Trên mạng xã hội dạo gần đây, xuất hiện một quan điểm gây tranh cãi về việc chứng chỉ IELTS ở Việt Nam ngày càng “méo mó”. Cụ thể, tác giả bài viết cho rằng chứng chỉ IELTS sinh ra cốt là để chứng minh khả năng của một sinh viên ngoại quốc khi học ở Anh hoặc Mỹ hay nhiều quốc gia khác. Vì lẽ đó, IELTS không sinh ra dành cho học sinh cấp 2 hay cấp 3. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì độ tuổi ôn luyện để thi chứng chỉ này càng ngày càng giảm xuống.
Cũng theo người này thì chỉ biết tiếng Anh mà không có kiến thức chuyên ngành, bạn cũng chẳng thể làm gì được. Tiến sĩ ở nước ngoài cũng chỉ cần IELTS tới 6.5 cơ bản là đủ mà ở Việt Nam đua nhau luyện tới 7.0, 8.0, nhưng cuối cùng cũng chỉ để “khoe” mà thôi.
Đồng quan điểm với vị này, nhiều người cho rằng xã hội đang “cuồng” tiếng Anh nói riêng và chứng chỉ ngoại ngữ quá mức. Nhiều người sở hữu điểm số IELTS cao, nhưng vẫn không thể vận dụng được nhiều vào thực tiễn. Còn ở chiều ngược lại, không ít netizen phản biện, ngoài kia vẫn có nhiều người giỏi ngoại ngữ mà vẫn thuần thục chuyên môn, kỹ năng mềm. Đặc biệt, nếu biết cách vận dụng, tiếng Anh sẽ là công cụ hữu hiệu giúp ta bước ra thế giới và tiếp cận với kho kiến thức trí tuệ của nhân loại một cách dễ dàng hơn.
Là một người có “thâm niên” hơn 10 năm giảng dạy IELTS, đồng thời cũng được coi là người đầu tiên tại Việt Nam đạt 9.0 IELTS (không làm tròn điểm) ở tất cả các kỹ năng, thầy Luyện Quang Kiên (31 tuổi, Hưng Yên) cũng có một vài quan điểm liên quan đến vấn đề này.
Tâm lý chạy theo điểm số
Trước tiên, chúng ta hãy đến với khái niệm IELTS. Theo từ điển Cambridge: IELTS (viết tắt: International English Language Testing System) là hệ thống kiểm tra khả năng sử dụng tiếng Anh dành cho những người từ các quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, cần có bằng cấp để theo học tại một trường đại học hoặc để làm việc tại Úc, Canada, Ireland, Nam Phi, New Zealand hoặc Vương quốc Anh.
Từ khái niệm trên, thầy Kiên nêu ra những mục đích mà mọi người thường có khi thi IELTS. Nó có thể đơn giản chỉ là mục tiêu cá nhân, cũng có thể nhằm mục đích định cư nước ngoài, đi du học, học tiến sĩ, nhập học đại học trong nước, đổi điểm ra trường, hoặc hoàn thành CV ứng tuyển cho công việc nào đó yêu cầu tiếng Anh… Với việc IELTS được chấp nhận rộng rãi trong nhiều khía cạnh trong cuộc sống, mục đích học IELTS cũng trở nên đa dạng hơn.
“Quy luật cung cầu sẽ quyết định chủ yếu về số lượng người quyết định học IELTS. Chứng chỉ này giúp các cơ sở giáo dục và công ty giảm được công sức và chi phí trong việc kiểm tra khả năng tiếng Anh của học sinh và ứng viên. Việc nó trở nên phổ biến là điều dễ hiểu và không xấu vì bài thi này kiểm tra toàn diện cả 4 kỹ năng của người học”, thầy Kiên nói.
Thầy Luyện Quang Kiên
Tuy nhiên, với việc IELTS có thể được dùng cho nhiều mục đích như kể phía trên, không khó để thấy nhiều học sinh và phụ huynh đang chỉ chú trọng vào điểm số. Nó dẫn đến hệ lụy là học sinh thường sẽ bỏ bê tiếng Anh sau khi đã có điểm số mình mong muốn. Điều này cũng dẫn đến việc có các ứng viên có điểm IELTS khá nhưng không dùng để làm việc được do đã quên kiến thức, dẫn đến lãng phí thời gian học và áp lực về sau nếu phải thi lại.
“Điều tôi lo lắng nhất là người học quan tâm quá nhiều đến điểm số khi ôn thi chứng chỉ này thay vì chú ý đến vấn đề cải thiện trình độ của bản thân và duy trì việc học tiếng Anh để có thể dùng nó hiệu quả. Và khi kết quả IELTS được dùng như một trang sức để so sánh đẳng cấp, sẽ dẫn đến việc các bạn điểm IELTS thấp cảm thấy tự ti, và châm ngòi cho cuộc đua đến điểm IELTS cao – ngay cả khi nó không cần thiết – dẫn đến lãng phí về thời gian và tiền bạc”, thầy giáo 9X bày tỏ.
Đừng hiểu sai giá trị của tấm bằng IELTS
IELTS thực ra chỉ là một lựa chọn trong nhiều lựa chọn khác cho người học. Ví dụ như để ứng tuyển một vài đại học trong nước thì học sinh có thể sử dụng IELTS, TOEIC, hoặc TOEFL, và các chứng chỉ khác chứng minh được học sinh có trình độ tương đương mức yêu cầu. Việc IELTS hiện đang phổ biến hơn so với các chứng chỉ còn lại ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nó được chấp nhận ở nhiều công ty, và cơ sở giáo dục các cấp bậc ở Việt Nam.
Không thể phủ nhận bài thi này có độ chính xác và uy tín cao, nhưng việc “thần thánh hóa” chứng chỉ IELTS có thể dẫn đến sai lệch về nhận thức giá trị của nó. Nó đánh giá được khả năng sử dụng ngôn ngữ của một người, chứ không đánh giá được nhiều về tư duy và kỹ năng cá nhân khác. Chỉ ở những điểm số nói và viết từ 8.0-9.0 mới đòi hỏi người thi thể hiện phần nào đó khả năng tư duy logic, phản biện và nhìn từ nhiều khía cạnh. Nếu chỉ dùng IELTS như một thước đo về năng lực nói chung của một người thì nó không chính xác.
Thầy Kiên lập luận thêm, đúng là tiếng Anh đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống ngày nay và nó có thể được coi là điều kiện cần để trở thành một công dân toàn cầu. Khi có ngoại ngữ, chúng ta có thể tiếp cận kiến thức, văn hóa mới và giao tiếp với người dân ở các đất nước khác dễ dàng hơn. Tuy nhiên nó không phải là điều kiện đủ – điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta làm được gì hơn nữa với tiếng Anh. Liệu chúng ta có dùng nó để học được thêm kiến thức, cách làm, công nghệ gì mới không? Liệu chúng ta có hiểu thêm về các tục lệ, lễ nghi, ẩm thực của các đất nước khác để thấu hiểu nhau hơn không?
Ngoài ra, người trẻ cũng nên chú ý trau dồi thêm kiến thức xã hội, tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa và thể thao để hiểu bản thân hơn và tìm thấy đam mê. Có một sự thật buồn là đa phần học sinh lựa chọn sai trường và sai ngành sau khi kết thúc cấp trung học phổ thông. Hệ lụy là áp lực rất lớn khi phải học chuyên ngành mình không hứng thú ở đại học. Do không có đam mê, các bạn đó cũng không đầu tư đủ cho việc học để có kiến thức làm tốt công việc trong ngành sau khi ra trường. Điều này dẫn đến lãng phí về tiền bạc cho việc học, đào tạo lại và cũng lãng phí nhân lực trẻ của đất nước.
Kết
Ngoại ngữ là một chiếc “chìa khóa vàng” giúp chúng ta mở ra và tiếp cận với thế giới. Tuy nhiên, hiện nay một số người lại lấy việc học tiếng Anh hay chứng chỉ ngoại ngữ làm công cụ để “lăng xê” bản thân hay thần thánh nó đến mức coi việc sở hữu IELTS là có tất cả.
Cũng chính từ đây, có rất nhiều lò luyện “mọc lên” như nấm để dạy chứng chỉ này, nhưng không đào sâu vào bản chất của việc học ngoại ngữ mà luôn dạy mẹo, dạy tủ… Nhưng khả năng ngôn ngữ của một người không chỉ gói gọn trong một kỳ thi. Đạt điểm cao trong các kỳ thi lấy chứng chỉ không đồng nghĩa với việc người đó có khả năng giao tiếp hoàn hảo và kỹ năng làm việc hiệu quả. Thậm chí, có nhiều học sinh thừa nhận họ thi được 8.0 IELTS nhưng khi du học ở các nước nói tiếng Anh, đôi khi vẫn không thể hiểu được hết ngụ ý của người dân địa phương.
Bản chất của IELTS không “méo mó”, cái “méo mó” nằm ở suy nghĩ của mỗi người. Duy trì được trình độ ngoại ngữ tốt là cả một quá trình dài trau dồi và phát triển. Vì thế, hãy tiếp cận ngoại ngữ như một hành trình chinh phục tri thức, chứ đừng biến nó thành một công cụ để chứng minh “ta đây” trong cuộc đua thành tích thông qua một tấm bằng.