Con sẽ là một em bé hiếu thảo nếu ba mẹ thực hiện sớm 3 điều quan trọng này
Những đứa trẻ hiếu thảo là những đứa trẻ thường được nuôi dạy từ sự quan tâm, yêu mến đúng cách của ông bà, cha mẹ.
- 2 câu chuyện khiến nhiều cha mẹ giật mình nhận ra vì sao con cái sau này xa cách, không hiếu thảo
- Giáo sư chỉ ra 4 tính xấu của cha mẹ dễ khiến con lớn lên không hiếu thảo
- 3 dấu hiệu nhỏ trên bàn ăn cho thấy con bạn rất hiếu thảo
Từ xưa đến nay, hiếu thảo là một trong những đức tính được ông bà, cha mẹ cực kỳ coi trọng. Đó cũng là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào lớn lên cũng giữ được đức tính này. Đặc biệt, nó có liên quan mật thiết tới yếu tố giáo dục gia đình. Để con lớn lên trở thành một em bé hiếu thảo, ba mẹ nên thực hiện 3 điều này càng sớm càng tốt.
1. Dạy cho trẻ những bài học cơ bản về sự quan tâm và tình yêu thương
Những em bé chỉ mới vài tuổi cũng có thể bày tỏ tình yêu và sự quan tâm dành cho bố mẹ thông qua những cử chỉ, hoạt động hàng ngày. Không chỉ với bố mẹ, ông bà, con có thể dành sự chăm sóc cho những vật nuôi, các công việc hàng ngày trong cuộc sống.
Cha mẹ nên dạy con biết yêu thương, san sẻ các công việc nhà hoặc bất kì sự việc nào, đơn giản như đi chơi, đi du lịch, học tập…Ví dụ: Nắng chiếu vào nhà thì biết kéo rèm cửa, thấy vũng nước trên sàn thì phải biết lau khô… Tự bản thân đứa trẻ sẽ trở nên vô tâm nếu cha mẹ lo toan hết mọi thứ, và cướp đi cơ hội để trẻ hiểu và học được điều này.
2. Yêu thương nhưng không bao bọc thái quá
Bao bọc con quá mức là khi bố mẹ luôn có xu hướng cố bảo vệ con tránh khỏi tất cả những thử thách của cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trẻ cần phải đối mặt với những khó khăn, tự rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Bố mẹ không sống cả đời cùng con cái, càng giúp con tự lập sớm sẽ càng giúp bé tự tin trên cuộc sống tương lai.
Trong cuộc sống, chúng ta từng chứng kiến nhiều đứa trẻ dù đã lớn những vẫn chưa thể tự lập, có thể là do bố mẹ đã bao bọc con quá mức. Dưới đây là 3 biểu hiện khiến không ít phụ huynh nhận ra mình đang dạy con sai cách.
– Bênh con chằm chặp: Ngoài việc khen ngợi con quá nhiều, cha mẹ yêu thương con quá mức thường hay mắc lỗi bênh con chằm chặp. Không ít những ông bố, bà mẹ lao vào đánh bạn cùng lớp của con, vì cho rằng chúng bắt nạt con mình. Chỉ cần con về “tâu”: “Bạn A đánh con, bạn B cấu…” là người lớn sửng cồ, không cần biết đúng sai. Tuy nhiên có không ít trường hợp, con bạn và đứa trẻ học cùng lớp đều thuộc hạng “một chín một mười”. Lúc nào cũng nghĩ “con tôi ở nhà ngoan lắm” rồi quy kết mọi đứa trẻ khác là sai khi mâu thuẫn với con mình, vô tình người lớn sẽ làm hư con.
– Liên tục gọi điện giám sát: Cha mẹ thường xuyên gọi điện thoại cho giáo viên của con để cập nhật tình hình của chúng ở lớp. Con không thể sang nhà bạn chơi mà không nhận điện thoại của phụ huynh mỗi giờ. Con chơi gì, với ai cũng phải báo cáo cho bố mẹ thường xuyên. Cha mẹ bắt con tường trình các hoạt động trong ngày…
Cách quan tâm con như thế này sẽ làm hại con nhiều hơn là yêu con. Bởi điều đó cho thấy phụ huynh đang không có lòng tin ở con mình. Việc suốt ngày hỏi con đi đâu, làm gì, chơi với ai… sẽ khiến chúng cảm thấy ngột ngạt. Con cần tình thương hơn chứ không cần sự giám sát như 1 tội phạm. Cách yêu thương này của cha mẹ dễ khiến trẻ trở nên dối trá. Chúng sẽ không thực sự thành thật tâm sự về những người bạn, những mối quan hệ mới của chúng.
– Làm hết việc thay con: Nhiều cha mẹ nhận hết công việc nhà vì thương con học hành vất vả, chỉ muốn trẻ chuyên tâm vào việc học, thương con sức khỏe yếu, sợ chúng bẩn quần áo. Tuy nhiên, sự quan tâm này của bố mẹ vô tình sẽ biến con thành 1 đứa lười biếng, ỉ lại, sống dựa dẫm vào người khác. Làm việc nhà sẽ giúp trẻ có những trải nghiệm và khả năng tự giải quyết nhiều vấn để của mình trong cuộc sống. Trẻ sẽ có trách nghiệm hơn, mai mốt con ra ngoài xã hội sẽ không bị bỡ ngỡ.
Bên cạnh việc học, trẻ cần được tham gia vào các hoạt động của gia đình như dọn dẹp, trò chuyện, vui chơi cùng các thành viên, trồng cây với cha mẹ, ông bà, dọn cơm, đón khách… Đó là cách bạn thực sự yêu trẻ vì thông qua đó bạn dạy trẻ biết cách san sẻ, yêu thương và quan trọng hơn là chỉ nói suông một thông điệp “chúng ta là 1 gia đình”.
3. Yêu thương, chăm sóc cha mẹ của mình, giúp con biết về ông bà
Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Những điều bố mẹ làm sẽ được các bé “sao chép” và noi theo một cách nhanh chóng. Trẻ thường không nghe những gì người lớn nói, nhưng con có thể bắt chước và làm theo. Chính vì vậy, cách bạn quan tâm và chăm sóc ba mẹ của mình cũng chính là cách trẻ sẽ quan tâm và chăm sóc chính bạn khi về già.
Khi thấy cha mẹ mình quan tâm, yêu thương ông bà, trẻ tự khắc sẽ hình thành tình cảm, biết bày tỏ lòng yêu thương ấy. Nếu cha mẹ xa lánh, ít nói chuyện, thậm chí là tỏ thái độ cáu gắt, quát mắng thì trẻ cũng dễ dàng học theo điều này. Hãy xây dựng tình yêu thương của con cái với ông bà bằng những hành động đơn giản, ngay từ việc về thăm cha mẹ thường xuyên, tụ họp gia đình.