1. Ung thư buồng trứng là gì?
Buồng trứng là tuyến sinh dục của nữ giới, là nơi sản xuất và lưu trữ trứng để thực hiện quá trình sinh sản. Buồng trứng cũng là cơ quan sản xuất nội tiết tố nữ estrogen và progesterone. Trên cơ thể người phụ nữ có hai buồng trứng: một bên phải và một bên trái.
Ung thư buồng trứng là sự hình thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng do sự phát triển bất thường của các tế bào. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng của buồng trứng.
Ở giai đoạn nặng, tế bào ung thư di căn qua đường máu hoặc đường bạch huyết tới nhiều cơ quan khác của cơ thể và hình thành khối u mới.
Buồng trứng chủ yếu được tạo thành từ 3 loại tế bào. Mỗi loại tế bào có thể phát triển thành một loại khối u khác nhau:
– Các khối u biểu mô bắt đầu từ các tế bào bao phủ bề mặt bên ngoài của buồng trứng. Hầu hết các khối u buồng trứng là khối u tế bào biểu mô.
– Các khối u tế bào mầm bắt đầu từ các tế bào sản xuất trứng.
– Các khối u mô đệm bắt đầu từ các tế bào mô cấu trúc giữ buồng trứng lại với nhau và tạo ra các nội tiết tố nữ estrogen và progesterone.
Một số khối u này lành tính (không phải ung thư) và không bao giờ lan ra ngoài buồng trứng. Các khối u buồng trứng ác tính (ung thư) hoặc ở ranh giới (tiềm năng ác tính thấp) có thể lây lan (di căn) sang các bộ phận khác của cơ thể.
2. Dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên chị em cần cảnh giác khi phát hiện có các dấu hiệu sau vì chúng rất có thể là các triệu chứng sớm của ung thư buồng trứng như:
- Có cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới
- Mệt mỏi
- Ăn kém, khó ăn hoặc có cảm giác đầy bụng kể cả không ăn no
- Thường xuyên buồn đi tiểu
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt
- Đau lưng
- Đau khi quan hệ tình dục
- Sụt cân không rõ nguyên nhân…
Khi có những dấu hiệu trên, chị em nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác và có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.
Để chẩn đoán ung thư buồng trứng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết như: Siêu âm, CT, MRI, PET-CT, XQ tim phổi, các xét nghiệm chỉ điểm khối u, xét nghiệm tế bào, chẩn đoán mô bệnh học…
Nếu kết quả xác định ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ xem xét, đánh giá cẩn thận mức độ bệnh, khả năng phẫu thuật, đáp ứng điều trị, tư vấn, giải thích cụ thể cho người bệnh. Tùy vào sự tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
3. Các biện pháp điều trị ung thư buồng trứng
Điều trị ung thư buồng trứng là điều trị kết hợp và chăm sóc toàn diện, bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nội tiết… Thường điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị hoặc trị liệu bức xạ. Càng ở giai đoạn sớm, khi ung thư ít xâm lấn thì hiệu quả điều trị càng cao.
Ở giai đoạn đầu, ung thư buồng trứng thường được phẫu thuật để loại bỏ tối đa các tế bào ung thư, lượng tế bào ung thư còn sót lại có thể được điều trị bằng hóa trị hay xạ trị.
Thông thường, người bệnh sẽ phải cắt buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung, cắt mạc nối và các hạch ở ổ bụng. Tuy nhiên, nếu người bệnh có nguyện vọng muốn sinh con, bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn các bộ phận chưa bị tế bào ung thư xâm lấn.
Người bệnh cần lưu ý tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, không dùng thuốc không đúng chỉ định hoặc bỏ thuốc và tái khám đúng hẹn. Bên cạnh đó cần có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, ăn uống lành mạnh giàu dinh dưỡng, ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc, giảm chất béo, hạn không sử dụng bia rượu và các chất kích thích…
Xem thêm video đang được quan tâm
Bác sĩ chỉ ra các dấu hiệu của ung thư tinh hoàn