Đề thi Văn “lắt léo” bậc nhất thế giới của Trung Quốc năm 2023: Đọc hết đề nhưng không phải ai cũng hiểu nội dung
13 triệu sĩ tử Trung Quốc đã bước chân vào kỳ thi khắc nghiệt bậc nhất thế giới. Sau khi môn Văn kết thúc, đề thi của toàn quốc và các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… đều rất được quan tâm.
- Tự nhốt mình trong phòng, thậm chí nhập viện vì học quá nhiều, sinh viên Trung Quốc đang phải đối mặt với một kỳ thi khó hơn cả “Gaokao”
- Cuộc đời đáng thương của thần đồng 15 tuổi đạt 667/700 điểm Gaokao: Ba mẹ ly hôn từ nhỏ, 2 tuổi đã biết học Tiếng Anh, 5 tuổi vào lớp hai
- Vô tình bị kẹt thang máy trong khách sạn làm trễ giờ 11 phút, 6 thí sinh phải bỏ lỡ kỳ thi Gaokao khắc nghiệt nhất thế giới
Sáng ngày 7/6 vừa qua, kỳ thi đại học Trung Quốc đã bắt đầu diễn ra với khoảng 13 triệu thí sinh tham gia – ghi nhận số lượng cao kỷ lục. Đây được xem là cuộc thi khốc liệt bậc nhất thế giới, với áp lực rất lớn cho mỗi một thí sinh. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, nhiều sĩ tử đã mất tới vài năm, ôn luyện không ngừng nghỉ ngay từ khi mới lên lớp 10. Mọi điều chỉ mong hướng đến mục đích duy nhất là giành được tấm vé bước chân vào trường đại học danh tiếng.
Trong đó, đề thi Văn ở đất nước này luôn được đánh giá khó bậc nhất và thường xoay quanh cách hiện trạng xã hội, tình yêu Tổ quốc, con người và ý nghĩa tốt đẹp về cuộc sống. Ngoài đề thi chung cho toàn quốc, từ năm 2016, một số tỉnh thành khác như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân… còn có đề thi đại học riêng.
Kỳ thi đại học Trung Quốc đã bắt đầu diễn ra với khoảng 13 triệu thí sinh tham gia. Ảnh: Internet
Dưới đây là các đề thi đại học môn Ngữ văn Trung Quốc năm 2023:
Đề thi toàn quốc A
Đọc đoạn văn sau và làm theo yêu cầu (60 điểm):
”Nhờ có sự phát triển của công nghệ ngày nay, con người đang kiểm soát thời gian tốt hơn. Nhưng một số người lại trở thành ‘nô lệ’ của thời gian”.
Câu này đã gợi cho anh/chị liên tưởng và suy nghĩ gì? Hãy viết một bài văn dựa trên đó. Yêu cầu: Thí sinh lựa chọn góc độ phù hợp, chọn dàn ý, thể loại rõ ràng, tự đặt tiêu đề; không được sao chép, không để lộ thông tin cá nhân, bài viết không dưới 800 từ.
Đề thi toàn quốc B
Đọc ngữ liệu sau và làm theo yêu cầu (60 điểm):
”Thổi tắt đèn của người khác không làm bạn sáng hơn, cản đường người khác không làm bạn tiến xa hơn”.
”Một bông hoa nở không làm nên mùa xuân, trăm bông hoa cùng nở mới là vườn xuân. Nếu trên đời này, chỉ có một loài hoa nở, dù đẹp đến đâu thì cũng là đơn điệu”.
Hai câu trên được trích từ bài phát biểu của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Hãy viết một bài văn dựa trên ngữ liệu trên. Yêu cầu: Thí sinh lựa chọn góc độ phù hợp, chọn dàn ý, thể loại rõ ràng, tự đặt tiêu đề; không được sao chép, không để lộ thông tin cá nhân, bài viết không dưới 800 từ.
Mọi thí sinh đều dày công chuẩn bị nhiều năm liền cho kỳ thi. Ảnh: Internet
Đề I chương trình mới
Đọc đoạn văn sau và làm theo yêu cầu (60 điểm):
”Một câu chuyện hay giúp chúng ta có thể diễn đạt tốt, chạm đến cảm xúc và khai sáng trí tuệ. Một câu chuyện hay có thể thay đổi vận mệnh của một con người và thể hiện hình ảnh của một quốc gia… Đó là những câu chuyện có sức mạnh”.
Câu này đã gợi cho anh/chị liên tưởng và suy nghĩ gì? Hãy viết một bài văn dựa trên đó. Yêu cầu: Thí sinh lựa chọn góc độ phù hợp, chọn dàn ý, thể loại rõ ràng, tự đặt tiêu đề; không được sao chép, không để lộ thông tin cá nhân, bài viết không dưới 800 từ.
Đề II chương trình mới
Đọc đoạn văn sau và làm theo yêu cầu (60 điểm):
Tư tưởng “Yên thân chớ loạn” được đề cập trong Phần II Vận dụng ngôn ngữ và chữ viết của đề thi này không còn là điều xa lạ với giới trẻ đương thời. Trong học tập hay cuộc sống, thanh thiếu niên đôi khi mong muốn có không gian riêng để thư giãn, lắng đọng và trưởng thành.
Hãy viết một bài văn dựa trên đó. Yêu cầu: Thí sinh lựa chọn góc độ phù hợp, chọn dàn ý, thể loại rõ ràng, tự đặt tiêu đề; không được sao chép, không để lộ thông tin cá nhân, bài viết không dưới 800 từ.
Đề thi Văn ở Bắc Kinh
Phần 1: 10 điểm
Chọn một trong ba câu hỏi sau và trả lời cho phù hợp. Bài viết không quá 150 từ. Thí sinh lưu ý không tiết lộ khu vực, trường học và thông tin cá nhân.
(1) Những năm gần đây, WeChat trở thành phương tiện truyền tải tin tức quan trọng. Lớp của anh/chị định lập một tài khoản WeChat cho lớp, nhưng các bạn trong lớp vẫn chưa thống nhất về việc có cần lập hay không. Hãy nêu quan điểm của anh/chị và lý do. Yêu cầu: Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng.
(2) Tạp chí Văn Học Trung Quốc dự định mở chuyên mục bạn đọc “Hoa nở trên giấy”. Anh/chị hãy chọn một phân cảnh có liên quan đến hoa trong một tác phẩm văn học kinh điển và viết một bài cảm nhận ngắn dựa trên ý kiến bản thân. Yêu cầu: Nêu được tên tác phẩm, phù hợp với nội dung tác phẩm; bố cục rõ ràng, ngôn ngữ ngắn gọn.
(3) Hãy viết một bài thơ ngắn hoặc một đoạn văn biểu cảm với mở đầu “Tim đập nhanh”. Chủ đề tự chọn. Yêu cầu: tình cảm chân thành, ngôn ngữ sinh động, hấp dẫn.
Phần 2: 50 điểm
Chọn một trong hai câu hỏi sau đây và trả lời theo yêu cầu đề bài. Bài viết không dưới 700 chữ. Thí sinh lưu ý viết câu hỏi trên phiếu trả lời. Không tiết lộ khu vực, trường học và thông tin cá nhân.
(1) “续航” (“Tục hàng”) vốn là từ chỉ hành trình bay liên tục, nhưng hiện nay lại được sử dụng với những hàm nghĩa mới như sức bền tuổi trẻ, sự tiếp tục phát triển của khoa học kỹ thuật để thúc đẩy kinh tế.
Hãy viết một bài văn nghị luận với chủ đề này. Yêu cầu: Luận điểm rõ ràng, luận cứ xác đáng, luận chứng hợp lý; ngôn ngữ lưu loát, hành văn trong sáng.
(2) “Trên sân khấu, diễn viên ‘biểu diễn’ hát kịch. Trong cuộc sống cũng có rất nhiều thời khắc ‘biểu diễn’ như: Phát biểu dưới quốc kỳ, báo cáo kết quả nghiên cứu, công bố sản phẩm mới…. Mỗi lần ‘biểu diễn’ đều sẽ nhận được sự chú ý của mọi người. Mỗi lần ‘biểu diễn’ đều có câu chuyện riêng”.
Hãy viết một đoạn văn tự sự với tiêu đề “Biểu diễn”. Yêu cầu: Tư duy lành mạnh, nội dung đầy đủ, hợp lý, miêu tả chi tiết; ngôn ngữ lưu loát, chữ viết rõ ràng.
Các thí sinh xếp hàng vào làm thủ tục dự thi tại thành phố Bắc Kinh. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Đề thi Văn ở Thiên Tân
Đọc ngữ liệu sau và viết theo yêu cầu:
”Dữ hữu can đảm nhân cộng sự
Tòng vô tự câu xứ độc thư”.
Dịch ý: Làm bạn với người dũng cảm, chân thành, sẽ học được nhiều thứ.
Mỗi thế hệ đều có sứ mệnh và thử thách khác nhau, có nhiệm vụ và trách nhiệm khác nhau. 100 năm trước, chàng thanh niên Chu Ân Lai đến Thiên Tân học tập đã viết cặp câu đối này để nhắc nhở bản thân trong việc kết bạn và học tập.
Sau khi đọc câu đối trên, anh/chị có liên tưởng và suy nghĩ gì? Hãy viết một bài văn góc nhìn tùy chọn nêu lên trải nghiệm và cảm nhận của bản thân.
Yêu cầu:
(1) Tự đặt tiêu đề; (2) Không giới hạn thể loại (ngoại trừ thơ ca), thể loại phải rõ ràng; (3) Không dưới 800 chữ; (4) Không được sao chép, gian lận
Đề thi Văn ở Thượng Hải
Một người muốn khám phá thế giới xa lạ chỉ vì sự tò mò?
Hãy viết một bài văn nêu lên suy nghĩ và quan điểm của bạn về câu hỏi trên.
Yêu cầu: (1) Tự đặt tiêu đề; (2) Không dưới 800 chữ
Là kỳ thi quy mô lớn và quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc, kỳ thi tuyển sinh đại học nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Các cơ quan chức năng tích cực phối hợp bảo đảm an toàn giao thông, kiểm soát tiếng ồn, phòng chống gian lận thi cử để kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi.
Năm nay, khắp Trung Quốc có 7.726 điểm thi, 345 nghìn phòng thi, 1,013 triệu người tham gia công tác coi thi. Trong 2 ngày 7 và 8/6, các thí sinh sẽ tham gia 3 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Sau đó, các thí sinh sẽ tham dự các môn thi còn lại theo mô hình tổ chức thi của các địa phương.
Đất nước tỷ dân đang đẩy mạnh cải cách kỳ thi tuyển sinh đại học theo 2 mô hình mới, là “3+3” và “3+1+2”.
Trong đó, với mô hình “3+3”, ngoài 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, thí sinh được lựa chọn 3 môn thi trong các môn: Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học và Sinh vật.
Với mô hình “3+1+2”, ngoài 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, thí sinh được lựa chọn 1 môn thi trong 2 môn: Vật lý và Lịch sử, cùng 2 môn thi trong các môn: Giáo dục công dân, Địa lý, Hóa học và Sinh vật.
*Nguồn: People’s Daily