Viêm cầu thận cấp do nhiều nguyên nhân
Viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm thận cấp ở trẻ em trên toàn thế giới.
Ước tính có trên 470.000 trường hợp mắc mới hàng năm trên toàn thế giới, 97% xuất hiện ở những vùng có tình trạng kinh tế xã hội khó khăn.
Nguy cơ của viêm cầu thận cấp tăng lên với những trẻ từ 5 – 12 tuổi. Trong đó, tỉ lệ viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu được phát hiện trên lâm sàng ở những trẻ bị lây nhiễm trong một trận dịch liên cầu nhóm A xấp xỉ là 10% với viêm họng và 25% với nhiễm khuẩn da.
Viêm cầu thận cấp có thể do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn.
– Viêm cầu thận cấp do nhiễm khuẩn: Vi khuẩn thường gây bệnh nhất là liên cầu tan huyết bê-ta nhóm A, được coi là mẫu hình của viêm cầu thận cấp. Chủng thường gây bệnh nhất là chủng 12, các chủng khác (1, 2, 4, 18, 24, 25, 49, 55, 57, 60) cũng có thể gây bệnh, nhưng hiếm gặp hơn. Thường chủng 4, 12, 24 nếu là nhiễm khuẩn ở cổ họng, chủng 14, 19, 50, 55, 57 nếu là nhiễm khuẩn ngoài da. Một số vi khuẩn khác hiếm gặp hơn cũng có thể gây viêm cầu thận cấp như tụ cầu, phế cầu, thương hàn, não mô cầu, Klebsiella Pneumoniae…
– Viêm cầu thận cấp không do nhiễm khuẩn: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm quanh động mạch dạng nút, ban xuất huyết dạng thấp (Schonlein Henoch)…
Làm thế nào để nhận biết trẻ bị viêm cầu thận cấp?
Bệnh viêm cầu thận cấp thường gặp ở trẻ em và xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn hầu họng hoặc ngoài da từ 7 – 15 ngày. Nhiễm khuẩn ngoài da thường ủ bệnh dài ngày hơn.
– Ở giai đoạn khởi phát: Bệnh thường là đột ngột, nhưng có thể có dấu hiệu báo trước với biểu hiện toàn thân mệt mỏi, sốt 38 – 39 độ C hoặc nhẹ hơn.
Đau vùng thắt lưng hai bên, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đau bụng, buồn nôn, viêm họng, viêm da…
– Ở giai đoạn toàn phát: Trẻ có biểu hiện phù, lúc đầu thường xuất hiện ở mặt, như nặng mí mắt, phù có thể khỏi nhanh, nhưng cũng có thể lan xuống chi, rồi phù toàn thân. Phù trong viêm cầu thận cấp có đặc điểm: Phù mềm, trắng, ấn lõm để lại dấu ngón tay; phù quanh mắt cá, mặt trước xương chày, mu bàn chân… Phù trong viêm cầu thận cấp phụ thuộc vào chế độ ăn uống.
Trẻ có biểu hiện tiểu ít hoặc vô niệu: Xuất hiện sớm, nước tiểu chỉ được 500 – 600ml/24giờ. Khi có thiểu niệu (nước tiểu dưới 500ml/24giờ) hoặc vô niệu (nước tiểu dưới 100ml/24giờ) là biểu hiện suy thận cấp.
Trẻ tăng huyết áp cả tối đa lẫn tối thiểu, thường rõ ở hai tuần đầu. Trên 60% viêm cầu thận cấp có tăng huyết áp.
Ngoài ra, trẻ có biểu hiện tiểu ra máu, nhưng ít khi tiểu ra máu đại thể, nếu có thường xuất hiện sớm cùng với phù, nước tiểu đỏ hay sẫm màu. Thường gặp hơn là tiểu máu vi thể (xét nghiệm nước tiểu có hồng cầu). Tiểu máu đại thể thường khỏi sớm, nhưng tiểu máu vi thể thì kéo dài, hồng cầu niệu có khi 3 – 6 tháng mới hết.
Điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ thế nào?
Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị. Nguyên tắc điều trị là:
– Sử dụng thuốc kháng sinh: Chỉ cho kháng sinh khi còn tồn tại dấu hiệu nhiễm liên cầu.
Điều trị biến chứng nếu có như: Tăng huyết áp, thuốc ức chế canxi. Có nhiều thuốc như nifedipin, amlodipin, felodipin, manidipin. Đây là nhóm thuốc thường được sử dụng chống tăng huyết áp do bệnh thận hiện nay; Thuốc ức chế men chuyển như: Catopril, enalapril, perindopril. Là nhóm thuốc được xem có tác dụng bảo vệ thận. Cần lưu ý tác dụng phụ là tăng kali máu; Thuốc ức chế thần kinh trung ương: Trong nhóm này thuốc thường được sử dụng là Methyldopa (Aldomet).
Cần làm gì để dự phòng viêm cầu thận cấp ở trẻ?
Thực tế cho thấy việc dự phòng là vô cùng quan trọng, cha mẹ lưu ý nếu phát hiện sớm các ổ nhiễm khuẩn do liên cầu ở trẻ như: Viêm họng, viêm Amidal, viêm da… thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám.
– Cha mẹ cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ, điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn do liên cầu.
– Cần vệ sinh cá nhân: Giữ ấm cổ trong mùa lạnh đối với viêm họng, vệ sinh cá nhân đối với ghẻ bội nhiễm.
– Cần nghỉ ngơi tuyệt đối, tránh vận động mạnh trong giai đoạn phù, tiểu ít.
– Trẻ bị viêm cầu thận cấp cần có chế độ ăn uống theo khuyến cáo của bác sĩ, cụ thể: Trẻ chỉ cần ăn nhạt trung bình trong khoảng 3 – 4 tuần. Khi hết phù không cần thiết phải ăn nhạt nữa.
Trong giai đoạn trẻ đang điều trị, cha mẹ cần theo dõi cân nặng, số lượng và màu sắc nước tiểu hàng ngày. Hàng tuần phải xét nghiệm lại nước tiểu một lần. Nên ghi những thông tin này vào tờ lịch và báo cho bác sĩ trong những lần khám sau. Giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, không tắm nước lạnh.
Gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ xuất hiện phù trở lại, tiểu ra máu, đau đầu do tăng huyết áp. Trẻ tăng cân nhiều. Thông thường trẻ sẽ hết phù và hết protein trong nước tiểu trong vòng 7 – 10 ngày.
Mời độc giả xem thêm video:
Tự ý sử dụng thuốc đông y chữa bệnh thận không qua chỉ định: Bác sĩ nói gì?