Bố mẹ “cúp” làm, “thầu” xe ôm để đưa con đi học thay vì sử dụng dịch vụ xe đưa đón của nhà trường
Trong năm học, nhiều phụ huynh tìm đủ cách để đưa đón con đến trường thay vì sử dụng dịch vụ xe đưa đón của nhà trường như trước đây.
- Học sinh lớp 1 bị bỏ quên trên xe ô tô: Hiệu trưởng viết “tâm thư” nhận trách nhiệm
- Học sinh lớp 1 bị bỏ quên trên xe ô tô: Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo khẩn
- Hà Nội: Học sinh lớp 1 bị bỏ quên trên xe ô tô, đại diện trường tiểu học nói gì?
Phụ huynh xoay xở đủ cách để đưa con đến trường
Chị Đỗ Lan (Ba Đình, Hà Nội) là phụ huynh của 2 em nhỏ cách nhau 3 tuổi. Bé thứ nhất nhà chị vừa hoàn thành chương trình lớp 1, còn anh lớn đã học xong lớp 4. Nhà cách trường 4km. Trong năm học, vợ chồng chị thay phiên nhau “cúp” làm để đưa con đi học thay vì sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô của nhà trường.
Chị cho biết, kể từ khi có nhiều vụ việc học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón, 2 bố mẹ chấp nhận hy sinh giờ làm để đưa đón con nhằm yên tâm. Theo đó, trong năm học, chị Lan xin cơ quan đến muộn 30 phút để có thời gian đưa con đi học. Dẫu đường đến trường của con khá ngắn song do di chuyển vào giờ cao điểm lại thuộc tuyến đường thường xuyên xảy ra tắc nghẽn nên sáng nào chị cũng chật vật để kịp giờ học cho con.
Đến chiều, giờ tan học của các bé lại lệch so với giờ tan ca của bố mẹ. Vì thế chồng chị Lan chấp nhận “cúp” làm để về sớm hơn 30 phút nhằm kịp đón con. Chị cho biết đôi khi chồng mình phải bỏ cả những lịch họp cuối giờ để yên tâm đón con.
Dư dả kinh tế hơn một chút, vợ chồng anh Đình Toàn (Hoàng Mai, Hà Nội) sử dụng phương án thuê người đưa đón con. Nhằm yên tâm và cũng không muốn con phải vất vả dậy sớm theo đúng giờ xe của trường đón, anh quyết định “thầu” xe ôm.
“Sau nhiều vụ việc tôi không còn muốn sử dụng dịch vụ xe đưa đón của nhà trường. Cung đường đi làm và đường con đến trường khá trái ngược nhau nên vợ chồng tôi chấp nhận hi sinh một khoản tài chính nhỏ để thuê bác xe ôm nhà ngay đầu ngõ để đưa con đi học”, anh chia sẻ.
Khác với gia đình chị Lan và anh Toàn, 2 bé nhà chị Khánh Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) đều sử dụng xe đưa đón của nhà trường trong năm học. Chị cho biết bố mẹ đều đi làm, ông bà không thể đưa đón giúp. Vì thế gia đình chị tin tưởng vào dịch vụ xe đưa đón của nhà trường.
Cũng có nhiều lo lắng sau khi nhiều vụ việc quên học sinh ở trên xe xảy ra, song chị chia sẻ rằng gia đình và nhà trường cũng đã trang bị đầy đủ các kỹ năng cho con khi rơi vào tình huống đó. Nên chị cũng hoàn toàn yên tâm.
Bố mẹ cần dạy con kỹ năng gì khi bị bỏ quên trên xe?
Theo nghiên cứu của ĐH Arizona (Mỹ), nhiệt độ bên trong xe khi không hoạt động có thể lên đến 47 độ C, thậm chí lên đến hơn 75 độ C nếu trong những ngày trời nắng nóng gay gắt. Đáng chú ý, nhiệt độ này đạt được chỉ 1 giờ kể từ khi xe ngừng hoạt động. Lúc này không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có thể gặp nguy hiểm nếu bị nhốt kín trên xe. Bởi vậy cha mẹ cần dạy trẻ một số kỹ năng có thể thoát thân khi chẳng may bị bỏ quên trên xe.
Theo trang USA Today, điều quan trọng nhất phụ huynh cần cho trẻ biết là việc ở lại trên xe khi đã dừng là vô cùng nguy hiểm. Trên thực tế nhiều cha mẹ quên dạy trẻ điều căn bản này, khiến không ít bé nghĩ rằng mình có thể ở cả ngày trên ô tô mà không bị sao. Chỉ khi các bé nhận thức được trên xe kín không hoạt động là nguy hiểm, các em mới tự giác bảo vệ chính mình.
Tiếp đó, cha mẹ cần dạy con bình tĩnh. Bởi trong không gian kín, oxy có hạn, việc la hét hay khóc lóc chỉ khiến trẻ mất sức nhanh hơn.
Sau đó, trẻ cần được dạy mở thử tất cả các cửa bởi trong nhiều trường hợp có cửa chưa đóng hẳn. Cửa tài xế là nơi đáng lưu tâm. Ở một số xe, cửa xe tài xế vẫn có thể mở được từ bên trong. Ở một số loại xe khác khi cố ý mở cửa mà không có chìa, xe tự động mở còi chống trộm. Điều này cũng gây chú ý cho mọi người xung quanh.
Trong trường hợp không thể mở được cửa xe, hãy dạy trẻ tìm xem trong xe có những vật dụng có thể liên lạc với bên ngoài không, như điện thoại. Nếu không hãy dạy con sử dụng bất kỳ vật dụng nào trong xe để gây chú ý. Hướng dẫn con lên ngồi trước chỗ ghế tài xế bởi nơi đó có tầm nhìn thoáng nhất, có thể dễ dàng thu hút sự chú ý. Trẻ cũng có thể thử bấm còi xe, bởi một số loại xe, còi xe vẫn hoạt động dù xe đã bị khoá.
Cuối cùng, hướng dẫn bé dùng búa thoát hiểm và những dụng cụ có thể sử dụng để phá cửa sổ. Đây là “hạ sách” bởi sức của các bé có thể không đủ để làm việc này. Tuy nhiên bé vẫn có thể thử khi tất cả mọi cách vẫn không thể thoát ra. Dù sao việc đập cửa bằng búa thoát hiểm cũng gây tiếng động chú ý cho mọi người xung quanh.
Ngoài ra, bố mẹ cần hướng dẫn bé tìm nước và thức ăn có sẵn trên xe, để giữ cho bản thân không bị mất sức khi tìm cách thoát ra ngoài.