Đi chơi vẫn cho con “lỉnh kỉnh” mang theo bài tập về nhà, nữ MC nổi tiếng giải thích lý do mà được khen “bà mẹ kiểu mẫu”

8 mins read
Đi chơi vẫn cho con “lỉnh kỉnh” mang theo bài tập về nhà, nữ MC nổi tiếng giải thích lý do mà được khen “bà mẹ kiểu mẫu”

Là một MC, diễn viên nổi tiếng, Đan Lê còn khiến nhiều người ngưỡng mộ vì có cuộc sống hạnh phúc bên đạo diễn Khải Anh và hai con. Cô cũng nhiều lần được khen là bà mẹ dạy con khéo của showbiz Việt. Nhiều chia sẻ về chuyện dạy con của nữ MC nhận về hàng ngàn lượt yêu thích và bình luận.

Mới đây, Đan Lê kể chuyện cho con đi chơi nhưng vẫn bắt con làm… bài tập. Quan điểm này có vẻ hơi đi ngược số đông bởi thông thường phụ huynh sẽ tách bạch chuyện học, chơi để con được có khoảng thời gian thư giãn thoải mái nhất. Tuy nhiên, bà mẹ nổi tiếng cho rằng, cô vẫn khuyến khích con hoàn thành bài vở trước chuyến đi, trường hợp nếu chưa kịp xong thì mang đi làm nốt.

Cô cho biết, với 2 bạn nhỏ nhà mình, việc mang sách vở, bút viết, máy tính… theo những chuyến đi không phải lạ. Nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ đông, nghỉ tây, nghỉ dài, nghỉ ngắn, nghỉ gì cũng mang đi hết. “Tất nhiên, tụi nhỏ chẳng thích lắm đâu. Nhưng khi đã trở thành nguyên tắc rồi thì cứ thế mà làm các bạn ạ”, nữ MC chia sẻ.

Đi chơi vẫn cho con

Con trai Đan Lê đi chơi vẫn làm bài tập.

Trong những chuyến đi chơi, các con của cô sẽ tranh thủ 1 tiếng buổi sáng và buổi chiều để làm bài. Nếu vẫn không hoàn thành vì thiếu tập trung thì mất “quyền lợi” (ở khách sạn học bài khi cả nhà đi chơi).

Nữ MC cũng chỉ ra những lợi ích học bài khi đi chơi được nhiều phụ huynh đồng tình:

“1. Động lực hoàn thành: Do chị mẹ và anh bố rất nghiêm nên các bạn nhỏ hiểu 4 nguyên tắc trên là bất di bất dịch. Không có chuyện vì thương, tội hay sợ lỡ kế hoạch của gia đình… mà nhân nhượng và phá vỡ nguyên tắc.

Gì chứ tụi nhỏ này thông minh lắm, tụi nó luôn biết “điểm yếu” của người lớn là gì. Ví dụ như: Mang bộ mặt tội nghiệp đáng thương này, ngồi ì ở bàn thi gan xem ai kiên nhẫn hơn này, năn nỉ ỉ ôi về con làm bù này… Chỉ cần 1 phút yếu lòng là thôi đấy nhé, lần sau tụi nó lại thao túng cho mà xem.

Được cái, làm bài khi đi chơi khiến tụi nhỏ có động lực và tập trung hơn nhiều. Nên thường thì sau ngày đầu tiên sẽ hoàn thành toàn bộ khối lượng để những ngày còn lại vui chơi xả láng.

2. Tập thích ứng với mọi hoàn cảnh: Việc tụi nhỏ thay đổi môi trường nhưng vẫn hoàn thành các việc quen thuộc như học tập sẽ tạo cho trẻ khả năng biết thích nghi và tôn trọng mục tiêu.

3. Biết lên kế hoạch: Việc để tụi nhỏ tự cân đối giờ học trong những chuyến đi chơi, sắp xếp việc nào làm trước, việc nào làm sau, nhận thức tốc độ hoàn thành công việc ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian vui chơi… sẽ giúp tụi nhỏ sớm ý thức được lợi ích của phân bổ công việc hợp lý. Những trải nghiệm thực tế này theo mình có ích gấp vạn lần lời khuyên, giáo huấn của cha mẹ.

4. Hiểu rõ “Có làm thì mới có ăn” hay “Xong sớm nghỉ sớm”: Tựa như người lớn, tụi nhỏ cũng cần biết rằng “Có học thì mới có chơi” và đằng nào cũng phải làm, chi bằng vui vẻ làm xong sớm sẽ có nhiều thời gian thoải mái hơn”.

Đi chơi vẫn cho con

MC, diễn viên Đan Lê

Hiếm khi kèm con học, không quá áp lực về thành tích

Dù nghiêm khắc trong chuyện làm bài tập, tuy nhiên, Đan Lê từng chia sẻ, cô luôn muốn hai con được vui vẻ, hạnh phúc, ngoan ngoãn và không cần quá áp lực về thành tích.

Trên trang cá nhân, MC Đan Lê chia sẻ: ” Hành trình hay kết quả. Có thể nói: Mình là một chị mẹ dở hơi cám hấp. Ít nhất là trong mắt chị mẹ của mình. Vì mình chẳng bao giờ quan trọng kết quả. Với mình kết quả là hệ quả của hành trình chứ không phải mục đích. Và vì thế, mình thường tập trung vào trải nghiệm và đón nhận kết quả như một món quà chứ ít đặt mục tiêu khi bắt đầu làm việc gì đó.

Quan điểm này theo mình trong cả cách chăm sóc và dạy dỗ con cái. Ví dụ: Mình luôn đi họp phụ huynh, nhớ mọi nội dung trong cuộc họp, nhớ tên, tính cách các bạn của con mình nhưng hầu như chẳng bao giờ nhớ xếp loại học lực của các con.

Năm nào 1/6, cơ quan, tổ chức tặng quà học sinh giỏi là mình cũng phải về hỏi tụi nhỏ xếp hạng, giấy khen và rồi kiểu gì cũng lại quên nộp. Thế là huề cả làng. Đấy, học chính còn thế nữa là học phụ“.

Cô cho biết, với mình, chỉ cần các con được an toàn, vui và không bỏ cuộc. Bởi các con chưa có đủ kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức để đề phòng, đối phó với rủi ro, nguy hiểm nên cần được người lớn đảm bảo an toàn. Nếu hành trình đủ vui con sẽ tự tìm cách khám phá, học hỏi. Còn nếu không, cha mẹ, thầy cô có bắt ép cũng vô ích. Đó là lý do cô chẳng bao giờ đòi hỏi con biết đánh một bản nhạc, thuộc một điệu nhảy, giỏi một kỹ năng… khi kết thúc hành trình nào đó.

Mọi việc đều cần thời gian trải nghiệm và tìm câu trả lời nên không bỏ cuộc, ở chừng mực nào đó là cần thiết để khám phá bản thân và có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình. Khi hành trình đảm bảo các yếu tố này, chắc chắn kết quả không bao giờ tệ và bố mẹ, con cái cũng chẳng áp lực, căng thẳng với nhau.

MC cũng từng chia sẻ, ở nhà, rất hiếm khi cô ngồi xuống cầm tay con tập viết hay dạy con từng chữ A, B, C. Cô cũng không ngồi kèm, làm bài tập cùng con. Nếu có, chỉ giảng giải cho con về lợi ích của việc học tập, sự cần thiết của kiên nhẫn trong học tập, hướng dẫn con cách tư duy trước 1 bài tập khó, 1 môn học khó…

“Mình cho rằng: Dạy và học kiến thức ở trường, cô giáo làm tốt hơn mẹ, mẹ chỉ nên phối hợp với giáo viên, gia sư để hướng dẫn con về tư duy, theo dõi, khuyến khích để con phát huy khả năng và góp ý, định hướng cho con (nếu được con hỏi ý kiến). Tuy không kèm con học nhưng mình lại rất, rất được 2 bạn nhỏ tín nhiệm. Đến giờ mình vẫn là chị Google của các bạn ý, mình sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc trong cuộc sống của 2 bạn”, nữ MC chia sẻ.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Time limit exceeded. Please complete the captcha once again.

Latest from Blog