Mới đây, đoạn clip quay lại cảnh một cặp vợ chồng đã ly hôn ở Giang Tây, Trung Quốc tranh cãi trước cổng trường của con đã khiến dư luận chú ý và bàn tán sôi nổi.
Được biết, ngày 9/9, tại cổng một trường học, một người phụ nữ đã đến đón con tan học. Không lâu sau, một người đàn ông khác đã bước tới giật tay đứa trẻ và họ đã tranh cãi nảy lửa, còn đứa con thì bật khóc ngay bên cạnh. Tình huống ồn ào này đã thu hút sự chú ý của người xung quanh.
Theo tìm hiểu, hai người lớn này là cha mẹ của học sinh nhưng đã ly hôn. Vào thời điểm xảy ra sự việc, quyền nuôi con nằm trong tay người cha. Đôi bên đã có thỏa thuận thời gian thăm con cố định của người mẹ. Tuy nhiên, vì quá nhớ con nên chị đã đến đón con tan học mà không báo trước. Việc này khiến người đàn ông rất tức giận, còn người phụ nữ thì khăng khăng cho rằng với vai trò làm mẹ, chị có quyền gặp con bất cứ lúc nào.
Hai người đã xô đẩy cãi qua cãi lại suốt một thời gian dài, cho đến khi có người qua đường can ngăn thành công. Suốt quá trình mâu thuẫn này, họ hoàn toàn không để ý đến đứa trẻ – nhân vật chính đang bị tranh giành khóc nấc ở bên cạnh.
Đoạn video này sau khi được đăng tải lên mạng đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi. Nhiều cư dân mạng cho rằng, nhìn bề ngoài thì giống như ông bố bà mẹ này yêu con thương con, nhưng thực chất họ không hề quan tâm đến cảm xúc của con cái. Đứa trẻ chắc chắn là người bị tổn thương nhiều nhất, dù cả hai bên đều khẳng định có tình yêu lớn lao với đứa trẻ nhưng tình yêu này đến cuối cùng lại trở thành tổn thương.
Một số người còn cho rằng hành vi này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ và có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như kém tự tin và trầm cảm khi trẻ lớn lên. Cha mẹ nên tôn trọng sự lựa chọn của con và cân nhắc kỹ lưỡng đến cảm xúc của con, không nên coi sự lựa chọn của mình là đúng đắn và là tình yêu tốt đẹp nhất dành cho con.
Nếu những bậc cha mẹ này thực sự yêu thương con cái thì nên gác lại những mâu thuẫn, cãi vã và dành nhiều thời gian, sức lực hơn cho việc giáo dục cũng như chăm sóc sức khỏe tinh thần của con. Ngay cả khi không thể chung sống với nhau nữa thì cũng nên chia tay trong hòa bình, tránh nói xấu, hạ bệ đối phương. Chỉ bằng cách này, trẻ em mới nhận được sự chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất và lớn lên trong môi trường lành mạnh, hạnh phúc.
Nguồn: 163