Chuyên gia: “Điểm học bạ chỉ nên là con số tham khảo”
Liên quan câu chuyện xét tuyển vào lớp 6 trường Amsterdam với yêu cầu học bạ hoàn hảo, GS. TS Phạm Tất Dong cho rằng “điểm học bạ chỉ nên là con số tham khảo”.
- Sốc: Học bạ xét tuyển lớp 6 đẹp như mơ vẫn bị trường Amsterdam “loại từ vòng gửi xe”
- Điểm chuẩn học bạ Đại học Luật Hà Nội vượt ngưỡng 30 điểm
- 15 điểm học bạ cũng đỗ đại học: Không sai nhưng “vơ bèo vạt tép”, bất chấp mọi giá
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nhận định, các trường đang chạy theo “mốt” chọn học sinh đầu vào với học bạ “đẹp không tì vết”, thậm chí bảng điểm toàn 10.
“Trường học đang đòi hỏi năng lực không thực chất. Làm gì có ai hoàn hảo đến độ hoàn thành xuất sắc tất cả các môn học, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ cho đến các môn năng khiếu. Học bạ toàn điểm 10 là điều không tưởng”, ông nói.
Các trường nên xem điểm học bạ là con số tham khảo chứ không phải tiêu chí chính trong xét tuyển. Trường chuyên cần đặt bài thi đánh giá năng lực để nhìn nhận lực học thật sự của học sinh lên trên học bạ. Điều này giúp nhà trường chọn lọc được học sinh ưu tú, theo đúng phương châm giảng dạy của trường. Hơn nữa, rất khó để có thể tin tưởng hoàn toàn vào những con số đẹp như mơ trên hồ sơ.
GS. TS Phạm Tất Dong.
Chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại trước yêu cầu điểm hồ sơ cao chót vót và thực tế “có cung ắt có cầu”. Nghĩa là nếu lấy tiêu chí tất cả các môn học của 5 năm tiểu học phải hoàn thành xuất sắc để làm điều kiện xét tuyển thì dễ dẫn đến nạn chạy điểm, đua thành tích.
“Khi các trường yêu cầu điều kiện tuyển sinh cao thì không loại trừ trường hợp phụ huynh tìm mọi cách lo cho con có điểm học bạ đẹp. Như vậy chẳng khác nào trường đang khuyến khích người ta nói dối”, vị chuyên gia nói.
Tham chiếu thực tế, để học sinh được đánh giá hoàn thành xuất sắc tất cả các môn theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 và Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 của Bộ GD&ĐT không nhiều. Vì thế, khi xây dựng phương án tuyển sinh, các trường THCS có thể lấy ý kiến cả từ cấp học dưới. Chính các thầy cô giáo tiểu học sẽ hiểu rõ về tiêu chí đánh giá cũng như xếp loại học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Điểm 5 năm tiểu học đa số toàn 10, hồ sơ này vẫn bị loại thẳng tay (Ảnh: PHCC).
“Thầy cô dạy trường chuyên cũng không hoàn mỹ, sao lại đòi hỏi học sinh xét tuyển vào lớp 6 phải hoàn hảo như vậy?”, ông Dong băn khoăn và đưa ra ví dụ, một người thầy dạy Toán chưa chắc đã chơi giỏi violin, hát hay, vẽ đẹp. Thế nên, việc đòi hỏi học sinh xuất sắc toàn diện là điều hết sức vô lý. Ông không tán thành trường chuyên dạy học sinh kiến thức quá cao siêu. Học khó mà không để làm gì thì mô hình trường chuyên cần xem xét lại.
Trước đó, VTC News phản ánh câu chuyện học bạ đa số toàn điểm 10 nhưng vì một môn xếp loại “Hoàn thành”, hồ sơ vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam của nhiều học sinh bị từ chối.
Theo công văn đề xuất phương án tuyển sinh của trường, ngoài tổng 17 đầu điểm bắt buộc phải đạt tối thiểu 167 điểm, học bạ cuối năm lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 của học sinh được đánh giá “Hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện” trở lên” mới đủ điều kiện qua vòng hồ sơ.
Như vậy, kỳ tuyển sinh vào lớp 6 năm nay, trường Amsterdam yêu cầu học sinh phải có học bạ “đẹp không tì vết” ngay từ năm lớp 1.