Tranh cãi việc học sinh mặc đẹp và trang điểm khi đi prom: Đừng để lời nói biến thành “vũ khí” hại người
Tư duy cởi mở thường được coi là con đường một chiều, hoặc là bạn cởi mở với thế giới xung quanh, hoặc là không.
- Prom cuối cấp đẳng cấp trường quốc tế: Lung linh, hoành tráng chẳng khác gì phim Mỹ!
- Tranh cãi nữ sinh mặc váy cắt xẻ và trang điểm đậm trong prom cuối cấp
- Tìm ra nữ sinh ấn tượng nhất prom cuối cấp của trường Marie Curie năm 2023
Tôi sẽ bắt đầu bài viết bằng lịch sử hình thành của dạ tiệc prom.
Theo tờ Time, prom (dạ tiệc) có thể bắt nguồn từ những bữa tiệc đơn giản do các trường đại học Mỹ tổ chức cho sinh viên tốt nghiệp từ thế kỷ 19. Dịp này, mọi người sẽ diện những bộ trang phục đẹp nhất, lộng lẫy nhất. Họ tụ họp lại để ăn mừng, cười nói với nhau cùng những tách trà ấm rồi khiêu vũ trong giai điệu du dương trầm bổng.
Một nền văn hóa tuổi teen phát triển đã thúc đẩy các vũ hội ngày càng trẻ trung và được đầu tư hơn kể từ những năm 1940. Có thể nói, prom chứng kiến nhiều “lần đầu” của một người khi bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, lần đầu lấy xe của gia đình lái đi vào lúc trời tối, lần đầu ăn mặc lịch thiệp như người lớn…
Vào những năm 1980, rất nhiều bộ phim và đầu sách đã nhấn mạnh tầm quan trọng của prom trong thế giới của thanh thiếu niên Mỹ. Kể từ đó, dạ tiệc được biến tấu phong phú hơn, bao gồm thuê xe Limousine sang trọng, đi làm tóc, móng tay, trang điểm và tìm mua trang phục phù hợp với prommate (người bạn đi cùng).
Ảnh minh họa
Tôi đã bắt đầu bài viết bằng lịch sử hình thành của dạ tiệc prom để nhấn mạnh rằng, prom là một “formal party” (bữa tiệc trang trọng), là một “formal dance” (tiệc nhảy trang trọng) như chính cái cách nguyên thủy nhất mà những từ điển như Oxford hay Cambridge định nghĩ về nó.
Cái gì gắn với từ “formal” dường như đều mang tính chất nghi lễ, thể thức. Theo đó, trong các bữa tiệc prom, từ quần áo, giày dép, tóc tai, trang điểm… đều phải “formal” – trang trọng, phải là “formal” chứ không phải là những bộ trang phục hàng ngày xuề xòa được.
Thậm chí theo lý giải của Lovetoknow, đây còn thuộc hẳn về phạm trù văn hóa của học sinh Mỹ khi nó là khoảnh khắc chấm dứt quãng đời học sinh ngây thơ để mở ra một hành trình mới – hành trình của sự trưởng thành. Nên sự chuẩn bị chu đáo có phần lòe loẹt, diêm dúa hơn thường ngày cũng là điều dễ hiểu.
Chẳng biết prom đã du nhập vào Việt Nam vào khoảng thời gian nào và nó đã được tiếp nhận ra sao, nhưng bằng một cách nào đó, nhiều vấn đề xoay quanh đêm dạ tiệc này đã được đặt lên bàn cân tranh luận. Trong đó, “chuẩn mực” về trang phục prom dường như tốn nhiều giấy mực nhất.
Ai đúng ai sai?
Năm 18 tuổi, tôi cũng ước mơ có một buổi prom thật tuyệt. Trước ngày diễn ra sự kiện cả tháng trời, tôi đã lên ý tưởng về trang phục tham dự prom nhằm mục đích biến bản thân trở nên nổi bật nhất, độc đáo nhất.
Rồi đại dịch Covid-19 tràn xuống, nó khiến bao dự định của tôi về một đêm tiệc prom đáng nhớ bị xóa sổ bởi khi ấy, “ai ở đâu thì ở yên đấy”. Tôi tiếc hùi hụi vì prom là dịp duy nhất mà tôi có thể tạm rời xa chiếc áo trắng đồng phục quen thuộc, để khoác lên mình những bộ trang phục có phần “formal” hơn thường ngày. Một chiếc blazer hay một bộ vest chỉnh tề? Tôi không biết nữa, nhưng điều dám cá là hồi cấp 3, chưa bao giờ tôi nghĩ bản thân sẽ trưng trổ một bộ trang phục khác “thường phục” hàng ngày như vậy, ngoại trừ vào dạ tiệc prom.
Không chỉ riêng tôi mà đối với nhiều bạn trẻ khác, prom cũng là dịp để thể hiện bản thân khác đi thông qua trang phục, cách trang điểm, tóc tai… Nếu là người nhút nhát hoặc hướng nội, đây chính xác là cơ hội để các bạn chứng minh mọi người thấy một góc cạnh khác của chính mình. Không phải là “mọt sách”, không phải là học sinh lúc nào cũng chỉ biết cắm đầu vào học…, việc các bạn “thoát kén” để trở thành một chú bướm xinh đẹp chẳng phải là điều đáng khuyến khích hay sao?
Đáng buồn, chỉ vì một khoảnh khắc muốn “thể hiện bản thân” thôi mà hiện nay, việc ăn mặc của học sinh trong những bữa tiệc prom nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ một số cư dân mạng khó tính, ưa phán xét. Có người cho rằng, tuổi học sinh thì vẫn nên mặc áo dài hay đồng phục, có người còn giữ quan điểm nặng nề hơn: “Nhìn cách ăn mặc, trang điểm như vậy chẳng đúng với tuổi gì cả”, “Ủa rồi sao lại ăn mặc như thế, 18 tuổi mà cứ như 28 tuổi vậy?”…
Tôi sẽ không kết luận rằng quan điểm đó là đúng hay sai. Nhưng nhìn nhận một cách nhân bản hơn, chẳng lý do gì chúng ta lại phải dành những lời lẽ nặng nề đó cho các bạn học sinh cả. Nói thế không phải vì tôi đang “tiếp tay” cho việc ăn mặc lệch chuẩn, mọi thứ đều trong phạm vi nhất định, nếu vượt ra ngoài những lằn ranh quy chuẩn thì tôi hoàn toàn phản đối. Nhưng thử nghĩ xem, chỉ vì một bộ váy da tiệc có phần thướt tha hơn thường ngày, chỉ vì lớp makeup có phần đậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa… mà lên án những cô cậu học trò, có đáng không?
Ảnh minh họa
Suy cho cùng, các bạn học sinh cũng chỉ muốn bản thân trở nên nổi bật nhất, đẹp nhất trong chính lễ trưởng thành của mình. Đó còn chưa kể đến việc, đây có thể là lần cuối cùng bạn bè được gặp gỡ nhau với tư cách là học sinh. Sau đêm prom, các bạn sẽ bước sang một trang mới của cuộc đời. Vậy tại sao lại không được chưng diện khác đi so với thường ngày?
Tôi vẫn nhớ như in câu trả lời ứng xử đanh thép của Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc trong cuộc thi Miss World Việt Nam 2022 về chủ đề tấn công ngôn từ trên không gian mạng, rằng: “Trước khi đưa ra bất kỳ bình luận gì, hãy nhớ rằng phía bên kia màn hình cũng là một con người như con, cháu, anh em bạn bè của quý vị. Vì vậy xin hãy cân nhắc vì mỗi lời nói ra đều mang sức nặng và mỗi lời nói ra đều có thể trở thành ‘vũ khí’ hại người”.
Hãy nhớ rằng, đối tượng mà cộng đồng mạng đang chỉ trích vì cách ăn mặc “khác-với-bình-thường” kia chỉ là những cô cậu học trò mười tám, đôi mươi chưa có sự phát triển hoàn thiện về cả thể chất lẫn tinh thần. Các em mỏng manh như những “bông tuyết” dễ vỡ, các em cũng bị tổn thương khi ai đó bàn tán về mình dù cho nhiều người trong số họ khăng khăng rằng đó là “ý kiến cá nhân”. Trong giai đoạn ôn thi nước rút này, đôi khi chỉ vì một hai lời chỉ trích thôi cũng đủ ảnh hưởng đến tâm lý của các em rồi. Vậy có đáng không?
Cởi mở
Open-minded (cởi mở).
Tôi luôn sử dụng từ điển khi bắt đầu tiếp cận với một thuật ngữ mới, vì nó sẽ cung cấp cho tôi những lý lẽ vững chắc để nhìn nhận một vấn đề nào đó. Theo Cambridge, “open-minded” là sẵn sàng cân nhắc những quan điểm và ý tưởng mới khác đi so với suy nghĩ sẵn có của bản thân (willing to consider ideas and opinions that are new or different to your own).
Thậm chí, thạc sĩ tâm lý Kendra Cherry còn phân tách và giải thích rạch ròi khái niệm này theo các khía cạnh khác nhau:
– Trong ngôn ngữ hằng ngày: Cởi mở đồng nghĩa với khoan dung hoặc không phán xét.
– Theo tâm lý học: Cởi mở là sẵn sàng xem xét các quan điểm khác nhau hoặc thử trải nghiệm mới.
– Cởi mở còn là việc đặt câu hỏi và tìm kiếm thông tin thách thức niềm tin của mình.
– Nó cũng bao hàm sự tôn trọng quyền tự do bày tỏ niềm tin và quan điểm của người khác, cho dù bạn không hẳn đồng tình.
Chúng ta luôn được khuyên rằng hãy cởi mở (open-minded) để học hỏi được nhiều điều mới, nhưng khi tiếp cận một điều mới, chúng ta lại thu mình lại (narrow-minded). Theo nhiều nghiên cứu về tâm lý học, hầu hết mọi người trên thế giới đều có cái được gọi là “thành kiến ngầm” (implicit biases). Đây là những ý tưởng và liên tưởng chúng ta tiếp thu từ thế giới xung quanh mà không hề hay biết. Khi vừa nghe một điều trái với quan niệm sẵn có, ta có thể cố gắng tìm cách phủ định lại đối phương. Nhưng khi nóng vội phủ nhận, chúng ta lại không thể cân nhắc mọi thứ một cách toàn diện được.
Ảnh minh họa
Việc ăn mặc những trang phục khác với ngày thường trong các đêm tiệc prom của học sinh cũng vậy, mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau: Người cho rằng thật đúng, người phủ nhận là sai. Nhưng đúng – sai là một lằn ranh mong manh, đôi khi chúng ta cũng cần cởi mở hơn để đón nhận những cái mới, những cái đi ngược lại so với đức tin vốn có của mỗi người. Đương nhiên, cởi mở vẫn có giới hạn nhất định của nó, nếu không phân chia ranh giới về sự cởi mở, chúng ta sẽ đi quá xa đến những tư duy lầm lạc.
Đi sâu hơn nữa, đã có rất nhiều cuộc tranh cãi nổ ra xung quanh vấn đề ăn mặc, tóc tai kiểu cách, trang điểm của học sinh. Vẫn với câu kết luận cũ, tôi không khẳng định hay phủ định quan điểm đấy là đúng hay sai vì tôi luôn tôn trọng chủ kiến của mỗi người. Chỉ là tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể cư xử một cách nhẹ nhàng hơn với nhau, từ cả hai phía, bằng cách cởi mở.
Các bạn học sinh có thể “cởi mở” đón nhận những lời nhận xét của mọi người để chỉnh đốn lại cách ăn mặc sao cho phù hợp, những người khác cũng có thể “cởi mở” để tiếp cận những phong cách mới của học sinh. Thay vì ném vào nhau những lời phán xét nặng nề, mọi chuyện có thể được giải quyết theo cách “thuận cả đôi đường”. “Open-minded” thường được coi là con đường một chiều, hoặc là bạn cởi mở với thế giới xung quanh, hoặc là không.
Ảnh minh họa
Tóm lại, chúng ta chẳng thể phán xét ai đó là tốt hay xấu thông qua một vài bộ trang phục, nó quá mong manh để định nghĩa về một người. Nhưng nỗ lực để phân tích những góc nhìn mới và vỗ về chúng bằng cả lòng thấu cảm, như thế đã là cởi mở rồi.