Do điều kiện sống không có sự riêng tư hoặc do bố mẹ không kiểm tra kỹ càng nên việc con cái vô tình chứng kiến bố mẹ đang “làm chuyện ấy” là điều không hiếm gặp. Vậy trong trường hợp này, người lớn nên ứng xử ra sao?
Theo nhà tình dục học nổi tiếng Logan Levkoff: “Trẻ tình cờ bắt gặp người lớn sex là một trải nghiệm phổ biến ở nhiều gia đình. Nhưng trước khi bạn quyết định nói điều gì đó với trẻ, cần xác định xem trẻ có quan tâm đến những gì đang xảy ra hay không”.
Theo chuyên gia này, đôi khi đứa trẻ chẳng nhìn thấy nhiều như bạn nghĩ, hoặc đơn giản là trẻ không để tâm đến chuyện đó nhiều như bạn tưởng tượng nhưng tùy thuộc vào độ tuổi cụ thể của trẻ, phụ huynh cần có cách ứng xử sao cho phù hợp.
Nhiều chuyên gia cho biết, trong trường hợp trẻ thực sự phát hiện ra, cha mẹ không thể giả vờ ổn và cố gắng bỏ qua. Vì cảnh tượng đó có thể khiến trẻ hiểu lầm là bố đang hành hạ mẹ nên nếu không giải thích rõ ràng sẽ để lại cho trẻ những kỷ niệm không vui. Nếu trẻ có một chút hiểu biết về quan hệ nam nữ, trẻ có thể hiểu lầm hành vi tình dục là một điều xấu.
Dùng phương pháp đặt câu hỏi để “thăm dò” trẻ
Các chuyên gia khuyên, người lớn không nên coi việc trẻ em vô tình chứng kiến cảnh quan hệ tình dục là điều đáng hổ thẹn, đáng xấu hổ. Nỗ lực che đậy bằng những lời khiển trách và đe dọa là không cần thiết và vô ích.
Nếu bạn quay ra quát mắng trẻ, chúng sẽ đặt ra câu hỏi vì sao bố mẹ lại nổi nóng như vậy và tò mò về lý do của cách ứng xử đó, hoặc hiểu nhầm rằng “chuyện bố mẹ đang làm là đáng xấu hổ”. Phụ huynh phải đối diện với sự việc bằng một thái độ bình thường, rồi vấn đề này sẽ tự nhiên được giải quyết êm đẹp.
Trong trường hợp bạn đã thiết lập ranh giới cụ thể về quyền riêng tư (đóng cửa, tắt đèn) mà trẻ vẫn xông vào và thấy cảnh tượng nhạy cảm, thì ngay lập tức, nên đánh lạc hướng con bằng cách giải quyết lý do tại sao ranh giới này bị xâm phạm. Ví dụ hỏi: “Con quên không gõ cửa à?”.
Khi trẻ đột ngột bước vào, bạn cũng có thể nói với con: “Con nên quay lại phòng ngủ đã nhé, bố mẹ đang cần không gian riêng tư”. Điều này có thể khiến trẻ ý thức rằng mình xâm phạm vào chốn riêng tư của cha mẹ và mất tập trung vào việc cha mẹ đang làm.
Lúc này, việc bắt đầu đối thoại với trẻ là vô cùng quan trọng nhưng đừng chỉ đơn phương bắt con giải thích mà hãy dùng phương pháp đặt câu hỏi để hỏi trẻ: “Con có thấy gì không?”; “Con thấy thế nào?”. Trẻ sẽ trả lời theo cách hiểu của mình, chẳng hạn như: “Bố mẹ đang đánh nhau” hoặc “Hai người đang đấu vật”. Việc đặt câu hỏi như vậy trước tiên là để cha mẹ biết trẻ biết đến mức nào và làm thế nào mà con biết điều này.
Sau khi nắm rõ tình hình của trẻ, bố mẹ có thể giải thích theo ngôn từ mà con có thể hiểu. Ở độ tuổi 3-6 thường chỉ cần một lời giải thích đơn giản, ngắn gọn rằng bố mẹ ôm ấp nhau vì bố mẹ yêu nhau. Các bố mẹ đều làm như thế và coi đó là chuyện bình thường. Đồng thời, phụ huynh cũng gửi lời xin lỗi đến con cái: “Chuyện này rất riêng tư, không thể để người khác nhìn thấy. Để con nhìn thấy là lỗi của bố mẹ. Bố mẹ thực sự xin lỗi”.
Với trẻ lớn hơn, bạn có thể xem đây là cơ hội để chia sẻ, trang bị cho con những kiến thức về giới tính, tình yêu và tình dục phù hợp với lứa tuổi và khả năng tiếp nhận của con. Chúng ta cần một cuộc trò chuyện nghiêm túc nhưng không nghiêm trọng. Thường thì bố sẽ nói chuyện với con trai và mẹ sẽ nói chuyện với con gái.
Bạn không nhất thiết phải cung cấp hình ảnh chi tiết nhưng hãy đảm bảo con nhận được câu trả lời trung thực và thẳng thắn để giúp con có định hướng đúng đắn.