Con gái phạm lỗi “tày đình”, phản ứng của cha mẹ khiến trẻ thở phào

8 mins read
Con gái phạm lỗi “tày đình”, phản ứng của cha mẹ khiến trẻ thở phào

Cách đây vài ngày, một đoạn video tại tỉnh An Huy (Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Trong đoạn clip, một cô bé vô tình làm gãy cây đàn violin và hét lên: “Mẹ, xong rồi!”. 

Ngay khi cư dân mạng lo lắng đứa trẻ sẽ bị mắng thì một cảnh tượng cảm động xảy ra. Người mẹ bước tới, dịu dàng ôm lấy con gái, trầm giọng an ủi: “Không sao đâu, chúng ta sẽ tìm cách giải quyết vấn đề”. Đồng thời, người bố cũng đứng dậy, lặng lẽ kiểm tra cây đàn violin bị hỏng của con gái và tìm cách sửa chữa.

Con gái phạm lỗi

Cô bé suy sụp vì vô tình làm gãy cây đàn violin

Cô bé phạm lỗi nằm trong vòng tay mẹ, cảm thấy vô cùng hối hận: “Nếu không sửa được thì sao ạ?”. Mẹ trả lời: “Không sửa được thì chỉ có thể thay thế. Con có bao nhiêu tiền riêng?”. Cô bé nói mà không cần suy nghĩ: “Hai hoặc ba ngàn tệ ạ”. Lúc này, người em bên cạnh cũng đứng dậy giơ tay nói: “Em tài trợ 20 tệ”. Ông nội còn hào phóng hơn, vẫy bàn tay to lớn lên tiếng: “Ông tài trợ cho 2 ngàn!”. 

Trước phản ứng của cả nhà, cô bé vừa rồi còn đang tự trách mình đã vui vẻ trở lại, ngập tràn hạnh phúc và an tâm. Sự náo loạn được xoa dịu nhờ cả nhà đã chủ động quyên góp tiền.

Cuối cùng, sự việc còn mở ra một cái kết bất ngờ hơn: Bố sửa đàn được thật nên cả nhà uống trà sữa ăn mừng. 

Con gái phạm lỗi

Bố sửa đàn được nên cả nhà uống trà sữa ăn mừng

Cha mẹ “nóng nảy” là ác mộng cho con khi lớn lên

Sau khi đoạn video trên trở nên phổ biến, vô số cư dân mạng cho rằng họ ghen tị khi cô bé có cha mẹ ổn định về mặt cảm xúc như vậy. “Hóa ra bạn có thể làm vỡ vài thứ mà không bị mắng. Khi lớn lên, tôi nhận ra rằng một cái bát có giá 4, 5 nhân dân tệ. Tại sao tôi lại bị mắng lâu như vậy?”, một người nói.

Có thể nói, cha mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất cho sự trưởng thành của trẻ và gia đình phải là nơi trẻ có thể thư giãn tinh thần. Nhưng ngoài đời thường thì ngược lại, vô số trẻ em luôn lo lắng khi đối mặt với cha mẹ, sợ rằng giây tiếp theo mình sẽ phạm “sai lầm lớn” khiến cha mẹ nổi giận.

Trước đó, trên mạng xã hội từng xuất hiện một chủ đề nóng mang tên “những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ cáu kỉnh”. Nhiều cư dân mạng đã chia sẻ cảm nhận của mình: “Sự tự tin cực kỳ thấp, giống như không bao giờ có thể chấp nhận được bản thân mình”; “Họ dễ chịu với người ngoài, khó chịu với người thân, và cuối cùng trở thành bộ dạng đáng ghét nhất trong mắt con cái”.

Ổn định về mặt cảm xúc và nói chuyện vui vẻ dường như là một điều rất đơn giản. Nhưng thực tế đã chứng minh, chỉ có một số ít cha mẹ làm được điều này. Vô số trẻ em phải sống trong môi trường ngột ngạt, cha mẹ có “tính khí nóng nảy” đã trở thành cơn ác mộng đối với chúng khi lớn lên, ám ảnh suốt cuộc đời. 

“Hiệu ứng đá con mèo” trong tâm lý học nói về sự lây lan của tâm trạng tồi tệ giống như việc lật đổ dãy quân cờ domino. 

Ví dụ, một người cha ban ngày bị sếp mắng ở nơi làm việc, tâm trạng không tốt, về nhà thấy con mình gây chuyện trong phòng khách, ông liền tức giận mắng con. Bị bố mắng, đứa trẻ đương nhiên không vui nên đã đá con mèo một cú thật mạnh, cơn giận của người cha truyền sang con rồi đến con mèo, người yếu đuối nhất lại trở thành nạn nhân lớn nhất.

Trên thực tế, con cái trong cả gia đình đều ở giai đoạn cuối của “hiệu ứng đá con mèo”, là những người yếu đuối nhất trong gia đình nên thường trở thành mục tiêu trút giận. Một khi cảm xúc của cha mẹ không đủ ổn định, con cái sẽ buộc phải trở thành “thùng rác tình cảm” trung thành nhất, dù muốn trốn thoát cũng không thể làm gì và không còn nơi nào để trốn thoát. Suy cho cùng, cha mẹ là những người không ổn định về mặt cảm xúc và con cái là người đau khổ nhất.

Làm thế nào cha mẹ có thể kiểm soát cảm xúc của mình?

“Định luật Festinger” trong tâm lý học cho chúng ta biết: “Cuộc sống là 10% những gì xảy ra với bạn và 90% còn lại là cách bạn phản ứng với những điều đó”. Đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau với con cái, cách chúng ta giải quyết về mặt cảm xúc thực sự quyết định phần lớn hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.

Để tránh coi trẻ là “thùng rác”, chúng ta có thể áp dụng 3 mẹo sau:

1. Duy trì nhận thức về cảm xúc

Chúng ta phải thừa nhận rằng khi đối mặt với sai lầm của con cái, ngay cả những bậc cha mẹ ổn định nhất về mặt cảm xúc cũng có thể mất kiểm soát. Nhưng chúng ta phải nỗ lực để duy trì nhận thức về cảm xúc. Khi nhận thấy vấn đề với sự ổn định cảm xúc của mình, hãy tự nhủ trong lòng: “Hiện tại tôi đang rất tức giận”. Có thể duy trì nhận thức về cảm xúc là bước đầu tiên để kiểm soát cảm xúc của chính bạn.

2. Xử lý cảm xúc kịp thời

Sau khi nhận thấy mình đang tức giận, đừng ngần ngại rời khỏi môi trường đó, đặc biệt tránh xa con cái để tránh trút cảm xúc tiêu cực lên con. Chuyển sự chú ý của bạn sang điều khác để bình tĩnh lại.

3. Thay thế việc phàn nàn về vấn đề bằng hành động

Cuối cùng, vì vấn đề đã xảy ra nên việc giải quyết vấn đề là quan trọng nhất, khi cảm xúc đã lắng xuống, chúng ta có thể dùng những hành động thiết thực để thay thế những lời phàn nàn về vấn đề đó và con cái. Chỉ bằng cách cho phép trẻ thoát khỏi tâm trạng tự trách mình thì vấn đề mới được giải quyết tốt hơn. 

Sự ổn định về tình cảm của cha mẹ là mảnh đất tốt nhất cho con cái phát triển lành mạnh, đồng thời cũng là nguồn hạnh phúc nuôi dưỡng con cái suốt cuộc đời. Mong rằng mỗi bậc cha mẹ có thể trở thành một “kim châm cứu êm dịu” chữa lành cảm xúc cho con cái, thay vì là cây kim “mang độc tố của chính mình” và đẩy con ngày càng xa hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog