Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhu cầu về nhà ở đối với người dân tại các tỉnh “đổ về” các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… ngày một lớn. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã “đón đầu” bằng việc xây dựng tổ hợp nhà ở theo dạng chung cư mini, nhất là các khu vực tập trung nhiều trường đại học lớn như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm,…
Các tòa chung cư mini này được xây dựng trên diện tích nhỏ, nhiều căn nằm sâu trong ngõ ngách với quy mô từ 5 – 10 tầng và xen kẽ trong các khu dân cư. Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư khi xây dựng đều đưa ra lý do ban đầu là nhà ở sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ. Thậm chí do tham lợi nhuận, nhiều người cố gắng tận dụng tối đa quỹ đất nên ít làm lối thoát hiểm, cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy chỉ mang tính hình thức nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Chị Lê Thị Hằng, một người dân sinh sống ở gần các tòa nhà chung cư mini trên địa bàn Quận Thanh Xuân cho biết, với diện tích nhỏ, được xây dạng hình ống, mật độ cư dân đông, nên khi xảy ra cháy ở dưới tầng hầm thì coi như sự sống của số đông người dân phía trên bị đe dọa, gặp nguy hiểm, không biết thoát nạn đi đâu.
Còn theo anh Nguyễn Văn Nam, người nhà của nạn nhân trong vụ cháy vừa xảy ra ở phường Khương Đình, do điều kiện kinh tế, thu nhập thấp nên hầu hết các phòng trọ ở các chung cư mini được các gia đình vừa dùng để ở và nấu nướng trong không gian nhỏ hẹp. Chính vì thế hiểm họa cháy nổ luôn rình rập bất cứ lúc nào.
Đưa các nạn nhân vụ cháy chung cư mini (Khương Đình, Thanh Xuân) (Ảnh KT)
“Bây giờ các chung cư mini người ta thường xây như chuồng cọp, không có lối thoát hiểm. Phần lớn các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm nên rất khó kiểm soát nếu có bảo vệ trực thì đỡ hơn”, anh Nam bức xúc.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, chuyên gia phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Tào Ngọc Tùng, Trung tâm Huấn luyện PCCC Hà Nội – PCCC Vinasafe cho rằng, hiện nay, việc quản lý nhà nước đối với các loại hình nhà chung cư mini đang còn rất nhiều vấn đề bất cập. Theo Nghị định 136 năm 2020 quy định nhà ở kết hợp hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu có tổng diện tích trên 300m2 là do công an cấp quận, huyện quản lý. Còn nếu nhà ở kết hợp hoạt động sản kinh doanh có tổng diện tích dưới 300m2 thì do Ủy ban nhân dân cấp xã, phường quản lý. Còn trên thực tế khi xây dựng các chung cư mini, chủ đầu tư bao giờ cũng xin giấy phép xây dựng nhà ở độc lập, nhưng sau đó đã thay đổi thay đổi công năng và nhiều vấn đề khác nên rõ ràng loại hình chung cư mini hiện nay đa phần chưa được đảm bảo về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Phần lớn chỉ dừng lại ở việc trang bị các bình chữa cháy xách tay nhưng chưa đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng; hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước trong nhà, ngoài nhà… nhiều nơi không hề có.
“Tôi nghĩ rằng các chủ đầu tư có thể cũng nhận thức được vấn đề này nhưng tất cả là vì lợi nhuận nên phần lớn họ đều cho xây dựng chung cư mini vượt tầng cao, và xem nhẹ các điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy”, ông Tùng chia sẻ.
Trong khi lẽ ra với mật độ dân cư, chiều cao của tòa nhà như vậy phải có đầy đủ hệ thống chữa cháy, hệ thống báo cháy… theo tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn cho người dân. Thậm chí phải có ban quản lý tòa nhà, tức là phải có người đại diện để chịu trách nhiệm thực hiện các quy định an toàn cháy nổ. Nhưng thực tế hiện tại, nhiều tòa chung cư dạng này không có. Chủ đầu tư khi hoàn thành xây dựng và bàn giao xong là họ dồn hết mọi trách nhiệm cho các cư dân sinh sống tại đây.
“Tối thiểu phải có bình chữa cháy, bộ phận bảo vệ thì phải được tập huấn phòng cháy, chữa cháy và chủ đầu tư định kỳ hằng năm phải tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, phòng cháy, chữa cháy cho các cư dân sống ở chung cư của mình để trong trường hợp nếu xảy ra cháy nổ thì chính người quản lý của các chung cư mini này lập tức xử lý các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, điều đó sẽ tốt hơn rất nhiều và đương nhiên sẽ không bao giờ để lại hậu quả đau đớn như vụ cháy chung cư vừa qua”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ngoài ra một thách thức nữa cũng được ông Tùng nhắc tới, đó là phần các chung cư mini hiện nay đều được xây dựng trong các ngõ, ngách nhỏ nằm sâu trong khu dân cư, đường giao thông xung quanh nhỏ, hẹp, dẫn đến khi xảy ra cháy nổ, xe chữa cháy, xe thang gặp khó khăn trong việc tiếp cận và triển khai hoạt động chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Không có bài học nào đau xót hơn là phải trả giá bằng mạng sống con người. Bởi vậy, sau thảm kịch đau lòng vừa qua, ông Tùng cho rằng các cơ quan đơn vị, chủ đầu tư các dự án chung cư, đặc biệt là những chung cư mini cần nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ các yêu cầu liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy, khuyến cáo người dân chủ động mua sắm thêm các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Định kỳ kiểm tra các phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã trang bị và đảm bảo hoạt động hiệu quả. Đảm bảo rằng hệ thống điện trong phòng trọ, chung cư mini được lắp đặt và sử dụng an toàn và thương xuyên kiểm tra thay thế, khắc phục những nguy cơ mất an toàn về điện có thể gây cháy, nổ.
Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ năng, cách sử dụng các phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy cho quản lý, bảo vệ và người thuê trọ. Tổ chức cuộc diễn tập phòng cháy chữa cháy định kỳ để đảm bảo tất cả cư dân, người thuê trọ biết cách ứng phó, sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.
Chuyên gia Tào Ngọc Tùng hướng dẫn, khuyến cáo kỹ năng thoát nạn khi có cháy nổ tại chung cư, nhà cao tầng.
Nếu không còn khả năng dập tắt đám cháy thì bằng mọi giá người dân phải tìm cách thoát hiểm thoát nạn. Bằng mọi giá cư dân cố gắng di chuyển bằng thang bộ xuống tầng 1 để rời khỏi các chung cư mini.
Trong trường hợp không xuống được tầng 1 cần di chuyển lên tầng cao nhất là lên sân thượng, (lưu ý cần phải đánh giá tình hình thực tế, bởi mỗi một hiện trường vụ cháy lại khác nhau). Nếu phát hiện đám cháy muộn thì có thể là khói tích tụ nhiều trên tầng cao nhất. Đặc biệt trong khói thì khí CO vô cùng nguy hiểm, chỉ vài giây thôi là có khả năng nạn nhân bị ngất và ngất sau 10 phút mà không được sơ cứu thì chắc chắn sẽ tử vong.
Đối với trường hợp không xuống thấp và cũng không lên cao được thì cố gắng chạy cách xa đám cháy tầm khoảng 3 đến 4 tầng hoặc có thể ở luôn trong căn hộ của mình, đóng chặt cửa lại, dùng quần áo nhúng nước bịt kín tất cả các khe hở để ngăn khói độc tràn vào căn hộ của mình. Cố gắng kéo dài sự sống trong vòng 10 đến15 phút để đợi lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đến để giải thoát.
Nếu phải băng qua lửa hoặc khói, phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc chăn, quần áo, khăn ướt trùm lên đầu và mặt.
Đồng thời, khi di chuyển cần cúi khom và men theo tường. Khi mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa tránh để lửa tạt vào người, nếu nhiệt độ quá cao phải tìm lối thoát hiểm khác. Nếu không có lối thoát phải chạy ra cửa sổ, ban công ra hiệu và gọi điện cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 114.
Người dân có thể dùng đồ vải nối lại hoặc thang dây để leo xuống đất. Không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không sử dụng thang máy khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Trên đường di chuyển thoát nạn cần thông báo cho mọi người ở các căn hộ liền kề và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết có sự cố cháy, kịp thời thoát nạn.
Trong quá trình thoát nạn mọi người cần hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt chú ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người.