 Indonesia. (Ảnh: Dương Thuật)
1. Sau khi kết thúc giai đoạn làm việc đầu tiên ở Việt Nam (2019 – 2021), lần hiếm hoi ông Philippe Troussier xuất hiện trên mặt báo là khoảng giữa tháng 10/2021. Lúc ấy, ĐT Việt Nam vừa thua 1-3 trên sân Oman ở Vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Trong chuyến làm khách ở Muscat, ĐT Việt Nam đã khổ sở trước chiến thuật đá phạt góc “ruồi bu” của Oman và nhận những bàn thua cay đắng.
“Phù thuỷ trắng” Philippe Troussier lên tiếng, chỉ ra những sai lầm trong khâu phòng ngự của ĐT Việt Nam và kể lại chuyện mình đã hoá giải lối đá “ruồi bu” này như thế nào khi cầm quân ở World Cup.
Một năm rưỡi sau ngày lên báo mách nước cho thầy Park, ông Troussier chẳng có cách nào để hoá giải những quả ném biên cực mạnh của Pratama Arhan. Hai lần cầu thủ này ném biên, là hai lần Indonesia có bàn thắng.
Phút thứ 10, Pratama Arhan ném biên từ cánh phải vào, Komang Trisnanda bật cao đánh đầu mở tỷ số. Phút 53, Pratama Arhan ném biên từ cánh trái tới, hàng phòng ngự U22 Việt Nam hoảng loạn, Marselino Ferdinan sút bóng đập chân Muhammad Ferarri bay vào lưới.
Liệu rằng ngày mai, thầy Park có xuất hiện để hướng dẫn thầy Troussier cách hoá giải tuyệt chiêu ném biên của Pratama Arhan như khi ĐT Việt Nam thắng ĐT Indonesia ở AFF Cup 2022 hay không?
U22 Việt Nam phơi mình chịu trận trước những cú ném biên cực mạnh của Pratama Arhan. (Ảnh: Dương Thuật)
2. Xen giữa 2 bàn thua xuất phát từ những cú ném biên của Pratama Arhan, U22 Việt Nam đã gỡ hoà 1-1 sau cú đánh đầu của Văn Tùng ở phút 36. Cái cách U22 Việt Nam ghi bàn, không giống những gì thầy Troussier vẫn thường mô tả.
Nhà cầm quân người Pháp đã nói liên tục về việc xây dựng lối chơi dựa trên nền tảng kiểm soát bóng, áp đặt thế trận.
Đến lúc này, U22 Việt Nam chưa thể ghi bàn từ những pha phối hợp nhuần nhuyễn như lý thuyết thầy Troussier thường nói trước giới truyền thông.
Bàn thắng của Văn Tùng tới sau quả phạt góc. Và U22 Việt Nam đã kiếm được quả phạt góc ấy bằng lối tấn công phất bóng dài cho tiền đạo chạy chỗ.
Bóng chết, đối thủ mắc lỗi và những cuộc tấn công theo kiểu đột kích là nguồn cung cấp bàn thắng của U22 Việt Nam ở SEA Games 32. Trong số 10 bàn thắng mà U22 Việt Nam đã ghi được tới thời điểm này, chưa có pha lập công nào tới từ những tình huống đập nhả sướng mắt như tưởng tượng.
Có lời giải thích rằng, U22 Việt Nam lứa này không có chất lượng tốt như các đàn anh. Nhưng trên băng ghế huấn luyện, Philippe Troussier là cái tên có “profile” hoành tráng nhất. Danh tiếng của ông vượt trội những đồng nghiệp như Indra Sjafri bên phía U22 Indonesia.
Vậy mà trên sân cỏ SEA Games 32, dấu ấn “Phù thuỷ trắng” Troussier tạo ra cũng… trắng tinh.
U22 Việt Nam trình diễn lối chơi kém thuyết phục. (Ảnh: Dương Thuật)
3. Khoảng thời gian hiếm hoi mà U22 Việt Nam có thể cầm bóng vượt trội và áp đặt thế trận là khi được chơi hơn người trước U22 Indonesia ở bán kết. Đó là lúc các bình luận viên trên sóng truyền hình quốc gia đã thốt lên: “Đây chính là lối đá mà HLV Philippe Troussier hướng tới”.
Tấm thẻ đỏ của Pratama Arhan ở phút 60 là bước ngoặt trên sân Olympic. U22 Việt Nam từ chỗ “bí bài” chuyển sang liên tục dồn ép 10 người của đối thủ.
HLV Philippe Troussier đã tung mọi quân bài tấn công đang có trong tay vào sân. Thế rồi, U22 Việt Nam gỡ hoà 2-2 nhờ tình huống đá phản lưới nhà của Amiruddin Bagas. Trung vệ U22 Indonesia lóng ngóng “đốt đền” trong nỗ lực ngăn chặn đường căng ngang từ cánh phải của Ngọc Thắng ở phút 73.
Nhà cầm quân người Pháp và trợ lý Moulay Azzeggouarh đã trao nhau những nụ cười mãn nguyện. U22 Việt Nam tràn đầy cơ hội chiến thắng. Cánh cửa tới chung kết SEA Games 32 chỉ còn cách 1 bàn thắng nữa.
Và bàn thắng ấy thuộc về U22 Indonesia. Thật trớ trêu!
U22 Indonesia mạo hiểm tấn công ngược trở lại trong những phút bù giờ. Taufany Muslihuddin tung cú sút đánh bại thủ môn Quan Văn Chuẩn.
HLV Philippe Troussier chết lặng bên đường biên. U22 Việt Nam không thể bảo vệ tấm HCV SEA Games theo kịch bản đầy thất vọng.
Hiệu ứng mà HLV Troussier tạo ra trên sân cỏ, chưa cao bằng tần suất họp báo. (Ảnh: Dương Thuật)
4. Kể từ ngày sang Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ hai, HLV Philippe Troussier đã nói rất nhiều. Ông thầy người Pháp tổ chức 6 cuộc họp báo chính thức và có khoảng ngần ấy lần trả lời phỏng vấn trước trận đấu.
Hơn chục bận tiếp xúc với báo giới trong 2 tháng qua, “giấc mơ World Cup” và “lối chơi tưởng tượng” là thông điệp được HLV Philippe Troussier truyền tải xuyên suốt.
Nhưng hoá ra, phát biểu chuẩn nhất của ông Troussier lại là: “Sự nghiệp của tôi thua nhiều hơn thắng ở các giải chính thức”.
Lời nói trong cuộc họp báo trước thềm SEA Games 32 của HLV Philippe Troussier đã ứng nghiệm.
Lối chơi kiểm soát bóng và tầm nhìn xa xôi về việc ĐT Việt Nam tham dự World Cup, thì chúng ta vẫn phải chờ. Và không biết chờ đợi tới bao giờ?./.