Xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện nay là một trong những lựa chọn của không ít học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Thậm chí không ít trường hợp dù là học sinh giỏi nhiều năm liền, hay đã đỗ vào các trường đại học danh giá, các bạn vẫn quyết từ bỏ để sang “đất khách quê người” lập nghiệp.
Dù biết rằng việc học tiếp lên cao hay đi XKLĐ là lựa chọn của mỗi người nhưng với tư cách là phụ huynh, nhiều người bày tỏ sự phản đối quyết định bỏ học đại học để sang nước ngoài làm việc của các bạn trẻ.
Thương con, xót con nên không muốn đánh đổi
Cô Nga là giáo viên tại Sơn La, với thâm niên hàng chục năm trong ngành giáo dục. Hiện cả hai con của cô Nga đều có việc làm ổn định dưới Hà Nội. Trong đó, con cả đang công tác tại ngân hàng, con út vừa tốt nghiệp đại học và đang làm lập trình viên tại một tập đoàn khá có tiếng.
Về vấn đề người trẻ chọn đi XKLĐ hiện nay, cô Nga chia sẻ sau khi tốt nghiệp THPT, các bạn học sinh có nhiều ngã rẽ để lựa chọn. Có bạn sẽ học đại học, có bạn lại ứng tuyển vào các trường nghề, có người cũng sẽ chọn đi xuất khẩu lao động dù có thể đỗ đại học từ trước.
Dù chọn theo hướng nào, cô Nga đều không có ý kiến gì bởi việc lựa chọn học đại học hay XKLĐ là quyền của mỗi người, chúng đều có ưu và nhược điểm riêng, không nên phán xét rằng đâu mới là lựa chọn tốt nhất cho các bạn học sinh trước ngưỡng cửa vào đời.
Tuy nhiên, khi được hỏi có ý định cho con tham gia XKLĐ không, cô Nga ngay lập tức phản đối: “Tôi xót con lắm. Hai đứa con tôi làm việc ngay ở Hà Nội thôi mà nhiều lúc đã nhớ con không chịu được. Đằng này cách xa cả nghìn cây số. Con làm việc tại nơi khác ngôn ngữ, văn hóa, phong cách sống… tôi chẳng yên tâm cho được. Hơn nữa, con của tôi hiện tại có thu nhập tương đối ổn định, đủ sống tốt ở Hà Nội, nên việc đi XKLĐ là không cần thiết”.
Ảnh minh họa
Ngay kể cả trong trường hợp giả định, con cô Nga đi XKLĐ và hàng tháng gửi về cho gia đình của chục triệu thậm chí trăm triệu, cô Nga vẫn không thiết tha là bao.
“Điều tôi tự hào nhất là con cái sau khi học đại học, có thể tự làm lụng nuôi sống bản thân mình. Chứ tôi cũng không cần tiền của các con làm gì nữa, vì ở cái tuổi này tôi chỉ muốn được quây quây ở bên các con thôi. Như Tết năm ngoái, đi làm ở Hà Nội thôi mà tận ngày 27, 28 Tết các con mới về. Về tầm đấy tôi đã bồn chồn mong ngóng lắm rồi, ở xa hơn thì chẳng biết thế nào. Tóm lại là tôi không muốn xa các con”, cô Nga nói.
Song cô Nga cũng nhấn mạnh “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, quan điểm của cô có thể đúng với gia đình cô, nhưng khi đối chiếu với những gia đình khác thì sẽ không còn phù hợp. Bởi việc các bạn chọn đi XKLĐ xuất phát từ vô vàn lý do, có thể là từ hoàn cảnh kinh tế, có thể do có người thân quen ở nước ngoài… Vậy nên quan điểm của cô Nga, chỉ đúng với hoàn cảnh gia đình của cô, chứ không mang tính đại diện.
Học đại học vẫn hơn
Tương tự như cô Nga, giữa việc cho con học đại học và đi XKLĐ, cô N.Q.H – một phụ huynh tại Hà Nội nghiêng hoàn toàn về vế thứ nhất – cho con học đại học. Cô quan niệm, việc học không chỉ nhằm mục tiêu kiếm tiền mà còn trang bị cho con những kiến thức chuyên ngành cũng như có khoảng thời gian chuẩn bị để con chuyển tiếp từ môi trường học đường sang gia nhập lực lượng lao động.
“Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của CNTT, có rất nhiều việc trong tương lai sẽ không cần lao động chân tay hoặc lao động ít đòi hỏi tư duy mà thay thế vào đó là các máy móc. Vậy nếu con không học tập và trau dồi liên tục thì có thể đến lúc nào đó sẽ bị thị trường lao động đào thải”.
Ngoài ra, việc XKLĐ ngay khi sau khi con vừa rời ghế nhà trường sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì lúc đó các con phải xa nhà trong lúc chưa được trang bị nhiều về cuộc sống, lại sống trong môi trường xa lạ với nhiều khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, thậm chí không hiểu biết gì về pháp luật, có thể làm những công việc độc hại hoặc nguy hiểm mà bản thân không lường hết được.
Ảnh minh họa
Với ngần ấy lý do, cô N.Q.H nhất quyết phản đối việc con lựa chọn đi XKLĐ thay vì học đại học. Theo cô, học tập là việc cả đời và chỉ có học mới thay đổi cuộc đời tốt đẹp hơn. Có thể lúc mới đầu khi tham gia vào lực lượng lao động, con sẽ phải chật vật đôi chút với cuộc sống nhưng dần dà điều đó sẽ được khắc phục nếu cố gắng không ngừng nghỉ để trau dồi kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm…
“Không ai cứ dậm chân mãi ở mức lương 5 triệu/tháng cả. Nếu có thì hãy đặt dấu chấm hỏi về khả năng của bản thân xem bạn đã cống hiến giá trị gì cho công việc hay chưa”, cô N.Q.H kết luận.
Trên đây là quan điểm của hai bậc phụ huynh về việc cho con học đại học hay đi XKLĐ. Đó chỉ là quan điểm cá nhân, chứ không phải là mẫu số chung áp dụng cho tất cả mọi người. Sau khi tốt nghiệp THPT hiện nay, các bạn học sinh có rất nhiều hướng để lựa chọn. Việc theo đuổi con đường nào cũng có ưu – nhược điểm riêng và không lựa chọn nào “chội” hơn hẳn lựa chọn nào. Quan trọng là quyết định của bạn đưa ra phù hợp với hoàn cảnh, mong muốn, nguyện vọng của bản thân.